Chuyện về những chủ đề khét tiếng
Những kẻ sa chân vào lô đề dù biết trước được “bản án” và kết cục nhưng vẫn như những con thiêu thân với ham muốn đổi đời. Vận may đâu không thấy, chỉ thấy những gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng ly dị, con cái bỏ học lêu lổng.
Thầu đề xuyên quốc gia
Trong quá trình thực hiện loạt bài về vấn nạn lô đề đang “bùng nổ” tại nhiều địa phương của cả nước, có những câu chuyện, có những kết cục đau lòng chúng tôi được nghe, được thấy về tình trạng này, dù có không ít đường dây lô đề bị truy quét nhưng đó chỉ phần nổi của tảng băng trôi, ẩn sau sự bình yên là nhiều đường dây cá độ, lô đề vẫn hoạt động từ nông thôn tới thành thị.
Cách đây hơn 1 tháng, người dân Sài Thành chợt gột đi được nỗi lo khi “ông trùm” lô đề Trần Văn Thịnh (SN 1969, ở đường Nguyễn Thái Bình, phường 4, quận Tân Bình) bị bắt.
“Ông trùm” lô đề đất Sài Thành- Trần Văn Thịnh
Bản lý lịch trích ngang của Thịnh cũng đầy chiến tích: Năm 2006 Thịnh đã từng ngồi tù 25 tháng tại trại giam Bố Lá (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) về tội tổ chức đánh bạc. Ra tù “ngựa quen đường cũ” và đến năm 2008, Thịnh tiếp tục sa lưới và bị tuyên mức án 2,5 năm tù cùng về tội danh trên.
Tuy nhiên không hiểu vì sao ngay sau đó Thịnh được tại ngoại. Được tự do, Thinh trở nên “cáo già” hơn khi thành lập, móc ngoặc với một số đối tượng nước ngoài hình thành nên tổ hợp thầu đề xuyên quốc gia.
Trong đường dây này, Trương Thị Thu Thúy (SN 1972, ở chung cư KCN Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) là mắt xích cực kỳ quan trọng của Thịnh. Căn nhà của Thúy lúc nào cũng có gần chục người làm thuê chỉ mỗi nhiệm vụ túc trực ghi đế với tiền công là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Đường dây lô đề do Thịnh và Thúy (ảnh nhỏ) bị đánh sập ngày 5/11/2010
Cứ 4h chiều mỗi ngày, sau khi “khóa sổ”, Thúy sẽ tổng hợp các phơi đề do những người làm công nói trên chuyển giao. Sau đó Thúy sàng lọc, giữ lại một ít phơi đề để thầu, số còn lại Thúy chuyển giao cho Trần Văn Thịnh để hưởng tiền hoa hồng.
Ngoài đầu mối phơi đề do Thúy chuyển giao, Thịnh còn gây dựng nhiều chi nhánh khác. Sau khi tiếp nhận, Thịnh cũng sẽ sàng lọc, giữ lại một ít phơi đề, số còn lại Thịnh thuê Bùi Văn Chinh (SN 1966, ở đường Trần Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM) nhập số liệu vào máy vi tính rồi gửi qua mạng Internet cho một đối tượng tên Lai tại Campuchia, để hưởng tiền hoa hồng. Mọi việc chung chi số tiền thắng thua giữa Lai và Thịnh đều thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Thế nhưng, dù hoạt động tinh vi, Thịnh cùng đường dây của mình cuối cùng cũng sập bẫy và bị lực lượng chức năng phát hiện triệt xóa. Rồi đây, Thịnh và những đối tượng khác sẽ đối diện với bản án đã được dự báo trước khi vướng chân vào “kiếp đỏ đen”.
“Nữ quái” và kế hoạch xây dựng “chân rết” lô đề bị phá sản
Nghệ An những năm cuối thập kỷ 90, khắp nơi rộ lên hiện tượng chơi lô đề với quy mô lớn. Nạn lô đề hoành hành trong một thời gian dài khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn. Sau thời gian bị truy quét mạnh, nạn lô đề tạm lắng xuống. Bẵng đi thời gian, tệ nạn đánh bạc dưới hình thức số đề lại có chiều hướng phát triển trở lại. Dọc các tuyến đường trên địa bàn TP Vinh, kể cả trong các ngõ hẻm chiều chiều lại bắt đầu xuất hiện những điểm ghi đề nhỏ lẻ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, các lực lượng an ninh đã bắt và xử lý hàng trăm vụ đánh bạc dưới hình thức số đề, làm giảm cơ bản về bề nổi các vụ mua bán số đề trên các tuyến phố.
Nhóm “nữ quái” và kế hoạch xây dựng “chân rết” lô đề bị phá sản ở T.P Vinh
Video đang HOT
Tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Vinh xác định vẫn có một số người lén lút mua bán, gom số đề cho các chủ đề để lấy hoa hồng. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho tình trạng mua bán số đề tiếp tục tái diễn ngày một phức tạp với các thủ đoạn tinh vi hơn.
Thông qua các biện pháp trinh sát, CQĐT đã xác định được ít nhất hiện tại trên địa bàn thành phố Vinh đang có 5 chủ đề lớn, hàng ngày thu gom đề để chuyển ra cho các chủ đề tại Hà Nội. Trong đó có sự xuất hiện của một số “nữ quái” cầm đầu đường dây.
Một trong 5 điểm đó được Công an TP Vinh đưa vào tầm ngắm chính là đường dây do Trương Thị Lý (SN 1973), trú tại khối 10 phường Quang Trung và Hồ Thị Thân (SN 1973), trú tại khối 10 phường Hà Huy Tập – TP Vinh cầm đầu. Các tài liệu qua xác minh cho thấy, những đối tượng này đã thực hiện việc thu gom đề đã 3 – 4 năm nay. Tính trung bình, hàng ngày Lý và Thân thu gom và chuyển ra Hà Nội hàng trăm triệu đồng.
Tang vật của một vụ triệt phá lô đề
Để thực hiện được điều đó, hàng ngày đích thân Hồ Thị Thân đứng ra thu gom bảng đề của các chủ đề chân rết như Hồ Thị Hiền (SN 1966) ở xóm 20 xã Nghi Phú, Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1972) ở xóm 13 xã Nghi Phú – TP Vinh. Những chân rết này lại tiến hành thu gom bảng đề của một số vệ tinh khác trên địa bàn thành phố rồi chuyển lại cho thị Thân và thị Lý.
Để đảm bảo bí mật, số đối tượng này không trực tiếp giao bảng đề cho nhau mà chỉ chuyển qua máy Fax hoặc sử dụng điện thoại di động để nhắn tin. Việc thanh toán tiền của ngày hôm trước được thực hiện vào sáng ngày hôm sau.
Đầu tháng 9/2009, Công an TP Vinh đã huy động một lực lượng lớn tham gia phá án và truy quét được các đối tượng nói trên.
Kiếp lô đề “đè chết” giấc mơ con…
Nhiều kẻ chơi đề luôn mong đợi chỉ cần bỏ ra ít tiền, nếu trúng sẽ thắng lớn nhưng niềm vui trúng lô đề chưa kịp đến, nhiều “ma đề” thường ngập trong chuỗi ngày cay đắng vì thất bại.
Có lẽ, những ngày rơi vào lao lý, Trần Văn Công (23 tuổi, ở Đại Từ, Thái Nguyên) mới thấm thía hết nổi niềm cay đắng phải trả giá khi lỡ vướng vào lô đề.
Công là sinh viên năm cuối một ĐH ở Hà Nội. Bản ngã lô đề đã xô đẩy Công đánh rơi sự nghiệp của mình chỉ vì muốn có tiền trả nợ.Và hệ quả, dù biết trước nhưng Công vẫn dấn thân, để rồi giờ đây, với hành vi “trộm cắp tài sản”, chàng sinh viên năm cuối hối hận cũng không kịp.
Giấc mơ đổi đời của Công giờ đây là những tháng ngày đếm ngược trong vòng lao lý. Ảnh: CAND
Khoảng 8h ngày 21/11, Công đi xe máy từ nhà bạn ở Mai Động về trường. Khi qua chợ Láng Hạ B, Công phát hiện một chiếc xe máy dựng trước ki-ốt bán giày, dép chìa khóa vẫn cắm trong ổ nên nảy sinh ý định trộm cắp.
Đi một đoạn, Công quay lại và vẫn thấy xe để đó, không có người trông nên phóng lên chỗ gửi xe cách đó hơn 100m và để xe mình lại đây. Sau đó, Công đi bộ tới chiếc Honda Air Blade, ngồi lên đề 2-3 lần nhưng không nổ được máy. Hành vi của Công bị chủ xe phát hiện, tri hô. Mọi người đã đuổi bắt và đưa kẻ trộm tới Công an phường Láng Hạ.
Những ngày rơi vào lao lý, đôi lần Công đã khóc vì sự dằn vặt của mình. Hồi tưởng lại ký ức, Công cho biết khi về theo học tại Hà Nội, chứng kiến nhiều sinh viên khác như mình chơi lô đề kiếm được tiền triệu, thậm chí hàng trăm triệu, Công nghĩ tại sao mình lại không kiếm tiền từ lô đề để đổi đời.
Ban đầu mới chỉ biết đánh đề, sau Công chuyển sang cả đánh lô. Nào lô xiên, lô chéo, kiểu gì Công cũng thử. Ngoài thời gian lên lớp, Công thường dành thời gian nghiên cứu và tính lô. Nhưng trúng đâu không thấy, chỉ biết rằng số nợ chồng chất ngày càng tăng, không có khả năng thanh toán. Phương án cuối cùng được Công lựa chọn là đi ăn cắp lấy tiền trả nợ và tiếp tục chơi lô, đề. Vậy nhưng, giấc mơ đổi đời từ lô đề ấy được Công “gửi” vào nỗi tủi nhục của bố mẹ và đếm ngược thời gian sau song sắt.
“Giấc mơ đổi đời từ lô đề” khiến nhiều kẻ sa chân rơi vào bi kịch.
“Giấc mơ đổi đời từ lô đề” khiến nhiều kẻ sa chân rơi vào bi kịch. Chuyện của Công cũng như nhiều “trùm đề” và các “ma đề” đều bắt đầu và kết thúc như vậy.
Thế nhưng, giờ khắp các tỉnh thành trong cả nước, đâu đâu cũng thấy đánh đề. Từ thành thị tới nông thôn, người dân sa vào lô đề như những con thiêu thân với ham muốn đổi đời từ những con số. Vận may đâu không thấy, chỉ thấy những gia đình tan cửa nát nhà vì đề đóm. Vợ chồng ly dị, con cái bỏ học lêu lổng cũng chỉ vì số đề.
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chuyện về những con đề 'say máu' sa chân làm liều
Từ quê chân ướt chân ráo bước lên thành phố học nhưng theo vòng xoáy lô đề nhiều sinh viên ôm cục nợ không tài nào trả nổi. Đến khi chủ đề đòi theo luật "xã hội đen", cực chẳng đã nhiều bậc cha mẹ phải lặn lội ra thành thị trả tiền "chuộc" con.
Con nghiện đề, cha mẹ vào trả tiền "chuộc"
Khác với mọi thành phố khác, ở TP Huế việc các "gian hàng" ghi đề không được công khai hai bên đường. Các điểm ghi đề thường "núp" trong nhà, quán cà phê... đây là những địa chỉ quen thuộc của người chơi đề biết đến.
Dạo quanh một vòng TP Huế tìm các điểm ghi đề không phải dễ. Nhưng điều dễ nhận thấy là các điểm ghi đề xuất hiện nhiều nhất tại chợ Đông Ba, nơi đây những chủ đề đến tận nơi mời chào ghi nên người ghi ít tốn công sức, ghi bao nhiêu cũng được.
Chiều về, không gian chợ Đông Ba xuất hiện những chủ ghi đề ăn hoa hồng xuất hiện, trên tay cầm cuốn sổ chạy quanh đi khắp chợ mời chào các tiểu thương. Chỉ một vòng quanh cuốn sổ được ghi lên với bao nhiều chữ số.
Cứ chiều về, các khu vực dọc các tuyến đường ở T.P Huế xuất hiện lô, đề mời chào khách
Trong số dân chơi đề ở Huế, điều đáng nói là có rất nhiều sinh viên, chủ yếu là do túng thiếu muốn tìm "hên" nên chơi đề là cách "làm giàu" nhanh nhất. Tại nhiều nơi có sinh viên ở trọ, các chủ ghi đề thường tập trung, nhất là ở đường Trần Phú, Đặng Huy Trứ... khu vực này điểm ghi đề thường tập trung tại các quán cà phê.
Thực tế, "làm giàu" đâu không thấy nhưng để có tiền chơi đề, bao nhiêu đồ dùng học tập như máy tính, xe đạp, điện thoại... đều được sinh viên gửi ở các tiệm cầm đồ hết. Có những lúc hết tiền nhiều sinh viên lại mượn đồ bạn bè đem đi nuôi đề.
Từ việc túng thiếu muốn tìm kiếm vận may, đã không ít sinh viên lâm vào cảnh nợ chủ đề đến lúc không có trả. Để tiếp tục học tập buộc cha mẹ từ ngoài quê mang tiền vào "chuộc" tính mạng của con mình.
Chơi để, đã không ít sinh viên lâm vào cảnh nợ nần ở T.P Huế
Giới sinh viên ở Huế vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của Hùng "thọt". Hùng "thọt" đến từ một miền quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Vẻ bề ngoài ai cũng nghĩ Hùng là "đồ nhà quê". Nhưng đến khi các chủ đề "bắn nợ" về gia đình khiến cả nhà giận tím mặt, bố mẹ khóc lóc suốt ngày.
Là con trai độc nhất nên dù có tức giận đến mấy, dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Hùng "thọt" cũng bán hết trâu bò, lợn, gà, vay mượn vào thanh toán hơn 100 triệu đồng để "chuộc" con.
Thoát nợ, Hùng hứa răm rắp, tỏ vẻ tu tâm học hành, không chơi đề nhưng bố mẹ vừa về quê thì hôm sau Hùng lại mò ra tìm vận may. Đến thời điểm này, vì bị chủ nợ truy lùng ráo riết, số tiền hơn 70 triệu không có trả, Hùng cũng không dám điện về nhà cầu cứu nên chấp nhận bỏ học dở, lang bạt vào miền Nam làm phụ hồ.
Nhịn ăn, lừa bạn lấy tiền chơi lô đề
Không chỉ sinh viên, người dân tham gia chơi đề, mà ở nhiều tỉnh, thành khác, nhiều học sinh còn ngồi trên ghế học đường cũng dấn thân vào vòng xoáy lô, đề.
Hoàng, học sinh THPT thuộc trường chuyên của tỉnh Nghệ An đã vướng vào lô đề gần 2 năm nay. Nhiều người bạn của Hoàng cho biết, do phải xa gia đình về đây học, không có ai quản lý, Hoàng nhanh chóng bị đám bạn cùng dãy trọ rủ rê, vướng vào trò đỏ đen. Lúc đầu, Hoàng chỉ chơi cho biết, sau dần đâm "nghiện".
Một tháng, tiền bố mẹ từ quê gửi ra, Hoàng đều ném vào lô đề. Mỗi khi trúng quả, Hoàng lại kéo các bạn đi liên hoan tưng bừng, chỉ vài hôm lại ở trong tình trạng "móm". Để tiếp tục có tiền phục vụ cuộc chơi, Hoàng nghĩ cách xin thêm tiền học thêm, tiền đóng góp khoản này, khoản nọ... Bố mẹ Hoàng thấy Hoàng gầy rộc hẳn nên cứ nghĩ con mình chăm ngoan, siêng học nên thỉnh thoảng còn gửi tiền thêm tiền, sữa đường bồi bổ.
Nhiều học sinh, sinh viên chơi đến lô đề tìm kiếm vận may. Ảnh minh hoạ
Thế nhưng, hết học kỳ 1 năm cuối cấp, bố mẹ Hoàng nhận tin "sét đánh ngang tai" từ BGH nhà trường: "Đuổi học Hoàng vì nghỉ học quá nhiều". Lúc này Hoàng mới khai thật là vướng vào lô, đề, hiện vẫn còn nợ hàng chục triệu nên không dám đến lớp, do chủ nợ ngày nào cũng đứng ở cổng trường trực sẵn.
Riêng Thắng "mập" cũng có chiến tích không kém cạnh so với Hoàng là bao. Thắng cũng rơi vào cảnh "bỏ của chạy lấy người" khi bị "vỡ nợ".
Thời còn ngồi trên ghế học đường, Thắng "mập" dành thời gian bên cạnh bàn lô, đề nhiều hơn học. Bao nhiêu tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt, tiền thuê trọ, thậm chí tiền vay mượn bạn bè...Thắng càng chơi càng đuối dần với những khoản nợ khổng lồ.
Chân tướng của Thắng chỉ lộ tẩy khi trong lần về nhà, đang ngủ trưa, bất chợt Thắng hét toáng lên: "Trúng rồi, con số 51 và cười sặc sụa trong giấc ngủ". Bố mẹ Thắng khá bất ngờ, nghi hoặc và đến khi đích thân ra trường tìm hiểu mới ngã ngửa khi thấy con mình đã "say đề' nặng.
"Bản án" nợ nần là kết cục tất yếu nếu đã lỡ sa chân vào vòng xoáy lô đề.
Mới đây nhất, cũng vì đã quá sa chân vào lô đề nên Nguyễn Văn Hòa, 47 tuổi, ở tổ 37 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên là nhân viên Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng mỏ đã bị bắt về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Năm 2004, Nguyễn Văn Hòa làm lái xe cho Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng mỏ, chơi khá thân một cán bộ công ty là ông Lê Tự Lực. Biết ông Lực có nhu cầu mua đất để xây nhà ở, Hòa nói như thật rằng vợ anh ta là giáo viên trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải Hà Nội, được nhà trường thanh lý cho nhà tập thể ở 360 Lạc Long Quân (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội). Vì không có tiền nên vợ chồng Hòa phải bán căn hộ trên. Nếu ông Lực muốn mua thì đưa trước cho Hòa một khoản tiền để làm thủ tục thanh lý và nộp thuế, lệ phí trước bạ. Ông Lực đồng ý và đưa cho Hòa 640 triệu đồng trong vòng 4 năm từ 2004 - 2007.
Tuy nhiên, đến thời hạn giao nhà vẫn không thấy Hòa thực hiện như đã giao kèo, ông Lực đi kiểm tra lại mới biết các giấy tờ, quyết định phân nhà mà Hòa đưa cho đều là giả mạo.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hòa khai số tiền chiếm đoạt được của ông Lực đối tượng đã dùng để chơi cờ bạc, lô đề hết.
Câu chuyện của Hoà hay của nhiều học sinh, sinh viên khác đã thể hiện rõ kết cục tất yếu nếu đã lỡ sa chân vào vòng xoáy lô đề. Tuy nhiên, "bản án" nợ nần, tù tội ấy vẫn chưa thức tỉnh được nhiều "ma đề".
Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khi con đề mắc nghiện Các con đề thú nhận, khi đã nghiện đề rồi thì uy lực của nó còn hơn cả ma túy, công việc chẳng muốn làm, trong đầu lúc cũng hiện lên những số đề, bị ma đề khống chế. Bị tâm thần vì đề Hùng trước đây làm kế toán cho một công ty ở thành phố Vinh, nhưng do mê đề, anh...