Chuyện về người lính đã hy sinh trong lũ dữ
3 năm sau ngày hy sinh trong cơn lũ dữ, Trung tá Lê Văn Phượng được truy tặng danh hiệu AHLLVTND thời kỳ đổi mới. Chị Hương vợ anh thay chồng nuôi dạy các con và đứng vào hàng ngũ quân đội, tiếp bước con đường binh nghiệp của chồng.
Liệt sĩ – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới – Lê Văn Phượng
Xả thân trong lũ dữ
Những ngày cuối tháng 9/2009, Quảng Trị bị nhấn chìm trong lũ dữ. Dòng sông Thạch Hãn nước dâng đến 8m, cuồn cuộn chảy như thể sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ nó gặp trên đường ra biển Đông. Tính mạng và tài sản của hàng nghìn người dân đang bị đe dọa.
Ban chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện khẩn cấp lên đường ứng cứu người dân trên địa bàn. Trung tá Lê Văn Phượng (SN 1965, quê xã Thanh Liên, Thanh Chương, Nghệ An) – Trợ lý chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Quảng Trị – cùng 2 đồng đội được phân công ứng cứu nhân dân phường 2, thị xã Quảng Trị. Đang trên đường đi giúp dân, nghe tiếng kêu cứu ở khu vực xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), Trung tá Phượng cùng đồng đội cơ động đến nơi có tiếng kêu cứu.
Ca nô luồn lách tiến sâu vào các ngõ hẻm, những người lính vật lộn với dòng nước lớn để đến với bà con. Người già, trẻ nhỏ đói rét, run cầm cập lần lượt được dìu lên ca nô để di chuyển tới nơi an toàn. Trung tá Phượng cởi chiếc áo bạt đang mặc khoác cho một em nhỏ rồi nhận trách nhiệm lái ca nôi tới vùng đất cao hơn. Trong đêm 29/9/2009, tổ công tác đã cứu được 7 người dân.
Những di vật của liệt sĩ Lê Văn Phượng được vợ con anh cất giữ như báu vật
Về tới đơn vị đã 7 giờ sáng, tất cả đã thấm mệt, do trực suốt đêm nên anh Phượng cùng 2 đồng đội được nghỉ. Nghe còi báo động, miếng lương khô ăn dở được nhét vào túi áo ngực, anh xung phong lên ca nô làm nhiệm vụ tại khu phố 1, 2, 3 và xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị). Khi ca nô đến chân cầu Thạch Hãn, nước chảy xiết, đẩy ca nô mắc vào chân cầu. Nhanh như cắt, anh Phượng nhảy lên mố cầu, hợp sức cùng đồng đội buộc chặt dây giữ cho ca nô không bị lật, tính mạng của các đồng đội đang ngồi trên ca nô được bảo toàn.
Khi cả 5 chiến sĩ bám được lên thành cầu thì cơn sóng lớn ập tới khiến dây giữ bị giằng, ca nô có nguy cơ bị trôi tuột đi. “Các đồng chí, bằng mọi giá phải cứu được ca nô. Nhân dân vùng bị nạn đang kêu cứu. Họ rất cần chúng ta”, vừa động viên các đồng đội, anh Phượng nhảy xuống, đẩy ca nô ra khỏi mố cầu.
Căn nhà xập xệ trước đây, nhờ sự giúp đỡ của các đồng đội, đồng chí, các cơ quan, đơn vị đã được thay thế bằng căn nhà khang trang
Một cơn sóng lớn ập đến, nước lớn chảy xiết tạo thành dòng xoáy lật úp và cuốn trôi chiếc ca nô cùng anh Lê Văn Phượng. Khi mọi người vớt được anh lên, trong túi áo ngực anh vẫn còn một miếng lương khô ăn dở…
“Năm mô anh cũng cắt phép vào tháng 8 âm lịch để về giúp vợ con chạy lũ. Mấy ngày mưa như trút nước, 4 mẹ con hì hục kê đồ đạc lên cao thì anh gọi điện về bảo trong ấy mưa to quá, anh phải đi trực bão cứu dân. Anh động viên tôi cố gắng, mấy hôm nữa nước rút anh về nhưng rồi anh ấy không về…”, chị Phan Thị Hương – vợ liệt sĩ Lê Văn Phương khóc nghẹn ngào, như muốn giãi bày tâm trạng của người vợ gần 20 năm vò võ chờ từng ngày phép của chồng.
Video đang HOT
Bước tiếp con đường anh đã đi!
Ngày nhận được tin dữ của chồng, chị cũng vừa bạc mặt chống chọi với cơn lũ lớn từ con sông Giăng sau nhà đổ về. Chị đổ sập như cây chuối trước bão, đôi mắt mờ đi, nhất quyết không tin điều người ta nói với mình là sự thực. Nhưng anh đã không còn về với chị, với các con được nữa rồi. Đến bây giờ chính chị cũng không thể nào hiểu nổi mình lấy đâu ra sức lực để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Sức mạnh duy nhất giúp chị gắng gượng đứng lên là 3 đứa con của anh chị.
Lê Văn Thắng: “Em đã hiểu hơn nhiệm vụ thiêng liêng của người lính và quyết tâm tiếp bước con đường binh nghiệp của bố”
Chị gượng dậy thay anh phụng dưỡng mẹ già và nuôi dạy 3 đứa con. Việc đầu tiên sau khi hoàn tất việc ma chay cho anh là chị đóng một chiếc tủ. Toàn bộ tư trang, quần áo, vật dụng hàng ngày của anh chị để vào đó, cất giữ như một báu vật. Cả những lá thư ố màu thời gian – sợi dây gắn kết tình cảm giữa cô thôn nữ và anh lính nghèo – cũng được chị cất vào tủ. Từ hồi còn yêu nhau tới tận ngày anh hy sinh, dù đã có điện thoại di động nhưng anh vẫn duy trì việc viết thư tay cho vợ, tặng cho chị những dòng chữ nồng nàn nhớ thương và những vần thơ thấm đẫm tình cảm.
Thư anh gửi về nhiều lắm nhưng trải qua mấy trận lũ lụt, bão bùng, chị chỉ giữ lại được hơn 100 lá. Và cũng chính những lá thư đã ố màu thời gian đã trở thành nguồn động viên lớn lao đối với chị ngày anh đi xa và ngay cả bây giờ.
Anh chị đến với nhau trong nghèo khó, thời gian chị sống với anh, nếu tính bằng tháng chắc chỉ tính trên đầu ngón tay. Mỗi năm anh chia phép làm 2 lần, một lần vào dịp giỗ bố, một lần vào tháng 8 để giúp vợ con chạy lũ. Anh về, đi thăm nội ngoại, dẫn con ra đồng bắt cá, soi ếch, thời gian riêng tư cũng chẳng được bao nhiêu.
Chị gượng dậy sau đau đớn, mất mát quá lớn lao. “Ngày anh mất, căn nhà xiêu vẹo trở nên trống trải hơn. Anh bảo mấy mẹ con cố gắng thêm ít lâu nữa rồi anh về, sửa sang nhà cửa, nâng nền lên cao, mùa lũ cho đỡ khổ. Anh dự định vài năm nữa sẽ xin nghỉ hưu trước thời hạn để về cùng tôi nuôi dạy con cái. Nghỉ hưu rồi, anh sẽ sắm cho vợ cái máy làm đậu phụ, hai vợ chồng cố gắng làm lụng nuôi các con ăn học thành tài. Rứa mà anh không về, anh quên lời hứa với mẹ con chị mất rồi”, chị lại khóc.
Từ ngày anh đi, Lê Văn Thắng (SN 1996) – con trai lớn của anh chị – trở bệnh tim nặng hơn phải bỏ dở một năm học. Năm nay Thắng học lớp 10 nhưng đêm nào chị cũng phải ngủ cùng với con, đề phòng bất trắc. Thằng bé út Lê Xuân Toàn thì non nớt, hồn nhiên, ngày anh đi nó mới được 4 tuổi, chưa hiểu hết nỗi đau mồ côi cha.
Chị Phan Thị Hương – vợ liệt sĩ Lê Văn Phượng – tự hào trở thành đồng đội, đồng chí của người chồng đã ngã xuống
Người phụ nữ mới bước qua cái tuổi 40 phải đối mặt với những đêm dài vời vợi, không có sự ngây thơ và hiếu thảo của các con có lẽ chị đã không thể trụ lại được tới bây giờ.
Nhớ trước ngày trở lại đơn vị, anh còn thưa với bố mẹ vợ: “Hôm nào cho con gửi Hương về nhà bố mẹ một đêm. Đúng ngày cưới của 20 năm trước con sẽ sang đón Hương về. Con sẽ tổ chức cưới lại vợ mình, hồi lấy con, thiếu thốn đủ bề nên Hương thiệt thòi quá…”. Ý nguyện ấy của anh bây giờ là nỗi đau khắc khoải trong lòng chị…
Anh hy sinh, đồng chí đồng đội thương chị góa bụa, một mình chèo chống nuôi 3 đứa con dại, chăm mẹ chồng ốm liệt giường nên đã đề nghị Huyện đội Thanh Chương bố trí công việc cho chị. Chị trở thành quân nhân, tiếp bước con đường binh nghiệp của chồng như thế.
“Thủ trường và các đồng đội, đồng chí luôn tạo điều kiện hết mực cho tôi yên tâm công tác. Thực ra thì công việc của tôi cũng nhẹ nhàng nên cũng có thời gian để chăm lo cho 2 đứa con (con gái chị hiện đang học đại học ở Tp Vinh). Trở thành đồng chí với chồng tôi thấy mình được an ủi nhiều lắm. Được khoác lên mình bộ quân phục như thể tôi có thể nhìn thấy bóng dáng của chồng luôn ở bên mình. Mẹ con tôi sẽ tiếp nối con đường anh đã đi”, chị tâm sự.
Còn Thắng, từ khi bố hy sinh, hiểu nhiệm vụ thiêng liêng của người lính, em đã quyết tâm kế nghiệp bố. “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để thi vào trường quân sự và sẽ trở thành một người lính gan dạ, dũng cảm như bố”.
Theo Dantri
Những cánh thư bi tráng gửi về từ chiến trường
Những bức thư úa màu thời gian, không còn nguyên vẹn vì bom đạn nhưng vẫn chứa chan tình cảm của tiền tuyến gửi về hậu phương. Đó là hàng trăm bức thư của những người lính gửi cho những người vợ, người mẹ nơi quê nhà.
136 bức thư của liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu gửi vợ là chị Hoàng Thị Síu được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4
Chiến tranh đi qua nhưng có một nơi trong lòng thành phố Vinh (Nghệ An), ký ức về những cuộc chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc vẫn hiển hiện, sống động bằng những hiện vật của người lính. Những vỏ đạn pháo, chiếc bình tông hay chiếc dép, chiếc khăn tay của người chiến sĩ được sắp xếp ngay ngắn theo từng khu vực của Bảo tàng quân khu 4.
Trong những hiện vật, kỷ vật tìm kiếm, cất bốc cùng các ngôi mộ liệt sĩ có tên và chưa biết tên có những lá thư đã mủn vì thời gian hay rách nát, thủng lỗ chỗ vì bom đạn chiến tranh. Ở đó có lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ và cả tình yêu nồng nàn cháy bỏng của những người đã mãi mãi nằm lại ở tuổi đôi mươi.
Tấm ảnh cưới của vợ chồng anh Mậu được chị Síu tặng lại cho Bảo tàng
136 bức thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu (đoàn 559) gửi cho người vợ mới cưới Hoàng Thị Síu (quê ở Hưng Yên) được xếp riêng một khu vực. Đó là những bức thư được viết trong khoảng thời gian 1963 - 1968. Ngoài 136 bức thư, Bảo tàng quân khu 4 còn lưu giữ cả nhật ký, cuốn sổ ghi lại lời thề của anh chị ngày nên vợ, nên chồng. Những kỷ vật này đã được chính chị Síu tặng lại bảo tàng.
Những lá thư được gửi từ những địa chỉ khác nhau, dọc đường hành quân của người lính trẻ. Tất cả đều thấm đẫm những yêu thương nồng cháy của người lính gửi cho người vợ - hậu phương vững chắc của mình. Nhưng bao trùm trong đó là tình yêu đất nước, là hoài bão "vì Tổ quốc quyết sinh" của cả một thế hệ trong thời kỳ "cả nước ra trận".
Trong một bức thư, anh Mậu viết: "Síu ạ! Vì chiến tranh chúng mình có bị thiệt thòi mọi mặt, nhất là về tình cảm em nhỉ? Đó là tất nhiên em ạ. Trong giai đoạn lịch sử vĩ đại này, việc giải phóng miền Nam là thời cơ hiếm có. Rồi mai đây cách mạng thành công, chúng ta còn có một ít vốn để nói chuyện với con cháu chứ".
Bên cạnh những bức thư gửi về từ chiến trận là lời thề, quyết tâm xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ
Những bức thư được viết với nét chữ mềm mại, nắn nót. Cũng có những lá thư viết vội vã giữa những lần nghỉ hiếm hoi trên đường hành quân hay giữa những trận bom ác liệt của quân thù. Rồi những lá thư đó đã không còn được tiếp tục gửi về hậu phương bởi anh đã ngã xuống trên đường ra trận. Những lá thư của anh được chị cất giữ như báu vật. Cho đến khi chị đi bước nữa và yên ấm mới gia đình mới với 3 đứa con, chị vẫn dành cho anh, cho những lá thư nối dài yêu thương một góc thiêng liêng trong lòng mình.
Một lần nằm viện, chị Síu tình cờ gặp thượng tá Nguyễn Thị Tiến - hồi đó là Phó Giám đốc Bảo tàng quân khu 4 và đồng ý trao lại 136 bức thư của liệt sĩ Nguyễn Anh Mậu cho bảo tàng. Và câu chuyện tình yêu của anh chị đã trở thành câu chuyện cảm động tại phòng trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng quân khu 4.
Một trong những bức thư liệt sỹ Nguyễn Anh Mậu gửi vợ được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4
Theo Dantri
Bức thư của liệt sĩ Đậu Sỹ Hùng (SN 1941, quê xã Công Thành, Yên Thành, Nghệ An), là Trung đội phó đơn vị C2D45764 viết cho vợ là Nguyễn Thị Tâm cũng chứa đựng tình yêu đất nước lớn lao, tình yêu đó đã gói gọn tình yêu trai gái đơn thuần. Anh hy sinh tại mặt trận phía Nam vào giữa năm 1967, hài cốt được tìm thấy ở bản Mây, xã Tà Ria, Sepin, tỉnh Xavannakhet, nước bạn Lào.
Trong những ngày chiến đấu ác liệt với kể thù cướp nước, đứng giữa ranh giới mong manh của cái sống và cái chết, anh viết những dòng thư vội vã gửi về động viên người vợ trẻ đau đáu chờ đợi ở quê nhà. "Anh ra đi, có hy sinh tính mạng cho Tổ quốc thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản. Em thay anh dạy dỗ con, để có người nối nghiệp. Giọt máu đầu tiên của anh và em cũng có thể là giọt máu cuối cùng.
Những bức thư của liệt sỹ Đậu Sỹ Hùng gửi cho vợ là chị Nguyễn Thị Hòa
Đó là lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống của những người lính chiến đấu. Nếu anh có chết đi em nhớ sau này nói cho con nghe về người cha của nó chưa bao giờ nhìn thấy. Em cố gắng giữ bức thư này cho đến ngày thống nhất nếu anh còn về với mẹ con em. Nếu không, bức thư này em sẽ giữ mãi cho tới khi con khôn lớn, em giao lại cho con.
Em yêu, kể từ tháng này anh sẽ gửi về cho em mỗi tháng một lá thư. Nếu vắng đi vài ba tháng không gửi thì coi như anh vừa có việc xảy ra không lành. Và nếu mỗi khi bắt được thư thì em sẽ viết ngay thư trả lời em nhé!...".
Nào ngờ lời dặn dò của anh lại thành nỗi đau tiên đoán - trong một trận đánh ác liệt, anh đã nằm lại giữa chiến trường, khi chưa một lần được gặp mặt giọt máu của mình.
Lời dặn dò của anh Hùng gửi vợ trước khi hy sinh
Bức thư ngắn nhất, đau xót nhất và cũng ám ảnh chúng tôi nhất là trang giấy cuối cùng trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Cự Thìn. Bức thư chỉ vẻn vẹn 2 câu, thấm đầy máu của người lính khi đang ở khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời. Bức thư là lời tạm biệt của người lính gửi tới mẹ, tới những người thân yêu trước khi ngã xuống. "Em không thể sống được. Chào mẹ, anh, cháu".
Trong hàng trăm, hàng ngàn bức thư được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, ngoài những bức gửi cha mẹ, gia đình, có rất nhiều thư của người lính trận gửi cho vợ hay người yêu. Tình yêu đã giúp người chiến sĩ quên đi mọi khó khăn nhọc nhằn và cả sự đe dọa của cái chết để chiến đấu, hy vọng và tin tưởng.
Trên cái nền xám xịt của chiến trận, trên gam màu tàn khốc của chết chóc, họ vẫn dành một góc trong tâm hồn mình để yêu, để nhớ, để khát vọng về hòa bình, về một ngày mai đẹp đẽ - tương lai mà các anh sẵn sàng hy sinh cả sự sống của mình để có được!
'Báu vật' thiên nhiên của Việt Nam Với 64 bức ảnh sống động của nhiều tác giả về thiên nhiên, động thực vật và con người ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên, triển lãm ảnh "Ấn tượng Cát Tiên" tại TP HCM sáng 16/12 đã khiến người tham quan mê mẩn. Là một trong 6 khu dự trữ sinh quyển được Unesco công nhận tại Việt Nam, Vườn Quốc Gia...