Chuyện về ngôi miếu hễ mạo phạm là gặp báo ứng
Khi làm đường, chủ thầu thấy ngôi miếu chắn đường đã dùng lời lẽ nhục mạ. Ít lâu sau, người này bị chính chiếc xe tải do mình quản lý đâm tử vong.
Miếu chiến sĩ bên đại lộ đẹp bậc nhất TP HCM
Thấp thoáng bên vỉa hè đại lộ Nguyễn Văn Linh (thuộc địa phận ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM), quán nước hiếm hoi dưới chân cầu Bà Lớn đông khách dừng chân. Bên cạnh lý do nghỉ mát, những người ghé lại đây cốt để thắp nén nhang tri ân.
Miếu chiến sĩ khá rộng rãi, luôn được quét dọn sạch sẽ. Ông Nguyễn Văn Út (sinh năm 1944), người tự bỏ tiền phụng lập, cũng là thủ miếu giải thích: “Tôi dựng miếu để phụng thờ chiến sĩ nên miếu gọi nôm na là miếu chiến sĩ”.
Ông Út kể, hồi đất nước mới thống nhất, gia đình ông sinh sống ở vùng giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh hiện nay. Bấy giờ, nhận thấy khu đất sình lầy ở ấp 5 thông thoáng, lại chẳng ai ngó ngàng đến, ông bàn với vợ cày cuốc trồng rau muống. Lúc đầu, ông chỉ trồng vài luống phục vụ cho gia đình và đàn gia súc nuôi chuồng. Về sau, ruộng rau sinh trưởng nhanh mới đem ra chợ bán lấy tiền mua gạo.
Trong ký ức của ông, vườn rau chẳng khác nào “ân nhân” gia đình mình, giúp gia đình từ thiếu ăn đến đủ ăn. Rồi sau đó, khi rau xanh ngày một lên giá, gia đình ông có của ăn của để. Những năm đó công việc đồng áng luôn thuận lợi, chưa năm nào ruộng rau muống thất thu.
Theo ông Út, vị trí miếu chiến sĩ toạ lạc hiện nay nằm trên ruộng rau ngày trước. Ngôi miếu được phụng lập từ năm 1978. Thời gian đầu miếu chỉ là gò đất đắp cao có đặt tấm phên tre và bát nhang. Nguyên nhân lập miếu, ông Út cho biết thời gian trước đó thường xuyên bắt gặp giấc mộng lạ. Trong mơ, ông thấy rõ nhiều người đi lại giữa ruộng rau nhà mình. Tỉnh giấc, ông tự trấn an rằng có lẽ ban ngày nơm nớp sợ kẻ trộm đột nhập vườn rau nên đêm lại nằm mộng.
Nhưng giấc mộng lạ đeo bám ông nhiều tháng liền khiến không thể không lưu tâm. Hơn nữa, có tin đồn loáng thoáng rằng vườn rau muống có linh hồn, trước đây giữa ruộng rau hàng chục bộ đội giải phóng đã hy sinh. “Tuy nhiên khi ấy chỉ nghe như vậy, không có chứng cứ tài liệu nào cả nên tôi chưa tin lắm”, ông nhớ lại.
Video đang HOT
Mãi đến giữa năm 1978, ông mới tình cờ đọc cuốn sách viết về lịch sử quận 8 và huyện Bình Chánh. Cuốn sách có đoạn nhắc đến chi tiết 48 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 Phú Lợi anh dũng hy sinh tại Bình Chánh. Đơn vị này đóng quân tại Bình Dương, được điều động xuống Sài Gòn đánh chiếm trạm xăng dầu Nhà Bè vào năm 1975.
Khu Hố Bần (khu vực ruộng rau ngày xưa, miếu chiến sĩ toạ lạc hiện nay) chính là nơi tập trung quân. Không may trong lúc họp bàn kế hoạch tác chiến trước trận đánh, Hố Bần bị máy bay giặc tập kích. Trận bom cày xới tung toé cả vùng đất rộng lớn, 48 chiến sĩ hy sinh.
Xâu chuỗi những thông tin trên, cộng với linh cảm khác thường, ông đắp cao gò đất, dựng chiếc am nhỏ để thờ cúng các chiến sĩ đã hy sinh. Ngôi miếu thờ ban đầu chỉ đủ rộng đặt bát nhang, mái che xập xệ.
Càng về sau, dân làng trong vùng càng biết rõ ý nghĩa ngôi miếu, nhiệt tình chung tay tôn tạo miếu thờ khang trang như bây giờ. “Ngày nào từ sáng sớm tôi đã ra miếu quét dọn lá cây, lau dọn bàn thờ để luôn sạch sẽ, ấm cúng”, ông Út nói.
Dù đã cố gắng đọc tất cả tài liệu liên quan nhưng ông không tìm thấy thông tin 48 chiến sĩ hy sinh ngày nào nên chọn ngày 26/3 âm lịch hằng năm là thời điểm dựng miếu làm ngày giỗ chung. Hằng năm cứ đến dịp giỗ các chiến sĩ, nhiều dân làng đến dự, chi phí soạn cỗ mọi người cùng đóng góp.
Điểm khác lạ ở miếu chiến sĩ, đó là hầu như người đi đường nào biết đến miếu đều ghé lại thắp nén nhang tri ân. Ông bảo vệ tên Hùng làm việc cách miếu chừng 30m xác nhận, ngoài người dân địa phương, khách đi đường ghé miếu rất đông. Nhiều người đi đường thú nhận hễ đi ngang qua đoạn đường có miếu thờ, họ cảm thấy nặng lòng, “vướng tâm” nên tạt vào thắp nén nhang tưởng nhớ các chiến sĩ.
Đầu năm 1997, khi tuyến đại lộ được triển khai thi công, viên chủ thầu đơn vị giải phóng mặt bằng thấy ngôi miếu chắn ngang giữa lòng đường liền thúc hối dẹp bỏ, dùng lời lẽ nhục mạ. Không hiểu sao ít ngày sau đó, chính viên chủ thầu này lúc sang đường lơ là chú ý, bị chính xe tải do mình quản lý tông phải, mất mạng. Tai nạn này hoàn toàn chỉ là tình cờ, nhưng từ ấy ai cũng rợn rợn, không ai dám đả động tới chuyện phá dỡ hay di dời ngôi miếu nữa.
Riêng ông thủ từ Nguyễn Văn Út suy nghĩ hoàn toàn khác. Ông tâm niệm nếu có vong hồn thì người đã khuất cũng như người đang sống, đều không thể vì tư lợi mà quên lợi ích chung. Chính tay ông đã làm lễ xin phép dời miếu cùng án thờ các chiến sĩ vào sâu trong lề đường. Ngôi miếu toạ lạc ở vị trí mới nay đã tròn 13 năm.
Năm 2000, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi quê ở Bình Chánh đến thăm miếu, thấy khách tấp nập bèn nảy sinh ý xấu, lấy cặp rắn đá trên bàn thờ đem về nhà dựng miếu mới thu lợi riêng.
Một thời gian sau, ngẫu nhiên người phụ nữ đang khoẻ mạnh đột nhiên phát bệnh nhức đầu, mắt trợn ngược rồi tắt thở. Trước đó, người này khi còn sống đã kể chuyện luôn gặp ác mộng, đêm đêm nằm ngủ lại nhìn thấy cặp rắn cuộn tròn quanh đầu, chưa kịp đem trả thì lâm nạn đột tử.
Ông Út xác nhận, gia đình nạn nhân sau đó đã trả lại của ăn trộm, cúng tế xin tạ tội. “Chị ấy tử vong do bệnh tật chứ chẳng dính dáng đến thần linh. Nhưng dù sao ý định trục lợi từ miếu mạo là đáng lên án. Ở đây, tất cả số tiền ủng hộ từ khách viếng đều được sử dụng vào việc tôn tạo miếu thờ, chăm lo nhang khói và tổ chức lễ giỗ cho các chiến sĩ đã khuất”, ông thủ từ cho biết.
Theo Xahoi
Đúc tượng Phật hoàng và những câu chuyện kỳ lạ
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được nhận định là đúc đúng nguyên mẫu, tượng đẹp và chắc chắn. Ít người biết, trong quá trình đúc bảo tượng có nhiều điều lạ.
Đội thi công Cty Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội
Bảo tượng được khánh thành vào ngày 3/12/2013 tức (1/11 năm Quý Ty) đúng dịp kỷ niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Bảo tượng được dư luận quần chúng đặc biệt quan tâm với 300.000 lượt người về dự lễ khánh thành.
Bảo tượng đạt kỷ lục về đúc khối lượng lớn với công nghệ và địa bàn thi công phức tạp. Trước khi thực hiện giải pháp đúc bảo tượng, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết đã đi tìm chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc và nghệ nhân các làng nghề truyền thống của Việt Nam đều khẳng định đúc không thành công.
Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội, là đơn vị đưa ra giải pháp và công nghệ đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc liền khối và đúc trực tiếp trên giàn giáo.
Bà Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc Cty và là người trực tiếp chỉ đạo thi công cho biết, ngày 13/10/2009, đơn vị đã đúc thử thành công cánh sen nhỏ khối lượng 3 tấn đồng trong điều kiện thời tiết mưa gió.
Đúc thử lần thứ hai trực tiếp trên giàn giáo với khối lượng là 7 tấn đồng trong 1 lò nấu và vận hành trên giàn giáo khẳng định việc nấu chảy đồng và khẳng định đúc bảo tượng Phật hoàng hoàn toàn thực hiện được trên non cao Yên Tử.
Mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn từ hơn 50 phác thảo dự thi và được làm theo nguyên mẫu hình tượng của Ngài đang tọa thiền trong Huệ Quang Kim Tháp (chùa Hoa Yên- Yên Tử). Hình mẫu được cho là cổ xưa nhất và giống nhất với diện mạo của Ngài.
Để thực hiện công nghệ khó: đúc liền khối và đúc trực tiếp trên giàn giáo, các lò nấu đồng phải được bố trí hợp lý sao cho đường dẫn chảy của đồng trực tiếp từ lò nấu vào khuôn ngoài và thao trong của tượng. Giàn giáo chia làm 6 tầng cao 18,5m, nặng 420 tấn, tổng diện tích thi công là 400m2. Quá trình đúc chia làm 3 giai đoạn với 22 lò nấu đồng.
Cùng với 22 lò nấu đồng, phải bố trí hệ thống ống thoát nhiệt 22 ống; có những ống thoát nhiệt cao tới 20m.
Công trình trải qua hơn 4 năm chuẩn bị đầu tư và 4 năm thi công, huy động gần 5.000 lượt người tham gia, vận chuyển 6.000 tấn nguyên, vật liệu các loại; san tẩy hơn 3.000 khối đá hoàn toàn bằng sức người, thủ công. Đồ thờ lễ được làm trong thời gian hơn 1 tháng cuối cùng trước ngày khánh thành. Đội thi công gồm 10 người hoàn thành việc đúc trong 1.200 ngày công. Tổng khối lượng đồ thờ cúng như chuông, khánh, bàn thờ, đỉnh hương, lư hương... là hơn 7 tấn.
Tổng kinh phí xây dựng bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hơn 75 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến du khách hành hương về Yên Tử trong năm 2014 sẽ tăng lên 3 triệu lượt khách so với 2,5 triệu lượt trong năm 2013.
Theo Xahoi
Ám ảnh nỗi oan về lời đồn ở cây cầu ma ám trên đất Đà Thành (Kỳ cuối) Tại khu vực quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) có một cây cầu nhỏ tên Đ Cô nhưng rất nổi tiếng bởi những câu chuyện ma quỷ kỳ quái. Nhiều đồ cúng lễ trên cầu Đa Cô Những am miếu thờ hai bên cầu luôn nghi ngút khói hương của khách qua đường. Vì thế, bao năm qua cây cầu "ma ám" này đã...