Chuyện về nghị lực của 3 chị em gái “không chân”
Ba chị em bà Phạm Thị Mến 63 tuổi; Phạm Thị Hiền 57 tuổi và Phạm Thị Thu 55 tuổi cùng sống trong ngôi nhà xập xệ cha mẹ để lại; cùng bị teo hết hai chân, chỉ có thể lê nhích bằng tay; cùng chăn nuôi gà lợn, đắp đổi qua ngày.
Ba chị em bà Mến có chân mà cũng như không bởi đôi chân ai cũng đã teo nhỏ, mọi sự di chuyển, lê lết phải phụ thuộc vào đôi tay
Để tồn tại, bà Mến cùng các em (trú tại thôn Hội Thọ, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) chăn nuôi gà, lợn, kiếm thêm thu nhập. Bà thường nuôi ba bốn chục con gà và 1-2 con lợn. Nhà có 3 sào ruộng nhưng các bà không tự làm được, cho người khác cấy, nhận lại mỗi vụ 40 kg thóc/sào. Cuộc sống rất chật vật! Bà Phạm Thị Mến đã được xét chọn để nhận được một khoản vay 9 triệu đồng từ VVAF vào tháng 6/2012. Với số tiền này bà đã mua 130 con gà giống, quây lại trước nhà để nuôi. Trước nhà có một ao nhỏ, bên bờ ao, rau các loại được chăm sóc tươi tốt để có thức ăn cho gia đình. Dưới ao nuôi bèo để chăn nuôi.
Bà cho biết sau ba tháng chăn nuôi, bà đã bán 50 con gà lớn, thu về 9 triệu đồng. Nhưng thật không may, cơn bão số 8 vừa qua ập vào Nam Định đã làm sập mất ngôi nhà cũ, ba chị em bà phải trú tạm trong căn bếp. Cơn bão cũng làm tốc mái che đàn gà và trút mưa xối xả nên bà phải đem gà gửi nhà hàng xóm.
Bà Mến ngồi trên chiếc xe tự chế, tự lái, dẫn đoàn khách đi thăm đàn gà của mình
Khi đoàn chúng tôi tới thăm, bà cho biết đêm qua có kẻ trộm vào bắt trộm gà, may người nhà phát hiện kịp thời hô hoán nên kẻ trộm đã bỏ lại bao tải gà.
Bà Mến gọi hai người em gái cùng cảnh ngộ ra tiếp chúng tôi. Bà nói: “Chúng tôi làm được tất cả các công việc, từ chăn lợn, cho gà ăn, trồng rau và ra tận chợ để mua gà giống, mua cám…”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, bà mời chúng tôi theo bà sang nhà hàng xóm, nơi bà đang gửi đàn gà để kiểm tra. Nhìn con ngõ lầy lội, chúng tôi còn đang băn khoăn, ái ngại không biết bà sẽ đi bằng cách nào với đôi chân teo nhỏ như thế thì một chị hàng xóm đã dắt vào một chiếc xe đạp ba bánh tự lái bằng tay. Chị hàng xóm bế bà ngồi lên xe, bà tra cán lái vào ghi đông cho đủ dài rồi quay xe đi ra ngõ, vừa đi bà vừa nói “tôi vẫn tự mình lên xe bằng cách bắc ghế và lê lên từng bậc”.
Đàn gà dự án vay vốn của bà Mến
Video đang HOT
Bà Mến cho biết mình và các em đã có kế hoạch trả nợ khi vốn đến hạn. “Mình không thể phụ lòng tin và sự quan tâm của cấp trên, đến hạn thì chúng tôi sẽ hoàn trả đầy đủ để Hội Người khuyết tật còn giúp đỡ người khác”, bà khảng khái nói. Bà cũng khoe mấy chị em còn có chút tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, phòng khi trái gió trở trời.
Chia tay chúng tôi, bà bày tỏ mong muốn sau khi đã trả hết khoản nợ vốn, 3 chị em bà sẽ được Hội Người Khuyết tật tỉnh giúp đỡ cho 1 chiếc xe lắc (tự lái) để thay thế chiếc xe hiện tại đã sắp hỏng. Bởi khi cả 3 chị em không có đôi chân, chiếc xe chính là phương tiện duy nhất giúp chị em bà kiếm sống.
Theo Dantri
Vợ thương binh 91 tuổi sống cô độc trong căn chòi rách
Cụ bà đã 91 tuổi, trú tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là vợ một thương binh chống Pháp, đang sống cảnh ốm đau, cô độc trong ngôi nhà xập xệ, tồi tàn.
Đau lòng!
Từ thông tin của người dân, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh tìm về nhà cụ Phạm Thị Huệ, 91 tuổi, là vợ một thương binh thời chống Pháp, đang sống cảnh ốm đau, cô độc. Dù đã có sự chỉ dẫn của một số người dân nhưng phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm được nhà cụ bà đang sống cảnh cô độc chồng mất, không con cái, không người thân nương tựa, tại xóm 7, xã Sơn Trường. Trước ngõ vào nhà cụ Huệ, cỏ mọc um tùm chen cả lối đi. Chúng tôi vào nhà cụ bằng cách đi nhờ ngõ nhà hàng xóm.
Đường vào nhà cụ Huệ cỏ mọc um tùm. Ngôi nhà của cụ như cái chòi nằm trên đồi.
Không dám tin đây là ngôi nhà của bà cụ 91 tuổi thuộc diện gia đình chính sách. Nói là nhà nhưng nó giống một cái chòi rách nát, tồi tàn. Chòi chỉ rộng chừng 8m2, tối om, xung quanh rách thủng lỗ chỗ, hư hỏng xập xệ, có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Cụ Huệ phải dùng bạt, chăn che chắn những khe thủng để chắn mưa gió. Chỗ cụ nằm cũng giăng một tấm bạt nhỏ để ngăn nước mưa.
"Nhà" cụ Huệ
Cụ Huệ sống cô độc một mình. Đợt không khí lạnh vừa kéo về khiến cụ đổ bệnh, không ăn uống được gì, phải nằm một chỗ; nhìn thấy khách tới nhà nhưng không thể tiếp chuyện. Trong căn chòi của cụ không có gì đáng giá. Chiếc bàn thờ chồng cụ không có cả bát nhang, cũng chẳng ai giúp cụ sửa sang hương khói. Tài sản duy nhất là... cỗ quan tài bằng gỗ và tấm Bằng Mừng thọ tuổi 90 do Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu ký tặng cụ vào năm 2011, treo giữa chòi.
Cụ Huệ nằm cám cảnh một mình trong cái chòi dột nát
Bà Nguyễn Thị Huê, là hàng xóm cũng là người gần gũi nhất với cụ Huệ cho biết, chồng cụ Huệ là một thương binh chống Pháp đã mất cách đây 12 năm. Chồng mất, không con, là dân di cư từ miền quê khác đến từ những năm 60 của thế kỷ trước nên cụ Huệ không hề có người thân ruột thịt. "Khi cụ còn khỏe mạnh thì không sao, mấy năm nay cụ thường xuyên đổ bệnh nên cuộc sống thật khó khăn. Cụ ăn uống, vệ sinh một chỗ, nhiều người dân cũng muốn đến giúp đỡ nhưng người ta còn phải làm ăn, nên cũng chỉ giúp được phần nào"- bà Huê kể.
Cỗ quan tài - tài sản quý nhất của cụ Huệ
Là người gần gũi, hàng ngày tự nguyện, đúng hơn là "bất đắc dĩ" chăm sóc cụ Huệ, bà Huê không ngần ngại chỉ trích sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền đối với hoàn cảnh của một người vợ thương binh sống cảnh cô độc. "Bà con lối xóm rất mong muốn cụ được sống trong một ngôi nhà khang trang hơn, nhưng ở đây ai cũng khó khăn nên không thể quyên góp xây cho cụ được. Người dân đã có nhiều ý kiến nhưng chính quyền không quan tâm, mỗi tháng họ cứ chuyển cho cụ 620.000 đồng tiền chế độ của chồng coi như xong. Còn chuyện nhà cửa của cụ cứ để năm này trôi qua năm khác".
Bà Huê bao lâu nay là người gần gũi với cụ Huệ nhất
Bà Huê bất bình: "Các anh chị cứ nhìn con đường vào ngôi nhà cụ Huệ, nhìn ngôi nhà xập xệ mà cụ đang sinh sống thì biết chính quyền quan tâm tới cụ đến mức nào?".
Chủ tịch xã: "Chúng tôi không thể làm gì!"
Chiều ngày 13/11, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Sơn Trường để tìm hiểu lý do vì sao một cụ bà thuộc diện đối tượng chính sách, lại ở độ tuổi "xưa nay hiếm", lại đang phải sống trong cảnh cô đơn, khốn khổ như thế. Tuy nhiên, sau khi tạm giữ thẻ nhà báo của chúng tôi hơn nửa tiếng đồng hồ, ông Lê Xuân Cúc - Chủ tịch UBND xã - mới chịu làm việc.
Hỏi về hoàn cảnh cụ Huệ, ông Chủ tịch xã Lê Xuân Cúc phải gọi điện cho Chủ tịch Hội người cao tuổi xã để... nắm lại tình hình.
Có thể khẳng định, người đứng đầu chính quyền xã Sơn Trường không thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của cụ Huệ. Dù Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tặng Bằng Mừng thọ cụ Huệ tuổi 90 cách đây 1 năm, nhưng ông Cúc "ấm ớ" bảo cụ Huệ năm nay mới 80 tuổi. Ông Cúc cho rằng, thực hiện chỉ đạo của xã, Mặt trận xóm 7 đã làm tốt việc chăm sóc, sửa sang nhà cửa cho cụ Huệ (!?).
Khi nghe chúng tôi trình bày rõ hoàn cảnh đáng thương của cụ Huệ, ông Cúc lại biện hộ: "Chúng tôi rất suy nghĩ, xã cũng đã quan tâm nhưng chúng tôi không thể làm gì được" (?). Lý do ông Cúc đưa ra là, một mặt do cụ Huệ không có người thân đứng ra cáng đáng, mặt khác do xã không có kinh phí, trong khi hồ sơ trình lên huyện đề nghị hỗ trợ lại không được duyệt.
Ông Cúc nói, hoàn cảnh cụ Huệ lúc này cần các cơ quan chức năng, các tổ chức hỗ trợ đưa cụ đi an dưỡng những ngày cuối đời tại Trung tâm bảo trợ xã hội. Khi chúng tôi đưa ra những hình ảnh về căn nhà tồi tàn của cụ kèm câu hỏi, khi cơ quan chức năng chưa đến được với cụ Huệ sao chính quyền không hỗ trợ để chí ít con đường vào nhà cụ được sạch sẽ hơn, căn nhà đỡ dột nát? Ông Cúc im lặng.
Đem những lời biện hộ của ông Chủ tịch xã tới hỏi một số cựu chiến binh ở địa phương này, chúng tôi nhận được nhiều lời bất bình. Một cựu chiến binh nói: "Nếu cụ ấy còn người thân thì có cần đến sự hỗ trợ của của chính quyền địa phương không? Còn nếu nói xã thiếu kinh phí là không đúng, bởi nhà nước đã có chính sách hỗ trợ xây nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Tôi dám chắc, ngoài số tiền hỗ trợ của nhà nước, xã huy động thêm sức đóng góp bằng ngày công, bằng vật chất của nhân dân thì họ sẽ thừa sức sửa sang, xây mới cho cụ Huệ một căn nhà nhỏ. Tôi nghĩ vấn đề ở đây là họ không quan tâm, quá thiếu trách nhiệm mà thôi".
Rời Sơn Trường, day dứt mãi trong chúng tôi là sự đối lập hình ảnh giữa một bên là người vợ của một thương binh ở tuổi gần đất xa trời, ốm đau, cô độc, bất lực trong căn chòi tồi tàn; một bên là vị chủ tịch xã bệ vệ khoác com lê, "gọi điện thoại cho người thân".
Theo Dantri
Đài PTTH Nam Định phát sóng trở lại Từ 19 giờ ngày 14/11, Đài PTTH tỉnh Nam Định đã phát sóng các chương trình truyền hình trên hệ analog nhằm phục vụ nhu cầu thông tin và giải trí của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngày 15/11, Đài PTTH tỉnh Nam Định đã chính thức phát sóng trở lại. Thực tế, từ 19 giờ ngày 14/11, Đài PTTH tỉnh Nam...