Chuyện về lòng trắc ẩn của các quan tòa
Hai bị cáo phạm tội về ma túy thoát chết nhờ quan tòa vận dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ; hai anh em trở nên thuận hòa trước hành động bất ngờ của bà thẩm phán… Những chuyện như thế làm chốn pháp đình lấp lánh tình người.
Mở đường sống cho bị cáo
“Họ cũng chỉ là nạn nhân, vướng vào tù tội chẳng qua cũng vì mong được đổi đời mau chóng…”. Hiểu như vậy nên khi thụ lý vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử, tôi đã phải đắn đo, cân phân đến rạc người.
Hai nữ bị cáo đó đều là người Campuchia, bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt trong một lần mang ma túy đá từ Phnom Penh đến TP.HCM tiêu thụ. Do số lượng ma túy khá lớn nên họ bị truy tố ở điều khoản có khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân đến tử hình. Thế nhưng hồ sơ thể hiện hai bị cáo không phải là người buôn bán ma túy chuyên nghiệp mà chỉ vận chuyển thuê cho người khác.
Mỗi lần trót lọt họ được người thuê trả công 100 USD/người. Hoàn cảnh của họ rất tội nghiệp, họ vốn là người lao động nghèo, để chồng con ở quê một mình lên thủ đô làm thuê kiếm sống và gửi tiền về nuôi con.
Thế rồi, vì muốn có tiền nhanh chóng, họ đã nghe lời dụ dỗ của những kẻ buôn cái chết trắng, tự biến mình thành những “cỗ máy” vận chuyển ma túy lớn.
Trước khi bị bắt, bị cáo đầu vụ đã thực hiện việc vận chuyển thuê trót lọt một lần nên có tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội nhiều lần.
Chốn pháp đình không hiếm những chuyện lấp lánh tình người. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HTD
Nhiều đêm liền đọc hồ sơ, hình ảnh hai phụ nữ nghèo khó người Campuchia cứ hiển hiện trước mắt khiến tôi không ngủ được.
Tôi cảm thấy lương tâm mình day dứt giữa tình và lý. Bởi với hành vi phạm tội của họ thì luật quy định hoàn toàn có thể áp dụng hình phạt tử hình, điều này còn phù hợp với chủ trương trừng trị nghiêm khắc tội phạm ma túy của Nhà nước.
Video đang HOT
Nhưng nếu tử hình một trong hai bị cáo thì có giải quyết được tận gốc vấn đề không khi đường dây buôn bán chính chưa bị lộ và bản thân họ chỉ là người vận chuyển thuê?
Cũng do Tây Ninh là tỉnh giáp ranh, tôi và đồng nghiệp thường xuyên xét xử các vụ án liên quan đến vận chuyển ma túy nên tôi hiểu khá rõ về hoàn cảnh, điều kiện phạm tội của các bị cáo người Campuchia.
Khi ra tòa, tôi đã thẩm vấn rất kỹ để cho cả HĐXX hình dung được hoàn cảnh và nguyên nhân phạm tội. Đến khi nghị án, tôi trình bày hết suy nghĩ của mình và rất mừng vì tất cả thành viên HĐXX đều đồng thuận với đề nghị mức án của mình. Cuối cùng, tôi thay mặt HĐXX tuyên án 20 năm tù cho bị cáo đầu vụ và 15 năm tù cho bị cáo còn lại.
Bản án này sau đó không bị VKS kháng nghị (và bị cáo không kháng cáo) nên có hiệu lực pháp luật.
Giờ đây, mỗi lần nghĩ về quyết định của mình, tôi thấy lòng rất nhẹ nhàng, thanh thản vì mình đã làm đúng với lương tâm và niềm tin nội tâm của mình.
Thẩm phán HOÀNG VĂN HẢI, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh
Móc túi trả tiền lãi cho đương sự
Đó là một vụ kiện đòi nợ mà nguyên đơn là người anh, còn bị đơn là vợ chồng người em. Mà giá trị tranh chấp có nhiều nhỏi gì cho cam, chỉ 1,2 triệu đồng cộng thêm khoản tiền lãi 300.000 đồng mà người anh quyết đòi vợ chồng người em cho bằng được. Còn vợ chồng người em thì cho rằng mình chỉ mượn người anh 1,2 triệu đồng chứ không phải vay tiền nên không đồng ý trả thêm khoản lãi.
Theo thủ tục, tôi mời hai bên đến tòa hòa giải, cả hai cãi nhau rất căng nên buổi hòa giải bất thành.
Trong phiên hòa giải cuối cùng, dù tôi cố giải thích để giữ hòa khí và tránh làm ồn xung quanh nhưng cả hai bên đều cố tranh cãi, không ai chịu nhường ai. Thiệt tình cái cảnh thế này khiến tôi quá ngán ngẩm.
Trong giây lát tự trấn an mình, tôi bất chợt chú ý mấy đứa con của vợ chồng người em, chúng nheo nhóc, lem luốc đến tội nghiệp. Đến lúc này tôi mới phần nào hiểu hơn câu chuyện. Rõ ràng họ lôi nhau ra tòa bất chấp tình anh em ruột rà máu mủ không hẳn chỉ vì tức nhau nên kiện cho bõ ghét.
“Thôi, không cần tranh cãi nữa, tôi sẽ giúp anh chị trả tiền lãi, phần vốn còn lại anh chị về cố gắng thu xếp để trả cho xong nha!” – quay sang vợ chồng người em tôi nhỏ nhẹ nói.
Vừa nói xong, tôi móc tiền ra “thi hành án” ngay lập tức. Có lẽ quá bất ngờ trước hành động này của tôi nên vợ chồng người em e dè không nhận, còn người anh thì cúi đầu im lặng.
Và rồi sau một hồi nghe tôi phân tích lý tình và động viên anh em nên yêu thương, hòa thuận, cả hai bên đồng ý ký vào biên bản hòa giải thành. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Lẽ tất nhiên sau đó tôi không cần phải mở một phiên tòa…
Thẩm phán PHẠM THỊ ÁNH, TAND quận Bình Thủy, TP Cần Thơ
“Qúy nhân” ẩn mặt
Đầu năm nay, một ngân hàng nộp đơn khởi kiện chị NTB để đòi 8 triệu đồng tiền nợ và tiền lãi do chị B. vay đã quá hạn thanh toán và yêu cầu kê biên ngôi nhà mà chị B. đã thế chấp. Thụ lý hồ sơ, tôi mời bị đơn đến tòa làm việc. Đúng hẹn, vợ chồng chị B. đến tòa. Nhìn dáng vẻ lam lũ của họ, tôi không thể tin được tuổi họ chỉ mới ngoài 30.
Họ trình bày thời gian trước họ vay với lãi suất ưu đãi để làm ăn nhằm thoát nghèo. Chị đi phụ việc cho các gia đình trong xóm, ai nhờ gì làm đó, trung bình kiếm khoảng 70.000 đồng/ngày, nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Còn anh thì chạy xe ôm, thu nhập chẳng bao nhiêu. Con gái lớn mới lên tám bị bệnh hiểm nghèo mấy năm nay, mỗi tháng anh chị phải đưa lên BV Nhi đồng 1 truyền máu, tốn khoảng 2 triệu đồng/lần. Ngoài số tiền vay ngân hàng, vợ chồng chị còn “vay nóng” bên ngoài 2 triệu đồng để chạy chữa cho con, mỗi ngày phải trả lãi 10.000 đồng…
Nghe cảnh đời của vợ chồng bị đơn, tôi khuyên cả hai nên vay tạm của người thân 8 triệu đồng để trả trước cho ngân hàng, số tiền lãi tôi sẽ thuyết phục phía ngân hàng giảm bớt.
Một tháng sau, vợ chồng chị B. đến tòa gặp tôi luôn miệng cảm ơn rối rít. Họ vui vẻ kể lại chuyện mình tự nhiên được nhiều người quan tâm giúp đỡ. Rằng một tuần sau khi từ tòa về, họ bất ngờ được nhiều người trong xóm gom tiền cho vay không lãi, từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, có người còn cho luôn. Trong đó ông tổ trưởng dân phố bỗng nhiên cho đến… 5 triệu đồng. “Vợ chồng em chẳng những trả xong nợ ngân hàng, trả luôn cả tiền vay nóng mà vẫn còn dư 3 triệu đồng để mua hàng tạp hóa về bán kiếm thêm đồng lãi” – người vợ kể. Vụ kiện khép lại.
Thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua nhà đương sự, lòng tôi thấy vui và ấm áp lạ thường. Tôi thầm cảm ơn người bạn cùng thời bộ đội với mình (hiện là tổ trưởng dân phố nơi vợ chồng bị đơn sinh sống) đã đồng cảm và nhiệt tình hỗ trợ khi nghe tôi mở lời nhờ giúp đỡ cho đương sự của mình…
Thẩm phán tòa án một quận ở TP.HCM
Day dứt về một bản án
Đến bây giờ tôi vẫn còn day dứt và tự hỏi liệu mình tuyên mức án ba năm tù cho bị cáo Nam (tên nhân vật đã thay đổi) về tội hiếp dâm trẻ em có quá khắt khe? Câu hỏi này có lẽ còn theo tôi suốt cả cuộc đời làm thẩm phán.
Nam là một vận động viên của quốc gia. Một lần lang thang lên mạng tìm tài liệu thì quen bé Lan (SN 1997, tên nhân vật đã thay đổi). Sau thời gian nói chuyện, Lan hẹn gặp Nam rồi cả hai cùng vào khách sạn. Sau lần đó, mỗi lần nhớ người yêu, cháu Lan đều chủ động gọi cho Nam rồi qua đêm với nhau trong khách sạn.
Biết chuyện, mẹ Lan đã làm đơn tố cáo vì cho rằng Nam dụ dỗ con gái bà khi bé chưa đủ 16 tuổi. Nam bị bắt và bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em.
Tại tòa, Nam thành thật nhận toàn bộ lỗi và cho biết mình yêu Lan nhưng không biết cô bé chưa đủ 16 tuổi. Còn cháu Lan thì khẳng định những lần vào khách sạn với người yêu là do mình chủ động và không biết như thế sẽ đưa người yêu vào chuyện tội tù. “Nếu người yêu con vì chuyện này mà đi tù thì con sẽ chờ ngày anh ấy ra để tiếp tục được yêu và lấy anh ấy làm chồng” – cô bé nói như khóc.
Nghe con gái nói, mẹ cháu Lan xin tòa cho bà được… rút đơn tố cáo và xin hãy cho Nam được tại ngoại. “Tôi cứ nghĩ thằng Nam lợi dụng con gái mình nên mới tố cáo. Nay tôi đã hối hận, xin tòa cho tôi được rút lại lời tố cáo của mình” – bà nói thật lòng.
Nghe những lời cầu xin của phía người bị hại và sự ăn năn hối lỗi của bị cáo, thật lòng tôi rất muốn cho bị cáo tại ngoại hay tuyên một mức án thấp nhất.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản vậy. Bởi HĐXX đâu chỉ có tôi mà còn có hai hội thẩm nhân dân cùng quyết định mà cả hai vị này thì lại đều không đồng ý với ý kiến của tôi.
Cuối cùng, theo ý kiến số đông, tôi đành ký vào bản án tuyên phạt bị cáo ba năm tù khi trong lòng vẫn thấy nặng nề, day dứt…
Thẩm phán TRẦN QUANG PHÚC, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM
Theo Nhóm PV Pháp Đình