Chuyện về hiệp sĩ giao thông ngoài 70 tuổi
Cứu sống hàng chục nạn nhân các vụ chìm đắm tàu thuyền, xả thân bắt giữ những tên trộm cướp mà không màng đến hiểm nguy rình rập, ông Dương Công To được người dân địa phương ca tụng: Hiệp sĩ đường sông.
Sở hữu bản thành tích ấn tượng trong những lần cứu hộ cứu nạn ở các vụ chìm đắm ghe đò trên sông Hậu, ông Dương Công To (xã Thành Lợi, H.Bình Minh, Vĩnh Long) là cá nhân điển hình được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải tuyên dương, tặng danh hiệu: Hiệp sĩ giao thông, tại chương trình Total – Hiệp sĩ giao thông.
Ngoài 70 tuổi, ông To với làn da bánh mật đặc trưng của người dân vùng sông nước vẫn toát lên sự rắn rỏi, can trường. Ở nơi đang sinh sống, đã từ lâu, người dân gọi ông To bằng biệt danh thân mật: Hiệp sĩ đường sông.
Nhà ông nằm cạnh cồn Ấu trên sông Hậu, cách cầu Cần Thơ chừng một cây số. Ông To kể, giao thông đường thủy trên khúc sông Tắc Từ Tải chảy qua khu vực này vô cùng nguy hiểm và phức tạp. Những năm 80 trở về trước, khúc sông này là nỗi kinh sợ, từng nuốt chửng nhiều thuyền ghe qua lại. Khi ấy, người dân vẫn còn “xài” nhiều thuyền, ghe nhỏ, công suất máy không thắng nổi sức gió, sức nước nên các vụ lật, chìm nghe, thuyền xảy ra như cơm bữa.
Gần 40 năm định cư ở đây, ông To thuộc lòng phương hướng, đặc tính của sóng gió nơi đây, bởi khúc sông này chẳng khi nào vắng gió. “Mùa mưa lũ gió thổi hướng đông nam về, đến tháng 10 gió thổi từ Trà Ôn lên, rồi gió ngược từ Cần Thơ xốc lại. Gió và thủy triều kết hợp thành ngọn sóng “lưỡi búa” vùi dập nhiều phương tiện qua đây”, ông To nói.
Ông To bắt đầu công việc cảnh giới cứu người, mò vớt hàng hóa trên sông khi chứng kiến quá nhiều vụ tai nạn thương tâm. Người điều khiển ghe thuyền là dân tứ xứ, khi qua đây không lường hết sự nguy hiểm của thời tiết thủy triều, rất dễ gặp nạn. Đó chính là lý do khiến người đàn ông này trăn trở bắt tay vào việc cảnh giới nhắc chủ ghe đò và cứu hộ cứu nạn khi có tai nạn xảy ra.
Để công việc thuận lợi, vợ chồng ông To bỏ tiền đầu tư chiếc ghe trọng tải hơn 4 tấn làm phương tiện cứu hộ cho Đội dân phòng đường thủy xóm Đáy (cũng do ông To đề nghị ủy ban xã cho thành lập).
Ông Dương Công To nhận bằng khen từ Bộ trưởng Đinh La Thăng – Ảnh: Phan Hậu
Theo thống kê, 5 năm trở lại đây, ông To và thành viên đội cứu hộ đã cứu sống 130 người, mò vớt hàng chục tấn hàng, nhiều thi thể nạn nhân giao lại cho chủ hàng và gia đình thân nhân.
Video đang HOT
Ngoài ra, “ông già gân” này từng nhiều lần chống lại nhiều tên côn đồ, trộm cướp tung hoành ngang dọc trên khắp đường sông, thu giữ hàng chục mã tấu, dao kiếm gây án mang nộp cho công an.
Ông To kể, người dân thường xuyên neo, đậu ghe thuyền dưới bến sông. Mỗi chiếc ghe máy trị giá hàng chục triệu đồng là miếng mồi béo bở khiến nhiều nhóm tội phạm dòm ngó. Trên thực tế, khu dân cư xóm Đáy từng xảy ra nhiều vụ trộm cắp táo tợn. Kẻ gian lợi dụng lúc nửa đêm về sáng lẻn vào bến đánh cắp ghe thuyền, tháo gỡ động cơ. Mất phương tiện đi lại vận chuyển, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần tay trắng.
Ông To từng có thời gian công tác trong ngành công an, do điều kiện gia đình quá nghèo nên đành bỏ giữa chừng về quê phụ vợ làm thuê làm mướn nuôi con. Có chút võ nghệ của nghề công an, ông To không đành lòng ngồi nhìn đạo chích, trộm cướp hoành hành.
Thời gian đầu chỉ có ông To dám đứng ra “đánh lộn” với đối tượng trộm cắp với đủ loại gậy gộc, dao kiếm. Dưới bàn tay ông, hàng chục tên trộm cộm cán phải tra tay vào còng. Quá trình bắt trộm, ông To từng gặp không ít nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình nhất là vụ xảy ra khoảng tháng 10.2006, băng nhóm côn đồ gồm 5 tên, đi trên hai ghe máy. Ban đầu 3 tên mò lên xóm đánh cắp, bị ông To phát hiện tấn công, chúng hung hãn vung mã tấu chống trả quyết liệt. Hai bên vật lột một hồi, nghe dưới bến sông có tiếng nghe máy, ông To chủ quan tưởng người dân tiếp cứu. Không ngờ 2 tên còn lại lại xuất hiện, lao vào hợp sức tấn công giải vây cho đồng bọn. Một mình ông To chống lại 5 tên trộm hung hãn với gậy gộc, mã tấu trong tay. Quần thảo một hồi, thấy không “hạ” được ông To, bọn trộm tìm đường tháo chạy thoát thân.
Sau lần xả thân đánh trộm này, ông To khiến người dân xóm Đáy vượt qua nỗi sợ hãi, tình nguyện gia nhập đội dân phòng gìn giữ an ninh trật tự, gìn giữ tài sản khiến nhiều băng nhóm tội phạm, đạo chích không dám bén mảng qua đây.
Tuyên dương hiệp sĩ giao thông
Sáng nay 25.8, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc đã tổ chức chương trình tuyên dương Total – Hiệp sĩ giao thông. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và trao bằng khen của Thủ tướng cho 20 hiệp sĩ giao thông. Dịp này, Bộ Giao thông vận tải cũng tặng bằng khen, tuyên dương hơn 150 cá nhân ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình Total – Hiệp sĩ giao thông, do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam, Kênh VOV giao thông, Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM và Total Việt Nam phối hợp thực hiện. Thông qua các điển hình Total – Hiệp sĩ giao thông được vinh danh, chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện, khơi dậy trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong thực hiện văn hóa giao thông, cùng hướng đến vì một giao thông an toàn. (Hoàng Phan)
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các hiệp sĩ giao thông tiêu biểu – Ảnh: Hoàng Phan Theo VNE
'Hiệp sĩ đường sông' tuổi 70
Gần 40 năm cất nhà sống ven sông Hậu, người đàn ông 70 tuổi quê Vĩnh Long đã bắt hàng chục tên trộm cướp đường sông và cùng đồng nghiệp cứu trên 300 người bị nạn và cả chục nạn nhân nhảy cầu tự tử.
Bên tách trà đầu năm, ông Dương Công To bảo mình sinh năm Nhâm Ngọ trong vùng căn cứ Cái Ngang của huyện Tam Bình (Vĩnh Long). Năm 1962, ông lên thị xã Vĩnh Long học trường Trung học Kỹ thuật nên có điều kiện tham gia phong trào đấu tranh chính trị trong học sinh, sinh viên.
Năm 1970, chàng trai đạp xích lô có thân hình to khỏe được cách mạng bố trí để mắt động tĩnh của địch. Nhờ đó, anh gặp lại cô gái từng bị địch nhốt chung rồi họ trở thành vợ chồng.
Ông To ra chòi sát mé sông Hậu quan sát xem tuyến sông gần nhà có điều gì bất thường không để cùng bạn bè phản ứng kịp thời. Ảnh: Thiên Phước
Sau giải phóng, ông To được bố trí công tác bảo vệ chính trị của Công an Cửu Long. Tuy nhiên, vì lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống vất vả nên vợ chồng ông bàn nhau về quê cất nhà ven sông, đóng đáy mưu sinh. Vài năm sau, gần bến phà Bình Minh (phà Cần Thơ) xuất hiện 47 miệng đáy. Chính quyền giao nhiệm vụ cho ông To làm thư ký ấp, tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực ven sông đến tận giờ.
Ông kể, vào những năm 1980, mỗi khi gió chướng thổi, dòng Hậu Giang đón ghe tàu tấp nập từ các nơi về mua bán hàng chuẩn bị đón năm mới. Nhộn nhịp là vậy nhưng gió to sóng lớn luôn làm ngư dân ám ảnh bởi có rất nhiều tai nạn đường thủy xảy ra cướp đi sinh mạng người dân. Vì vậy, ông nguyện với lòng muốn ăn con cá dưới sông trước hết phải làm việc nghĩa trên đoạn sông đã được bản thân chọn làm nơi "sinh nghề tử nghiệp".
Vậy là mỗi khi mưa bão về hay vào mùa gió chướng nổi, ông thường túc trực trên chiếc võng tre trong căn chòi lá. Bất kể ngày đêm, gió hú mưa gào ông vẫn luôn để ý những âm thanh lạ. Phát hiện tiếng kêu cứu của người bị nạn trên sông là ông nhảy ngay xuống ghe, phát loa gọi bạn bè đóng đáy nổ máy chạy ra cứu người.
Một lần, hai lần rồi đến hàng trăm lần ông và đồng nghiệp làm việc nghĩa nên việc cứu hộ trên sông của lão ngư này trở nên thuần thục. Nhờ vậy mà gần 40 năm qua, ông To cùng bạn bè cứu hộ gần 200 tàu thuyền, cứu sống trên 300 người ở các tỉnh miền Tây không may gặp nạn đường sông, trong đó có 27 nạn nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Giờ đây, chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á đã nối liền sông Hậu nên khu vực gần nhà lão ngư Dương Công To thưa dần những chuyến đò chở người và hàng hoá. Tuy nhiên, hơn một năm rưỡi nay từ khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng, ông To cùng bạn bè lại phải "đau đầu" với chuyện cứu những người tìm con đường chết bằng cách nhảy cầu.
Lật quyển sổ đã ố vàng, ông To thống kê có đến 11 vụ nhảy cầu Cần Thơ. Người "khai trương" sau bốn ngày khánh thành cầu là một thanh niên 22 tuổi ở huyện Phong Điền. Vì buồn chán chuyện tình cảm nên anh này rủ người yêu tìm cái chết. Song, khi anh này lao xuống sông thì người yêu quá sợ ,ngất xỉu trên cầu nên xảy ra bi kịch "người đi kẻ ở". Rồi sau đó, cứ trung bình hơn một tháng cầu Cần Thơ lại xảy ra một vụ nhảy sông.
Lão ngư 70 tuổi cho biết, qua nhiều lần vớt người nhảy cầu, ông với bạn bè đã có một số kinh nghiệm cứu người hiệu quả hơn. Vì vậy ông phân công anh em câu cá gần cầu Cần Thơ phải để ý, nghe tiếng động lạ từ trên cầu rơi xuống nước thì phải nghĩ ngay đến chuyện có người tự tử mà quay ghe lại nơi nước vừa văng lên.
"Nhờ vậy, 2h sáng 5/5/2011, tôi và người bạn câu nhảy xuống sông Hậu mò được cậu sinh viên quê Sóc Trăng nhảy cầu tự tử. Sau khi đưa lên ghe hô hấp nhân tạo, chúng tôi chuyển cậu ấy đến bệnh viện và nạn nhân đã qua khỏi", ông To kể.
Ông đội trưởng già trên chiếc ghe cứu hộ, đuổi bắt trộm cướp trên sông. Ảnh: Thiên Phước
Hơn một tháng sau, khi đang lùa vội chén cơm nguội trong chòi lá ven sông, ông To thấy một chấm đen lặn ngụp dưới nước khi mắt hướng mắt về cầu Cần Thơ. Nghĩ ngay đến chuyện chẳng lành, ông To vội buông đũa nhảy xuống ghe vừa quay máy dầu, vừa hô hoán kêu vợ thông báo với anh em trong đội dân phòng đường sông nhà gần khẩn trương ra sông cứu người.
Khi ghe đến nơi, ông tắt máy, nhảy xuống sông bơi về phía bóng người rồi túm áo kéo lên. Lúc này bạn bè cũng ra đến nơi phụ giúp ông đưa cô gái vào bệnh viện trong tình trạng khó thở, tím tái, da phồng rộp. Vậy là một lần nữa ông To cùng bạn bè đã giành lại sự sống cho người muốn tìm đến cái chết.
Không chỉ cứu người, lão ngư 70 tuổi còn là "khắc tinh" của tội phạm đường thủy. Sau 15 năm tự thành lập Đội dân phòng đường sông xã Mỹ Hòa, ông đội trưởng không ăn lương đã bắt 12 kẻ trộm cướp trên sông, cùng công an địa phương truy bắt hàng chục tên tội phạm trong 48 vụ trộm cắp tài sản ven sông Hậu. Ông To còn ngăn chặn 8 vụ đánh nhau, trong đó có một băng nhóm sử dụng mã tấu.
Tháng 8/2011, trước khi cùng 44 đại biểu về TP HCM dự lễ tuyên dương các cá nhân, tổ chức trong đấu tranh phòng chống tội phạm khu vực phía Nam do Bộ Công an tổ chức và nhận Bằng khen của Thủ tướng, "hiệp sĩ đường sông" Dương Công To đã cùng bạn bè kịp thời ngăn chặn một thanh niên từng là công nhân cầu Cần Thơ bị đuổi việc dùng mã tấu rượt chém người dân.
Khi được hỏi có sợ bị trả thù khi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", lão ngư có mái đầu bạc phơ cười nhẹ tênh. Ông bảo nếu sợ thì đã bỏ nghề từ lâu chứ không phải tự đứng ra thành lập đội dân phòng đường sông rồi duy trì suốt hơn 15 năm qua. Tuổi đã lớn, các con khuyên ông ở nhà dưỡng già nhưng nhớ cảnh người sắp chết đuối chới với trên sông, hay người nghèo mua bán trên sông bị bọn trộm cướp trấn lột là ông "ngứa tay không chịu nổi".
"Tôi muốn suốt đời góp sức mình canh giữ bình yên cho người dân dưới chân cầu Cần Thơ này", ông To chia sẻ.
Theo VNExpress
Chuyện về "ngài" cá nhà táng khổng lồ trên đảo Phú Quý Được tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương cá nhà táng (còn gọi là cá voi đầu to) khổng lồ do Viện Hải dương học Nha Trang vừa phục dựng hoàn chỉnh là điều cực kỳ thú vị cho bất cứ ai lần đầu đến thăm đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận)... Nhân một chuyến công tác mới đây trên huyện đảo Phú Quý...