Chuyện về anh công nhân quên mình cứu 5 người
“Lúc nhỏ nó đã biết lo lắng, khóc gào đòi bà nội đưa đi tìm cha mẹ giữa cơn bão khi vợ chồng tôi chưa về. Ngày học cấp ba, nó nhường xe đạp của mình cho bạn đến trường, còn bản thân thì chịu phạt đứng trước cờ vì tội đến lớp muộn…”.
Đó là những lời tâm sự của người mẹ về tính cách “thương người hơn thương thân” hình thành từ tấm bé của liệt sĩ Trần Hữu Hiệp – anh công nhân quên thân mình cứu sống 5 mạng người trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ xảy ra cách đây hơn nửa năm trước.
Luôn sống vì mọi người
Căn nhà của gia đình vợ chồng ông Trần Hữu Trọng và bà Nguyễn Thị Thìn (cha mẹ đẻ liệt sĩ Trần Hữu Hiệp) ở xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa nằm ở cuối làng Long Khang. Thấy khách lạ đến hỏi thăm về cậu con út đã khuất, bà lại chực rơi nước mắt. Kỷ niệmvề đứa con trai đã mãi mãi ra đi ùa về trong tâm trí người mẹ.
Đưa tay lau vội dòng lệ, bà kể: “Tôi sinh nó ra nên hiểu tính con hơn ai hết. Thời đó điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vợ chồng tôi thường phải đi xe đạp sang xã bên mua mật mía thồ đi đổi lúa, ngô về nuôi con. Thằng Hiệp khi đó còn nhỏ, nó rúc vào ngực mẹ cả đêm mà nào có sữa đâu cơ chứ”.
Khuôn mặt buồn rầu, ông Trần Hữu Trọng ngồi bên cạnh vợ như không nén được cảm xúc về đứa con của mình, ông Trọng hồi tưởng lại năm Hiệp tròn 6 tuổi. Lúc này, cậu bé chưa tự lo cho bản thân được, nên bố mẹ phải gửi ông bà nội trông giúp để đi làm. Hôm đó, ông Trọng và bà Thìn mang mật sang huyện bên đổi khoai sắn đến tối mịt mà hàng vẫn chưa hết. Trời lúc này tối sầm lại, giông tố, sấm chớp nổi lên, chiếc xe đạp thồ lại thủng lốp, hai vợ chồng ông phải dắt bộ, khi trở về tới nhà đã gần nửa đêm. “Nghe tiếng xe đạp tới cổng, thằng Hiệp lao ra, ôm chầm lấy mẹ. Lúc đó bà nội kể: “Bay không về nhanh mà coi, khi trời bắt đầu chuyển giông, tau ôm chặt mà hắn cứ vằng ra đòi đưa đi tìm bố mẹ. Tau càng dỗ, hắn càng gào to “ối bà ơi, đi cứu bố mẹ cháu”, ông Trọng kể.
Mới đây, cô bạn cùng xóm học chung cấp ba là Nguyễn Tôn Thị Nhung nghe tin Hiệp hy sinh khi cứu người đã về thắp hương, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình ông bà Trọng. Nhung không thể quên được kỷ niệm thời hai đứa cùng đến trường. Một hôm, xe của Nhung hỏng giữa đường, Hiệp liền nhường phương tiện của mình cho bạn đến trường, còn anh dắt xe của Nhung mang đi sửa nên bị muộn mất hai tiết học. “Sáng thứ hai đầu tuần sau, Hiệp bị nhà trường phạt đứng trước cờ, vậy mà cậu ấy vẫn cứ im lặng chịu tội, chẳng thanh minh gì cả. Em vừa cảm phục Hiệp, vừa thấy mình có lỗi, giờ ngồi nhớ lại em thấy xót xa quá”, Nhung tâm sự.
Lận đận mưu sinh
Năm 2007, Hiệp tốt nghiệp trường Cao đẳng Hóa chất Việt Trì (Phú Thọ), do chưa xin được việc nên Hiệp vào Sài Gòn rửa bát thuê. Anh làm việc ở đây trong 5 tháng thì quay ra Bắc, về Hà Nội thử tay nghề trong một xưởng cơ khí tư nhân. Nhưng rồi đồng lương không đảm bảo, đúng thời điểm đó, có người họ hàng đang công tác trong TP Hồ Chí Minh gọi điện báo, ở trong này đã kiếm ra chỗ làm mới. Hiệp lại khoác balô Nam tiến. Trong quá trình làm việc, Hiệp luôn tận tụy để chứng minh khả năng của mình với ông chủ. Số phận vẫn chưa mỉm cười với chàng thanh niêm chăm chỉ khi ông chủ của Hiệp rơi vào tình trạng phá sản. Lúc này, người bà con đưa Hiệp về làm tạm thời ở chỗ khác, nhưng cũng được ít lâu Hiệp lại về quê vì công việc không ổn định.
Video đang HOT
Sự hi sinh của anh công nhân Trần Hữu Hiệp là tấm gương sáng về lòng tương thân, tương ái…
Rồi mong ước bấy lâu của Hiệp cũng trở thành hiện thực. Một người thân đã giúp đỡ anh tìm được chỗ làm mới ổn định. Đó là thời điểm tháng 8/2011, Hiệp được nhận vào làm công nhân kỹ thuật ở nhà máy thuộc Cty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam đóng tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Chăm chỉ lao động, anh công nhân Trần Hữu Hiệp tu chí, dành dụm được một khoản tiền đáng kể, đưa mẹ vào Sài Gòn chữa bệnh.
Cuối năm 2012, Hiệp về quê ăn tết có đưa cho vợ chồng ông Trọng 10 triệu đồng. “Hiệp kể, con tiết kiệm được hơn 40 triệu đồng nhưng xin phép bố mẹ cho khoản tiền đó để con mua xe máy. Vợ chồng tôi đồng ý, ấy nhưng khi vào Nam, nó gặp người bạn hoàn cảnh khó khăn nên cho vay hơn 30 triệu đồng, đến nay người này mới trả lại trên 3 triệu. Tính nó hay thương người thế đấy”, ông Trọng nói về cậu trai út.
Ngày 2/8/2013, trong khi đang ngồi xem ti vi nghe vụ chìm tàu, lúc đầu, vợ chồng ông bà Trọng cũng chăm chú theo dõi, một lúc thì người thân gọi điện báo thằng Hiệp có đi trên chiếc canô này. “Tôi chột dạ nghĩ tới điều chẳng lành vì tôi hiểu tính con mình. Mấy khi nó quan tâm tới chính bản thân đâu.Sau đó, cả nhà tôi liên tục ngồi theo dõi thông tin trên mạng. Khi thấy dòng tên cháu hiện lên, tâm trạng mọi người thân rơi vào trống rỗng đến cùng tận đau thương”, ông Trọng buồn rầu.
Sự hy sinh cao cả
Trong biên bản xảy ra sự việc chìm canô tại vùng biển Cần Giờ do Cty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam lập ngày 25/9/2013 với sự tham gia ý kiến của 12 nạn nhân may mắn sống sót trên chuyến canô định mệnh, có những dòng ca ngợi về tấm gương cứu người của anh công nhân Trần Hữu Hiệp vô cùng cảm động.
Những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước và các tổ chức trao tặng cho liệt sĩ – công nhân Trần Hữu Hiệp.
Nạn nhân Võ Công Chiến nói: “Lúc đầu đi trên canô, Hiệp có mặc áo phao. Nhưng khi canô bị lật, trong lúc di chuyển về phía sau, Hiệp thấy nhiều người ở phía trước không biết bơi và không có áo phao. Hiệp đã cởi áo phao ra và chuyển lại cho mọi người ở phía trước”.Nạn nhân Trần Kim Trung nhận xét: “Dù sức khỏe không bằng mấy anh em khác, nhưng Hiệp rất kiên trì, kiên trì đến hơi thở cuối cùng. Tôi có nghe Thu kêu giữ lấy anh Hiệp, sau đó sóng đánh mấy lần, Hiệp ngất rồi trôi dần ra xa”.
Còn nạn nhân Phạm Thị Thu, người được chính tay Trần Hữu Hiệp cứu sống nói: “Anh Hiệp là người cố giữ em lại nhiều nhất trong số các anh giữ em. Đến khi kiệt sức, mỗi lần bị sóng đánh, anh đều bị ói, ói rất nhiều… Nhưng dù bị ói và kiệt sức, anh Hiệp vẫn cố giữ chặt lấy em cho đến khi bị đuối hoàn toàn rồi anh ra đi vĩnh viễn. Em mang ơn anh Hiệp nhiều lắm”.
Tấm gương hy sinh cứu người của người công nhân Trần Hữu Hiệp đã được ghi nhận. Mới đây, anh Trần Hữu Hiệp được công nhận là liệt sĩ, được nhận nhiều danh hiệu cao quý khác như Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam”; Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam”…
Vợ chồng ôngTrọng vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước: “Sự mất mát về tính mạng con người không có gì đánh đổi được. Song, việc con tôi hy sinh, đến nay gia đình đã được toại nguyện. Cháu ra đi, một mặt chúng tôi đau đớn về tinh thần nhưng mặt khác cũng cảm thấy đó là sự hy sinh cao cả, niềm vinh dự của gia đình, dòng tộc”.
Ông Hà Long Biên – Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Thạch Thành chia sẻ: “Đó thực sự là niềm tự hào đối với hàng nghìn vạn người lao động đang làm việc trên các công trường, nhà máy. Ngay sau khi Hiệp hy sinh, tại hội nghị sơ kết Quý III, Liên đoàn lao động huyện Thạch Thành đã phát động phong trào học tập tấm gương Trần Hữu Hiệp đối với công nhân lao độngđang làm việc ở 19 doanh nghiệp trên địa bàn. Học tập ở đây là học tập tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp hoạn nạn. Anh emcông nhân lao động sống tốt với nhau, cùng chia sẻ khó khăn trong công việc và cuộc sống đời thường”.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Nhóm đối tượng thu mua phế liệu kiểu xã hội đen sa lưới
Dưới vỏ bọc là công ty chuyên thu mua phế liệu, Hiệp "ép" các doanh nghiệp và các cơ sở thu mua bán cho mình với giá thấp hơn giá thị trường. Nếu không đồng ý, Hiệp sẽ cho đàn em tới "dằn mặt".
Đinh Ngọc Hiệp (bên trái) và Thái Huy Lợi - nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Minh Tâm tại cơ quan điều tra (ảnh Hải Việt)
Theo tài liệu của cơ quan chức năng, sau một thời gian thi hành án về tội cướp tài sản và cố ý gây thương tích, Đinh Ngọc Hiệp (thường gọi là Hiệp Chi) thành lập Công ty TNHH xây dựng thương mại tổng hợp Minh Tâm (trụ sở đóng tại đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Hà Huy Tập, Tp Vinh). Trên danh nghĩa là nơi tạo công ăn việc làm ổn định cho những hoàn cảnh lầm lỡ, giúp những người đã từng vào tù ra tội hòa nhập cộng đồng và có thêm thu nhập, Hiệp "tuyển dụng" các đối tượng thuộc thành phần "cộm cán" làm nhân viên Công ty.
Hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực thu mua phế liệu, Hiệp cùng với Phó giám đốc Thái Huy Lợi (còn gọi là Lợi Sơn, SN 1970, trú tại xã Hưng Chính, Tp Vinh) cho nhân viên tới Công ty CP giấy Sông Lam đưa bản báo giá nhập giấy phế liệu với mức mua vào với giá 2.000 đồng/kg và bán ra với giá 2.300 đồng/kg. Mức giá này quá thấp so với mức giá Công ty CP giấy Sông Lam thu mua của các đại lý từ 2.500-2.700 đồng nên lãnh đạo công ty này không đồng ý.
Không thương thuyết được với Công ty CP giấy Sông Lam, Hiệp cho đám đệ tử của mình ép anh Đào Trọng Sử - lái xe của Công ty CP giấy Sông Lam phải dỡ hết hàng xuống khi anh này tới nhận hàng tại một ki ốt tren đường Phong Định Cảng (Tp Vinh). Sợ các đối tượng này đánh, anh Sử buộc phải làm theo.
Ngoài ra, Hiệp còn cho "đàn em" đưa bảng báo giá kèm theo bản "Thỏa thuận mua bán" của Công ty Minh Tâm đến các đại lý thường xuyên bán nguyên liệu cho Công ty Sông Lam, yêu cầu chủ các đại lý này phải ký vào thỏa thuận mua bán giấy phế liệu theo giá chúng đã ấn định sẵn. Đại lý nào không đồng ý thì ngay lập tức sẽ có nhóm đối tượng đàn em đến để "dằn mặt", chặn đường để không thể thu mua được phế liệu.
Bằng những thủ đoạn trên, Công ty Minh Tâm đã thao túng hầu hết các đại lý thu mua giấy phế liệu trên địa bàn bán hàng cho chúng. Sau nhiều tháng không có nguồn nguyên liệu sản xuất, hơn 150 lao động không có việc làm, Công ty CP Giấy Sông Lam đã phải làm đơn kiến nghị yêu cầu cơ quan công an vào cuộc.
3 trong số 5 đàn em của Hiệp Chi (ảnh Hải Việt)
Không chỉ sử dụng "luật rừng" trong hoạt động kinh doanh, nhóm Hiệp Chi còn sử dụng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn. Cụ thể, khoảng 1h sáng ngày 1/1/2014 nhóm của Đinh Ngọc Hiệp đến ăn đêm tại một quán cháo trên địa bàn phường Bến Thủy (Tp Vinh). Tại đây, thấy anh Lê Văn Thắng đang ăn cháo ở bàn bên, Hiệp dùng quả cà chua ném vào bàn Thắng. Dù vậy, để yên ổn, Thắng qua bàn "Hiệp chi" xin lỗi và thông cảm. Tuy nhiên, khi ăn xong nhóm "Hiệp chi" ra chặn đường về của Thắng.
Biết nhóm của Hiệp "chi" chặn phía trước nên Thắng chỉ dám cho xe chạy từ từ. Tuy nhiên, nhóm của Hiệp đánh, đạp vào xe, đập vỡ kính chiếu hậu và dùng đất đá ném vào xe của Thắng. Để thị uy, nhóm của Hiệp còn rút súng bắn hai phát chỉ thiên.
Sự việc được báo cáo lên cơ quan chức năng. Sau khi vào cuộc điều tra, Đồng thời, cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đinh Ngọc Hiệp và đồng bọn về 2 tội danh "gây rối trật tự công cộng" và "cố ý làm hư hỏng tài sản".
Sau khi các đối tượng Nguyễn Văn Anh (tức Anh Cò, SN 1975, trú tại phường Cửa Nam, Tp Vinh), là đối tượng từng có một tiền án; Trần Hữu Thạch (tức Thạch Nhật, SN 1977, trú tại phường Hà Huy Tập, Tp Vinh), từng có một tiền án về tội giết người; Trần Hữu Nghĩa (tức Nghĩa Phương, SN 1983, trú tại phường Bến Thủy, Tp Vinh) và Hồ Viết Lợi (SN 1983, trú tại phường Hưng Bình, TP.Vinh); Lê Hữu Thành (còn gọi là Thành Tuyết, SN 1989, trú tại xã Hưng Lộc, Tp Vinh) sa lưới, Hiệp Chi bỏ trốn khỏi địa phương. Sau một thời gian chạy trốn, biết không thể thoát khỏi "lưới trời", Đinh Ngọc Hiệp đã tới cơ quan công an đầu thú.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Vĩnh Khang
Theo Dantri
Cảm động người mẹ hiến thận, rao bán nhà cứu con Hết chỗ vay mượn, bà đành rao bán căn nhà đang ở để lấy tiền chữa bệnh cho con. Không có một số tiền lớn để thay thận, đứa con trai độc nhất của bà đang cầm chắc cái chết. Bao nhiêu hi vọng của đôi vợ chồng trẻ đã dần lụi tàn kể từ khi Hiệp mắc bệnh suy thận độ 4...