Chuyện về 2 nhân chứng lịch sử trong chiến thắng Phai Khắt – Nà Ngần
Tháng 10 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về Cao Bằng, Người gửi thư tới đồng bào cả nước nêu rõ: “Phe xâm lược (Đức Ý- Nhật) gần đến ngày bị tiêu diệt. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”. Sang tháng 12-1944, Người ra chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.
34 đội viên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ăn một bữa cơm chiều
trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt ngày 24-12
Video đang HOT
Bản chỉ thị nêu rõ: Gọi là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) nghĩa là lấy chính trị trọng hơn quân sự, về chiến thuật lấy lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng tích cực, nay Đông mai Tây là chính, là Đội quân đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác, lai vô ảnh khứ vô hình, quy mô ban đầu còn nhỏ, nhưng tiền đồ rất vẻ vang, nó là khởi điểm của “Giải phóng quân” đi từ Nam chí Bắc khắp đất nước…
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, chiều 22-12-1944 tại khu rừng già ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) lễ thành lập Đội VNTTGPQ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì đã được tổ chức, gồm 34 chiến sỹ của 5 dân tộc, quê ở 5 tỉnh khác nhau. Đồng chí Trần Kỳ (Hoàng Sâm) quê ở Quảng Bình làm Đội trưởng.
Hai ngày sau khi thành lập, Đội đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí tiêu diệt 2 đồn địch ở Phai Khắt – Nà Ngần cách nhau 20 cây số, quân ta tuyệt đối an toàn, làm nức lòng dân vùng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng.
Trải qua mấy chục năm chiến đấu và trưởng thành, các chiến sỹ của Đội trở thành cán bộ chỉ huy, tướng lĩnh của quân đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong hàm Đại tướng 4 năm sau đó, năm 1984 được thế giới bầu chọn là 1 trong 10 Danh tướng của nhân loại, ông đã từ trần ngày 4-10-2013, thọ 103 tuổi. Đến nay, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có 33 cán bộ chiến sỹ Đội VNTTGPQ hy sinh, từ trần. Người chiến sỹ của Đội duy nhất còn sống đến nay là cụ Tô Đình Cắm đã 93 tuổi, theo tiếng Tày, Cắm nghĩa là vàng.
Đồn Phai Khắt (ảnh chụp năm 1961), nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
đã đánh thắng trận đầu, ngày 24-12-1944
Cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp lại xâm lược Nam bộ. Tháng 10-1945, ông Tô Đình Cắm đã có mặt trong đội quân Nam tiến và bị thương rất nặng khi đánh địch ở Rạch Giá, rồi được trở lại Cao Bằng làm ruộng, làm nương. Năm 1949 ông “tái ngũ”. Tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950, ông lại bị thương nặng lần thứ hai nên được rời quân ngũ phục viên về làng. Với cụ Cắm thời gian tại ngũ chiến đấu không nhiều, nhưng thật đáng để người đời tôn trọng, tự hào, bởi cụ là 1 trong 34 chiến sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng bách chiến bách thắng, được người “anh cả” của quân đội – Đại tướng Võ Nguyên Giáp dìu dắt, giúp đỡ hoạt động khi cách mạng còn trong trứng nước.
Và trong trận đánh địch đầu tiên của Đội VNTTGPQ, không thể không nhắc đến người phụ nữ Tày thực hiện chiến thuật “điệu hổ ly sơn ” giúp Đội tiêu diệt đồn Phai Khắt là cụ Nông Thị Ly, sinh năm Đinh Tỵ. Để chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt, cô gái Tày Nông Thị Ly 27 tuổi được giao nhiệm vụ lôi kéo bọn lính dõng ra khỏi đồn để tránh thương vong cho Đội.
Xế trưa 24-12-1944, cô Ly bày ra chuyện xay bột làm bánh tráng, bánh cuốn, gọi được 8 lính dõng trong đồn ra phụ giúp, vừa làm vừa tán chuyện với người đẹp gần đồn, cô Ly còn bày ra chuyện đố vui có thưởng, đoán vui trong khi đội quân cách mạng đã áp sát đồn Phai Khắt, chỉ trong chốc lát quân ta đã trói chặt lũ giặc trong đồn, chỉ tốn 2 viên đạn giết chết tên đồn trưởng XiMôNô. Lũ giặc từ nhà cô Ly chạy về đồn để giải vây, nhưng đều bị chiến sỹ của Đội bắt sống. Đồn Phai Khắt bị tiêu diệt, vừa ăn xong bữa cơm tối, Đội lại vượt núi băng rừng tiêu diệt thêm đồn Nà Ngần, làm nức lòng nhân dân Cao Bằng.
Cách mạng tháng Tám thành công, cô Ly được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm dâu họ Dương, chồng là đồng chí Dương Trọng Chưởng cũng là một chiến sỹ Việt Minh đương thời, người con trai duy nhất của họ cũng đi bộ đội đánh Mỹ và đã nghỉ hưu. Gần 20 năm trước đây, gia đình cụ Ly – cụ Chưởng đã vào sinh sống ở thị trấn Đạ Tẻh (Lâm Đồng).
Theo_An ninh thủ đô