Chuyện trong trại giam: “Căn buồng hạnh phúc”
Chuyện đi tù, nhưng vẫn được ngủ với vợ “đều đều” chẳng phải là chuyện gì mới mẻ. Suy cho cùng thì đó là một việc bình thường, là một trong những quyền căn bản của con người. Thế nhưng để có được “ân huệ” ấy, đòi hỏi phạm nhân phải nỗ lực cải tạo không ngừng và một lòng hướng thiện.
Một lần “trót dại”…
Trong số những phạm nhân mà chúng tôi gặp ở Trại giam Hồng Ca lần này, Phạm Minh Sơn (SN 1968), đến từ phường Tân Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu quả là một phạm nhân cực kỳ “may mắn”. Ngày 19/12/2008, Sơn bị TAND tỉnh Lai Châu kết án 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cùng phải nhận những hình phạt đích đáng hơn trong vụ án với Sơn còn có Bùi Sĩ Tiến, Lò Văn Nghiên (cùng trú ở Điện Biên), hiện đang phải chấp hành 17 năm và 16 năm tù ở những trại giam khác.
Được cán bộ trại giam “cử” ra gặp chúng tôi, Phạm Minh Sơn không cần phải có người dẫn giải. Hiện, ông chủ vật liệu xây dựng ở một mỏ than Lai Châu thuở nào đã được đi lại, cải tạo khá thoải mái trong khuôn viên trại. Sơn có “tướng hộ pháp”, nhưng khuôn mặt thì khá hiền lành, chân chất. Những ngày tháng bôn ba trước đây cộng thêm gần 4 năm ở tù khiến anh ta có vẻ bề ngoài, cử chỉ điềm tĩnh hơn hẳn những phạm nhân khác. Có thể nói, con đường đưa đẩy Sơn từ một công dân tự do ở Lai Châu đến trại tù tại Yên Bái này xem ra có vẻ rất “hoang đường”… Năm 2008, công việc kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực một mỏ than “thổ phỉ” ở Lai Châu của Sơn khá phát đạt. Nhờ các mối quan hệ làm ăn này, Sơn có thêm rất nhiều bạn. Trong số ấy, có Lý Thị Hương là vợ của một người cùng làm ăn với Sơn. Biết ông chủ vật liệu xây dựng đi lại nhiều, quan hệ rộng nên tháng 4 năm đó, người phụ nữ này nhờ Sơn hỏi mua hộ 1 bánh heroin. Nể vợ bạn, lại chắc mẩm sau phi vụ, kiểu gì cũng có được vài đồng “lót tay” nên Sơn không nỡ chối từ.
Phạm Minh Sơn kiểm tra lại khẩu phần bữa sáng cho các phạm nhân.
Ngay sau đó, Sơn liên lạc với Bùi Sĩ Tiến ở xã Sam Mứn, TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên “đặt hàng”. Trưa 3/4/2008, Hương dẫn theo người đàn ông tên Thanh (quê Nam Định) đến chỗ Sơn giới thiệu chính anh này đang cần mua “hàng trắng”. Được Sơn thông báo cho biết “căn cước” của đối tác, ngay hôm sau, Tiến rủ Nghiên mang theo kiếm áp tải “hàng” xuống Lai Châu. Sau khi được Sơn “khớp nối” cho hai bên gặp nhau, thống nhất giá cả và địa điểm giao hàng, 3h ngày 5/4/2008, Tiến và Nghiên đánh ô tô đến một nhà nghỉ ở TP Lai Châu để giao dịch thì bị công an ập vào bắt quả tang. Ngay sau khi đầu nậu buôn “hàng trắng” bị tóm, Sơn hốt hoảng ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội.
Quan trọng là sám hối
Nói về gia cảnh của mình, Sơn bảo nhà có 4 anh chị em thì chỉ có anh ta là “vất vưởng” nhất vì không chịu học hành đến nơi, đến chốn. Các anh chị em của Sơn thì đều phương trưởng cả và hiện đang công tác tại các cơ quan Nhà nước ở Lai Châu. Cách đây 19 năm, Sơn lấy vợ. Vợ Sơn quê tận Thanh Hóa tình nguyện lên vùng cao làm cô giáo tiểu học. Nhắc đến vợ con, gương mặt ông chủ vật liệu xây dựng thuở nào bỗng “giãn” hẳn ra. “Cô ấy vừa xinh đẹp vừa nết na và hết mức yêu thương chồng con” – Sơn khen vợ mà thầm gửi gắm nỗi niềm biết ơn.
Trong lòng Sơn, ở tù anh ta khổ một thì người vợ ở nhà khổ mười. Ngay sau khi Sơn “dính” án ma túy, xóm giềng, đồng nghiệp gần như “tẩy chay” vợ anh ta. Vợ Sơn bị suy sụp trong một thời gian dài, cho đến tận sau này chồng đến thụ án ở Trại Hồng Ca, những lá thư chị gửi Sơn vẫn thấm đẫm nước mắt. Thế nhưng nhờ sự kiên cường, sự tận tụy trong công tác và nhất là một lòng yêu thương chồng con nên cô giáo tiểu học gốc Thanh Hóa dần lấy lại được thăng bằng cũng như sự tin yêu của mọi người. Sau ít ngày phải học tập pháp luật, nội quy, quy chế, giáo dục công dân, Sơn được “biên chế” về Đội 12, K1 của trại. Công việc hàng ngày của Sơn cùng 44 phạm nhân khác trong đội là đảm bảo cơm nước, hậu cần cho gần 2000 phạm nhân toàn trại. Dù những ngày ở nhà chẳng khi nào Sơn chịu vào bếp nấu cho vợ con nồi cơm, bát canh, song ở trại Sơn lại tỏ ra rất “đảm đang”. Nhận thấy Sơn có tố chất “bếp trưởng” nên tháng 9-2009, anh ta được Ban giám thị trại “cất nhắc” lên chức Đội trưởng Đội hậu cần phạm nhân.
Video đang HOT
Một lòng sám hối, Sơn luôn “giành” những việc khó, việc khổ về mình. Những lúc rảnh rỗi, anh ta còn không ngừng động viên, an ủi các phạm nhân khác, nhất là những phạm nhân phải thụ án dài. Chiều 22/6/2010, Sơn đang “đánh vật” với mấy thùng bột mì, chuẩn bị làm bánh cho bữa sáng hôm sau của các phạm nhân thì bất ngờ nhận được thông báo từ ngoài cổng vào “có vợ đến thăm”. Sơn chạy như bay tới nhà thăm gặp để ôm chầm lấy vợ. Nhưng niềm vui đâu đã dừng ở đó, Sơn tiếp tục nhận thêm thông tin anh ta được Ban giám thị cho phép “sở hữu” căn buồng hạnh phúc với vợ trong vòng 24 giờ.
Nhớ lại cái cảm xúc ấy, Sơn hồ hởi: “Thật không có gì vui sướng bằng. Lúc ấy cả tôi và vợ đều ôm nhau khóc rưng rức, nhưng đó là những giọt nước mắt đong đầy hành phúc, tủi hờn”! Sơn bảo những phạm nhân được hưởng như anh ta trong thời gian qua chẳng mấy. Bởi để được Ban giám thị trại chấp thuận nguyện vọng này, ngoài việc cải tạo, phấn đấu thật tốt thì còn phải trải qua rất nhiều khâu xét duyệt. Và quan trọng nhất là phạm nhân ấy phải gây dựng được niềm tin với cán bộ, chiến sĩ ở trại. Vì rằng trong khoảng thời gian “hạnh phúc” kia, mấy ai dám chắc phạm nhân không có những hành động gây nguy hại tới công tác quản lý giáo dục ở trại, thậm chí là “đào tẩu”.
Cũng theo lời Sơn, ngày 21/7 vừa qua, anh ta lại thêm một lần nữa được ở bên vợ trong vòng 24 giờ. Với Sơn hay bất kỳ một phạm nhân nào khác khoảng thời gian ngắn ngủi ấy thật vô cùng quý giá. Nó không chỉ giúp một mảnh đời lầm lạc có được cảm giác yêu thương, tha thứ, đợi chờ từ phía gia đình, cộng đồng và tính nhân văn, nhân đạo của chế độ mà hơn thế nó còn là cái để mỗi phạm nhân ngẫm ngợi về cuộc sống tự do. Trước khi trở lại với cái “xó bếp” của mình, Sơn đã mạnh dạn bày tỏ chiêm nghiệm với chúng tôi: “Ở đời có mấy ai không mắc phải lỗi lầm. Điều quan trọng là phải biết sám hối và sám hối sẽ chẳng bao giờ là muộn cả”!
Theo 24h
Tử tù đặc biệt nhất của lịch sử tố tụng
11 năm nằm phòng biệt giam chờ đợi ngày ra pháp trường, gã là tử tù bị bỏ quên.
Suốt thời gian ấy, gã đã bập bẹ viết một cuốn nhật ký nói lên sự sám hối của mình. Kỳ lạ hơn là cuốn tự truyện ấy vừa đạt giải nhất cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động.
Tử tù đặc biệt
"Tôi là Đặng Văn Thế, sinh ngày 22/07/1975. Năm mà trước ngày tôi chào đời hai tháng, quân và dân ta đã thẳng tiến về Dinh Độc Lập để bắt sống Dương Văn Minh để hai miền Nam Bắc được thống nhất thành một dải. Sinh tôi ra đúng vào tháng năm lịch sử đó, bố mẹ tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm được một việc gì đó, có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng thật là đắng cay và đau xót, vì chẳng những tôi không làm được việc gì có ích cho xã hội mà tôi lại là kẻ tội đồ của gia đình và xã hội - khi tôi đang tâm gieo rắc cái chết trắng cho mọi người...". Đó là những dòng giới thiệu về bản thân của Đặng Văn Thế trong cuốn tự tuyện của gã.
Tử tù Đặng Văn Thế
Đặng Văn Thế "dính" án tử hình bởi tội danh buôn bán, vận chuyển 20kg thuốc phiện. Với công việc của một lơ xe đường dài, thuộc trục đường miền Tây Nghệ An - mảnh đất nóng của ma túy, Thế có điều kiện để kiêm thêm "nghề tay trái" là vận chuyển "cơm đen".
Sau 3 chuyến xuôi chèo mát mái, Thế ôm về 18 triệu tiền hoa hồng. Thấy làm giàu không khó, gã tiếp tục lao vào con đường gieo rắc cái chết như cần câu cơm. Lúc đó gã bước sang tuổi 22, vừa cưới vợ được hơn một tháng. Nhưng ngày 15/8/1997, trên đường vận chuyển 20kg thuốc phiện đi tiêu thụ, Thế đã bị bắt quả tang. Ngày 23/6/1998, Đặng Văn Thế đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án cao nhất.
Giờ ngồi nhớ lại ngày mình đứng trước vành móng ngựa, gã vẫn rưng rưng buồn. Thế kể tôi nghe trong những dòng cảm xúc bị ngắt quãng. Giờ phút chủ tọa tuyên án bị cáo Đặng Văn Thế bị tử hình, người mẹ già 70 tuổi và cô vợ trẻ của gã bất tỉnh ngay tại hội trường xét xử. Gã được đưa ra xe thùng mà đầu cứ cố gắng ngoái lại tìm những hình ảnh thân quen. Trong tâm trạng rối bời, chồng chất cảm xúc, đôi mắt tuyệt vọng của gã tìm thấy ánh mắt khắc khoải của mẹ. Đôi mắt đó đã đi theo gã suốt những năm tháng bước trên đường hướng thiện.
Những ngày đầu mới vào trại, được giam trong khu vực dành cho tử tù, gã nhớ mẹ, nhớ vợ da diết. Nước mắt cứ thế lăn dài hai gò má mỗi khi chiều buông ánh hoàng hôn. Nửa tháng sau, vào một ngày nắng nóng trung tuần tháng 7/2000, Đặng Văn Thế đón nhận thêm "bản án tử lần thứ hai"- án tử hình dành cho con tim (theo cách gã gọi nỗi đau của mình). Đang ngồi nghĩ vẩn vơ những tháng ngày sống sót ngắn ngủi, Thế được cán bộ thông báo có người nhà đến thăm. Gã biết đó là vợ mới cưới, nên khấp khởi vui mừng. Khoác lên người bộ quần áo vợ may cho ngày cưới, gã bước theo cán bộ trại...
"Sáng hôm đó trời mưa rất lớn, cơn mưa như trút nước từ đâu đổ về, làm ngập cả con đường từ nhà giam ra phòng tiếp dân, cho dù hôm đó là mùa hè", gã nhớ lại. Sau khi hỏi thăm sức khỏe của chồng, cô vợ hai hàng nước mắt ngắn dài tuôn trào. "Thú thực lúc ấy tôi nghĩ cô ấy khóc vì thương tôi, vì lo cho cuộc sống của tôi đang phải đếm từng ngày. Nhưng thật là cay đắng cho tôi, vì những giọt nước mắt đó là khúc dạo đầu cho "bản án tử hình" mà cô ấy đã tuyên cho tôi..." - Thế viết trong cuốn nhật ký của mình.
Một bài thơ Thế viết trong phòng biệt giam.
Đưa bàn tay run run vì cảm xúc bị nghẹn lại, gã ký vào lá đơn li dị vợ đã chuẩn bị sẵn ở nhà. Lòng như bị xé nát trăm bề, nhưng gã vẫn mỉm cười, nắm tay vợ chúc hạnh phúc lần cuối, trước khi theo cán bộ về phòng. Gã ý thức được rằng, đây có thể là lần cuối gã nhìn thấy vợ mình và lần cuối cho cảm giác mình đã có một gia đình.
Gã về phòng nằm nhưng không sao chợp mắt. "Trong tôi luôn có cảm giác thật khó tả, tôi vui vì đã mang đến tự do cho vợ, và cũng rất buồn vì tôi đã đánh mất đi chỗ dựa và nguồn động viên lớn lao của mình. Tối hôm đó, tôi nghĩ đến cảm giác cô đơn gặm nhấm tâm hồn tôi trong những ngày còn lại của kẻ tử tội, nên tôi đã ném tung gói quà mà cô ấy gửi. Sau này, tôi đã viết mấy câu thơ về cô ấy rằng: Em ra đi khi bình minh tắt nắng/ Bỏ lại tôi một bóng tối hoàng hôn/ Lệ tuôn rơi nhưng sao không khóc nổi/ Bởi giờ đây em là vợ người ta", gã đã chia sẻ những cảm xúc trong lòng qua những trang nhật ký như vậy.
Sống như ngày mai sẽ chết
Một ngày thu nắng đẹp, gã vỡ òa khi được đọc tờ công văn hoãn thi hành án tử hình. Nhưng chờ đợi mãi hết năm này qua năm khác, vẫn không thấy một kết luận cuối cùng cho mình. Chính vì thế, suốt 11 năm, ngày nào gã cũng sống như ngày mai sẽ chết vậy. Để giết thời gian, gã bập bẹ viết nhật ký để ghi lại những tháng ngày ngắn ngủi còn tồn tại ở chốn dương gian. Trong đó là những dòng chia sẻ tâm trạng, và hơn hết là sự sám hối của một tử tù chờ thi hành án.
Những đêm dài mất ngủ làm cặp mắt của gã tử tù thâm quầng. Dẫu trong lòng vẫn le lói một tia hi vọng về sự đặc xá, nhưng sự im lặng đã khiến gã luôn mơ hồ đến cái ngày phải ra pháp trường. Trong cuốn tự truyện, gã đã nói về cảm xúc ấy. Giữa đêm khuya mưa to gió lớn, gã không tài nào chợp nổi mắt. Bất chợt nghe tiếng lenh keng mở khóa, giật bắn mình, gã bật dậy ngóng. Hay là thời khắc của mình đã điểm, tim gã đập mạnh liên hồi. Phải đến khi cán bộ trại giam ngó cổ vào hỏi thăm, gã mới hoàn hồn. Đặt lưng xuống xiềng, nước mắt gã cứ thế tuôn trào. Thế khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Từ ngày vào trại, gã liên tiếp nhận được những nỗi đau từ gia đình. Một buổi chiều cuối xuân, được cán bộ cho ra ngoài tập thể dục, Thế tình cờ phát hiện ra anh cả của mình đang đứng sau một nhà giam khác. Việc phải chứng kiến người thân của mình ở cùng cảnh trong trại giam là điều không một phạm nhân nào mong muốn. Đối với gã điều đó lại càng chua xót hơn, vì gã là một tử tù!
Sau những lời hỏi thăm, động viên anh cố gắng cải tạo tốt, Thế lặng người khi được biết, người anh trai ở quê nhà đã mất. "Lúc đó tôi vô cùng đau xót khi mà một lúc phải chứng kiến hai sự việc như vậy. Tối hôm đó khi bưng bát cơm lên chưa kịp ăn một thìa nào thì một lần nữa nước mắt tôi lại tuôn trào. Tôi khóc vì ân hận cho việc làm tội lỗi của mình, vì thương cho bố mẹ tôi. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn của anh em tôi mà bố mẹ tôi đã gần như mất một lúc ba núm ruột của mình".
"Gần một tuần sau, tôi được gặp bố mẹ. Nhìn khuôn mặt nhăn nheo của mẹ, mái đầu bạc trắng của cha mà lòng tôi như có muối xát. Tôi quỳ xuống ôm lấy mẹ và khóc, tôi cũng cảm nhận được đôi vai gầy của mẹ tôi cũng đang run lên. Ngẩng đầu lên tôi thấy mẹ định nói câu gì đó thì bố tôi đã kịp ngăn lại. Bố tôi bảo: Con cứ yên tâm cải tạo cho tốt, cha mẹ và anh chị ở nhà đều khỏe cả con đừng bận tâm. Nghe câu nói của cha tôi mà tôi cảm thấy thật là đắng lòng". Đoạn nhật ký này của Đặng Văn Thế nhòe đi bởi giọt nước mắt thấm xuống trang giấy.
Nỗi đau này chưa đi, nỗi đau khác đã tới, Thế mệt mỏi, rơi vào trạng thái trầm cảm. Một giám thị trại giam đã cho Thế một con mèo tam thể để bầu bạn, hắn đặt tên là Mương. "Sau hơn 2 tháng mang thai, bạn Mương đã cho ra đời lần lượt 3 chú mèo con. 3 công dân mới của phòng biệt giam tử tù lần lượt được tôi đặt tên là Xe, Pháo, Mã. Sau này Pháo còn sinh hạ cho tôi 3 lứa nữa, lứa đầu được 3 con, đôi đặt tên theo các ngôi sao bóng đá: Beckham, Rooney, Totti. Lứa thứ 3 là lứa trước ngày tôi được xuống xiềng gần 1 tháng, lứa này được 4 con, tôi đặt tên là Mùa -Xuân- Đã- Đến và đem tặng cho cán bộ. 4 con mèo với 4 cái tên ý nghĩa này dường như đã mang lại điềm lành cho tôi, vì sau đó 1 tháng, tôi nhận được quyết định ân xá từ tử hình xuống chung thân. Đó là ngày 23/6/2009...
Đúng 17h, sau đúng 11 năm bị xiềng, tôi được khai sinh ra lần thứ hai. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cải tạo thật tốt để xứng đáng với những ân huệ mà tôi nhận được. Tối hôm đó, tôi được chuyển vào buồng giam cùng với 4 phạm nhân thường án khác".
Cuốn tự truyện này, về sau đã nhận được giải cao nhất của cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện", do Tổng cục VIII Bộ Công an phát động.
Theo 24h
Sát hại chủ nợ bằng 25 nhát dao Đang nợ số tiền 350 triệu đồng, Nghĩa không những không trả tiền mà còn kiếm cớ gây sự rồi dùng dao giết chủ nợ dã man bằng 25 nhát dao. Ngày 27/9, TAND tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Quốc Nghĩa (SN 1984, ngụ ở 306A Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, Bình Định)...