Chuyện tình người lính Trường Sa: Tấm ảnh cưới bạc màu chờ anh về…
Hôm nay 22/6, tròn 15 năm ngày cưới của anh chị, chị mong một lần được ra Trường Sa thăm, động viên chồng nhưng mong muốn ấy chưa thể thực hiện. Nhìn tấm ảnh cưới đã bạc màu, chị bảo muốn chụp lại ảnh cưới nhưng chắc phải đợi đến dịp kỷ niệm 20 năm…
Mẹ cũng thích món quà bố gửi từ Trường Sa về cho con.
Con trai đầu lòng vừa tròn 5 tháng tuổi thì anh Nguyễn Mạnh Cường – Thượng tá, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) – hoàn thành chuyến công tác và trở về thăm nhà. Sau lần thăm nhà này, anh tiếp tục đi đảo triền miên vào những năm sau đó. Lần mới đây nhất là anh đi Trường Sa từ tháng 7/2013 đến nay đã gần một năm vẫn chưa về phép.
Vắng chồng quanh năm, gia đình người thân lại ở xa, như bao phụ nữ có chồng là lính hải quân, khi “vượt cạn” chị Nụ cũng chỉ biết nhờ vào sự giúp đỡ của đồng nghiệp, chị em trong khu tập thể. Ngày chị trở dạ sinh cháu Quốc Hải, các chị xúm lại, người gấp quần áo, người chuẩn bị tã lót, người chạy đi xin xe ô tô của đơn vị để đưa chị ra Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh.
Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị Nụ xúc động: “Trong khu tập thể chị em ở đấy ai cũng có chồng là lính đảo nên sống với nhau rất tình cảm. Khi em trở dạ, các chị ấy chạy ngược chạy xuôi, lo lắng, giúp đỡ rất nhiều”.
Năm 2005, cha của Thượng tá Cường ở quê bị bệnh nặng phải nhập viện, một người chú ở miền Bắc điện vào nhắn chị về thăm nội ngay vì có thể không qua khỏi. Chị kể, năm ấy, điện thoại chưa phổ biến, phải rất khó khăn chị mới có thể liên lạc được với nhà chồng qua điện thoại của Ban cơ yếu Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân. Nghe tin cha chồng bị bệnh nặng, chồng ở đảo chưa về, chị hoang mang, lo lắng rồi cùng con trai mua vé tàu về Bắc thăm nội. “Khi em cùng con trai ra đến Thái Bình và vào bệnh viện tỉnh chăm ông nội được ít ngày thì ông đỡ hơn và khỏe mạnh trở lại”, chị kể.
Ngồi bên cạnh mẹ, Minh Sơn tỏ ra rất khoái chí với món quà xe tăng của bố.
Năm 2007, anh Cường, chị Nụ có thêm niềm vui mới khi sinh thêm cháu trai Minh Sơn. Các con lớn lên rồi đi học, bao nhiêu thứ chị phải lo toan khi chồng tiếp tục vắng nhà. Chị kể, làm vợ lính đảo thường vắng chồng, con vắng cha trong những ngày thường đã cảm thấy buồn, trống trải, nhưng với những ngày tết thì lại càng buồn hơn. Nhớ nhất là cái tết năm ngoái, khi đêm giao thừa chị phải nhận nhiệm vụ trực ở đơn vị, 23 giờ đêm, anh điện về mà chị cứ khóc hoài khi nghĩ về các con cô đơn ở nhà, không bố mẹ bên cạnh.
Video đang HOT
Mới đây nhất, vào đầu tháng 5, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, như bao nhiêu phụ nữ có chồng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, Hoàng Sa, hàng đêm chị lo lắng, cồn cào ruột gan không thể nào chợp mắt.
Vì thế, những cuộc điện thoại liên lạc cũng đều đặn hơn, mỗi ngày ít nhất là một lần anh chị nói chuyện với nhau qua điện thoại để động viên, hỏi han tình hình sức khỏe và việc học tập của các con. “Anh ấy hay điện về từ lúc 10h đến 10h30 hàng đêm, đó là lúc anh rảnh rỗi nhất. Có hôm, chập tối anh ấy điện về đang lúc mấy mẹ con ăn cơm chỉ để nói chuyện với các con”, chị kể.
Hôm nay 22/6, đúng tròn 15 năm ngày cưới của anh chị, chị mong muốn một lần được ra Trường Sa để thăm, động viên chồng, nhưng mong muốn ấy vẫn chưa thể thực hiện được. Chị kể, bình thường mọi năm, cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 là có chuyến tàu đưa đoàn thân nhân của cán bộ, chiến sỹ ra thăm đảo. Nhân chuyến đi này, chị đã đăng ký và sẵn sàng tâm lý để ra đảo, nhưng sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, chuyến đi đã bị hoãn lại.
Vậy là, ao ước bao nhiêu lâu mà chị ấp ủ đã phải kéo dài thêm, và chạnh lòng hơn là dịp kỷ niệm 15 năm sau ngày cưới của anh chị diễn ra trong lặng lẽ. “Chắc đến ngày đó cũng chỉ điện thọai để hỏi thăm, động viên nhau chứ biết làm sao”, chị chùng giọng.
Nhìn tấm ảnh cưới đã bạc màu, mờ đi ít nhiều, chị bảo: “Em đang chờ dịp này để chụp lại tấm ảnh cưới, nhưng chắc phải đợi đến dịp kỷ niệm 20 năm sau ngày cưới mới có thể làm được”.
Vườn lan anh rất yêu thích chị vẫn chăm bón hàng ngày.
Đất liền – hải đảo vốn xa xôi, cách trở nên thông tin liên lạc rất khó khăn, những món quà của bố từ Trường Sa vì thế rất hiếm, được các con của chị xem như “báu vật”, nâng niu, trân giữ, ngắm nghía hàng ngày. Hôm chúng tôi đến nhà, chị Nụ kể về món quà anh nhờ người thân mua tặng để biểu dương hai con trai Quốc Hải, Minh Sơn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Ngồi bên cạnh mẹ, Minh Sơn tỏ ra rất khoái chí với món quà xe tăng của bố, cầm xe tăng hớn hở chạy quanh phòng khoe với khách. Hình ảnh đó khiến tôi chợt nhớ bài thơ “Quà của bố!” đầy xúc động của tác giả Phạm Đình Ân: Bố em là bộ đội/ Ở tận vùng đảo xa/ Chưa lần nào về phép/ Mà luôn luôn luôn có quà/ Bố gửi nghìn cái nhớ/ Gửi cả nghìn cái thương/ Bố gửi nghìn lời chúc/ Gửi cả nghìn cái hôn/ Bố cho quà nhiều thế/ Vì biết em rất ngoan/ Vì em luôn giúp bố/ Tay súng thêm vững vàng.
Viết Hảo
Theo Dantri
Chuyện tình người lính Trường Sa: Khóc suốt đêm vì chuyện đặt tên con!
Cưới nhau tròn 4 tháng, anh nhận nhiệm vụ đi Trường Sa và nhắn với chị rằng, nếu ở nhà em sinh con gái thì đặt tên là "Đan Phượng" (quê ngoại huyện Đan Phượng, Hà Tây) còn nếu em sinh con trai thì đặt tên là "Hải" (quê nội Tiền Hải, Thái Bình)...".
Hoàng hôn dần buông xuống, những mái nhà mới ở Mỹ Ka nằm cách quân cảng Cam Ranh không xa, nơi phần lớn là chỗ cư ngụ của của gia đình chiến sỹ Hải quân vùng 4 cũng vừa lên đèn. Sau một ngày làm việc, những chiến sỹ hải quân trở về nhà trong vòng tay ấm áp của vợ con, bữa cơm cuối ngày chan chứa tình thương yêu và đầy ắp tiếng cười. Nhưng cũng chính tại Mỹ Ka này, không ít gia đình vì chồng, cha đang công tác ở ngoài đảo xa, bữa cơm tối vì thế trở nên trống vắng...
Theo lời giới thiệu của một số người quen, chúng tôi ghé thăm căn nhà của cán bộ Nguyễn Mạnh Cường - Thượng tá, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Thấy có khách đến thăm, hai người con trai "đậm chất hải quân" của anh Cường ríu rít chạy gọi mẹ. Hỏi thăm anh Cường có hay về thăm gia đình không? Chị Nguyễn Thị Nụ - vợ anh Cường, bảo: "Anh ấy đang công tác ở ngoài đảo, cả năm nay có về đâu!".
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Đảo trưởng Đảo Song Tử Tây cùng vợ và 2 con.
Nói xong chị quay sang nhìn 2 con trai với ánh mắt tâm trạng: "Thằng nhỏ này lắm hôm bị mẹ quát chút xíu đã quay ra khóc: "Bố Cường ơi! Bố đâu rồi! Bố Cường nhà mình lâu về thế, nhớ bố Cường ghê luôn!...".
Năm 1997, chị là y tá tại Đội điều trị 486 Vùng 4 Hải quân, ở nhà chú ruột là Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Anh hay lui tới ghé nhà "thủ trưởng", gặp chị rồi yêu lúc nào không hay. Quen nhau một thời gian ngắn, anh phải nhận nhiệm vụ đi Trường Sa công tác. Trước ngày đi đảo, anh nhắn với chị rằng: "Em ở nhà đợi anh! Anh đi đảo vào rồi anh mang si, mang chuối... lên bà ngoại anh trồng!".
Năm ấy chị vừa tròn tuổi 20, trước lời nhắn gửi đầy "chủ ý" của anh, chị vẫn nghĩ rằng "chắc anh ấy chỉ trêu vậy thôi", vì lâu nay mọi người vẫn hay gọi anh ấy là "Cường liều". Song, kể từ sau khi anh đi đảo công tác, khi đêm về chị không thôi nhung nhớ, lo lắng cho người con trai ấy. Suốt 2 năm xa cách, họ đã liên lạc với nhau bằng thư từ, điện thoại... và cứ thế tình cảm càng lớn dần lên.
Tình yêu của họ, người ở đất liền, người nơi hải đảo dằng dặc trong nỗi nhớ thương...
Năm 1999, anh kết thúc chuyến công tác ở Trường Sa để trở về đất liền thăm gia đình, người yêu và họ đã đi đến quyết định làm đám cưới chỉ hai tháng sau đó. Năm ấy, vợ chồng anh chị là đôi đầu tiên thực hiện chủ trương "nếp sống mới" của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là tổ chức tiệc ngọt để tiết kiệm, mời khoảng 300 trăm khách, chủ yếu là đồng nghiệp, cán bộ, chiến sỹ...
Cưới nhau chỉ tròn 4 tháng, trong lúc đang mặn nồng, anh lại nhận nhiệm vụ mới đi đảo và anh lại nhắn với chị rằng, nếu ở nhà em sinh con gái thì đặt tên là "Đan Phượng" (quê ngoại huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ), còn nếu em sinh con trai thì đặt tên là "Hải" (tức quê nội Tiền Hải, Thái Bình).
Thời gian chị ở nhà và mang thai cháu trai đầu lòng, anh ở Trường Sa viết vội lá thư gửi về cho chị với nguyện vọng đặt tên lót cho con là "Phong Hải" (nếu sinh con trai) nhưng vì thông tin liên lạc còn cách trở, những chuyến tàu kết nối đất liền - hải đảo còn rất ít ỏi, thưa thớt... nên khi thư của anh về đến nhà thì con trai đã được hơn một tháng tuổi, và chị đã đặt tên con là "Hải" , lấy tên lót là "Quốc" và đã làm xong giấy khai sinh.
Chị Nụ cùng 2 con trai
Ngày ấy, khi đọc thư chồng, chị dằn vặt và nằm khóc suốt đêm. Nguyện vọng của chồng, một người lính hải quân, muốn được đặt tên con là "Phong Hải" tưởng như rất đơn giản mà chị không làm được. "Trong bức thư, anh ấy nói "Hải" có nghĩa là biển, "Phong Hải" là "gió biển". Anh ấy muốn em đặt tên con trai là "Phong Hải" vì anh ấy cả đời ở ngoài biển sương gió mặn mòi... nên đặt tên con như vậy để khi buồn vui anh ấy nhớ đến con. Nhưng khi cháu đã sinh được hơn 1 tháng thì thư anh ấy mới về...", chị Nụ không ngăn được nước mắt kể.
Trong chuyến tàu ra Trường Sa sau đó, chị mới viết vội lá thư đẫm nước mắt gửi cho chồng để hồi âm. Đọc thư của chị, anh không hề trách chị, anh viết thư hồi âm đong đầy yêu thương, rằng em đừng suy nghĩ gì nhiều, em hãy cố giữ gìn sức khỏe để còn thay anh chăm sóc cho con khi anh vắng nhà.
Tình yêu của họ, một bên là đất liền, một bên là hải đảo sóng nước mênh mông, xa cách muôn trùng dằng dặc trong nỗi nhớ thương...
(Còn nữa...)
Viết Hảo
Theo Dantri
Sĩ quan Lữ giang thuyền 962 cải tiến tàu tuần tra ST-175 Sĩ quan Lữ đoàn giang thuyền 962 đã có sáng kiến lắp cần cẩu cho tàu tuần tra ST-175 phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Sáng kiến "Cần cẩu cứu hộ cứu nạn trên tàu ST-175" của Thiếu tá Trịnh Công Lịnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 là một sáng kiến tiêu biểu đã được Hội đồng...