Chuyện tình lão giang hồ 70 và cô “vợ nhặt” 24 tuổi
Câu chuyện ông lão ngoài 70 “nhặt” được cô vợ 24 tuổi để rồi chung sống hạnh phúc đã trở thành “sự kiện” đặc biệt nhất ở xóm Bãi Giữa sông Hồng.
Ở Bãi Giữa sông Hồng ( phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) chuyện người ta thương nhau, ơn nghĩa đến với nhau rồi nên vợ nên chồng là chuyện không hiếm. Thế nhưng câu chuyện ông lão ngoài 70 “nhặt” được cô vợ 24 tuổi để rồi chung sống hạnh phúc đã trở thành một sự kiện đặc biệt ở xóm chài này. Vượt qua bao dị nghị, dè bỉu rồi lời bàn ra tán vào, ông lão tuổi thất thập này quyết tâm làm chỗ dựa tinh thần cho người đàn bà bất hạnh.
“Người ta bảo tôi già thế này còn ham hố gì nữa. Quả đúng vậy, cuộc đời tôi nếm trải biết bao cay đắng ngọt bùi, tôi còn ham hố gì nữa. Tôi lấy cô ấy cũng vì lương tâm thôi”, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.
Ngôi nhà nhỏ nổi trên sông, nơi “vợ chồng” ông Thành chung sống hạnh phúc.
Vô tình “nhặt” được vợ trẻ
Nước trên thượng nguồn lại đổ về… Dòng sông Hồng hiền hòa bỗng trở nên dữ dội. Dòng nước chảy siết chực cuốn phăng những ngôi nhà phao của bà con vạn chài nơi bãi giữa. Buổi trưa nắng chói chang nhưng người dân xóm Bãi Giữa sông Hồng này vẫn gọi nhau í ới. Họ tất tả kiếm cọc, dây, búa để ghim lại tổ ấm vốn lênh đênh của mình.
Ở xóm Bãi Giữa sông Hồng có hơn hai mươi hộ dân, cuộc sống vô cùng khó khăn, chủ yếu dựa vào nghề chài lưới. Nhiều cặp vợ chồng đến với nhau cũng chẳng có cưới hỏi hay giấy tờ kết hôn.
Mọi người căng mình chống chọi dòng nước lớn như vậy nhưng khi nhắc đến câu chuyện ông Thành “nhặt” vợ ai nấy đều hào hứng kể lại. Nó đã trở thành “sự kiện” đặc biệt nhất ở xóm Bãi Giữa sông Hồng này.
Chị Liên hàng xóm của ông Thành nói: “Chuyện cơ nhỡ rồi đến với nhau ở cái xóm này nhiều lắm. Nhưng chuyện như của lão Thành thì quả là hiếm. Ngoài 70 tuổi mà vẫn kiếm được vợ trẻ, xinh như hoa”. Dứt lời chị đùa thêm: “Lại còn được cả… nghé con nữa chứ”.
Ở xóm Bãi Giữa này ông Thành nổi tiếng là người vui vẻ, sống hiền hòa và khá bản lĩnh. Trước kia ông được mọi người biết đến là một “đại ca” ở ẩn. Từ khi có chuyện “nhặt vợ” ông Thành được người ta gọi tếu táo là Thành “cua gơn” để ám chỉ cuộc sống “trâu già – cỏ non” của ông. Dáng người nhỏ thó, ở cái tuổi “thất thập” nhưng ông vẫn còn khá dẻo dai. Thấy người lạ, ông vội vàng làm cây cầu tạm từ mé đê vào nhà cho khách.
Ngôi nhà nhỏ nổi trên sông, nơi “vợ chồng” ông Thành chung sống hạnh phúc. Ông Thành vui vẻ: “Vào nhà đi. Mấy hôm nay nước thượng nguồn đổ về nhà cửa bồng bềnh thế này đấy. Mới sáng nay đường còn khô mà giờ đã bì bõm”. Tổ ấm của đôi vợ chồng “già trẻ” là một chiếc thuyền có mái che rộng chừng hơn 10 m2.
Video đang HOT
Biết chúng tôi hỏi chuyện “nhặt vợ” ông Thành tỏ thái độ ngại ngùng và như không muốn nhắc lại. Gim vội chiếc cọc níu nhà khỏi trôi, ông Thành nói: “Mẹ con nó độ này về ngoại rồi. Đợt này mùa mưa, nước lên liên tục. Ở đây bất tiện nên cho về bên ngoại một thời gian rồi”.
Hút điếu thuốc lào ông Thành bắt đầu câu chuyện “nhặt vợ”" của mình. Ở cái tuổi ngoài 70 mà lấy được vợ trẻ ông coi đó là định mệnh. Hai người cần nhau nương tựa vào nhau mà không vụ lợi. Câu chuyện xảy ra hơn 1 năm về trước. Hôm đó, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì ông đã dong chiếc thuyền nhỏ đi thả lưới. Khi cập sang bờ bên kia của huyện Gia Lâm, ông bỗng thấy một bóng người ngồi bên bờ, không nói mà chỉ phát ra tiếng khóc.
Thất thần, bóng người đó nhảy xuống sông. Như một bản năng, gạt bỏ cái gọi là kiêng kị cứu người của dân chài lưới, ông vội vã chèo thuyền đến và thấy một người đang vùng vẫy giữa dòng nước. Không ngại dòng nước sâu, ông lao mình xuống cứu, vớt lên thì phát hiện đó là một cô gái trẻ, tuổi đời chỉ trên dưới 20.
Ông Thành nhớ lại: “Lúc cứu cô ấy chẳng nói gì mà chỉ khóc. Khuyên răn mãi cô ấy mới nói mình tên là Thơm, quê huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Mãi sau đưa cô ấy về nhà, trấn tĩnh lại cô ấy mới kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe”.
Với thân hình nhỏ bé nhưng ít ai biết ông Thành từng là một giang hồ khét tiếng. 3 năm về trước, Nguyễn Thị Thơm xuống Hà Nội làm thuê. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, lớp 5 đã phải bỏ học, lên Hà Nội Thơm bưng bê cho một quán bia.
Một người đàn ông làm cùng tán tỉnh và hứa sẽ lấy làm vợ. Ngẫm cuộc đời mình cũng may mắn, kiếm được người thương yêu. Cô gái trẻ quê mùa đã trao thân gửi phận cho một kẻ bội bạc. Biết người yêu có thai, gã đàn ông liền “cao chạy xa bay”. Cô gái trẻ như không chịu được cú sốc quá lớn này, xấu hổ không dám về quê nên đã nghĩ đến cái chết.
Nhấp ngụm nước, nhìn về phía bên kia sông – nơi cô Thơm tự tử, ông Thành kể tiếp: “Lúc đó cô ấy đang có thai được 4 tháng. Tôi thì lại ở một mình nên cô ấy muốn ở cùng để “đỡ đần tuổi già” cho tôi. Dù sao cô ấy cũng không có nơi nương tựa, tôi cứu sống cô ấy cũng là duyên số rồi. Chính bản thân tôi cũng không muốn đứa trẻ trong bụng cô ấy sinh ra mà không có bố. Nghĩ tội tội nên tôi đã nhận lời làm cha của đứa trẻ”.
Ngày đầu, biết tin gia đình “nhà vợ” kịch liệt phản đối vì con gái đi lấy một ông già thuyền chài hơn 70 tuổi, nhưng sau biết chuyện mọi người cảm thông và cũng đồng ý. Ông Thành cười cười nói: “Ông bố vợ tôi kém tôi những 13 tuổi. Khi vợ tôi nói là đã có thai thì mọi người đành chấp nhận”.
Và rồi, ông cũng đã bị biết bao lời bàn ra tán vào, dị nghị của bà con hàng xóm. Người thì độc miệng nói: “Già sắp xuống lỗ rồi còn ham gái trẻ”. Người thì bảo: “Già thế rồi, “làm ăn” được gì nữa mà còn lấy vợ. Thương cho cô vợ trẻ phải sống với ông già hơn cả tuổi bố mình”. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, người dân xóm chài cũng hiểu được hoàn cảnh của ông Thành. Cảm thông cho ông lão tốt tính, hiền hậu, cởi mở.
Lão “nhặt vợ” từng là giang hồ
Chiều đã buông nắng nhạt, nước cũng đã rút dần… Con thuyền giảm chòng chành. Ngồi tựa lưng về phía cửa sổ nhìn về phía xa xa, ông Thành bắt đầu câu chuyện trôi dạt của mình. Ít ai có thể biết được, người đàn ông nhỏ thó, sống ẩn dật nơi Bãi Giữa sông Hồng lại có một cuộc đời sóng gió đến vậy. Có những lúc lão tưởng mình sẽ mãi chìm đắm trong tội lỗi, thù hận và chết chóc.
Với thân hình nhỏ bé nhưng ít ai biết ông Thành từng là một giang hồ khét tiếng.
Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được giới thiệu vào làm kiểm lâm ở một huyện miền núi của Nghệ An. Cuộc sống kham khổ và lòng tham đã đẩy ông vào con đường đầy tội lỗi. Ông đã tham gia vào một số đường dây lâm tặc, chặt trộm gỗ quý tuồn ra thị trường. Bị phát hiện, ông bị buộc thôi việc và vướng vào lao lý.
Mất việc, dính chàm, ông Thành lang thang rồi rơi vào trạng thái chán nản, bất mãn. Sẵn thông thạo địa bàn ông câu kết, gia nhập với những nhóm lâm tặc khét tiếng 1 thời. Khắp dọc khu vực miền Trung những năm 80 của thế kỷ trước, đâu đâu cũng nổi lên danh tiếng Thành “sói”. Chẳng mấy chốc Nguyễn Văn Thành trở thành trùm lâm tặc khét tiếng. Đàn em của Thành “sói” lên đến vài chục tên.
Ông kể: “Có lần hàng được chuyển về xuôi bị kiểm lâm huyện Con Cuông (Nghệ An) bắt thu về đồn. Tối hôm đó tôi huy động hàng chục đàn em đến quây đồn, dùng lựu đạn và súng cướp lại hàng”. Cho đến năm 1989, đường dây lâm tặc xuyên các tỉnh của Thành “sói” cầm đầu bị Công an bắt.. Nguyễn Văn Thành bị tuyên phạt 20 năm tù, bị giam giữ tại Thanh Hóa sau chuyển sang Yên Khánh (Ninh Bình).
Ngồi đối diện với chúng tôi là đại ca Thành “sói” một thời nhưng khi nhắc đến chuyện gia đình ông cũng không giữ được sự xúc động. Lão tâm sự: “Ngẫm lại cũng thấy những gì trải qua thật khủng khiếp. Năm 2001 do cải tạo tốt tôi được đặc xá ra tù trước thời hạn. Về quê Từ Sơn, Bắc Ninh thì chẳng còn ai thân thích. Vợ thì đi lấy chồng khác, bố mẹ già cũng đã mất”.
Tuổi già của trùm giang hồ lại lang thang nay đây mai đó, ông xuống Hà Nội làm đủ thứ việc những mong cơm cháo qua ngày. Dần dà, tích cóp được ít tiền ông Thành mua được chiếc thuyền rồi ra Bãi Giữa sông Hồng làm nơi neo đậu tuổi già.
“Một ông già hơn 70 tuổi, nghèo kiết xác, bỗng dưng lại “nhặt” được vợ, kể ra cũng đáng để tự hào lắm chứ”, ông Thành nói, cười mãn nguyện, trước khi chúng tôi chào ông ra về.
Theo_Kiến Thức
Người bệnh vẫn khám trái tuyến dù không được chi trả bảo hiểm
Quy định người bệnh khi khám chữa bệnh ngoại trú không đúng tuyến sẽ không được chi trả Bảo hiểm y tế đã có hiệu lực, nhưng lượng bệnh nhân khám trái tuyến vẫn đông.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Luật có những quy định mới về đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế cũng như thay đổi trong danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế; các quy định thanh toán về khám chữa bệnh đã tác động đến đời sống của người dân.
Trong đó, quy định người bệnh khi khám chữa bệnh ngoại trú không đúng tuyến sẽ không được chi trả Bảo hiểm y tế nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận người dân bày tỏ quan điểm tán thành quy định mới.
Ảnh minh họa
Anh Nguyễn Văn Thành (quận 11, TP HCM) khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng: "Quy định không ảnh hưởng lớn. Hiện bệnh viện quá tải thì đây là một trong những biện pháp giúp giảm tải bệnh viện".
Ông Nguyễn Văn Chính (quận 7, TP HCM) đang khám bệnh tại Bệnh viện Gia Định chung quan điểm: "Quy định mới sẽ hạn chế khám bệnh trái tuyến".
Hiện nay, những bệnh viện lớn tại TP HCM như: Chợ Rẫy hay Ung Bướu tỷ lệ quá tải luôn từ 150% - 200%. Trong tuần đầu tiên thực hiện quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế, tình trạng quá tải vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Thậm chí, người bệnh còn phải chờ đợi lâu hơn tại những nơi thu viện phí vì nhiều người bệnh chưa nắm được thông tin về những thay đổi trong quy định thanh toán Bảo hiểm y tế.
Dù không được thanh toán bảo hiểm y tế khi khám trái tuyến nhưng nhiều người bệnh vẫn cho biết sẽ tiếp tục đi trái tuyến vì cho rằng chất lượng điều trị ở tỉnh không thể đảm bảo.
Tại khu vực khám tiêu hóa, gan mật của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Trần Văn Hai (70 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp) cho biết ông phải thanh toán 100% tiền khám bệnh và tiền thuốc vì không có giấy chuyển viện.
Theo ông Hai: "Ở quê, bác sỹ khám sơ sài, không bằng trên này. Nếu không giải quyết thanh toán bảo hiểm trái tuyến thì vẫn phải khám. Vì trên này khám hiệu quả hơn ở quê".
Tại các bệnh viện như: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy, Gia Định, 115 hay Bệnh viện Đại học y dược... tỷ lệ bệnh nhân là người ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ từ 40% -60%, trong đó có không ít người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Đoàn Thị Kim Pha (ở huyện Củ Chi, TP HCM) đưa bố đi khám gai gót chân ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, người nghèo sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi không được thanh toán bảo hiểm y tế khi khám ngoại trú trái tuyến.
Với đa số những người bệnh mà phóng viên VOV tiếp xúc, họ đều cho biết, dù có được bảo hiểm chi trả hay không thì vẫn tiếp tục đi khám ở những bệnh viện mà họ tin tưởng.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện 115, quy định mới trong thanh toán Bảo hiểm y tế cho dù trong thời gian đầu có thể giảm bớt số người đi khám trái tuyến, nhưng nếu không có những giải pháp đồng bộ vẫn không thay đổi được tình trạng quá tải./.
Hiếu Hiền
Theo_VOV
Mẹ nhẫn tâm ném con xuống giếng Sau một hồi quanh co, Ngân nói đã vứt con là Huỳnh Phạm Phương Vy (2 tuổi) xuống giếng nhà ông Thanh, cách nhà khoảng 100m. Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoàn thiện hồ sơ, xử lý vụ việc người mẹ nhẫn tâm sát hại con. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 13h30' ngày 3/1, anh Huỳnh Công Trường...