Chuyện tình keo sơn của cặp đôi bên nhau 70 năm, qua đời chung một ngày
Tình yêu mang đến ánh sáng soi rọi trái tim ta, điểm tô thêm sắc màu trên bức tranh cuộc đời muôn màu muôn vẻ. Và dẫu con đường có bằng phẳng hay gập ghềnh, êm đềm hay trắc trở, chỉ cần có nhau bên cạnh thì ánh mắt vẫn mãi sáng trong.
Preble Staver và Isabell Whitney lần đầu gặp nhau khi tham gia một buổi hẹn hò ghép cặp ở Philadelphia, Pennsylvania (Mỹ). Khi ấy là đầu thập niên 40, hai trái tim thơ ngây lần đầu biết rung động trước người bạn học mới quen. Họ nâng niu và trân trọng vun vén tình cảm dành cho nhau từ ấn tượng tốt đẹp thuở ban đầu.
(Ảnh: Laurie Staver Clinton/Facebook).
Nhưng rồi, ngày vui ngắn chẳng tày gang, Chiến tranh thế giới thứ hai càn quét gây bao đau thương tang tóc trên lục địa châu Âu. Nghe theo tiếng gọi của công lý, cặp tình nhân trẻ quyết đoán gia nhập quân Đồng minh để chống lại chế độ Đức quốc xã. Isabell làm y tá cho lực lượng hải quân ở Maryland, còn Preble cũng trở thành thủy binh và nhận huy chương đồng cho những cống hiến của mình. Dù hoàn cảnh nhiều gian khổ, nhưng hai trái tim kiên cường vẫn một lòng hướng về đối phương, chờ đợi ngày được kề cận bên nhau lần nữa.
(Ảnh: Laurie Staver Clinton/Facebook).
5 tháng kể từ khi chiến tranh lùi xa, ngày 15/2/1946, cặp đôi chính thức thề nguyện nên duyên. Cuộc sống hôn nhân ngập tràn hạnh phúc của họ kéo dài suốt 70 năm tròn. Isabell một tay chăm sóc, dạy dỗ 5 đứa con nên người để chồng tập trung lo cho sự nghiệp. Thế nhưng, con trai Peter của họ không may qua đời vì tai nạn trong lúc đá bóng ở trường trung học. Trong quãng thời gian ấy, cả hai đã cùng dìu dắt nhau vượt qua cơn đau thấu tận tim gan. Khi các con đã lớn, Isabell quay lại với công việc điều dưỡng.
(Ảnh: Laurie Staver Clinton/Facebook).
Con gái của cặp đôi là Laurie Staver Clinton (62 tuổi) xúc động nói về bố mẹ: “Cả hai người đều là tấm gương sáng trong đời con cái. Chính mẹ là người đã dạy tôi rằng dù không thể thay đổi bản chất của một người, nhưng tôi hoàn toàn có thể thay đổi thái độ và cách mình đối xử với họ. Trái với sự dịu dàng của mẹ, bố tôi cực kỳ nghiêm khắc. Mẹ cũng hay giả vờ khó tính, nhưng rất dễ mềm lòng với chúng tôi. Trong nhà, bố là người có tiếng nói nhất”.
Năm 2013, hai cụ đã chuyển đến viện dưỡng lão ở Norfolk, Virginia để tiện chữa trị chứng mất trí nhớ của bà Isabell. Chứng kiến vợ khổ sở vật lộn với căn bệnh lâu năm, trong lòng Preble đau như dao cắt. Kỳ diệu thay, dù hai người bị tách sang hai căn phòng khác nhau suốt thời gian điều trị, nhưng Isabell vẫn không quên ông. “Đôi khi mẹ hơi lơ đãng, phải mất chút thời gian mới nhìn kĩ người đứng trước mặt. Nhưng khi nhận ra đó là bố, bà sẽ lập tức mỉm cười”, Laurie nói.
(Ảnh: Laurie Staver Clinton/Facebook).
Gần đến sinh nhật lần thứ 96 của mình, Preble ngỏ ý muốn được nằm bên vợ một lần cuối cùng. Mủi lòng trước tấm chân tình của ông lão gần đất xa trời, các nhân viên đã sắp xếp để họ ở bên nhau trong vài tiếng đồng hồ. Laurie nhớ lại: “Cả hai chẳng nói một lời nào. Họ chỉ lặng lẽ siết tay nhau và ngủ thiếp đi. Tôi nói với bố ‘Đây là quà sinh nhật mẹ dành tặng bố đấy’, lúc đó ông vui lắm”.
Video kỷ niệm mối tình sâu đậm của hai người.
Chưa đầy một tuần sau, Laurie và bố đã phải đến tiễn mẹ đoạn đường cuối cùng. “Bố dịu dàng nắm trọn bàn tay mẹ. Tôi hỏi bố có muốn ở lại sau khi mục sư làm lễ cầu nguyện không, ông buồn bã lắc đầu. Khi ấy, tôi bèn nói ‘Được rồi, nhưng thế thì bố sẽ phải chia tay mẹ từ đây’”, bà nhớ lại.
Trong ngày hôm đó, Isabell giã biệt cõi đời. Mười mấy tiếng sau, người chồng yêu dấu cũng theo bà đến thiên đường. Cặp đôi có sinh nhật chênh nhau 14 ngày, giờ đây lại qua đời cách nhau 14 tiếng. Chia sẻ về cuộc tình viên mãn của bố mẹ, Laurie nói: “Hai người đã khiến tôi nhận ra rằng, dù cuộc sống có muôn vàn khắc nghiệt, chỉ cần đủ quyết tâm, một lòng không thay đổi, người yêu nhau vẫn có thể bên nhau”.
Thanh Vân
Theo I Heart Intelligence/saostar
'Bữa ăn cô đơn' dần quen thuộc với giới trẻ châu Á
Nhiều cặp tình nhân hoặc nhóm bạn đi chung nhưng chỉ chúi mũi vào điện thoại. Vậy thì cần gì phải đi ăn cùng nhau trong khi hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác ngon miệng một mình?
Trước đây, tại nhiều nước châu Á, chuyện ăn cơm cùng gia đình không chỉ được xem là văn hóa sum vầy mà còn tạo cơ hội gắn kết tình cảm, thể hiện sự quan tâm nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, hình ảnh thực khách ngồi "thui thủi" một mình một bàn tại quán ăn từng được xem là những kẻ "lập dị" hoặc có vấn đề, thường nhận được ánh nhìn tò mò từ người khác.
Thậm chí, nhiều nhà hàng từng từ chối phục vụ khách đi một mình vì cho rằng khách lẻ sẽ "chiếm chỗ" và không dùng hết thức ăn được phục vụ như khách nhóm.
Xu hướng đi ăn một mình tại nhiều nước châu Á ngày càng được xã hội đón nhận. Ảnh: Alamy.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu hướng ăn cơm một mình, nhất là ở những người trẻ bận rộn với công việc ngày càng xuất hiện nhiều và trở thành hình ảnh quen thuộc.
Không chỉ là bữa ăn qua loa ở nhà với thức ăn cũ hay gọi đồ giao tới nhà, nhiều người chọn cách ra ngoài ăn một bữa chỉnh tề tại nhà hàng, quán ăn như một cách tự thưởng cho bản thân sau một ngày làm việc mệt mỏi hay đơn giản là tận hưởng thời gian riêng tư.
Tại Hàn Quốc, xu hướng có tên "honbap" (kết hợp giữa từ "honja" nghĩa là một mình và "bap" nghĩa là ăn trong tiếng Hàn) - ám chỉ những người chỉ luôn ăn tối một mình - hiện rất phổ biến.
Theo khảo sát của Tập đoàn Thương mại Nông nghiệp và Thực phẩm Hàn Quốc đầu năm 2019 với 3.014 người trưởng thành, trung bình một người ở độ tuổi 20 ăn tối một mình hơn 5 lần/tháng.
Nhiều người trẻ hiện đại thích đi ăn một mình để tận hưởng cảm giác riêng tư. Ảnh: Dickson Lee.
Cuộc khảo sát vào cuối năm 2017 với gần 2.000 người trên 20 tuổi của chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy 11% người trẻ xứ Phù Tang ăn một mình hầu như tất cả các ngày trong tuần. 4,3% có từ 4-5 bữa mỗi tuần không ăn cùng người thân.
Những con số này cao hơn rất nhiều so với kết quả của khảo sát tương tự được thực hiện vào năm 2011.
Tại Hong Kong (Trung Quốc) thậm chí nhiều dân "sành ăn" thích ăn tối một mình để tập trung hoàn toàn vào việc trải nghiệm thực phẩm. Từ những quán ăn bình dân đến các nhà hàng được gắn sao Michelin, không khó để bắt gặp những bàn ăn chỉ có một bộ bát đũa và người dùng thoải mái tận hưởng.
Đi cùng với việc ăn một mình không còn phải nhận những ánh nhìn tò mò, "kỳ thị" từ người khác trong xã hội hiện đại, nhiều nhà hàng tại một số nước châu Á cũng nhanh chóng đưa ra các dịch vụ hướng đến nhóm khách hàng này.
Thay vì đi ăn nhưng chẳng nói chuyện, tương tác với đối phương, nhiều người chọn đi ăn một mình để tập trung tận hưởng thức ăn. Ảnh: Yonhap.
Tại xứ kim chi, các quán "karaoke một mình" mọc lên ngày càng nhiều. Điển hình là "Coin Noraebang" - quán karaoke 24/7 trả tiền tự động chỉ đủ chỗ cho một người. Chi phí hát mỗi bài hát chỉ vào khoảng 250 won (chưa đến 5.000 đồng), theo Today.
Hãng điện tử và đồ gia dụng Dongbu Daewoo Electronics cũng cho ra nhiều mẫu sản phẩm gia dụng phục vụ người sống một mình như nồi cơm, máy giặt, lò vi sóng cỡ nhỏ.
Trang web đặt chỗ OpenTable báo cáo nhu cầu đặt chỗ bữa ăn cho một người ở các nhà hàng đã tăng 160% trên toàn nước Anh kể từ năm 2014. Các nhà hàng, quầy bar với chỗ ngồi được thiết kế cho một thực khách cũng ngày càng trở nên phổ biến tại xứ sở sương mù.
"Ngày nay, nhiều cặp tình nhân hoặc nhóm bạn đi ăn với nhau nhưng chẳng ai nói chuyện, chỉ chúi mũi vào màn hình điện thoại của mình. Vậy thì cần gì phải đi ăn cùng nhau trong khi ta hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác ngon miệng một mình?", trang South China Morning Post nhận xét.
Theo Zing
Hồn nhiên hôn nhau trên tàu điện ngầm, cặp đôi hứng đủ 'gạch đá' từ MXH Mặc dù trên chuyến tàu lúc đó có rất đông hành khách và cặp đôi này phải đứng nhưng họ vẫn không "quên" hôn nhau thắm thiết ngay trước mặt các hành khách khác. Mới đây, đoạn video quay cảnh một cặp tình nhân hôn nhau thắm thiết trên chuyến tàu đông đúc đã gây ra làn sóng tranh cãi trên MXH Trung...