Chuyện tình đẹp của đôi vợ chồng tật nguyền bán vé số
Chứng kiến cảnh người chồng mù bế vợ bị liệt hai chân vào các quán cà phê bán vé số, nhiều người không khỏi xúc động và cảm phục. Đằng sau nghị lực sống của đôi vợ chồng tật nguyền đó là một chuyện tình đẹp.
Anh là Triệu Sinh Hùng, chị là Đặng Thị Vân, cùng sinh năm 1984, hiện trú tại đường Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng. Anh quê ở tỉnh Hà Tây cũ, bị mù từ lúc mới lên 2. Chị quê ở Phú Thọ, liệt hai chân bẩm sinh. Dù không cùng quê nhưng anh chị đã gặp nhau như một duyên số, cũng “nhờ” vào sự tật nguyền của mình.
Hàng ngày, vợ chồng anh Hùng cùng nhau đi bán vé số dạo
Video đang HOT
Chị kể nhà có 4 anh chị em nhưng chỉ có chị bị tật. Năm 20 tuổi, chị được gia đình đưa vào Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo (Hà Nội). Còn anh mắt bị mờ dần từ lúc lên 2 nhưng vì nhà nghèo, không có điều kiện đi khám chữa nên mù hẳn. Năm 23 tuổi, anh cũng được đưa vào Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo. Đó chính là điểm hẹn duyên số giúp anh chị nên duyên vợ chồng.
Bị teo hai chân, chị Vân được đưa vào đội thêu. Còn anh Hùng ở đội văn nghệ. Một thời gian sau chị Vân được chuyển qua đội văn nghệ, hai người đi hát cùng nhau, rồi thân nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Hỏi vì sao yêu anh, chị Vân nói vì cảm động trước sự nhiệt tình của anh: “Hồi đó nhờ cái gì anh cũng rất nhiệt tình, lại còn hay cõng tôi nữa chứ”.
Đến với nhau bằng sự đồng cảm và tấm lòng chân thành nhưng anh chị gặp phải không ít khó khăn. Ngày anh chị dắt nhau về ra mắt gia đình, hai bên cùng phản đối kịch liệt. Các cụ bảo: “Đứa què lấy đứa mù lấy gì mà ăn”, rồi “Bố mẹ bị tật sinh con ra cũng bị tật. Tội nó”. Không bỏ cuộc, anh chị ra sức thuyết phục cha mẹ. Không thể ngăn cản, các cụ đành đồng ý.
Nhớ lại những ngày tháng yêu nhau, chị Vân bảo đó là những ngày tháng buồn nhiều hơn vui bởi sự phản đối kịch liệt của người lớn. Nhưng cuối cùng lễ cưới của đôi vợ chồng Hùng – Vân cũng diễn ra với sự chứng kiến của đầy đủ bà con hai họ. Ai cũng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ có một cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Rồi tình yêu của anh chị cũng đến ngày đơm hoa kết trái. Chị Vân sinh con gái đầu lòng, xinh xắn, hoàn toàn khỏe mạnh, là nguồn sống bất tận của cả gia đình.
Thấy cuộc sống ở quê khó khăn, hai vợ chồng chị quyết định khăn gói vào TP Đà Nẵng bán vé số. Hàng ngày, mỗi sáng sớm, sau khi đưa con đến trường, hai vợ chồng lại cùng nhau ngồi trên chiếc xe dành riêng cho người tàn tật để đi bán vé số. Chị liệt chân nhưng còn đôi mắt, chị là ánh sáng cho anh. Anh không thấy đường nhưng có đôi chân vững chắc và sức khỏe dẻo dai, anh là cánh tay, là đôi chân của chị. Chị điều khiển xe chở anh ngồi sau tới nơi bán vé, rồi anh bế chị vào trong đi mời khách. Cứ như vậy, mỗi ngày hai vợ chồng chị cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, tạm đủ lo cho con gái bé bỏng.
Cuộc sống vất vả nhưng bình yên, tràn ngập hạnh phúc. Hiện anh chị và con gái đang sống trong một phòng trọ nhỏ trên đường Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng. Anh chị chia sẻ, dù mới vào đây nhưng đã thấy rất gắn bó với thành phố này. Anh chị là người tật nguyền, sống ở thành phố yên bình này cảm thấy yên tâm vì không sợ bị kẻ xấu “bắt nạt”.
Với họ, cuộc sống phía trước còn dài và nhiều chông gai, nhưng mỗi ngày được thấy con khôn lớn, tung tăng tới trường (cháu đang học lớp 1), mỗi ngày được hỗ trợ nhau mưu sinh, kiếm sống bằng chính sức lực của mình, ấy là một ngày vui. Một niềm vui giản dị!
Theo Dân Trí
Chàng thanh niên đánh giày tật nguyền... thà chịu đói chứ không tiếp tay cho ma túy
Sau nhiều năm "can trường" mưu sinh bằng "nghề" xin ăn, rồi có cả "nghề đạo chích", đến nay chàng thanh niên tật nguyền ấy đã nhận ra rằng mình phải kiếm tiền bằng một cách chân chính.
Người dân TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã quá quen thuộc hình ảnh chàng thanh niên dáng người nhỏ, nước da ngăm đen với đôi chân tật nguyền bẩm sinh hàng ngày vẫn cần mẫn đánh giày thuê kiếm sống ở góc quán cà phê Khanh tại số 36 đường Hùng Vương. Nhưng ít ai ngờ chàng thanh niên ấy lại có một cảnh đời với những nỗi niềm chua chát về số phận...
Khổ từ trong trứng
"Khi được sinh ra, số phận nghiệt ngã tưởng chừng đã đẩy tôi vào con đường tăm tối, nhưng với bản lĩnh và nghị lực, tôi đã vượt qua tất cả để làm một người công dân tốt cho xã hội"- Đó là lời tâm sự của Lê Trung Kiên, SN 1983, trú tại phường 1, TP Đông Hà.
Kiên nói: "Câu chuyện về số phận cuộc đời đầy bất hạnh của mình kể ra dưới đây không phải là để mọi người thương hại, mà từ trong sâu thẳm của đáy lòng mình chỉ mong sao có người biết đến để chia sẻ những nỗi buồn chua xót cứ chất chồng, ngổn ngang trong con người Kiên bấy lâu nay vẫn chưa biết giãi bày cùng ai".
Lúc sinh ra thì cơ thể Kiên không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đôi chân bị co quắp không thể đi lại được. Và sau mỗi lần cố gắng huy động chút sức lực yếu ớt gượng lên tập đi ấy là toàn cơ thể Kiên bị sưng tấy, trầy xước vì đôi chân tật nguyền đứng không vững nên té ngã. Hết lần này đến lần khác rút cuộc em chỉ có thể lết đi từng bước yếu ớt cho đến tận bây giờ.
Kiên kể, sở dĩ đôi chân mình bị tật nguyền như vậy là nguyên nhân bắt đầu từ mối tình "cay đắng" không thành của bố và mẹ Kiên. Khoảng năm 1976, bố Kiên lúc đó là một lái xe, đem lòng yêu mẹ Kiên, nhưng mối tình đầy ngang trái của họ kéo dài trong 8 năm nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì hai gia đình không tán thành cùng với nhiều lời thị phi... chia cắt họ.
Cuối năm 1982, mẹ Kiên có bầu nên đã giấu tin này không cho bố Kiên biết. Người đàn bà ấy đã dùng dây vải, quấn ép bụng bầu để không ai phát hiện. Mãi đến lúc thai nhi trong bụng đến tháng thứ 7 không thể nào giấu được nữa thì bà mới cho bố Kiên và gia đình hai bên được biết. Nhưng sự đời éo le, người bố không nhận con khiến mẹ Kiên rơi vào tình cảnh tuyệt vọng đau khổ, rồi căm hận đến tột cùng. Sau một phút nông nổi, người đàn bà ấy đã dùng thuốc độc nhằm "giải quyết" cái thai. Sự việc được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên khi Kiên cất tiếng khóc chào đời thì cơ thể em không còn lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Kiên được ông bà ngoại cưu mang, nuôi nấng. Khi Kiên 7 tuổi, người bố từ Đông Hà ra Vĩnh Linh xin phép ông bà ngoại đưa Kiên về sống cùng. Chưa được bao lâu, bố Kiên lấy vợ khác. Vậy là cảnh dì ghẻ con chồng lại diễn ra chẳng khi nào yên ổn. "Hễ đi đâu thì thôi, chứ về đến nhà người vợ mới của bố lại lên cơn thịnh nộ, dày xéo, chửi bới, đánh đập Kiên đến tím người. Đã thế, mỗi lần Kiên "giải bày" với bố không những không được thông cảm mà còn bị bố ruồng bỏ, nghe theo vợ đánh Kiên đến... thừa sống thiếu chết".
Kể từ đó, đứa trẻ tật nguyền bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ. Những ngày đầu "ra đời tự lập" cứ lết đến được chỗ nào thì đó là nhà của mình, đói lúc nào xin được cái gì thì ăn cái đó. Ngày qua ngày, cảnh đói rét, thiếu thốn tình thương của người thân cũng dần quen với Kiên, và như để chống chọi vượt qua "cuộc sống mới", lắm lúc vì dòng đời xô đẩy đến bần hàn buộc Kiên phải "hành nghề... đạo chích vặt" ở các khu chợ. Không nhà, không cửa, vỉa hè, hầm cống là nhà của Kiên sau một ngày lang thang kiếm sống- Kiên kể.
Mới đây thôi, lúc Kiên rơi vào tình cảnh éo le, bị ốm kéo dài nhiều ngày không có tiền mua thuốc, Kiên nhờ bố chở về nhà mẹ xin tiền để mua thuốc chữa bệnh, vậy mà đến lúc ra về bố Kiên lại xòe tay ra lấy của Kiên 140 ngàn đồng tiền công, trong khi mẹ chỉ cho Kiên chưa đầy 500 ngàn đồng càng khiến ruột gan Kiên như bị xát muối và cắt ra từng mảnh. Mấy đồng bạc mẹ cho Kiên trong lúc túng quẫn giờ đã phải cắt làm đôi. Một nửa dùng để trả lộ phí đi đường cho người cha, một nửa ít ỏi còn lại không đủ Kiên mua thuốc hạ sốt và một phần cơm bụi- Kiên kể lại những tháng ngày cay đắng, chua xót đã trải qua.
Với đôi chân co quắp, hàng ngày Lê Trung Kiên vẫn cần mẫn đánh giày thuê chứ nhất định không đi bán ma túy thuê
Đánh giày ít tiền... nhất định không bán ma túy
Sau nhiều năm "can trường" mưu sinh bằng "nghề" xin ăn, rồi có cả "nghề đạo chích", đến nay chàng thanh niên tật nguyền ấy đã nhận ra rằng mình phải kiếm tiền bằng một cách chân chính. Vậy là nghiệp đánh giày thuê kiếm sống qua ngày cứ quấn lấy Kiên cho đến bây giờ.
Kiên tâm sự, để trở thành một người tốt sao mà khó đến thế? Nếu không có bản lĩnh và quyết tâm cao thì chính tay Kiên mấy năm qua đã tiếp tay cho nhiều đối tượng xấu gieo rắc tai họa "chất trắng" cho bao người. Năm 2009, rồi năm 2010 và đầu năm 2011... Kiên đã được nhiều đối tượng, trong đó có cả người quen, "đặt vấn đề" với Kiên đi bán ma túy thuê với khoản ăn chia "béo bở" mà theo Kiên chỉ làm một ngày thì số tiền có được gấp 10 năm đánh giày thuê như Kiên cũng không bao giờ có được.
Các đối tượng thương lượng, cứ bán được một tép Heroin thì sẽ có 70 ngàn đồng tiền lời, số tiền lời này sẽ chia cho Kiên 40 ngàn đồng/tép Heroin. Có nhiều đối tượng còn ngã giá ăn chia cao với Kiên là 60 ngàn đồng/tép Heroin, mà nhiệm vụ giao cho Kiên vô cùng đơn giản là ngồi một chỗ để bán "hàng" cho con nghiện. Song với tất cả "bổng lộc" đưa ra cho Kiên "lựa chọn" đều bị chàng thanh niên tật nguyền đánh giày từ chối.
Khi được hỏi, sao các đối tượng không thuê người khác mà đề nghị Kiên bán ma túy cho bọn chúng, Kiên đáp: "có lẽ những đối tượng ấy dùng "chiêu" là người tàn tật bán "hàng" dễ qua mặt các cơ quan chức năng. Mặt khác, có thể bọn chúng nghĩ rằng hoàn cảnh bần hàn sẽ buộc Kiên phải nhận lời bán ma túy cho chúng. Mà chắc chắn như vậy, đã có nhiều đối tượng năm lần bảy lượt cứ "khuyên" Kiên là tàn tật, sức khỏe yếu nếu đánh giày thuê như thế chỉ được một vài năm nữa thôi, không nhanh chóng kiếm tiền thì sau này lấy gì mà sinh sống".
Kiên kể, dù cuộc sống có khổ cực trăm bề Kiên vẫn sẽ cố gắng vượt qua. Quả thật, mấy năm nay, ngoài công việc đánh giày thuê kiếm tiền, đêm đến Kiên tiếp tục đi trông coi cây cảnh cho một gia đình ngay ở TP Đông Hà và ngủ luôn ở đó, nơi có túp lều tôn được chủ nhà dựng lên...
Chia tay với chúng tôi, chàng thanh niên tật nguyền Lê Trung Kiên nói như đang nói với chính lòng mình: "Kiên sẽ vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống, và sẽ sống có ích cho xã hội đúng như tên gọi là Lê Trung Kiên".
Theo PLXH
Đôi chân kì diệu của cậu bé "chim cánh cụt" Tạo hóa đã không cho em hoàn thiện một cơ thể sống bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu... Tạo hóa đã không cho em hoàn thiện một cơ thể sống bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu. Đôi chân nhỏ bé ấy đã và...