Chuyện tình của thái tử và công nương trầm cảm Nhật Bản
“Anh hứa sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình”, Thái tử Naruhito nói khi cầu hôn Công nương Masako.
Lễ cưới của Thái tử Naruhito và Công nương Masako năm 1993. Ảnh: factsanddetails
Hoàng tử Naruhito gặp Masako Owada khi cô 22 tuổi vào tháng 10/1986, tại một bữa tiệc trà chiều để tiếp đón công chúa Elena của Tây Ban Nha. Hoàng tử ngay lập tức có cảm tình với Masako. “Cô ấy thật dễ chịu, cô ấy làm cho tôi quên mất khái niệm thời gian”, hoàng tử kể về cuộc gặp đầu tiên của hai người.
Masako có thể nói 6 ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Đức. Cô tốt nghiệp hạng ưu tại Đại học Harvard, từng học tại trường Balliol thuộc Đại học Oxford và nhận được bằng luật của Đại học Tokyo. Một trong những giáo sư tại Đại học Harvard nói với New Yorker rằng cô Masako “là một phụ nữ ít nói, đặc biệt thông minh, rất chăm chỉ, khiêm tốn và hơi bẽn lẽn”.
Sau khi hoàn thành việc học, Masako làm việc cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từng thực hiện các nhiệm vụ như phiên dịch cho Ngoại trưởng Mỹ James A. Baker III. Cô là người yêu thể thao, âm nhạc và hoạt động ngoài trời. Cô thích trượt tuyết, đi bộ đường dài, chơi tennis và từng tham gia một đội thi đấu vật.
Hoàng tử Naruhito đã dành 6 năm để cố gắng thuyết phục Masako kết hôn với mình. Quá trình này bắt đầu với một cuộc gặp kín đáo và một cuộc giới thiệu Masako với Nhật hoàng và Hoàng hậu, những người có ấn tượng tốt về cô. Các cuộc gặp giữa Hoàng tử và Masako luôn có tùy tùng đi kèm.
Tuy nhiên, tên của Masako đã biến mất khỏi danh sách các cô dâu hoàng gia tiềm năng do tranh cãi về ông ngoại cô, Yutaka Egashira, người từng là lãnh đạo công ty dính líu vào bê bối xả chất độc vào nước.
Dù vậy, theo Biography, Thái tử Naruhito vẫn giữ tình cảm với Masako và cầu hôn cô ba lần. Cuối cùng, vào lần cầu hôn thứ ba, tháng 12/1992, Masako đã nhận lời. “Anh hứa sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình”, Thái tử nói.
Trước lễ cưới, Thái tử phi Masako được cho là đã được hướng dẫn trong 62 giờ về những quy chuẩn như cách đi bộ, cách cúi chào đúng phong thái hoàng gia.
Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako kết hôn vào ngày 9/6/1993 và có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Hai người đã đi trượt tuyết ở dãy núi Alps Nhật Bản, tên gọi chung của ba dãy núi ở vùng Chubu trên đảo Honshu. Họ đến thăm Trung Đông tháng 11/1994 và một lần nữa vào tháng 1/1995, gây ấn tượng tốt với truyền thông địa phương. Năm 1999, họ cùng nhau tham dự đám cưới của Thái tử Bỉ.
Trong sự kiện chính thức đầu tiên với tư cách thái tử phi một tháng sau đám cưới, bà Masako đã ngồi giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tại quốc yến thết đãi các nhà lãnh đạo của nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu (G7). Bà nói tiếng Nga với ông Yeltsin và nói tiếng Anh với ông Clinton. Bà cũng trò chuyện bằng tiếng Pháp với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand.
Video đang HOT
Nhiều người nhận xét rằng thật đáng tiếc khi bà phải hy sinh sự nghiệp ngoại giao của mình. Họ hy vọng rằng bà sẽ thể hiện mạnh mẽ vốn liếng ngoại giao trong các nhiệm vụ chính thức, như một sự kết hợp giữa bà Hillary Clinton và công nương Diana. Tuy nhiên, họ đã thất vọng khi bà đã lui vào “lồng son” và hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Áp lực
Tháng 12/2001, Thái tử phi Masako hạ sinh một bé gái tên là Aiko. Hai năm sau, bà mắc bệnh liên quan đến stress. Hoàng gia thông báo rằng bà bị “rối loạn điều chỉnh” (không có khả năng điều chỉnh với cuộc sống căng thẳng) và “đau đầu, chóng mặt”. Bà được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Nhiều người cho rằng căn bệnh của bà là do sự căng thẳng của cuộc sống hoàng gia và áp lực phải có người thừa kế nam.
Gia đình Thái tử Naruhito. Ảnh: AP
Sau đó, Thái tử phi Masako rất ít xuất hiện trước công chúng. Tháng 5 năm đó, bà không cùng Thái tử Naruhito đi dự một loạt đám cưới hoàng gia ở châu Âu. Đây là lần đầu tiên thái tử và thái tử phi xa nhau một thời gian dài.
Đúng như lời hứa năm xưa, Thái tử Naruhito luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ bà Masako khi bà chịu nhiều sức ép từ dư luận do vắng mặt ở các sự kiện chính thức.
Theo AP, năm 2004, ông gây bất hòa với cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của hoàng tộc khi cho rằng họ đã “chối bỏ sự nghiệp và tính cách” của bà Masako.
“Trong 10 năm qua, Masako – người đã từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để cưới tôi, đã làm mọi thứ có thể để thích ứng với môi trường hoàng gia. Việc này khiến cô ấy kiệt sức”.
Cơ quan Hoàng gia sau đó nhận được một loạt email từ người dân Nhật Bản bày tỏ niềm thông cảm với thái tử phi và tức giận với cơ quan này.
Kể từ tháng 9/2004, bệnh tình của bà Masako thuyên giảm và bà xuất hiện tại một số sự kiện, tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng bà vẫn bị stress nặng.
Ông Naruhito tiếp tục lên tiếng bảo vệ vợ trong những năm sau đó, khi các tờ báo địa phương chỉ trích vợ ông lơ là nhiệm vụ. Năm 2008, ông đề nghị mọi người cảm thông khi nói rằng: “Masako đang nỗ lực hết sức với sự giúp đỡ của những người xung quanh”.
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, ám chỉ trong một bài phát biểu trên truyền hình hồi đầu tháng rằng ông muốn thoái vị vì tuổi cao sức yếu. Nếu được Nhật hoàng truyền ngôi, Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako sẽ phải đảm đương trọng trách lớn hơn và xuất hiện ở nhiều sự kiện hơn.
Midori Watanabe, một nhà báo và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bunka Gakuen, cho rằng khi đó, bà Masako nên cố gắng cùng ông Naruhito tham gia các hoạt động trước công chúng.
“Điều quan trọng là hai người phải đi với nhau. Ông Naruhito đã hứa sẽ bảo vệ bà ấy cả đời”, Watanabe nói. “Tôi nghĩ rằng bà Masako sẽ cố gắng vì ông ấy”.
Phương Vũ
Theo VNE
Thái tử Nhật - người đam mê chơi nhạc và nghiên cứu những con đường
Thái tử Nhật Bản Naruhito là người đam mê với lịch sử đường sá, từng học thạc sĩ ở nước ngoài và có tài chơi nhạc.
Thái tử Naruhito. Ảnh: AFP
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, ám chỉ trong một bài biểu trên truyền hình hồi đầu tháng rằng ông muốn thoái vị vì tuổi cao sức yếu. Nếu việc này xảy ra, vị trí đứng đầu hoàng gia sẽ được truyền cho Thái tử Naruhito, 56 tuổi. Theo AP, ông Naruhito đã tham gia vào nhiều sự kiện và nghi thức khác nhau cả trong và ngoài cung điện, đôi khi là thay mặt cha mình.
Ông Naruhito sinh ngày 23/2/1960, một năm sau khi cha ông kết hôn với bà Michiko Shoda, thái tử phi đầu tiên có xuất thân thường dân. Thái tử có nhiều sở thích, bao gồm leo núi, đi bộ, chơi tennis và trượt tuyết. Ông cũng chơi đàn viola và từng biểu diễn trong một dàn nhạc giao hưởng thời học đại học.
Thái tử Naruhito đảm nhiệm vị trí chủ tịch danh dự Ban cố vấn Nước và Vệ sinh của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từ năm 2007.
Cái tên Naruhito trong tiếng Nhật được tạo thành từ hai chữ Hán theo tư tưởng Khổng tử có nghĩa là "người được nhận những khí chất từ trời cao".
Khác với cha mình, người lớn lên xa gia đình theo truyền thống của hoàng gia Nhật Bản, ông Naruhito cùng em trai là hoàng tử Akishino và em gái là Sayako Kuroda đã sống chung với gia đình. Ông học tại trường mầm non thuộc Đại học Gakushuin năm 1964, và cũng hoàn tất toàn bộ thời gian học phổ thông tại đây. Gakushuin là ngôi trường được thành lập từ thế kỷ 19, dành cho thành viên gia đình quý tộc.
Năm 1978, thái tử ghi danh vào khoa văn của trường trên và học chuyên ngành lịch sử. Trước khi tốt nghiệp năm 1982, ông viết luận văn về giao thông đường thủy thời kỳ trung cổ tại khu vực phía tây Nhật Bản. Ông có hai năm học thạc sĩ tại trường Merton, Đại học Oxford từ năm 1983. Đó cũng là lần đầu tiên ông ở trong ký túc xá.
Luận văn nghiên cứu của ông khi đó viết về lịch sử giao thông trên sông Thames. Ông được Đại học Oxford trao bằng danh dự tiến sĩ luật năm 1991. Ông cũng là một nhà nghiên cứu tại bảo tàng lịch sử Đại học Gakushuin từ năm 1992, và thường có những bài giảng tại trường nữ sinh Gakushuin.
"Tôi có hứng thú với các con đường ngay từ khi còn nhỏ. Vì tôi ít có cơ hội thỏa mái ra ngoài, những con đường là cầu nối quý giá đến thế giới chưa được khám phá", ông nói.
Tháng 1/1989, ông trở thành thái tử ở tuổi 28, sau khi cha ông trở thành Nhật hoàng. Dù từng đặt mục tiêu lập gia đình riêng trước năm 30 tuổi, đến tháng 6/1993, khi 33 tuổi, ông Naruhito mới kết hôn với bà Masako Owada, người theo ngành ngoại giao lớn lên tại Moscow và New York. Hai người lần đầu gặp nhau tháng 10/1986 tại một bữa tiệc chào đón công chúa Tây Ban Nha Elena tới thăm Nhật.
Sau khi bà Masako trở về từ Đại học Oxford, nơi bà theo học giai đoạn 1988 - 1990, hai người gặp lại năm 1992 và ông Naruhito đã cầu hôn trong năm đó. Việc đính ước của hai người chính thức được Hội đồng Gia đình Hoàng gia phê chuẩn ngày 19/1/1993, trước khi lễ cưới được tổ chức cùng năm.
Hai người chỉ có một người con duy nhất là công chúa Aiko, sinh ngày 1/12/2001. Do công chúa không thể kế vị ngai vàng theo luật của hoàng gia, đã có những bàn luận liên quan đến việc sửa đổi quy định này. Dù vậy, đến nay vấn đề chưa có nhiều tiến triển.
Thái tử Naruhito cùng vợ và con gái tại một sự kiện ở Tokyo năm 2014. Ảnh: AP
Ông Naruhito sẽ trở thành hoàng đế thứ 126 của Nhật, tiếp nối một triều đại được cho là bắt đầu từ thế kỷ thứ 5. Trong xã hội Nhật ngày nay, vị trí của Nhật hoàng chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà không có quyền lực chính trị.
Nhật hoàng Akihito nổi tiếng là người ủng hộ mạnh mẽ bản hiến pháp hòa bình của Nhật và ủng hộ quy định về vị trí mang tính biểu tượng của mình.
"Ông Akihito thấy rõ ràng những sai lầm và thiếu sót đã có trong triều đại của cha mình", giáo sư Robert Campbell, đến từ Đại học Tokyo, nhận xét. "Đó là điều tôi nghĩ mọi người hy vọng sẽ được truyền lại cho triều đại của con trai ông".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Cuộc sống không cổ tích của Thái tử phi Nhật Bản Nếu Nhật hoàng thoái vị, Thái tử phi Masako, người vốn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hoàng cung, sẽ trở thành hoàng hậu và phải đảm đương trọng trách lớn hơn. Thái tử Nhật Bản Naruhito và Thái tử phi Masako gặp các vận động viên nước nhà trước thềm Olympic hồi tháng 7. Ảnh: Reuters Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi,...