Chuyện tình của “đôi đũa lệch” đất An Giang”: Đám cưới Rich kid cách đây 24 năm, cô dâu mặc đến 10 váy cưới, ảnh chụp 5 album
“Hồi đó, tổ chức tiệc đến hơn 40 bàn, trong khi phần đa chỉ có khoảng mười mấy, hai chục bàn đó. Mẹ mặc đến hơn 10 cái váy cưới và cả áo dài nữa”, Hoàng chia sẻ.
Mỗi câu chuyện tình yêu của thế hệ ba mẹ như mở ra cho giới trẻ một khía cạnh khác nhau về yêu đương ngày xưa. Có những cặp nghèo thật nghèo lấy nhau, nhà tranh mái lá nhưng vẫn hạnh phúc. Có cặp mẹ xinh như hoa khôi, cưới bố như tài tử nhưng lại chẳng thể sống với nhau đến lúc “đầu bạc răng long”.
Cậu bạn Hoàng Po đã khoe những bức hình chụp trong đám cưới của ba mẹ 24 năm trước và một câu chuyện tình tuyệt đẹp.
” Đôi đũa lệch ” được chắp cánh tình yêu khi bố vợ mở lời!
Ba mẹ Hoàng hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Châu Đốc, An Giang. Ngày xưa, ba cậu là bác sĩ thú y. Cũng vì cơ duyên nghề nghiệp này mà ba gặp được mẹ.
Hoàng kể: “Nhà ngoại mình ngày xưa nuôi nhiều lợn lắm nên hay ra trạm thú y nhờ bác sĩ vào kiểm tra. Cứ đi ra đi vào nhiều nên vô tình ba để ý con gái cưng của chủ nhà.
Ngày đó, mẹ xinh lắm và là con cưng trong nhà nên rất chảnh. Ai chọc ghẹo hay tán tỉnh mẹ cũng không quan tâm đâu. Ba thích mẹ nhưng không dám nói, chỉ tới lui trong nhà thăm ông bà và bà cố. Ba cũng để ý xem ông bà ngoại và bà cố thích ăn gì cứ đi công tác là mua về luôn, lấy lòng phụ huynh bài bản lắm đó.
Một thời gian sau ông ngoại thấy thương ba quá nên hỏi thẳng là ba để ý ai trong nhà. Ba ‘được lời như cởi tấm lòng’, nói luôn là có ý với mẹ. Ông bà khi đó cũng hỏi ý mẹ, bất ngờ là mẹ cũng có tình cảm với ba. Vậy là hai bên gia đình gặp nhau, ông bà ngoại cho phép tìm hiểu, đi lại”.
Hình ảnh cô dâu chú rể ngày xưa.
Cả nhà nội và nhà ngoại của Hoàng đều là những gia đình có kinh tế khá giả trong vùng thời điểm đó. Bởi vậy, tình yêu của đôi trẻ cũng được hai bên ủng hộ nhiệt tình.
Hoàng chia sẻ: “Ông bà nội mình ngày trước là giáo viên, nhà ngoại có lò bánh in nổi tiếng cả thị trấn hồi ấy. Tuy vậy, ba chẳng nhờ vả gì gia đình mà cứ tự lập, gây dựng sự nghiệp riêng thôi đó.
Ngày xưa ba gầy nhom nhưng mẹ thì rất xinh, xinh nổi tiếng vùng đó nên mọi người hay đùa và gọi là ‘đôi đũa lệch’”.
Sau một thời gian qua lại, ba mẹ Hoàng cũng làm đám cưới để về chung một nhà. Tháng 7/1995, lễ cưới chính thức diễn ra với quy mô “hiếm có” ở quê lúc ấy.
Hoàng chia sẻ thêm về lễ thành hôn của bố mẹ ngày ấy: “Bây giờ ông ngoại vẫn kể lại cho mình về đám cưới ngày xưa. Đó là niềm hãnh diện của ông bà đấy. Nó được tổ chức hoành tráng nhất nhì ở quê.
Nhà ông bà nội cũng rất tự hào vì khi ấy ba tự tổ chức đám cưới của mình, chẳng phải nhờ cậy gì cả. Hồi đó, tổ chức tiệc đến hơn 40 bàn, trong khi phần đa chỉ có khoảng mười mấy, hai chục bàn đó. Váy cưới thì mẹ lên tận Sài Gòn thuê chứ không mượn ở quê đâu. Mẹ mặc đến hơn 10 cái váy cưới và cả áo dài nữa.
Video đang HOT
Album ảnh chụp đám cưới của ba mẹ cũng đang giữ đến 5 cuốn. Chi phí để tổ chức mẹ cũng không nhớ nhưng là con số lớn ngày xưa. Hồi đó, nhà ngoại đi mua đồ rồi thuê thợ nấu cỗ toàn bộ chứ gia đình chẳng đụng tay vào.
Đám cưới mẹ ngoại làm đến 3 con lợn, nhà nội làm 4 con lợn tổ chức. Ông bà ngoại tự hào lắm vì gia cảnh ngày xưa nghèo khó, cố gắng để trở nên sung túc hơn rồi con gái lại có cái đám cưới ai cũng phải tấm tắc khen ngợi”.
Mẹ Hoàng đã được mặc khá nhiều đồ đẹp trong ngày cưới.
Người đàn ông với triết lý: “Sợ vợ mới nên cửa nên nhà”
Sau đám cưới hoành tráng, bố mẹ Hoàng đã xây dựng một cuộc sống hạnh phúc khiến ai cũng phải ngưỡng mộ. Đặc biệt, ba cậu luôn có những triết lý sống để nuôi dạy con trai thành một người đàn ông trưởng thành đích thực.
Hoàng tâm sự: “Kể cả bạn bè mình cũng hay khen ngợi khi thấy ba mẹ đi đâu cũng có nhau, vui vẻ và hạnh phúc. Ngay như trong cuộc sống hằng ngày thôi, giờ đi làm ba đều tranh thủ về sớm để phụ mẹ dọn dẹp và nấu ăn, ngày nào cũng như ngày nào vậy.
Ba ít nói, chỉ có làm thôi. Gia đình nào thì cũng có lúc mâu thuẫn, ba mẹ cũng vậy nhưng không bao giờ ba động chân động tay hay tranh cãi gay gắt gì cả. Ba luôn dặn mình: ‘Phụ nữ là để yêu thương, nhất là vợ mình. Dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng lấy cái cớ không kiềm chế nổi mà đánh vợ. Đàn ông đánh vợ rồi thì chẳng còn là đàn ông đâu.
3 lần ba mẹ cãi vã dữ dội nhất thì ba đều đặt tour du lịch coi như quà bù cho mẹ. Và hình như vì lý do đó nên ba mẹ cực ít khi cãi nhau vì cứ cãi, chiến tranh lạnh thì thiệt hại sau đó tốn kém quá đi mất”.
Họ hay đi du lịch cùng nhau.
Nói về chuyện chiều vợ thì ba của Hoàng cũng là một “điển hình” thật sự. Đối với ông, vợ là tất cả.
“Hầu như hôm nào mình cũng nghe ba khen mẹ: ‘Vợ anh đẹp quá!’. Nhiều lần ba cũng nói với mình: ‘Ba giống ông ngoại con, đừng ai bảo ba sợ vợ mà chỉ là cuộc sống này ba chỉ yêu có một mình vợ ba thôi’.
Ba luôn xem mẹ là số 1, là duy nhất. Ba tự công nhận điều đó mà. Ba hay nói câu: ‘Sợ vợ mới nên cửa nên nhà’, nhưng cũng có lẽ một phần do mẹ tuyệt vời đấy chứ.
Còn những ngày sinh nhật mẹ, kỷ niệm ngày cưới hay ngày lễ của phụ nữ lúc nào ba cũng tìm mua quà cho mẹ. 26/10 vừa rồi là sinh nhật mẹ, ba đã tự mua một cặp giày tặng mẹ rồi đi chợ chọn hải sản tươi, tự tay vào bếp nấu rồi đặt bánh sinh nhật cho mẹ nữa“, Hoàng tự hào kể.
Ba mẹ Hoàng và cuộc sống hạnh phúc bây giờ.
Đúng là một cặp vợ chồng khiến biết bao nhiêu người ước ao. Trên tất cả, tình cảm họ dành cho nhau thật đẹp biết bao.
Hoàng chia sẻ thêm: “Nhiều khi nhìn ba mẹ mình cũng thấy ghen tị luôn đó. Ba mẹ có một tình yêu đẹp quá, đúng là tấm gương để con cháu phấn đấu. Mấy cậu mấy cô nhà mình cứ ghẹo ba mẹ là ‘đôi đũa lệch’ chứ với mình, ba mẹ đúng với câu ‘trai tài gái sắc”.
Thật là một câu chuyện đẹp nữa về tình yêu, về gia đình. Thế hệ đi trước luôn có những tấm gương khiến người đi sau phải xuýt xoa mãi không thôi.
Theo Helino
Nhờ "miễn tiền tàu", thanh niên tán được "bà chị" và bộ váy cưới đắt đỏ nhất làng cách đây 33 năm
Đúng là những "mánh khóe" tán gái từ ngày xưa mà bây giờ các thanh niên khó lòng áp dụng.
Nhờ chiêu "đánh vào kinh tế" mà thành công có vợ
Mới đây, cô nàng Kim Yến đã chia sẻ câu chuyện về đám cưới của ba mẹ mình. Ba Yến tên Quốc Sử, sinh năm 1967, mẹ là Tuyết Mai, nhiều hơn ba 1 tuổi. Hiện tại, gia đình Yến đang sinh sống tại Sóc Trăng. Đám cưới ba mẹ cô được tổ chức vào năm 1986.
"Hồi đó, ba vừa đi học lái tàu chở khách theo chuyến mỗi ngày. Mẹ là khách đi tàu đó. Mẹ đi thường xuyên lắm, ba vì ưng nên chẳng lấy tiền tàu của mẹ. Nhà ngoại em kinh doanh trái cây, ba suốt ngày ghé mua, ghé chơi, một thời gian sau mẹ cũng "đổ", yêu ba luôn đó", Yến tâm sự.
Hình ảnh ba mẹ Yến trong ngày cưới.
Hồi đó, ba Yến sinh ra trong một gia đình khá giả lại học hết lớp 12, trong khi mẹ cô hơn tuổi, chẳng học nhiều như thế. Tuy nhiên vì yêu, họ đã bỏ qua mọi khoảng cách.
"Gia đình ông bà nội khá giả, ba là con út nên được cưng chiều lắm. Hồi ấy, ba học đến lớp 12 cơ, ở quê ai học đến tầm đó là hiếm lắm rồi. Nhưng cuối cùng, ba lại chọn lấy mẹ. Nói chung em nghĩ do ba thích "lái máy bay" nên quyết định lấy đó".
Mẹ Yến hồi còn trẻ.
Cưới được chồng nhà giàu nên đám cưới của mẹ Yến cũng trở nên rất đặc biệt so với người trong vùng. Mẹ cô là người đầu tiên được mặc bộ váy cô dâu đầy đủ phụ kiện ở làng thời điểm ấy.
"Em cũng không rõ váy cưới bao nhiêu tiền nhưng chắc chắn giá trị của nó không nhỏ vào thời điểm ấy. Mẹ có nhắc lại rằng khi ấy cả xóm chỉ có mẹ được mặc váy và chụp ảnh cưới. Mẹ cũng cảm thấy may mắn vì lưu lại được kỷ niệm của ngày vu quy".
Người đàn ông hết mực yêu chiều vợ
Sau đám cưới, cuộc sống của ba mẹ Yến không dễ dàng gì nhưng chính cách họ ở bên nhau, động viên nhau đã khiến mọi người xung quanh phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Yến kể tiếp: "Hồi đó ba lái tàu, ban đầu tàu cũng đông khách nhưng sau này đường sá phát triển nên khách ít đi, cạnh tranh lớn hơn nên ba bán tàu với giá rất rẻ rồi tích cóp vốn liếng mở cây xăng.
Thời gian đầu làm ăn gặp nhiều sóng gió, trắc trở nhưng ba mẹ luôn ở bên cạnh động viên nhau rất nhiều. Từ bé đến lớn, em chưa từng nghe tiếng ba mẹ cãi vã. Ba hay đi gặp đối tác ở xa nhưng lúc nào cũng cố gắng về nhà chứ chẳng ngủ chỗ khác đâu. Đi xa thì lúc nào ba cũng nhớ để mua quà tặng mẹ và các con, chẳng bao giờ quên".
Bố mẹ Yến bây giờ.
Đôi khi, ba Yến cũng nhắc đến việc lấy vợ hơn một tuổi. Tuy nhiên, ông luôn tấm tắc rằng vì tình yêu say đắm của mình thì tuổi tác chẳng bao giờ quan trọng. Yến chia sẻ rằng, ba cô luôn yêu thương mẹ và trân trọng những gì vợ đã giúp đỡ.
" Hơn 30 năm bên nhau, ba mẹ sống rất hạnh phúc. Có chuyện gì họ cũng chia sẻ và giúp đỡ nhau. Họ luôn vì nhau, vì các con mà bỏ qua hết những vấn đề xảy đến.
Ba mẹ nói chuyện với nhau ngọt ngào lắm. Họ cũng quan tâm nhau rất nhiều. Mẹ luôn nấu món ba thích, mua quần áo, chăm chút cho ba từng tí một. Ba thì chẳng bao giờ quên những lời khen ngợi, cảm ơn dành cho mẹ. Đôi khi ba nói những câu khen mà tụi em còn nghĩ chẳng bao giờ dám nói ra cơ đấy", Yến nói thêm.
Vốn là một người có nhan sắc nên "vận đào hoa" cũng theo chân ba Yến. Tuy nhiên, người đàn ông ấy vẫn một lòng chung thủy và yêu thương cô vợ hiền đã gắn bó suốt hơn 30 năm nay.
" Ba đi đâu cũng có người thương mến, để ý. Tuy nhiên, mẹ mà biết thì chỉ cần nói một tiếng thôi là ba lại phải giải thích ngay. ba chẳng bao giờ có ý với ai khác ngoài mẹ hết. Ba cũng không bao giờ cố ý khiến ai hiểu nhầm điều gì. Ba là đàn ông "kiểu mẫu" đấy, không hút thuốc, cờ bạc hay nhậu nhẹt luôn. Ba còn nấu ăn ngon và hay mua quà bánh cho mấy mẹ con nữa".
Họ có hơn 30 năm hạnh phúc bên nhau.
Vợ chồng nào cũng sẽ xảy ra xích mích. Tuy nhiên với ba mẹ Yến, thường thì chỉ có mẹ cô lên tiếng thôi. Ba sẽ lắng nghe rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ sau.
" Thật tình ba mẹ chẳng cãi vã đâu, chỉ có xích mích chuyện vặt vãnh. Những lúc đó ba im lặng cho mẹ "xả" hết bực bội rồi ba nhẹ nhàng hỏi chuyện như vậy là hòa nhau luôn.
Ba trân trọng mẹ lắm, em nhớ có lần mẹ dành tiền mua cho ba cái điện thoại 6 triệu. Khi đó chẳng mấy ai dùng số tiền lớn như thế mua điện thoại đâu, hồi ấy em mới học tiểu học thôi đó. Ba dùng hoài, đến lúc hư lấy dây thun cột lại dùng tiếp. Sau này nhiều dòng điện thoại mới ra ba vẫn không bỏ. Chỉ đến khi nó hư hẳn, không dùng được nữa ba mới chịu cất tủ để dành. Cặp gối uyên ương mua từ lúc cưới đến giờ, 33 năm rồi vẫn được ba mẹ cất trong tủ, mới lắm.
Mẹ mà bệnh là ba lo sốt vó. Mẹ hay có kiểu sợ điều trị lâu tốn tiền nhưng ba bảo ba lo tất. Cứ khi nào mẹ ốm là ba chở đi viện luôn dù buổi nào trong ngày. Ba bảo mẹ cứ trị bệnh, bao nhiêu tiền cũng được. Nhờ vậy mà bệnh đau đầu của mẹ đã bay biến luôn".
Đúng là có nhiều cuộc hôn nhân của ba mẹ khiến chúng ta phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Chính cái cách họ bên nhau, gắn bó, cùng vượt qua khó khăn và những khác biệt đã giúp giới trẻ tin hơn vào cái gọi là tình yêu đích thực trong thời đại bây giờ.
Theo Thế giới trẻ
Cặp đôi 'triệu like' YunBin - Tú Tri 'khóa môi' ngọt ngào trong đám cưới cổ tích 1 đám hỏi, 1 lễ thề nguyện và mới đây là một đám cưới tràn ngập hạnh phúc, cặp đôi YunBin - Tú Tri tin rằng, những định kiến về hôn nhân đồng giới đang dần được xoá bỏ ở Việt Nam. Ngày 22/7, cặp đôi YunBin - Tú Tri khiến mọi người tròn mắt ngưỡng mộ với một đám cưới cổ tích...