Chuyện tình cổ tích của lương y tật nguyền và hoa khôi làng
Cuộc đời đã từng vùi dập lương y Hoàng Văn Ninh, khi cướp đi đôi chân và cả tuổi thơ bình dị của ông từ lúc tròn ba tuổi. Không nản chí, ông kiên trì học hỏi nghề thuốc gia truyền rồi mang hết tâm sức cứu giúp người đời.
Ông trời không lấy của ai mọi thứ. Số phận rồi cũng mỉm cười với ông, sau một lần chữa bệnh cho thiếu nữ xinh được mệnh danh hoa khôi làng. Từ ca bệnh ấy, vị lương y tật nguyền nhưng tài hoa đã tìm được cho mình mối tình “khắc cốt, ghi tâm”.
Lương y trên chiếc xe lăn
Nhắc đến chuyện tình yêu cảm động của lương y tật nguyền Hoàng Văn Ninh và người phụ nữ bị điên từng được chính ông Ninh chữa khỏi, người dân trong khu chợ An Xá – Phường Thủy Văn- Thị xã Hương Trà – Thừa Thiên Huế không khỏi trầm trồ. Chứng kiến hành trình vượt qua baochông gai và cả những định kiến thông thường của hai ông bà, nhiều người thậm chí chẳng ngại ngần gọi đó là: Chuyện cổ tích thời hiện đại.
Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, ông Ninh kể, cuộc đời mình trước khi kết hôn cùng bà Phức là chuỗi ngày lắm tai ương. Lúc mới 3 tuổi, một trận sốt cao đã khiến nửa phần thân dưới của ông bị co rút, không cử động được. Lớn lên, đôi chân ông teo dần, khiến ông Ninh phải chấp nhận cuộc sống tàn tật. Không đầu hàng nghịch cảnh, ông kiên trì theo học nghề may rồi phụ cha bốc thuốc. Sau này người cha qua đời, ông lại kế thừa y bát, chuyên trị bệnh tâm thần cứu giúp người đời. Trải qua thời gian, bằng tay nghề cao và sự tận tâm, ông Ninh đã trở thành lương y trị bệnh tâm thần phân liệt được đông đảo bệnh nhân biết tiếng.
Vợ chồng lương y hạnh phúc viên mãn cuối đời. Ảnh TG
Kể về cách thức chữa bệnh gia truyền, ông Ninh khái quát ngắn gọn, muốn điều trị bệnh điên đòi hỏi phải trải qua nhiều giai đoạn trị liệu vô cùng phức tạp, bao gồm uống thuốc hoàn (thuốc viên) kết hợp với châm cứu, bấm huyệt, gõ kim hoa mai theo các đường dây thần kinh trên khắp cơ thể. Nhờ phương pháp điều trị này rất nhiều người bị điên được ông chữa khỏi.
Video đang HOT
Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có người bị rối loạn tâm thần đã tìm tới nhà ông để nhờ chữa trị. Có lúc, gia đình ông như một bệnh viện thu nhỏ, bệnh nhân đến điều trị quá đông phải gửi sang nhà hàng xóm để có chỗ nghỉ dưỡng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân ở xa có hoàn cảnh khó khăn được ông chữa lành bệnh miễn phí mới cho về nhà. Ông quan niệm không vì nhiều bệnh nhân đến chữa trị làm khó khăn cho người bệnh. Một trong những nguyên tắc làm việc đã trở thành truyền thống suốt cuộc đời hành nghề y của ông đó là “khi đã nhận bệnh nhân thì phải chắc chắn chữa khỏi bệnh hoặc thuyên giảm bệnh tình thì mới nhận. Căn bệnh này không phải do “ma xui quỷ khiến” làm con người bình thường thành người điên mà đó là triệu chứng rối loạn tâm thần do gặp phải một cú sốc nào đó hoặc rối loạn tâm trí mà thôi!”, ông đúc kết. Với ông, cái tâm trong nghề y không phải là thứ gì đó quá cao siêu. Một lương y biết bản thân có khả năng chữa khỏi bệnh cho người nhưng không chịu chữa thì đó là người vô tâm. Nếu không có khả năng chữa bệnh cho người ta mà vẫn nhận để lấy tiền thì đó là người thất đức..
Khi được hỏi về kỷ niệm ghi dấu cuộc đời làm thầy thuốc cứu người, ông Ninh chia sẻ: “Tui không nhớ đã từng chữa lành bệnh cho bao nhiêu người, chỉ nhớ là mỗi ngày có hàng chục người điên được gia đình đưa đến để chữa bệnh!”. Trong những bệnh nhân đã tìm đến, ông vẫn nhớ như in một trường hợp là anh Phạm Văn Phượng ở xã Hương Toàn (huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) bị bệnh rất nặng, gia đình hết phương cứu chữa, nằm chờ chết, nhưng may thay được ông chữa trị kịp thời. Hiện tại, anh Phượng hết bệnh và được ông nhận nuôi và chân truyền y bát. Đến nay, anh Phượng đã có vợ và có một tiệm thuốc Đông y lớn ở trong miền Nam. Một trường hợp nữa mà lương y Ninh nhớ mãi, đó là bệnh nhân Nguyễn Thị Tuyết, bị mẹ chồng ngược đãi và lên cơn điên không nói được. Gia đình chị Tuyết bất lực hoàn toàn. Nhưng chỉ mất có 2 tháng, lương y Ninh đã chữa trị khỏi bệnh cho Tuyết. Hiện giờ, cuộc sống của chị rất hạnh phúc và thường xuyên lui tới thăm ông để thay lời cảm ơn.
Mối lương duyên định mệnh
Có lẽ, câu chuyện tình đẹp như cổ tích giữa lương y trên chiếc xe lăn và cô gái tâm thần xinh đẹp sẽ không xảy đến, nếu không có cái ngày mà bà Huỳnh Thị Phức gọi là: Định mệnh.
Hơn 30 năm về trước, bà được gia đình đưa đến nhà thầy Ninh (chồng bà bây giờ) để chữa bệnh. Hồi ấy, bà bị đau dữ dội trong đầu nhưng gia đình lại nghe lời thầy pháp, đổ tiền cúng bái khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng. Nhờ người giới thiệu, gia đình bà sau đó mới “khăn đùm, áo gói” đến nhà lương y Ninh để chữa bệnh. Sau một thời gian được thầy Ninh chăm sóc tận tình, kết hợp với nhiều phương pháp chữa trị, bệnh tình của bà đã thuyên giảm. Nói về duyện gặp gỡ, ông Ninh cứ cười tủm tỉm: “Tui không tin mình lại có được một người vợ đẹp thuộc diện hoa khôi của làng. Lúc bà ấy hết bệnh, biết rõ bản thân tui là một người tật nguyền không thể di chuyển như người bình thường được, nhưng bà ấy đã cảm mến và yêu thương tôi từ lúc nào không biết nữa!”.
Tình yêu giữa “đôi đũa lệch” nảy nở trong sự gièm pha của người đời. Lúc đó, bà Phức thuộc hàng hoa khôi trong làng, ngoài xã. Có người nói, bà Phức đến với ông Ninh vì ân huệ. Thế nhưng cũng có kẻ độc miệng nói rằng, ông Ninh đã “bỏ bùa” trong quá trình chữa bệnh cho bà Phúc. Nhưng vượt qua tất cả những lời dị nghị ấy, một đám cưới giản dị vẫn diễn ra, có sự chúc phúc của hai bên gia đình và đặc biệt là của những bệnh nhân bị tâm thần đang điều trị tại nhà ông Ninh.
Cảm động hơn khi biết vợ lương y Ninh, bà Huỳnh Thị Phức, hơn ba mươi năm nay chính là đôi tay tháo vát và tận tụy của chồng, nâng đỡ ông cả thể chất lẫn tinh thần. Bà thầm lặng kề cần ông, chăm sóc ăn uống sinh hoạt, hỗ trợ ông trong việc di chuyển, sắp xếp bệnh nhân và tháp tùng ông trong mọi chuyến đi chữa bệnh trong và ngoài tỉnh. Bà không bao giờ đòi hỏi hay so sánh chồng mình với những người đàn ông lành lặn. Có chăng, điều bà suy nghĩ chỉ là sự cảm thông, chia sẻ nỗi bất hạnh thể xác cùng chồng. Bà tâm sự: “Tôi chỉ ước mong được chăm lo cho ông ấy đến hết cuộc đời. Được thế, tôi đã đủ mãn nguyện lắm”.
Ông Ninh bây giờ đã 66 tuổi, bà Phức cũng xấp xỉ lục tuần. Bước sang bên kia sườn dốc cuộc đời, lương y Ninh vẫn cầu trời phật phù hộ cho mình còn khỏe mạnh để có thể chữa bệnh thêm cho nhiều người điên hòa nhập cộng đồng. Điều đáng quý nữa là ông Ninh chữa bệnh không bao giờ đòi hỏi tiền công. Ông bộc bạch tiền thuốc thang cũng chỉ lấy đúng giá gốc. Thậm chí nhiều vị thuốc dễ tìm ông Ninh hướng dẫn luôn cho người nhà bệnh nhân tự kiếm lấy sau đó bào chế giúp. Đối với những bệnh nhân nghèo khó ông Ninh sắp xếp luôn chỗ ăn ở tại nhà mình để tiện bề trị liệu, chấp nhận lỗ tiền thuốc thang lẫn công. Vợ chồng ông có 5 đứa con. Nay đứa nào đứa đó đều trưởng thành đàng hoàng, đã có gia đình và rất thương yêu nhau. Hiện tại, họ thành đạt, đều là bác sĩ và nhà giáo, cũng là niềm tự hào của vợ chồng ông bà. “Đó mới là món quà lớn nhất cuộc đời ban tặng cho chúng tôi!”, vợ chồng vị lương y tật nguyền hạnh phúc “khoe” chuyện. Ngẫm lại hơn 30 năm tình yêu và ân nghĩa sâu nặng, ông bồi hồi: “Cuộc đời tôi được may mắn quá lớn. Với một người đàn ông bình thường, tìm được cho mình một người phụ nữ hết lòng yêu thương mình đã khó. Còn tôi có một người phụ nữ tâm đầu ý hợp trong gần hết đời người chấp nhận cùng tôi vượt qua biết bao khó khăn quả là điều hiếm có! Tôi phải cảm ơn bà ấy rất nhiều!”.
Theo Văn Mến – Tiêu Dao (Gia đình & Xã hội)
Những việc làm lạ đời của lương y có thư cảm ơn được tính bằng kilôgam
Ở thị trấn Vũ Thư, tỉnh Thái Bình không ai là không biết một địa chi quen thuộc mà trên cửa nhà có đề dòng chữ: "Khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí. Chữa bệnh nan y để cứu người. Cứu người hạnh phúc của đời tôi...". Chủ nhân của ngôi nhà đó là lương y Phạm Nhất Định...
Thư cảm ơn tính bằng kilogam
Lương y Phạm Nhất Định năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông có dáng người cao, gầy, lúc nào cũng mặc bộ quần áo đơn sơ, giản dị nhưng nụ cười thì luôn nở trên gương mặt hiền lành. Ông từng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện huyện Vũ Thư. Năm 1991, dù về nghỉ hưu nhưng bác sĩ Định không cho phép mình nghỉ ngơi, ông vẫn tham gia Hội Y học cổ truyền, Hội Thầy thuốc cao tuổi. Và đặc biệt, ông dành dụm tiền mở phòng khám bệnh miễn phí tại nhà, chuyên phục vụ những bệnh nhân nghèo.
Nhắc đến lương y Phạm Nhất Định, nhiều người dân nơi đây coi ông như một ân nhân. Số lượng bệnh nhân được ông thăm khám điều trị đã lên đến hàng vạn người. Có nhiều trường hợp tưởng như bị thần chết cướp đi nhưng ông vẫn kiên trì giành lại mạng sống cho bệnh nhân. Thư cảm ơn của bệnh nhân từ mọi miền gửi về cho ông nặng hàng ki lô gam.
"Ki bo" để làm từ thiện
Nhắc đến ông, người dân ở thị trấn Vũ Thư thường nhắc đến những giai thoại "ki bo" nổi tiếng của vị bác sĩ này. Được mời đi ăn tiệc, ông không ăn mà xin tiền mang về. Đi dự hội nghị cựu chiến binh, cán bộ hưu trí... của huyện hay của tỉnh, câu đầu tiên của ông là: "Này, tôi nghe nói bữa nay có chiêu đãi cơm trưa. Xin quy phần tôi ra tiền để tôi lấy tiền dùng vào việc khác. Trưa tôi về nhà ăn cơm rồi quay lên họp cũng được". Ông nói rằng, tiền quý lắm, nhưng không quý cho bản thân ông mà cho... thiên hạ. Và việc "ki bo" của ông cũng là vì thiên hạ. Ông trân trọng đồng tiền, bởi ông hiểu rằng, phải có nó ông mới thực hiện được công việc cứu giúp những mảnh đời bất hạnh suốt mấy chục năm qua. Bộ quần áo ông mặc thường là những bộ quân phục cũ. Ăn uống ông cũng tằn tiện. Trước đây còn khỏe, bác sĩ Định không chỉ khám, chữa bệnh tại chỗ mà còn đi khám bệnh "lưu động" miễn phí trên chiếc xe gắn máy cà tàng khắp mọi nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thái Bình.
Mặc áo tang khóc người dưng
Hàng xóm, đồng nghiệp của bác sĩ Định không nhớ rõ ông làm từ thiện từ bao giờ. Họ chỉ nhớ từ khi về làm Trưởng phòng Y tế huyện Vũ Thư đã thấy ông khám bệnh miễn phí rồi. Còn nhớ cuối năm 1982, một phụ nữ không may bị tai nạn chết gần cổng bệnh viện, trong người không có bất kì một giấy tờ tùy thân nào. Thấy vậy, ông Định đưa người phụ nữ xấu số ấy vào Bệnh viện Vũ Thư tổ chức tang lễ rồi tự mình mặc áo tang thay người nhà khâm liệm.
Lần khác, khi chương trình "Người xây tổ ấm" của Đài Truyền hình Việt Nam phát câu chuyện về một cô gái tên Nga vì nhận nuôi con của một người bạn từ thời sinh viên mà phải chịu không biết bao nhiêu tủi nhục, ông Định cảm động lắm. Ông thuyết phục vợ bán chiếc nhẫn mà con gái tặng được 1,8 triệu đồng, sau đó ông phụ thêm 100.000 đồng gửi tặng cô gái đó nuôi con cùng một lá thư động viên.
Ông bảo: Đối với tôi, cứu người là mệnh lệnh của trái tim. Chỉ cần nghe có người bệnh cần phải được cứu chữa thì bất kể xa xôi, cách trở mấy cũng phải đi đến nơi cho kỳ được. Có đêm mưa gió, có người ở tận huyện Quỳnh Phụ, cách thị trấn Vũ Thư mấy chục cây số đến gõ cửa nhờ ông cứu mạng cho mẹ mình. Không chần chừ, ông lập tức lên đường ngay. Thời tuổi trẻ của bác sĩ Định là những tháng ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Trung. Ông từng chứng kiến bao nhiêu mạng người đã mất vì bom đạn. Cận kề giữ cái sống và cái chết, ông hiểu sinh mạng con người quan trọng như thế nào nên tâm niệm dành cả cuộc đời cho việc cứu người bằng tất cả khả năng của mình.
Bảo lãnh chữa bệnh cho bệnh nhân ngay cả khi bác sĩ qua đời
Có một trường hợp mà đến giờ ông vẫn còn nhớ mãi là cháu Hiền. Hôm đó là một ngày đầu năm 2003, khi đang nghỉ trưa ông nghe thấy tiếng khóc rất thảm thiết của một đứa trẻ. Với kinh nghiệm thầy thuốc của mình, ông nhận ra ngay là tiếng khóc của người bị bệnh. Ra ngõ, ông thấy một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ đang bế trên tay một đứa trẻ ốm yếu. Qua trò chuyện ông được biết con chị ấy bị bệnh viêm tắc động mạch, phải tháo khớp tứ chi, đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng hết tiền đành phải quay về phó mặc cho số phận. Thấy vậy, ông chủ động nói rằng: "Tôi đồng ý chữa trị miễn phí cho con chị bằng thuốc Đông y đến khi cháu khỏi bệnh thì thôi. Mặt khác, sẽ bảo lãnh chữa bệnh cho cháu suốt đời nếu bệnh tái phát. Tôi mất đi rồi, các con tôi sẽ có trách nhiệm làm công việc mà tôi đã hứa". Cháu bé ngày đó tên là Nguyễn Thị Hiền ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư giờ đã lớn và đang là học sinh trường THPT Vũ Thư. Cứ cuối tuần là cháu Hiền lại đến thăm người ông "đặc biệt" đã cưu mang chữa trị khỏi bệnh cho em.
Chia nỗi đau với mọi người
Hiện nay mỗi tháng ông đều đặn dành số tiền lương để giúp đỡ những người nghèo khó, trẻ em cơ nhỡ, người tàn tật neo đơn. Ông đã từng liên hệ với Hội Chữ thập đỏ huyện Vũ Thư tiến hành làm và cấp phát thêm thẻ chữa bệnh cho 72 cháu mồ côi không nơi nương tựa. Chỉ cần cầm chiếc thẻ đó đến nhà ông bất cứ thời gian và hoàn cảnh nào thì đều được chữa trị và cấp phát thuốc miễn phí. Ông đã khám, tư vấn sức khỏe, cấp cứu tai nạn giao thông miễn phí cho hơn 7.000 lượt người, cấp 95 sổ khám chữa bệnh thường xuyên cho người khuyết tật, trẻ mồ côi... Ghi nhận sự cống hiến và nghĩa cử của ông là hàng chục huân Huy chương, bằng khen các cấp như Huân huy, chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương vì sự nghiệp chữ thập đỏ. Ông cũng vinh dự nhiều lần dự đại hội thi đua lớn của toàn ngành Y tế, đoàn thanh niên, cựu chiến binh...
Chia tay bác sĩ Định mà tôi ám ảnh mãi hình ảnh người thầy thuốc già gầy guộc, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc nhưng lại có tấm lòng cao cả. Năm nay dù đã bước sang tuổi gần đất xa trời, nhưng ông vẫn hết lòng vì người bệnh. Hơn 70 năm gắn bó với nghề thầy thuốc, ông luôn tâm niệm và răn dạy con cháu mình rằng "Chia nỗi đau với mọi người là hạnh phúc được nhân đôi".
Theo ANTD
Từ 31/12, đưa phong bì cho bác sĩ sẽ bị phạt 30 triệu đồng Đó là một trong những quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 31/12. Bệnh nhân đưa hối lộ làm hư bác sĩ? (Ảnh minh họa) Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nhiều điểm mới. Theo thông tin trên báo chí, phạt...