Chuyện tình cổ tích của cô gái mang “mặt quỷ”
Những ngày đầu Nguyên lạc lõng ở một nơi xa lạ, có một chàng trai luôn quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần cô. Đó là Hoàng Nhật Tân, một chàng trai sinh năm 1980 đến từ Đà Lạt.
Dưới tán rừng Vĩnh Cửu (Đồng Nai), mái ấm Hoàng Tử Bé đã dệt nên chuyện tình như cổ tích giữa hai cuộc đời bất hạnh. Cô gái trẻ Bùi Thị Nguyên những tưởng sẽ không còn tìm được hạnh phúc khi mang gương mặt “ai nhìn cũng phải e dè” sau một lần bị bỏng.
Nhưng phép nhiệm màu đã đến không phải như cô bé lọ lem tìm được hoàng tử, không phải như nàng công chúa xinh đẹp ngủ trong rừng chờ một nụ hôn mà bằng chính tình yêu thương, đồng cảm vô bờ họ dành cho nhau.
Phận đời đong đầy nước mắt
Bùi Thị Nguyên đón tôi với chiếc nón che gần hết khuôn mặt, một tay dắt cậu con trai thứ hai được hơn một tuổi, mũm mĩm đến nỗi mọi người thường gọi yêu là “chim cánh cụt”. Ngồi trước mặt tôi là cô gái còn rất trẻ với nụ cười tươi như hoa.
Nụ cười hạnh phúc của chị Nguyên và anh Tân trong ngày cưới.
Bằng giọng nhẹ nhàng, Nguyên kể lại câu chuyện bất hạnh của đời mình. Sinh năm 1985, tại Tân Cương, Thái Nguyên, lúc 5 tuổi, trong một lần bất cẩn, Nguyên bị ngã sấp mặt vào đống củi lửa trong bếp. Ngọn lửa đã khiến khuôn mặt bị phỏng nặng, biến dạng hoàn toàn.
Sau rất nhiều cuộc phẫu thuật, nhiều lần lấy da ở những phần khác trên cơ thể đắp vào, khuôn mặt của Nguyên mới được phục hồi với một bên mắt bị hỏng, đoạn xương sọ trên trán bảo vệ não không còn và một bàn tay bị hoại tử gần hết. Cha mẹ cô đã phải bán cả nhà cửa, tài sản để lo chi trả cho hàng chục cuộc phẫu thuật và nhiều tháng nằm viện tại Hà Nội của Nguyên.
Nỗi đau cắt da cắt thịt về thể xác rồi cũng qua đi nhưng cô gái nhỏ phải đối diện với một nỗi đau tinh thần quá lớn. Khuôn mặt xinh đẹp, đáng yêu ngày nào không còn nữa. Thay vào đó là gương mặt bị biến dạng với phần não trên trán trồi ra ngoài, cặp mắt, chiếc mũi và cái miệng đều méo xệch. Gương mặt cô đến cô còn không dám nhìn, nói chi đến người khác.
Sau khi rời bệnh viện về nhà, Nguyên đã khóc rất nhiều vì tủi cho thân phận mình. Khóc đến nỗi một bên mắt bị lở loét, trôi mất kẽ da đắp trên vòm mi.
Vượt lên trên tất cả những điều đó, Bùi Thị Nguyên vẫn là một cô gái rất giàu nghị lực. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Nguyên đăng ký dự thi đại học vào ngành thư viện, một ngành học mà Nguyên cho rằng không đòi hỏi nhiều về ngoại hình và sức khỏe. Tuy nhiên, hồ sơ của cô không được chấp nhận vì lý do Nguyên không đạt yêu cầu về sức khỏe.
Video đang HOT
Nhưng thật may mắn, qua một người bạn, Nguyên biết đến mái ấm Hoàng Tử Bé ở xã Vĩnh Tân, Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nơi cưu mang những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, trong lòng Nguyên luôn có mong muốn tìm đến mái ấm này, nơi có những người cùng chung cảnh ngộ như mình. Khi Nguyên nói ra mong muốn của mình, bố mẹ cô không đồng ý vì không muốn cô phải đi xa đến vậy. Nhưng lòng cô đã quyết.
Sau khi liên lạc với bà Đặng Ngọc Nga, chủ mái ấm Hoàng Tử Bé và được bà chấp nhận, cuối năm 2005, hai mẹ con Nguyên khăn gói vào Nam… “Mẹ đưa em vào, chỉ ở đây đúng một ngày rồi vội vã trở ra Bắc. Cũng vì mẹ thương em quá, không muốn ngày ngày chứng kiến cảnh con gái mình sẽ lặng lẽ chôn vùi cuộc đời ở nơi này” – Nguyên ngậm ngùi kể lại. Nhưng mẹ Nguyên và ngay cả Nguyên cũng không ngờ rằng, quyết định rời khỏi ngôi nhà thân yêu, đến với mái ấm này là một sự đền bù mà cuộc đời dành cho Nguyên. Ở nơi đây, cô đã tìm được một “hoàng tử” của đời mình.
Chị Nguyên với nụ cười luôn nở trên môi.
Hạnh phúc không tật nguyền
Những ngày đầu sống ở mái ấm, tâm trạng Nguyên vẫn rất xáo trộn. Phải sống xa nhà, nhìn đâu cũng thấy những mảnh đời bất hạnh như mình, ngoài bức tường rào kia là cuộc sống hối hả của những gương mặt rạng rỡ, đẹp đẽ, lòng Nguyên vẫn còn buồn tủi. Thời gian trôi qua, tình yêu thương của mẹ Nga cùng những người bạn sống chung đã khiến Nguyên dần nguôi ngoai nỗi đau. Cô bắt đầu tập ca hát, may vá, học một số kỹ năng cơ bản để chăm sóc những người tàn tật không có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Ngay những ngày đầu Nguyên lạc lõng ở một nơi xa lạ, có một chàng trai luôn quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần. Đó là Hoàng Nhật Tân, một chàng trai sinh năm 1980 đến từ Đà Lạt, Lâm Đồng. Theo thời gian, tình cảm của họ chuyển từ tình bạn sang tình yêu với lòng cảm thông và đồng cảm sâu sắc giữa hai người cùng chung cảnh ngộ. Nhận thấy tình cảm mà đôi trẻ dành cho nhau, bà Ngọc Nga đã là người se duyên và đứng ra tổ chức đám cưới cho họ vào năm 2006.
Hôm chúng tôi đến, Nhật Tân không có ở nhà. Nguyên cho biết anh đang đi học thêm ở TP.HCM, tối mới về. Nhắc đến chồng, đôi mắt Nguyên ánh lên một niềm hạnh phúc khó tả. Rồi Nguyên kể cho chúng tôi nghe chuyện đời của chồng mình. Năm lên 4 tuổi, do sơ ý nên người chị gái đã để đổ cây đèn dầu đang thắp lên mùng. Chiếc mùng bùng cháy trong khi Tân vẫn còn đang say ngủ. Lửa và lớp vải mùng bám chặt vào da đầu khiến Tân bị phỏng nặng, ăn sâu đến sọ não. “Hiện giờ, phần não của anh Tân không có hộp sọ bảo vệ, chỉ có lớp sẹo dày phủ bên trên” – Nguyên cho biết.
Cũng giống như Nguyên, vượt qua cái chết, Nhật Tân lớn lên cùng nỗi đau thể xác và khuôn mặt bị biến dạng với những vết sẹo dài. Gia đình anh cũng không khá giả gì với người cha là thương binh, mẹ bị mắc bệnh thần kinh, phải gồng mình nuôi 6 đứa con thơ dại. Dù vậy, Tân vẫn rất ham học. Tốt nghiệp phổ thông anh thi đậu vào CĐ Kế toán. Nhưng bất hạnh cuộc đời vẫn chưa buông tha anh. Tân bị mắc bệnh thần kinh do di chứng từ người mẹ, với những cơn đau đầu triền miên và những cơn động kinh bất thường. Anh phải bỏ học về nhà chữa bệnh.
Trong những ngày chờ sức khỏe ổn định trở lại, anh tìm đến với hội họa và nhận ra hội họa chính là nơi để mình bày tỏ những tâm tư, thể hiện những điều mà anh không thể nói bằng lời. Anh quyết định theo học hội họa tại xưởng vẽ của một người chú ở Đà Lạt. Chính tại nơi đây anh đã gặp bà Đặng Ngọc Nga khi bà đến thăm xưởng vẽ. Sau những lần trò chuyện, hiểu được suy nghĩ và ý chí vươn lên của Hoàng Nhật Tân, bà Nga đã bày tỏ mong muốn mời Tân về ở mái ấm Hoàng Tử Bé.
Giữa năm 2005, chàng họa sĩ khuyết tật Hoàng Nhật Tân quyết định rời Đà Lạt về mái ấm Hoàng Tử Bé ở Vĩnh Cửu. Và ở đây, anh đã gặp và nên duyên cùng Bùi Thị Nguyên, cô gái có khuôn mặt “ai nhìn cũng phải e dè”, nhưng có một tâm hồn và tấm lòng thật đẹp.
Chúng tôi chia tay Nguyên khi trời đã nhập nhoạng tối. Vừa ra đến cổng thì gặp Hoàng Nhật Tân từ TP.HCM chạy xe về tới. Không kịp nói chuyện gì với anh ngoài đôi ba câu thăm hỏi nhưng cũng cảm nhận ở anh sự điềm đạm, nhân hậu. Nhìn họ và hai cậu con trai quấn quýt bên nhau, chúng tôi lại tin cuộc đời này không thiếu những phép nhiệm màu. Và tình yêu, hạnh phúc sẽ đến với bất cứ ai biết vượt lên số phận, vượt lên những mặc cảm, tự ti của bản thân mình, dù số phận có nghiệt ngã đến thế nào đi nữa.
Sau đám cưới, được sự động viên, khích lệ của mẹ Nga và vợ, Hoàng Nhật Tân thi đậu vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Năm 2010, anh hoàn thành khóa học, chính thức trở thành một họa sĩ với tấm bằng cử nhân ĐH Mỹ thuật. Trở về Hoàng Tử Bé, hàng ngày anh miệt mài với phòng tranh của mình, hết vẽ tranh sơn dầu đến sáng tạo tranh đá quý. Chỉ có một điều khác trước là giờ đây trong những bức tranh của anh luôn lung linh màu hạnh phúc.
Theo Vietbao
Nghe người phụ nữ 76 tuổi kể chuyện tình yêu đẹp hơn cổ tích
Một người phụ nữ Gio Linh (Quảng Trị) hồn hậu, đi gần hết cuộc đời vẫn vẹn nguyên một mối tình. Tính đến giờ, bà chỉ có 12 năm làm vợ đúng nghĩa, 35 năm làm mẹ nhưng có tới 57 năm phụng dưỡng mẹ chồng.
Bà là Trương Thị Ba, năm nay đã 76 tuổi. Thời gian không phủ mờ tình yêu của bà, bởi tình yêu đó được dậy lên từ những ngày bom đạn. Ngay cả cái cách xưng hô "đồng chí" đối với tôi - người nhỏ tuổi hơn cả con út của bà - cũng cho thấy bà thuộc về một thế hệ can trường, trước sau như một và chẳng gì có thể lay chuyển. Tình yêu không là ngoại lệ.
Bà Ba lần giở lại những ký ức của đời mình
Chúng tôi tìm đến thăm nhà bà trong một buổi chiều mưa lất phất, qua điện thoại bà chỉ đường "đồng chí cứ đi từ Đông Hà ra đoạn dốc cửa ngõ của thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh), nhìn phía bên tay trái, thấy nhà nào có những hàng cau xanh nõn là nhà của tôi". Quả nhiên, gian nhà nhỏ của bà quá đỗi bình thường nhưng lại "lạc" giữa những hàng cau đẹp mê hồn.
Chúng tôi lặng im nghe bà kể chuyện từ những ngày xửa xưa. Từ thuở bà còn là một cô nhóc của làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh), lon ton chạy theo các anh chị trong Chi đoàn thanh niên cứu quốc làng Mai Xá, suốt ngày tập hát tập múa để biểu diễn tuyên truyền cách mạng cho người dân. Lớn thêm chút nữa, bà vẫn "sống với địch, hoạt động cho ta" và bị bắt giam tới 3 lần vào những năm 1957, 1959, 1960 bị địch nghi ngờ có mối liên hệ mật thiết với cộng sản.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà quen một thanh niên cùng làng tên Trương Quang Giao. Cảm tình tuổi đôi mươi chưa kịp nói lời yêu, chưa kịp trao lời thề hẹn thì tháng 3/1954, ông Giao gia nhập bộ đội địa phương. Sau hiệp định Geneve, ông Giao trở về quê được ít ngày thì được lệnh phải ra Bắc tập kết. Bà Ba một lần nữa phải chia tay người thương nhớ, nhưng lần này thì khác, họ đã khắc vào tim nhau rằng 2 năm sau là ngày đoàn tụ.
Và một lần nữa tình yêu của đôi trẻ làng Mai Xá tưởng như đổ vỡ bởi những biến cố lịch sử của đất nước. Sông Bến Hải chia tách làm đôi, kẻ Namngười Bắc đến hơn 20 năm sau mới gặp lại...
Năm 1955, được sự đồng ý của trên, bà Ba đã bí mật tổ chức đám cưới với ông Giao mà không hề có mặt của chú rể. Và trớ trêu thay cuối năm ấy ông bà hoàn toàn mất liên lạc với nhau. "Từ đó đến khi thoát ly lên rừng (1965), không phải không có ai để ý đến tôi. Phía mình thì không có rồi vì họ không thể tán tỉnh vợ của đồng đội được. Nhưng về phía địch, cũng có nhiều tên lởn vởn, bị tôi cự tuyệt thì gây khó dễ... Chúng dọa dẫm bắt tôi phải viết... đơn li dị với ông nhà để chúng gửi ra Bắc rồi quy kết tôi có chồng đi tập kết nên tôi sống khá khổ sở..."- Bà Ba nhớ lại.
Năm 1973, bà Ba lúc này vẫn "ba không" (không chồng, không con, không nhà), trở thành cán bộ tổ chức của Huyện ủy Gio Linh, mối tình ngày nào vẫn cháy nhưng hiềm nỗi bà không thể biết ông Giao ở đâu, sống hay chết.
Cũng trong năm này, Chủ tịch CuBa Phidel Castro đến thăm tỉnh Quảng Trị, bà được phân công dẫn đường cho các phóng viên đi theo đoàn. Và giống như trong chuyện cổ tích, khi đầu năm 1974, cuộn phim được đưa đi chiếu cho quân dân cả nước cùng xem, hình ảnh bà Ba chỉ có được vài giây thôi nhưng ông Giao (lúc này đã ở chiến trường phía Nam) nhận ra ngay đó là người vợ yêu dấu của mình. Ông lập tức biên thư về, 1 lần, 2 lần, 3 lần... cuối cùng thư cũng đã đến tay bà Ba với bao niềm hạnh phúc khôn tả.
Bà Ba và người mẹ chồng đã 104 tuổi mà bà phụng dưỡng suốt gần 60 năm nay.
Một tháng rồi hai tháng sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, bà Ba ngóng đợi nhưng chẳng có một cánh thư nào từ miền Nam gửi về nữa. "Lòng tôi như lửa đốt và đầy sự hồ nghi. Suốt ngày cứ tự hỏi hay là anh ấy đã hi sinh? Hay là anh ấy đã có một gia đình mới?"- Bà Ba ngấn lệ nhớ lại quá khứ.
Lúc này bà Ba đã 39 tuổi. Mặc cho sự lo lắng, khuyên răn kèm sự thương cảm của người thân, đồng đội, bà quyết lên đường vào Nam tìm ông Giao với vỏn vẹn một manh mối duy nhất là địa chỉ hòm thư "Quân khu 8, K 650".
Hành trình tìm chồng của bà Ba quả là... kinh hoàng! Chuyến xe đò đưa bà Ba hướng vào Nam khi đất nước vừa hòa bình 2 tháng đã phải trải qua bao gập ghềnh, đường hỏng, cầu sập và cảnh đốt phá thỉnh thoảng vẫn xảy ra dọc đường. Thở phào khi đặt chân xuống Sài Gòn, cầm chặt mảnh giấy ghi số hòm thư và cái tên Trương Quang Giao, bà đã "gõ cửa" Ban quân quản TP rồi Cục miền Trung và được biết một thông tin mù mờ rằng đơn vị này đóng ở Mỹ Tho (Tiền Giang).
Về tới Mỹ Tho, vào tới QK.8 có người nói đơn vị đang đóng ở huyện Cai Lậy cách đó 50 km nhưng khi về tới Cai Lậy thì không một cơ quan nào biết về K 650. Không chịu thua bà trở ngược lại QK.8 và trên chuyến xe này bà may mắn gặp một sĩ quan công tác tại K 650. Chẳng có gan ruột nào để nghỉ ngơi, bà đã tìm về huyện Cái Bè (Tiền Giang) theo sơ đồ của vị sĩ quan nọ và ngã quỵ khi đứng trước chồng là thiếu úy, chính trị viên tiểu đoàn Trương Quang Giao.
"15 ngày, tôi đi tìm ông nhà đúng 15 ngày... Nghĩ lại cũng thấy mình liều thật, là phụ nữ cả đời chưa đi vào Nam, lúc ấy lại còn lộn xộn mà dám lặn lội khắp nơi mọi chốn, rủi có chuyện gì cũng chẳng biết kêu ai..."- Bà Ba không khỏi xúc động.
Được sự quan tâm của tổ chức, ông Giao đã được điều chuyển về công tác tại trường Đảng huyện Gio Linh để đoàn tụ với gia đình. Bà Ba bảo: "Đó là quãng đời đẹp nhất của tôi và có lẽ của cả ông nhà. Chúng tôi đã sống đã cống hiến cho đất nước và chúng tôi cũng đã yêu, chúng tôi có quyền được hạnh phúc...".
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, sau đúng 12 năm chung sống đúng nghĩa, ông Giao qua đời (năm 1988). Lúc này ông bà đã có với nhau 3 người con kháu khỉnh. Như để chứng minh cho tình yêu mãnh liệt, không gì ngăn cản nỗi của mình, ông bà đã đặt tên con lần lượt là Thủy, Chung, Trung. Một nách ba con nhưng bà Ba còn phải làm tròn một bổn phận của một người con dâu. "Đời sống lúc đó khổ cực lắm, lương hưu của tôi chỉ có ba mấy ngàn một tháng, một mình tôi cày cuốc, nhận ruộng để làm nhưng toàn ăn cơm độn sắn khoai. Tôi thì gắng được nhưng chỉ thương mạ với mấy đứa nhỏ răng yếu nên nhai sếu sáo rồi nuốt trỏng..."- Bà Ba rưng rưng kể lại.
Giờ đây điều làm bà Ba tự hào nhất là 3 người con đều học hành đỗ đạt (2 con gái đầu làm giáo viên, con trai út làm kiểm lâm) và mẹ chồng là cụ Lê Thị Trà đã thọ tới 104 tuổi. Bà nói: "Đối với con tôi cảm ơn chúng nó. Đối với mạ, tôi vẫn chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho đến việc vệ sinh cá nhân, ngày nào mạ còn ăn ngày 3, 4 bát cơm là tôi còn sức để báo hiếu thay ông nhà...".
Trong buổi chiều giá rét đầu năm, sau khi "trải" hết cả cuộc đời cho tôi nghe, bà chống cằm nhìn ra hàng cau xanh nõn trước sân buột miệng: "Nghiệm lại tất cả, tôi thấy mình đã có một tình yêu thật trọn vẹn. Có người nói số tôi truân chuyên nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi tình yêu như hoa hồng, ai sợ chảy máu thì nào hái được...".
Theo Dantri
Mái ấm thầy Nhiên 31 mái đầu thơ trẻ. 10 cháu học cấp một, 17 cháu cấp hai, 2 cháu cấp ba là những con số ấn tượng nơi "Mái ấm thầy Nhiên". Thầy tâm niệm, một đứa trẻ nên người sẽ bớt đi một gánh nặng cho xã hội. Vì lẽ đó, tất cả đều được đi học. Mái ấm đơn sơ Nằm giữa khung cảnh...