Chuyện tình cảm động của chàng trai đạp xe xuyên Việt để cầu hôn người yêu
Bây giờ, mỗi khi kể lại câu chuyện tình khởi đầu cho cuộc sống hạnh phúc gia đình hiện tại của mình cho ai nghe, anh Phạm Quốc Tuấn cũng say sưa với vẻ đầy tự hào. Không ai tin chàng trai Tuấn, lúc đó chỉ là một luật sư tập sự, mới ra trường lại có quyết định táo bạo đến vậy, một mình đạp xe từ TP.HCM ra tận Thủ đô Hà Nội để cầu hôn người yêu. Sau 10 năm, chàng thanh niên đó đã trở thành người đàn ông của gia đình, có cuộc sống hạnh phúc mà nhiều người mơ ước bên vợ và con gái trong căn nhà tại huyện Nhà Bè TP.HCM.
Tình yêu vượt mọi khoảng cách
Hồi tưởng lại duyên số từ những ngày đầu biết nhau của hai vợ chồng, chị Vũ Thị Dung (vợ anh Tuấn) nhớ lại, “hai vợ chồng mình biết nhau từ lúc nhỏ, cùng nhau lớn lên tại Thái Bình. Chỉ biết nhau vậy thôi chứ ít khi hai người nói chuyện”. Rồi anh Tuấn chuyển vào Nha Trang sinh sống khi vừa mới học THPT, tiếp đó là vào TP.HCM học tại trường Đại học Luật thì hầu như chị Dung và anh Tuấn đều không có liên lạc. Ở quê nhà Thái Bình, chị Dung thi đậu vào trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội rồi chuyển lên Thủ đô trọ học. Tuy đã có cuộc sống mới ở miền Nam nhưng anh Tuấn vẫn còn giữ được liên lạc với những người bạn ở quê.
Một bước ngoặt có thể nói là định mệnh trong mối quan hệ của hai người là bức thư chúc mừng mà anh Tuấn đã gửi cho các bạn chung lớp thời cấp ba khi hay tin bạn thi đậu đại học, trong đó có cả chị Dung. “Mình còn nhớ rất rõ đó là thời điểm năm thứ nhất bước vào giảng đường, từ TP.HCM anh Tuấn vẫn quan tâm đến bạn bè, dù lúc đó chỉ là bạn bè bình thường điều đó cũng làm cho mình phải suy nghĩ” – chị Dung chia sẻ. Rồi chị Dung và mọi người cũng viết thư hồi âm, hỏi thăm tình hình của cậu bạn có thân hình nhỏ sống xa quê. Khi vợ đang kể tiếp câu chuyện thì anh Tuấn chen ngang, “trong số những người bạn viết thư cho mình thì lá thư của vợ (tức chị Dung – PV) đã làm mình xúc động hơn cả. Trước đó cả hai gặp mặt nhiều nhưng không nói chuyện được bao nhiêu nên mình cũng hồi âm cho cô ấy chuyện trò”.
Bất đầu từ đó, mỗi tháng anh Tuấn viết hai lá thư gửi ra Hà Nội cho chị. Chị Dung cũng đáp lại những lá thư anh Tuấn gửi, không biết do từ ngữ chị diễn đạt trong thư nghe tình cảm hay tấm lòng chân thành của người bạn gái mà khiến cho anh Tuấn ngày càng háo hức mong chờ sau mỗi lần dán con tem bỏ thư vào thùng thư chờ chuyển đi. “Cũng không nhớ được từ khi nào, tình cảm của hai người đã bước lên một nấc thang mới, vượt ngưỡng tình cảm của hai người bạn, đó là tình yêu”, anh Tuấn nói rồi cười hạnh phúc.
Thư đi, thư về giữa hai miền Nam – Bắc, khoảng cách dường như là vô tận với những người yêu nhau. Nhưng anh Tuấn và chị Dung vẫn đều đặn liên lạc, bao giận hờn, buồn vui đều gửi hết vào những lá thư. Thời điểm tốt nghiệp cũng tới, anh Tuấn ra trường tốt nghiệp ngành luật và bắt đầu xin vào tập sự tại một văn phòng luật sư tại quận 4, TP.HCM. Còn chị Dung, sau khi học xong đại học thì may mắn nhận được học bổng tại Đại học Perugia (Italia). Khi trở về chị lại được nhận vào làm việc trong một tổ chức nước ngoài tại Hà Nội có mức thu nhập khá cao. Đó là rào cản lớn nhất cho tình yêu của anh Tuấn vì giờ đây người yêu đã là một người có thể nói là thành đạt, trong khi đó anh Tuấn là chàng sinh viên mới ra trường, hằng ngày vẫn đi làm bằng chiếc xe đạp cà tàng, thu nhập thì không ổn định. “Biết anh Tuấn có tình cảm chân thành với mình nhưng với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, bao khó khăn trước mắt như vậy khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Với mức thu nhập bấp bênh của anh thì sẽ có nhiều khó khăn trong cuộc sống…Trong khi đó bạn bè cùng lứa với mình, đứa nào đứa nấy đều có “mốt” lấy chồng Việt kiều hay chí ít một người đàn ông kinh tế phải khá giả” – chị Dung hồi tưởng quá khứ…
Hành trình đạp xe xuyên Việt cầu hôn người yêu
Rồi một quyết định táo bạo đã được Tuấn đưa ra đó là một mình đạp xe từ TP.HCM ra tận Hà Nội để cầu hôn người yêu. Phần vì muốn người yêu hiểu được tình cảm của mình, phần Tuấn muốn thể hiện quyết tâm ý chí kiên cường của một chàng trai “đầu đội trời, chân đạp đất”. Bạn bè biết chuyện anh Tuấn chuẩn bị cho chuyến đi cũng rất đỗi ngạc nhiên, nhưng ai nấy cũng ủng hộ cho quyết định này. Khi được hỏi nguyên nhân nào đã làm cho anh có ý định thực hiện điều không tưởng đó, anh Tuấn cười nói: “Cũng không hiểu tại sao lúc đó mình lại liều lĩnh như vậy, có lẽ là do tình yêu mãnh liệt quá!”. Nhưng “nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm”, đoạn đường từ TP.HCM ra Thủ đô Hà Nội có chiều dài gần 2000km mà chỉ đi bằng xe đạp cũng làm cho anh Tuấn không chùng bước. Một kế hoạch rõ ràng cho công cuộc chinh phục đoạn đường dài, và lớn hơn nữa là chinh phục cô gái của cuộc đời đã được chàng thanh niên vạch ra khá chi tiết. Đầu tiên là vấn đề về thể lực. Để chuẩn bị sức khỏe đạp xe trên quãng đường xuyên Việt, anh Tuấn bắt đầu tập chạy mỗi buổi sáng và chiều để có sức bền. Tiếp đó là đạp xe vòng quanh TP.HCM. Để tập làm quen với những đoạn đèo cao anh Tuấn tập đạp xe lên xuống cầu Sài Gòn mỗi ngày 5 vòng. Gần 1 năm trời chuẩn bị thể lực, đạp xe làm quen, anh Tuấn mới bắt đầu cuộc hành trình.
Nhẩm tính với đoạn đường gần 2000 km, anh Tuấn đề ra kế hoạch mỗi ngày phải vượt 100 km, và nếu “xuôi chèo mát mái” thì 18 ngày anh sẽ đến được Thủ đô. “Tính là vậy thôi chứ khi đi thì mới gặp nhiều khó khăn mà mình không thể lường trước được”, anh Tuấn kể lại chuyến đi. Ngoài nỗi lo về xe cộ hư hỏng, nắng gió khắc nghiệt của miền Trung hay những đoạn đường đèo cao ngút đầy nguy hiểm anh Tuấn còn phải tìm chỗ để trú ngụ qua đêm an toàn và phải gắng sức đi nhanh vì “mình đã lỡ hứa với cô ấy thì phải ra cho đúng hẹn” . Vượt qua bao khó khăn, trở ngại cuối cùng sau 17 ngày liên tục đạp xe anh Tuấn đã ra đến Thủ đô Hà Nội. “Trước đó anh nói sẽ ra thăm và dành tặng cho mình một món quà tình yêu, mình nghe xong rất dửng dưng, vô cảm bởi mình không nghĩ rằng anh sẽ làm được gì khiến mình có thể bất ngờ”, chị Dung nhớ lại.
Vào một buổi sáng mùa thu năm 2003, chị Dung nhận được điện thoại của anh nói ra đường Giải Phóng đón, thì chị tưởng tượng rằng anh sẽ bước xuống từ chiếc xe khách Bắc – Nam nào đó. Rồi từng chiếc, từng chiếc xe khách cứ vụt qua nhưng không thấy bóng dáng anh đâu. Chờ gần 2 tiếng đồng hồ giữa ồn ào, bụi bặm của phố phường chị toan nghĩ chắc anh chỉ nói đùa. Khi định quay về thì từ đằng xa bóng người thanh niên nhỏ nhắn, miệng cười tay vẫy tiến tới chỗ chị đứng, thì ra người đó là anh Tuấn. Chưa kịp mừng rỡ vì gặp được người yêu thì chị lại cảm động rơi nước mắt trước hình ảnh đen đúa, gầy nhom vì sương gió, nắng mưa của chàng trai đã đạp xe gần 2000 cây số đến với mình, bao nhiêu câu hỏi cứ lảng vảng trong đầu chị rằng, vì lý do gì anh lại lặn lội từ Nam ra Bắc trên chiếc xe đạp để đến với mình? Anh chịu bao cực khổ, gian lao để chứng tỏ điều gì?…
Và khi anh nói lời cầu hôn, chị đã thầm nghĩ, “đây chính là người đàn ông của cuộc đời mình, không còn gì phải băn khoăn nữa!”. Rồi cũng từ giây phút ấy, chị Dung đã tìm ra được người đàn ông chị muốn gửi gắm cả cuộc đời của mình. Chị so sánh anh với bao người đàn ông khác mà chị từng ngưỡng mộ, không đẹp trai như chàng diễn viên điện ảnh là thần tượng, không giàu có như một thương gia hay không lịch lãm, sành điệu như một chàng trai ngoại quốc lúc du học chị từng gặp; đơn giản vì người đàn ông chị chọn có một ý chí phi thường, có một tình yêu chân thành mà không phải cô gái nào cũng nhận ra được.
Video đang HOT
Và thế là đám cưới của hai người cũng được tiến hành sau đó. Theo chồng vào TP.HCM, chị Dung phải từ bỏ công việc với mức thu nhập cao, xa bố mẹ, bạn bè thân quen để xây dựng gia đình trên một miền đất hoàn toàn xa lạ. Với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống gia đình với bao bộn bề, khó khăn như thế. Cuộc sống hiện tại của gia đình anh Tuấn khiến cho bao người phải mong ước, anh và chị đều đã có được vị thế trong công việc chuyên môn của mình với mức thu nhập ổn định. Sau nhiều năm tích góp thì cũng mua được căn nhà khá khang trang. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của anh Tuấn – chị Dung bây giờ đó chính là đứa con gái 7 tuổi Ngọc Hà, ngoan ngoãn, học giỏi. Sống trong hạnh phúc hiện tại nhưng chị Dung vẫn thầm “cảm ơn” chiếc xe đạp mà anh Tuấn đã sử dụng để làm cầu nối hạnh phúc của hai người, “Đây là chiếc xe đạp cực kỳ đặc biệt đối với tôi. Tôi cảm ơn nó nhiều lắm vì nó đã giúp tôi đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời: Lấy ai làm chồng? Và sau 10 năm chung sống, tôi chưa bao giờ tiếc nuối điều gì từ quyết định đó!”
Phương Trúc
Theo ANTD
Chàng trai Mỹ hối thúc thanh niên Việt dám nghĩ dám làm
Từ California, Trần Hùng John bất ngờ khi biết một câu trong cuốn sách của anh viết rằng 'phần lớn người Việt Nam thụ động" trở thành chủ đề nghị luận trong môn Văn dành cho khoảng 4.000 thí sinh dự thi đại học ở Việt Nam.
Trần Hùng John (trái) và một người anh gặp trên đường xuyên Việt. Ảnh: Ig9
Đề thi đại học môn Văn khối D vừa qua có một câu hỏi gây tranh cãi, trích dẫn một đoạn trong cuốn sách mới ra mắt tháng trước của một Hùng John, 24 tuổi.
"Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn", Trần Hùng John viết trong quyển "John đi tìm Hùng". Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Trần Hùng John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình.
Đề văn này đã gây nhiều ý kiến trái nhiều trên các mạng xã hội. VnExpress trò chuyện với Hùng John về ý nghĩ của anh quanh quanh sự kiện "gây sốc" này.
- Anh có thể chia sẻ cảm xúc đầu tiên khi biết quyển "John đi tìm Hùng" được trích dẫn làm câu hỏi nghị luận trong đề văn đại học khối D năm nay, trong khi nhiều năm trước, chỉ có tác phẩm của các tác gia lớn trong sách giáo khoa mới được lấy làm đề thi?
- Lúc đầu tôi hơi sốc khi một người bạn đăng đề Văn năm nay lên trang Facebook của tôi. Tôi không thể tin rằng mình sẽ có vinh dự này khi vẫn còn quá trẻ. Tôi thấy rất vui và tự hào vì thành tựu này. Cảm giác thật tuyệt khi biết thông điệp và tên của mình được hàng nghìn học sinh biết đến.
- Hùng có biết vì sao sách của anh được trích đăng trong đề thi đại học năm nay không?
- Để đoán xem ai đó đã nghĩ gì là điều không thể. Tôi, cũng như nhiều người khác, bị sốc khi sách được trích trong bài thi. Nhưng chắc phải có điều gì hấp dẫn ở câu nói đó nên mới thuyết phục người ra đề chọn nó.
- Anh nghĩ gì khi có không ít học sinh sau buổi thi nói họ không đồng tình với ý kiến của bạn, có người còn tỏ ra giận dữ?
- Nếu họ giận dữ thì có thể điều tôi nói là đúng. Việc gì phải tức giận với một điều không đúng?
Tôi nghĩ mọi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của họ. Nếu bạn đồng ý, bạn sẽ làm gì để thay đổi điều đó. Còn những người không đồng ý với tôi, tôi sẽ không đề nghị họ giải thích hay đưa ví dụ, mà hãy hành động để chứng minh điều ngược lại.
Hãy dám làm điều mà bạn thực sự thấy hạnh phúc, chứ không phải điều bố mẹ muốn, hay xã hội buộc bạn phải làm.
Độc giả xếp hàng chờ Trần Hùng John ký tặng sách tại buổi ra mắt ở Hà Nội hôm 2/6. Ảnh:Trọng Giáp
- Dựa trên cơ sở nào mà anh rút ra nhận định rằng phần nhiều người Việt không dám "dẫn đường"?
- Tôi nghĩ rằng kết luận này được rút ra sau khi tôi gặp nhiều người, lắng nghe câu chuyện của họ và phân tích chúng. Tôi có bằng về tâm lý và được hướng dẫn cách quan sát, đánh giá mọi người.
Điều này tất nhiên là quan điểm cá nhân của tôi. Nó có thể sai, có thể đúng, nhưng đó là một quan điểm.
Một ví dụ có thể minh họa cho điều này là khi bắt đầu học ở Việt Nam lần đầu tiên. Trong lớp, tôi quan sát thấy trong các cuộc thảo luận, không có học sinh Việt Nam nào dám đặt câu hỏi hay chia sẻ quan điểm đầu tiên, mà phải chờ các học sinh nước ngoài làm điều đó. Vấn đề này không thể được đo đếm bằng những công cụ thông thường, vì vậy tôi chắc là cũng khó chứng minh.
Nhưng tôi có cảm giác như là người Việt Nam vẫn chưa đạt được tối đa tiềm năng của mình và đó có thể là một trong những vấn đề.
- Theo anh, làm thế này để có nhiều người tiên phong hơn?
- Tôi nghĩ giải pháp bắt đầu ngay từ gia đình. Tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ cần buông con của họ ra và đừng quá bao bọc con. Việc cho trẻ em đối mặt với khó khăn, thử thách là điều bình thường. Tôi nghĩ rằng khi trẻ em học được cách trở nên độc lập và dũng cảm hơn, các em sẽ dám mơ ước và làm nhiều hơn thế.
Gia đình và quê quán là hai yếu tố quan trọng vì đó là nền tảng của bạn, nhưng chủ yếu vẫn là phụ thuộc vào cá nhân mỗi người. Tôi nghĩ mọi người quyết định số phận của chính họ. Nếu thực sự tin tưởng vào điều gì đó và làm mọi thứ bằng hết sức lực để đạt được nó, chẳng có gì có thể ngăn bạn tới thành công.
- Anh đã gặp người Việt Nam nào đi ngược lại số đông mà anh nhận định trong bài thi Văn năm nay chưa?
- Có, như tôi đã viết trong sách, tôi từng gặp anh Quy, một nông dân 30 tuổi ở Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp cao đẳng nhưng thay vì vật lộn ở thành phố với đồng lương tháng từ 5 đến 7 triệu đồng, anh trở về quê và đầu tư vào trang trại. Anh nuôi đủ các loại vật nuôi để bán và kiếm được gấp đôi số tiền trên mỗi tháng, mà lại không phải làm nhiều.
Anh ấy là sếp của chính mình và được làm những việc anh thích. Anh muốn thật sự thành công để có thể giúp đỡ các nông dân khác.
Có một điều mà tôi cho là đã góp phần giúp anh Quy trở nên khác biệt, là anh ấy đi nhiều. Anh ấy làm ở nhiều nơi một thời gian. Khi cha anh mất, anh phải về nhà để chăm sóc mẹ vì là con một. Tôi nghĩ đi chu du khắp nơi và trải nghiệm nhiều điều đã giúp anh ấy thay đổi tư duy.
- Hùng John đã hai lần đi xuyên Việt, sống và làm việc cùng người dân dọc đất nước. Ai hay điều gì đã truyền cảm hứng cho anh thực hiện những chuyến xuyên Việt này?
- Việc muốn trở nên "Việt Nam" hơn đã thôi thúc tôi. Tôi đã sống ở Việt Nam một năm rồi nhưng không thực sự hiểu Việt Nam có gì. Và nhiều người cũng bảo tôi rằng tôi sẽ không bao giờ hoàn toàn Việt Nam vì tôi không sinh ở Việt Nam. Điều này đã truyền cảm hứng cho tôi xách ba lô lên và đi tìm câu trả lời. Đó là lý do tôi sống và làm việc cùng những người từ mọi nẻo đường của cuộc sống. Cuối cùng tôi nhận ra rằng chính cảm giác bên trong mới là điều quan trọng nhất.
- Dự định sắp tới của anh là gì?
- Từ tháng 8 đến cuối tháng 9, chúng tôi sẽ có một book tour (tour giới thiệu sách) dọc Việt Nam. Tôi sẽ đi xuyên Việt để đem cuốn sách và thông điệp của tôi đến những thị trấn, thị xã, nhưng lần này sẽ không phải là đi bộ.
Cũng sẽ có một số sự kiện ở các thành phố lớn với những người trẻ thành công như Toan shinoda, một Vlogger trên YouTube, nghệ sĩ nhạc rap Việt Phương. Các bạn này sẽ đến và biểu diễn, nói chuyện với mọi người để truyền cảm hứng cho họ theo đuổi ước mơ, làm những điều khác biệt.
Ấn bản lần một của cuốn sách "John đi tìm Hùng" đã bán hết vài nghìn bản. Chúng tôi sẽ đóng góp một khoản lớn trong số tiền bán sách vào việc từ thiện. Kế hoạch của tôi là bán một triệu quyển, quyên góp được 25.000 USD. Số tiền sẽ được dùng làm học bổng đại học 4 năm dành cho các học sinh phổ thông nghèo, phục vụ chương trình hỗ trợ nông dân và giúp một em học sinh nghèo.
Trọng Giáp
Trần Hùng John sinh ra và lớn lên ở Mỹ trong một gia đình gốc Việt. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học, ĐH Berkeley, Mỹ, Trần Hùng John đến Việt Nam tháng 8/2010 du học theo chương trình trao đổi văn hóa. Sau gần hai năm sống, tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, tháng 10/2012, Trần Hùng John quyết định đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền để tự mình có những cảm nhận và trải nghiệm riêng về đất nước, con người Việt Nam. Sau hai lần xuyên Việt, anh đã cho ra đời cuốn sách "John đi tìm Hùng".
Theo VNE
U80 đạp xe 3.500km xuyên đất nước Ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng các thành viên câu lạc bộ UNESCO Hà Nội vẫn đều đặn thực hiện những chuyến đạp xe đường dài và làm công tác từ thiện. Đến nay, câu lạc bộ đã có 470 chuyến đi thành công. Và chuyến đi nào cũng được đặt cho một cái tên. Càng đi càng khỏe Chuyến đi gần nhất...