Chuyện thú vị ở gia đình có 22 người con
Cùng với 18 người con đẻ, vợ chồng bà Trương Thị Chín còn nhận nuôi thêm bốn đứa trẻ của hàng xóm, nâng tổng số con trong gia đình lên con số 22. Tuy nhiên, một điều kì lạ là “đại đội con” trong gia đình bà sống rất hoà thuận và vui vẻ, chịu khó làm ăn, sống đẹp trong lòng mọi người.
Loay hoay tìm tên cho con
Việc sinh nhiều con của đại gia đình bà Trương Thị Chín và ông Nguyễn Văn Lấc ở xã Tân Hoà (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã trở thành một câu chuyện dân gian của người dân nơi đây. Thế nhưng, điều kì lạ là mọi người bàn tán nhau không phải về những hậu quả tiêu cực về việc sinh con đông mà ai cũng tỏ ra ngạc nhiên và nể phục bởi sự hoà hiếu thảo, hết mực thương yêu nhau của “đại đội con” này.
Chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Mười Bảy (SN 1962, là con thứ 17 của bà Chín) tại ấp Hoà Định (xã Tân Hoà). Nhớ lại những kí ức về gia đình, bà Bảy kể lại: “Khi lớn lên, tôi được mẹ và các anh chị kể lại vùng quê này trước cách mạng tháng Tám là một vùng chiêm trũng, quanh năm ngập nước và cây cối rậm rạp. Ba mẹ tôi sinh ra trong những ngày đầu tiên mảnh đất được khai phá nên phải đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn. Cha gặp mẹ rồi nên duyên vợ chồng khi cuộc sống vẫn triền miên trong cái đói”.
Với khuôn mặt chất đầy những nếp nhăn theo thời gian, bà Nguyễn Thị Hai (SN 1938, con gái thứ hai của bà Chín) kể lại: “Khi mới cưới về, cuộc sống của cha mẹ tôi cực khổ lắm. Hàng ngày, cha thì đi chài từ khi trời còn tối mù để bắt cá, bắt chuột bán lấy tiền mua gạo ăn. Mẹ ở nhà bòn mót từng củ khoai, củ mì, hái lá rau để cải thiện cho bữa ăn gia đình. Thỉnh thoảng, mẹ lại đội thúng chuối, lội bộ vài cây số đi bán, kiếm tiền lo hai bữa ăn cho chúng tôi. Cứ như thế, cha mẹ càng phải chắt bóp, tằn tiện từng xu, thậm chí ăn không đủ no, mặc không đủ ấm khi liên tục mỗi năm mẹ tôi cho “ra lò” một đứa em nhỏ.
Bà Hai nhớ lại: “Năm 1947, khi sinh cùng lúc hai đứa (một trai, một gái), cha mẹ tôi quyết định đặt tên con liên quan đến các hoạt động để xây thành một cái nhà. Và như vậy, những cái tên của các em tôi như: Bào, Tiện, Chạm, Dồi, Lộng, Ván, Vách, Phên… lần lượt được ra đời. Năm 1960, em trai thứ 16 là Nguyễn Văn Nhà chào đời. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, năm 1961, mẹ tôi tiếp tục sinh em bé thứ 17 mà không biết phải dùng tên gì để đặt. Cha mẹ thảo luận một hồi rồi quyết định đặt tên con theo số thứ tự. Vì thế, họ đã đặt tên cho đứa con thứ 17 của mình Nguyễn Thị Mười Bảy. Và năm 1963, cô em út Nguyễn Thị Mười Tám cũng chào đời”.
Video đang HOT
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Vách (người con thứ 14 của bà Chín) (ảnh Huệ Trần)
Gia đình ngập tiếng cười
Nhớ lại những kỉ niệm vui của gia đình, bà Nguyễn Thị Mười Bảy cho biết: “Dân làng ở vùng này vì thấy cha mẹ tôi có “tay” nuôi con tốt, lại dạy con ngoan nên đã gửi nuôi bốn người của bốn gia đình khác nhau. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng cha mẹ tôi vui vẻ nhận chúng con nuôi rồi đặt tên là: Nguyễn Văn Mười Chín, Nguyễn Văn Hai Mươi, Nguyễn Thị Hai Mốt, Nguyễn Văn Hai Hai. Mặt khác, vì chịu khó làm ăn nên khi tôi lên 6 – 7 tuổi, cha mẹ tôi đã dùng số tiền tích góp từ việc chài lưới để mua 70 – 80 công đất (một công =1440m2). Không những thế, cha còn dùng số tiền bán thóc gạo để mua trâu, bò về nuôi. Cuộc sống gia đình vì thế mà khấm khá rất nhiều, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Đó cũng chính là lí do mà trong kí ức về gia đình, tôi không hề biết đến một kỉ niệm buồn”.
Ông Trần Văn Út (SN 1943), chồng của bà Nguyễn Thị Mập (SN 1942, con gái thứ sáu) vui vẻ tâm sự về đại gia đình đông con nhà vợ: “Gần hai mươi anh chị em bên vợ, ai cũng có nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả và khó mà tìm được một nhà có hoàn cảnh khó khăn. Tôi lấy bà Mập cũng theo nếp nhà vợ nên cũng sinh ra chục người đứa con, đứa nào cũng khoẻ mạnh, lễ phép. Gia đình nhỏ của tôi có được cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc như bây giờ cũng nhờ nền tảng giáo dục của bố mẹ vợ”.
Bà Mười Tám nói thêm: “Từ ngày xã có trường học, cha mẹ tôi đều tạo mọi điều kiện để các con học hành thành đạt. Trong đó, có anh thứ mười bốn và mười sáu (Nguyễn Văn Vách, Nguyễn Văn Nhà) từng làm giáo viên và cán bộ địa phương. Đến thời con cháu của chúng tôi, các cháu rất thành đạt trong việc học hành, công danh. Chẳng hạn như con của anh thứ 9, thứ 10, thứ 11 đều làm giáo viên, cán bộ có tiếng tại địa phương. Mỗi khi đến ngày giỗ của cha mẹ, anh chị em chúng tôi có thời gian sum họp, quây quần kể lại chuyện thơ ấu, rồi chia sẻ với nhau về đời sống hiện tại. Chúng tôi luôn dặn lòng phải dạy con cháu mình sống làm sao cho xứng đáng với truyền thống mà cha mẹ, ông bà chúng đã gây dựng bao nhiêu năm nay. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được nhiều bà con hàng xóm hét lời khen ngợi khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào”.
Ông Sáu (người hàng xóm của bà Mười Bảy) chia sẻ gia đình nhà ông Lấc, bà Chín là một gia đình có tiếng gương mẫu trong việc nuôi con giỏi, dạy con ngoan. Mặc dù con đông nhưng họ luôn chăm sóc con cái chu đáo, dạy con từng lời ăn tiếng nói, cách ăn, cách ở với anh em, họ hàng, làng xóm. Bao nhiêu năm là hàng xóm, tôi chưa một lần nghe họ cãi vã, tiếng to, tiếng nhỏ với nhau. Ngược lại, họ rất đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ nhau mỗi khi có người gặp nạn. Vì vậy, ai cũng cảm phục và thương mến họ, một gia đình đông con, hòa thuận.
Tặng nhiều bằng khen cho gia đình đông con
Ông Nguyễn Văn Hạnh, phó chủ tịch UBND xã Tân Hoà (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Vì truyền thống tốt đẹp nên đại gia đình đông con của ông Nguyễn Văn Lấc nhận được nhiều bằng khen của xã, huyện về truyền thống nuôi dạy con cái nên người. Đã bao nhiêu năm nay, tất cả 22 gia đình người con của ông Lấc, bà Chín vẫn giữ gìn truyền thống nuôi dạy con cháu sống đẹp lòng trong gia đình và mọi người xung quanh”.
Theo 24h
Đến thăm làng "siêu đẻ" ở Đắk Lắk
Những gia đình "siêu đẻ" ở xã Cư Pui hầu hết là người Mông ở 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê và Ea Rớt (Đắk Lắk) di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Họ đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, con cái thất học...
Làng "siêu đẻ"
Gia đình vợ chồng anh Lầu Chờ Thào và chị Sùng Thị Dính ở huyện Yên Minh (Hà Giang) di cư vào thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) từ năm 2005. Ở độ tuổi 40, vợ chồng anh đã có 10 đứa con: 6 trai và 4 gái. Đông con nhưng không có đất sản xuất nên hai vợ chồng phải đi làm thuê để kiếm gạo nuôi con qua ngày.
Nhà cửa chỉ là những mảnh phên lồ ô ghép lại, tài sản hầu như không có gì ngoài chiếc xe đạp cũ. Ngoài 3 đứa nhỏ chưa đến tuổi đi học, trong 7 đứa lớn thì 4 đứa không được cắp sách đến trường, 3 đứa đi học nhưng bữa học, bữa nghỉ do phải giúp đỡ bố mẹ lấy củi, giữ em, nấu cơm...
Anh Thào tâm sự: "Do không sử dụng các biện pháp tránh thai nên vợ chồng tôi mới sinh nhiều như vậy. Gia đình 12 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào sức lao động của một mình tôi, vợ phải ở nhà chăm con không có thời gian đi làm".
Ở cùng thôn và chung hoàn cảnh như gia đình anh Thào, vợ chồng ông Sùng Pa Thào và bà Vàng Thị Má tuy đã có với nhau 8 đứa con (7 trai và 1 gái) nhưng vừa qua vợ của ông lại sinh thêm 1 đứa con trai nữa. Hiện nay ông đã ngoài 50 tuổi, kinh tế gia đình thuộc vào diện đặc biệt khó khăn.
Ông Thào tâm sự: "Biết đẻ nhiều khổ lắm nhưng vợ mình không đặt vòng được, không uống thuốc được. Gia đình mình nghèo lắm, 2 vợ chồng với 9 đứa con nhưng chỉ có 5 sào đất dốc để trồng bắp, trồng sắn. Cả năm chủ yếu là xay bắp để ăn chứ không có cơm. Hiện tại có 5 đứa đi học nhưng cũng không đủ quần áo mặc, không có giày dép để đi. Trước kia cũng có được ít đất nhưng do con đông, vợ lại hay đau ốm nên bán hết để chữa bệnh và mua gạo để ăn".
Cũng như thôn Ea Uôl, thôn Ea Rớt là một trong những thôn nghèo nhất của xã Cư Pui với trên 40% hộ nghèo và số gia đình "siêu đẻ" trong thôn có khá nhiều.
Ngôi nhà gia đình anh Sùng Văn Khải ở thôn Ea Lang với 6 đứa con
Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn cho biết: "Trong thôn số gia đình có từ 5-6 đứa con trở lên rất nhiều. Điển hình như gia đình anh Thào Văn Thề mới ngoài 30 tuổi nhưng có đến 8 đứa con (cả 8 đứa đều không đi học); gia đình ông Sùng A Páo có 13 đứa con nhưng chỉ vài đứa được cắp sách đến trường; Lò Thị Mỵ chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 8 đứa con; gia đình ông Lò Seo Vạn có 9 đứa con...".
Ông Lò Khải Phù (nguyên là Trưởng thôn Ea Rớt) mới ngoài 50 tuổi nhưng đã có 21 cháu nội, ngoại. Ông Phù tâm sự: "Mình quê huyện Vị Xuyên (Hà Giang) di cư vào Ea Rớt từ năm 1996. Gia đình có 14 đứa con nhưng mất 2 đứa, giờ còn 6 trai và 6 gái. Do hoàn cảnh khó khăn, trường lại ở xa nên 9 đứa con đã bỏ học.
Hiện tại, 6 đứa con lớn đã xây dựng gia đình. Cô con gái đầu năm nay 30 tuổi nhưng đã có 8 đứa con trai, cô con gái thứ hai, cậu con trai thứ ba mới cưới được 5-6 năm nhưng đến nay mỗi đứa cũng đã có 4 đứa con... Do sinh nhiều con nên suốt ngày bố mẹ chúng phải làm lụng vất vả để nuôi chúng nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc; không có thời gian chăm sóc con cái nên nhiều đứa ốm yếu, thất học; nhà cửa tuềnh toàng, tạm bợ".
Ở thôn Ea Bar, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên trên 90%, trong đó số người sinh con thứ 7 trở lên có đến hàng chục gia đình. Điển hình là vợ chồng Lý Seo Giàng và Ma Thị Thào sinh năm 1975 nhưng có đến 11 đứa con; vợ chồng anh Sùng Seo Thang và Ma Thị Mầm 9 đứa con; vợ chồng Vàng Mí Lương và Sùng Thị Tý 7 đứa con...
Anh Thào Seo Thề cùng vợ là Hầu Thị Dế quê ở xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên, Hà Giang) vì cuộc sống khó khăn nên di cư vào thôn Ea Bar năm 1999. Anh tâm sự: "Ở ngoài Bắc gia đình mình đã có 2 đứa con gái, khi chuyển vào đây vợ mình sinh thêm 4 đứa con gái nữa. Vì chưa có con trai nên vợ chồng mình cố gắng sinh thêm và được 2 đứa con trai. Đến nay gia đình mình đã có 8 đứa con, cuộc sống vô cùng vất vả".
Những gia đình "siêu đẻ" ở xã Cư Pui hầu hết là người Mông ở 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê và Ea Rớt di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Họ đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, con cái thất học.
Theo bà Lê Thị Thúy, cán bộ dân số xã Cư Pui, những gia đình "siêu đẻ" đều có nhận thức kém; nặng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", không dùng các biện pháp tránh thai; đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp tránh thai của đội ngũ cộng tác viên dân số ở đây chưa hiệu quả... Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cộng tác viên dân số thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể.
Theo 24h
Phụ nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60: Còn nhiều ý kiến Chênh lệch 5 năm tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ đang được đề xuất xóa bỏ vì đây bị coi là một trong những nguyên nhân không tận dụng được tối đa nguồn nhân lực có chất lượng, đồng thời duy trì sự bất bình đẳng giới cần xóa bỏ trước xu thế hội nhập quốc tế. Lao động nữ...