Chuyện thống nhất Triều Tiên và cái lợi của Trung Quốc
Hàn Quốc có những động thái cho thấy muốn xúc tiến việc thống nhất liên Triều với CHDCND Triều Tiên vào năm 2015. Hãng tin Yonhap cho biết điều này sẽ mang lại lợi ích “ngoài sức tưởng tượng” cho Trung Quốc.
Bà Park Geun-hye kêu gọi sự thống nhất Nam – Bắc Triều – Ảnh: AFP
Tân Hoa xã ngày 31.12 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết bà đang chuẩn bị “một kế hoạch thực tế và chi tiết” cho việc thống nhất Nam – Bắc Triều vào năm 2015.
Đây là động thái mới nhất cho thấy Hàn Quốc đang nỗ lực để “xích lại gần” người anh em của mình, bất chấp việc thống nhất vẫn còn nhiều vấn đề chưa lời đáp.
Tín hiệu “đèn xanh”
The New York Times, tờ báo Mỹ hôm 11.12 đăng bài bình luận cho rằng, rất khó tưởng tượng việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể từ bỏ quyền lực ông có tại Triều Tiên, truyền từ thời ông Kim Il-sung đến Kim Jong-il.
Đó vẫn là khúc mắc lớn nhất cho viễn cảnh thống nhất với Hàn Quốc. Tuy nhiên thời gian gần đây, các biểu hiện từ Hàn Quốc, và thậm chí cả Triều Tiên đều cho thấy đây không phải chuyện không thể xảy ra.
Video đang HOT
Yonhap ngày 24.12 đưa thông tin nói lãnh đạo Kim Jong-un “công khai tuyên bố về nỗ lực tích cực cho việc thống nhất bán đảo Triều Tiên”. Đó là lúc Yonhap công bố cái được gọi là “bức thư” của Kim Jong-un gửi phu nhân cựu tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (giai đoạn 1998-2003).
Lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên – Ảnh: AFP
“Kim Jong-il đã nhắc nhở tôi rất nhiều về sự nhiệt huyết của các bạn cùng với cựu Tổng thống Kim Dae-jung cho sự thống nhất nhân dân, đất nước”, Yonnhap trích bức thư đề ngày 18.12 do Kim Jong-un viết. “… chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu tích cực để đạt được ước mơ ấp ủ từ lâu về sự thống nhất này”.
Hồi đầu tháng 12, tờ Koream Journal cũng nói rằng phía Hàn Quốc sẵn sàng chi 500 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế Triều Tiên. Kế hoạch này nhằm tăng 10 lần GDP Triều Tiên từ 1.251 USD lên 10.000 USD trong vòng 20 năm.
Hàn Quốc cũng đề nghị tổ chức sự kiện đoàn tụ cho các gia đình xa cách bởi cuộc chiến tranh 1950-1953 của hai miền Triều Tiên trước khi kỳ nghỉ Tết âm lịch vào cuối tháng Hai, theo Tân Hoa xã ngày 31.12.
Seoul cho biết sẽ nói chuyện với Bình Nhưỡng về “tất cả” các vấn đề hai bên quan tâm, bao gồm cả việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt 24.5 và nối lại các tour du lịch đến núi Kumgang như CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu.
Trung Quốc được lợi gì?
Hãng tin Yonhap trong tháng này dẫn lời người phát ngôn Hàn Quốc cho biết, sự thống nhất liên Triều sẽ mang lại lợi ích “ngoài sức tưởng tượng” cho Trung Quốc. Bắc Kinh, theo The New York Times, vẫn được đánh giá nắm vai trò then chốt trong việc đàm phán thống nhất 2 miền Triều Tiên.
“Khu vực phía đông bắc của Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ một Triều Tiên thống nhất, và quan hệ song phương Hàn Quốc – Trung Quốc sẽ trở nên vững chắc hơn về mặt kinh tế”, Yonhap trích phát biểu của ông Chung Ui-hwa.
Cái “lợi” của Trung Quốc ở khía cạnh khác sẽ nằm ở an ninh hạt nhân. Triều Tiên vẫn “đánh đổi” lương thực, thực phẩm với Mỹ, Nhật, Trung bằng cam kết hạn chế phát triển hạt nhân. Trong số này, Trung Quốc là nơi có biên giới với Triều Tiên, vẫn có những lo ngại không nhỏ về cách người láng giềng phát triển thứ năng lượng nguy hiểm ấy.
Trung Quốc sẽ “bớt lo” về chính sách quân sự của Triều Tiên – Ảnh: AFP
Nói cách khác, Yonnhap cũng như bài viết của trang ngoại giao Foreign Affairs hồi tháng 8, cho rằng Trung Quốc sẽ nhẹ gánh hơn rất nhiều khi Hàn Quốc sẽ trực tiếp đứng ra kiểm soát mối lo về hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên, nếu hai miền thống nhất.
Thứ ba, Foreign Affairs lập luận rằng một “nước Triều Tiên mới” sẽ là đối tác kinh tế – chính trị vững chắc hơn cho Trung Quốc. Trước đây Hàn và Trung vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, và một sự dung hòa của chính quyền mới sẽ là lựa chọn tốt nhất.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien