Chuyến thăm Việt Nam của Obama có thể mang lại những gì
Các nhà nghiên cứu lâu năm trong và ngoài nước dự đoán Việt – Mỹ sẽ có những thỏa thuận lớn, mở ra trang mới trong hợp tác song phương.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác song phương . Ảnh: AP
“Việc Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam phản ánh tầm quan trọng nhất định của Việt Nam trong bản đồ chiến lược của Mỹ, sau 10 năm mới lại có một tổng thống đương nhiệm của Mỹ đến Việt Nam”, Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Theo ông Vuving, nếu so với chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái thì chuyến đi của ông Obama không quan trọng bằng, nhưng cho thấy hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển đã được tăng tốc trong mấy năm qua.
Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá việc ông Obama đến thăm Việt Nam cho thấy quan hệ hai nước đang có những bước tiến triển quan trọng, cần được mở ra trang mới sâu sắc hơn, thể hiện sự quan tâm thực sự của Washington với Hà Nội trong bối cảnh khu vực đang có những diễn biến khó lường.
Ông Lợi cho rằng theo thông lệ thì các chuyến thăm thường dẫn tới các kết quả cụ thể, trong đó có việc Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí.
“Hiện đang có những tín hiệu Mỹ có thể thực hiện việc này”, ông Lợi nói.
Giáo sư Vuving nhận định chuyến thăm sẽ giúp ông Obama có những thông tin trực tiếp và những ấn tượng mạnh mẽ để ông cân nhắc. Nếu Việt Nam tỏ ra đáp ứng mong mỏi của Mỹ thì việc Washington bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí ngay trong năm nay là gần như chắc chắn.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ, đánh giá nếu như ông Obama không tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam trong dịp này thì ông cũng sẽ cố gắng tìm một dịp tốt khác để thực hiện, trước khi rời Nhà Trắng. Và để thúc đẩy tiến trình này, Việt Nam cũng cần thể hiện sự năng động của mình.
Video đang HOT
Về tình hình Biển Đông, ông Long đánh giá trước căng thẳng gia tăng ở khu vực, lãnh đạo Mỹ và Việt Nam có thể sẽ thảo luận cách đối phó về lâu dài. Tuy nhiên, không có nhiều khả năng Obama sẽ ra tuyên bố đặc biệt về Biển Đông.
Dưới góc nhìn rộng hơn, Giáo sư Vuving bày tỏ ông mong Mỹ và Việt Nam sẽ có những bước đi kiểu “cờ vây”, chẳng hạn Hà Nội tạo điều kiện cho Washington tiếp cận các cơ sở hậu cần, ngược lại Washington để Hà Nội tiếp cận công nghệ quốc phòng của mình. Tuy nhiên không có nhiều chỉ dấu cho thấy các bước đi này sẽ đủ lớn để có thể ngay lập tức thay đổi tình hình ở Biển Đông. Trong khi thiếu vắng một sự răn đe hữu hiệu thì Trung Quốc sẽ tiếp tục các bước đi theo kiểu “bành trướng lắt léo” để tiến tới biến Biển Đông thành ao nhà của họ.
Giáo sư Vuving đánh giá chính sách của chính quyền Obama thời gian qua chưa đủ sức răn đe Trung Quốc, phải chờ đến lãnh đạo mới của Nhà Trắng thì mới có sự thay đổi bởi cả hai ứng viên là bà Hillary Clinton và Donald Trump sẽ thể hiện sự kiên quyết hơn về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Lợi, trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam có thể là một địa điểm phù hợp nhất để tổng thống Mỹ đưa ra thông điệp mới với Trung Quốc. Gần đây Trung Quốc đã thực hiện chính sách lấn át không riêng với các nước khu vực mà còn với chính Mỹ và Washington tỏ ra khá mềm mỏng với Bắc Kinh. Đến Việt Nam lần này, ông Obama có thể tuyên bố “Washington không chấp nhận một bước quân sự hóa nào nữa” ở vùng biển.
Nếu như Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động gây căng thẳng như điều máy bay, thiết bị quân sự tới các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, Washington sẽ thực hiện các hoạt động mạnh mẽ, chẳng hạn như gia tăng số lượng tàu và tần suất tuần tra, hợp tác với các nước hoạt động trong phạm vi rộng hơn và tăng quan hệ về chiến lược.
Theo ông Vuving, các thỏa thuận có thể có giữa ông Obama và các lãnh đạo Việt Nam trong chuyến đi này có được tân tổng thống thúc đẩy hay không, còn tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của thoả thuận. Bà Hillary Clinton là người nhìn thế giới với con mắt chiến lược địa chính trị nên những thoả thuận trong chiều hướng này sẽ có nhiều khả năng được bà tiếp nối nếu bà trở thành tổng thống. Cần nhớ rằng chính bà là tác giả Sáng kiến Hạ lưu sông Mêkông (LMI) và khái niệm “xoay trục”. Còn Donald Trump là người rất thực dụng, lại sẵn sàng phá lệ, nên nếu quan hệ với Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ thì ông cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ.
Về phía Việt Nam, ông Vuving cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên đồng thuận trong giới lãnh đạo. Các lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh quan hệ chiến lược với Mỹ được gia tăng trong những năm gần đây, với những dấu mốc như thoả thuận quan hệ Đối tác toàn diện trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 và tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt – Mỹ trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái.
“Cả bốn lãnh đạo cao nhất (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội – pv) hiện nay đều đã từng sang Mỹ với những ấn tượng khá tốt, đó cũng là một yếu tố tích cực khiến có thể kỳ vọng quan hệ Việt – Mỹ sẽ được nâng lên Đối tác chiến lược trong vòng 5 năm tới”, ông Vuving nói.
Theo Giáo sư Long, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama là để củng cố quan hệ giữa hai nước trước hàng loạt thách thức đang dồn dập đến. Trong khi hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đang phải tăng tốc cuộc đua, ông Obama không bị những ràng buộc chính trị nhất thời. Do đó có thể tổng thống đương nhiệm sẽ có những hành động “ngoạn mục” để lại cho “hậu thế”.
Mặc dù thừa nhận “nếu tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam sớm hơn là điều tốt hơn”, nhưng Tiến sĩ Lợi lý giải chuyến đi của ông Obama cơ bản vẫn nằm trong tổng thể chiến lược hướng sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Trong đó Washington khẳng định mình can dự vào các hoạt động ở khu vực do có những lợi ích chiến lược về chính trị, an ninh và kinh tế ở khu vực. Có thể nói những lợi ích này không thể đảo ngược được.
“Trong năm tới Nhà Trắng sẽ có người chủ mới và theo truyền thống thì họ sẽ kế tục các chính sách của người đi trước. Chỉ có những gì đi ngược lại lợi ích của Mỹ thì họ mới có thể thay đổi”, ông Lợi nói.
Viện trưởng cho biết điều ông trông đợi lớn nhất trong chuyến thăm này của ông Obama là Việt – Mỹ xác định với nhau là đối tác chân thành, hai bên củng cố gia tăng niềm tin. Nếu hai nước có sự tin cậy lẫn nhau lớn thì thỏa thuận chỉ là một phần nhỏ, việc bán vũ khí không hôm nay thì ngày mai, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể chậm hơn nhưng sẽ được thông qua và thực hiện. Việt Nam và Mỹ đang cùng có suy nghĩ là gác quá khứ sang một bên vì quá khứ đó đã níu chân hai bên bao nhiêu năm, vì thế hai bên cần tăng sự tin cậy, ủng hộ nhau trong việc bảo vệ các lợi ích của nhau, góp phần duy trì ổn định khu vực trong bối cảnh có nhiều nhân tố mới, biến động mới.
“Tôi mong Việt Nam coi chuyến thăm của ông Obama là dịp hiếm có để thể hiện cho không chỉ Mỹ mà với cả thế giới định hướng hợp tác của mình, đó là củng cố quan hệ song phương vì lợi ích của hai bên, vì an ninh và phát triển chung. Vị trí địa chính trị của Việt Nam rất đặc biệt. Nếu đi đúng hướng và dùng lợi thế này để vận động thì sẽ có lợi cho chính mình cũng như cho khu vực và thế giới”, ông Long nói.
Việt Anh
Theo VNE
Chuyên gia CSIS: 'Lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ với Việt Nam đã lỗi thời'
Các chuyên gia Mỹ đánh giá lệnh cấm vũ khí mà Mỹ đã áp đặt cho Việt Nam đã lỗi thời, việc dỡ bỏ nó là động lực thúc đẩy quan hệ hai nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam vào cuối tháng này, nhiều quan chức và các nhà phân tích ở Washington đã đề cập đến việc Mỹ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng và bức thiết khi quan hệ song phương của hai nước đang dần ấm lên và đặc biệt trong bố cảnh Mỹ và Việt Nam ngày càng có nhiều lợi ích chung tại Biển Đông, theo Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế (CSIS).
Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS cho rằng mặc dù những năm gần đây, quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ có những bước tiến quan trọng, nhưng quân đội hai nước mới chỉ bắt đầu hiểu về nhau.
Nhiều người Việt Nam vẫn đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có ý định hợp tác với Việt Nam một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng trong những năm tới. Cảm giác "nghi ngờ" này không phải là mới mà xuất hiện sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và tồn tại trong giai đoạn hai nước bàn bạc xây dựng các cam kết cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Hai nước, từng bước phải làm việc tích cực nhằm xóa bỏ những tàn tích "nghi ngờ" lẫn nhau. Năm ngoái, điều này thể hiện bằng chuyến thăm đầu tiên của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng.
Đây là tín hiệu cho thấy hai bên đã có sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Tuần tới, Tổng thống Mỹ Obama sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam. Ông cũng là tổng thống thứ ba liên tiếp đến Việt Nam, sau Bill Clinton và George Bush.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ sẽ xóa bỏ những tàn tích nghi ngờ còn lại giữa hai nước. Những cá nhân có thẩm quyền trong chính phủ Mỹ hiện đang nghiêm túc xem xét về vấn đề này.
Một trong những người đề xướng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm là Thượng nghị sĩ John McCain. Ông đã chỉ ra những giá trị trong việc xây dựng mối quan hệ an ninh hàng hải chặt chẽ hơn với lực lượng quân đội đang phát triển nhanh của Việt Nam. Trong khi đó, những người chỉ trích tuy đưa ra một số hạn chế nhưng nói chung vẫn ủng hộ sự phát triển hơn nữa của quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng.
Theo ông Hiebert, đối với Washington, việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể là thông điệp hay một cách thức xây dựng lòng tin, truyền tải đến Hà Nội rằng Mỹ mong muốn nhìn thấy Việt Nam sẽ gia tăng những sáng kiến và đề xuất hợp tác trong giai đoạn mới của mối quan hệ quốc phòng hai nước, đặc biệt là trong lĩnh thương mại quân sự.
Những nỗ lực ban đầu trong vấn đề này đang được tiến hành nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành một nhóm làm việc về vấn đề thưong mại quân sự, cho phép đại diện từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và Việt Nam tham gia vào khuôn khổ chính thức đối thoại chính sách quốc phòng giữa hai bộ.
Đồng thời, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quen hơn với quy trình mua bán quốc phòng kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ một phần.
Việt Nam, trong quá trình hiện đại hoá quân đội đang coi những công nghệ quân sự của Mỹ như một trong những cơ hội để nâng cao năng lực quốc phòng. Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tuy nhiên, tình trạng không rõ ràng do lệnh cấm vận vũ khí gây ra đã làm phức tạp thêm cho Việt Nam khi muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trong vấn đề này.
"Chính sách đối ngoại của Mỹ có hiệu quả nhất khi các nhà lãnh đạo sử dụng đúng các công cụ của mình. Trong chuyến thăm lần này, ông Obama đang có cơ hội quan trọng để thông báo cho các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng Mỹ đang nghiêm túc xem xét việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Quốc hội Mỹ sẽ có cơ hội đánh giá lại tình hình sau chuyến thăm của ông Obama. Lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam thực sự đã lỗi thời", ông Hiebert khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Mỹ họp báo về lịch trình của ông Obama tại Việt Nam Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, mà còn đánh dấu sự kiện bước ngoặt trong việc duy trì ổn định khu vực. Trực thăng Marine One được lắp đặt hoàn chỉnh tại sân bay Nội Bài.T.H.B Trong cuộc họp báo tại Trung tâm báo chí nước ngoài...