Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Mexico sẽ không có rượu vang và hoa hồng
Trong chuyến thăm Mỹ lần này, ông Nieto sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về nhân quyền sau vụ 43 sinh viên mất tích cuối tháng 9/2014.
An ninh sẽ chủ đề hàng đầu trong cuộc hội đàm kín ngày 6/1 giữa Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Washington tuần này. Tuy nhiên, những chủ đề truyền thống dường như sẽ bị lu mờ khi ông Nieto phải đối mặt với nhiều câu hỏi về nhân quyền của các nhà lãnh đạo Mỹ sau vụ 43 sinh viên mất tích cuối tháng 9 năm ngoái.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto với Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) (ảnh: AP)
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Nhà Trắng kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 năm, Tổng thống Mexico sẽ đề cập vấn đề an ninh vốn là mối quan tâm hàng đầu của 2 nước có chung đường biên giới, đồng thời thảo luận các chủ đề “an toàn” khác như giáo dục hay cạnh tranh kinh tế.
Ông Nieto dự kiến sẽ có lời cảm ơn Tổng thống Mỹ Barack Obama vì quyết định nới lỏng quy định nhập cư hồi cuối năm ngoái nhằm cứu vãn hàng triệu lao động không giấy tờ, chủ yếu đến từ Mexico và các nước Mỹ Latinh khác không bị Washington trục xuất.
Bên cạnh đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Chính phủ Mexico sẽ muốn hướng sự chú ý vào những nỗ lực của ông Nieto trong việc khôi phục nền kinh tế của quốc gia Trung Mỹ này.
Trong thông điệp liên bang công bố ngày 5/1 ngay trước chuyến thăm chính thức Mỹ, ông Nieto đã cam kết Mexico sẽ khởi đầu năm 2015 bằng 7 hành động thiết thực nhằm hỗ trợ kinh tế gia đình.
Tổng thống Nieto nhấn mạnh đây chỉ là bước khởi đầu của một quá trình chuyển đổi tận “gốc rễ” mà Mexico cần phải tiến hành.
Ông Nieto cũng khẳng định sự cần thiết phải tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, thực hiện minh bạch và bảo đảm công lý trong mọi lĩnh vực đời sống, đồng thời tái khẳng định cam kết của chính phủ liên bang là luôn lắng nghe ý kiến và đồng hành với nhân dân trong mọi tình huống.
“2014 là một năm rất khó khăn với Mexico. Bạo lực do tội phạm có tổ chức một lần nữa hoành hành đất nước này. Chúng tôi cảm thấy đau đớn, tổn thương và tức giận. Chúng tôi đã thấy một yêu cầu chính đáng đòi công lý, những câu hỏi đã được đặt ra và những yêu cầu đối với sự minh bạch hơn. Những điều tốt và xấu trong năm 2014 đã để lại một bài học. Mexico không thể tiếp tục như thế. Đất nước này nên tiếp tục thay đổi để tiến bộ”, ông Nieto nói.
Tuyên bố này đã “chạm” đến vấn đề có thể coi là “khó nhằn” nhất của ông Nieto trong chuyến thăm Mỹ lần này. Đó là vụ 43 sinh viên bị bắt cóc và nhiều khả năng đã bị giết hại mà thủ phạm được cho là băng đảng buôn bán ma túy móc ngoặc với cảnh sát tham nhũng ở thành phố Iguala miền Tây Nam nước này.
Liên quan đến vụ việc này, Thị trưởng thành phố Iguala Jose Luis Abarca và vợ Maria de los Angeles Pineda cùng một số cảnh sát tha hóa có liên quan đã bị bắt vì nghi ngờ là chủ mưu. Đến nay, cơ quan chức năng Mexico mới chỉ xác định được danh tính của 1 trong số 43 sinh viên mất tích.
Vụ việc là một phản đề đối với tuyên bố của Tổng thống Nieto rằng Mexico ngày càng an toàn hơn dưới sự lãnh đạo của ông và nó đã khơi mào cho một làn sóng biểu tình phản đối chính phủ nhiều lúc biến thành bạo lực.
Video đang HOT
Đại sứ quán Mỹ ở Mexico thậm chí đã phải cảnh báo công dân nước này tránh xa khu nghỉ dưỡng ở Acapulco vì các cuộc biểu tình bạo lực tháng 11 năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng động thái này của Mỹ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Mexico.
Susana Chacon, một chuyên gia về quan hệ Mỹ – Mexico nhận định, giờ đây các vấn đề truyền thông giữa 2 nước sẽ được hướng về xoay quanh vụ 43 sinh viên mất tích này.
“Các vấn đề thường được 2 bên thảo luận là giáo dục, khoa học, công nghệ, năng lượng, nhập cư, thương mại … Nhưng giờ đây sau những sự kiện như thế, các chủ đề cực kỳ nhạy cảm sẽ được thêm vào, ví dụ như nhân quyền. Việc Mỹ khuyến cáo du khách không nên đến Acapulco là bằng chứng cho thấy Washington không bằng lòng với những gì xảy ra ở Mexico thời gian gần đây”, chuyên gia Susana Chacon cho hay.
Tuy nhiên, sức ép không dừng lại ở đó với Tổng thống Nieto khi ông cùng vợ và Bộ trưởng Tài chính của ông bị phát hiện đã mua hoặc sử dụng nhà của một công ty thuộc tập đoàn lớn rót hàng tỷ USD vào dự án đường sắt hồi tháng 11/2014.
Bộ Giao thông vận tải Mexico đã hủy hợp đồng này nhưng thông tin đó vẫn gây tổn hại nghiêm trọng đối với uy tín của Chính phủ Mexico khi nó cho thấy xung đột lợi ích nội bộ chính trường quốc gia Trung Mỹ này. Từ đó cũng có thể thấy, ông Nieto có rất nhiều câu hỏi khó trả lời khi ở Washington./.
Diệu Hương Theo Reuters
Theo_VOV
13 năm lẩn trốn của trùm ma túy khét tiếng thế giới
Nhờ vào các khoản hối lộ, những hang ổ bí mật được thiết kế công phu và một đội quân trung thành trong tập đoàn buôn ma túy lớn nhất Mexico, Joaquin "El Chapo" Guzman đã khiến cảnh sát phải vất vả săn lùng y suốt hơn một thập kỷ qua.
Trùm ma túy bị truy nã gắt gao Joaquin "El Chapo" Guzman từng có tên trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới, đứng thứ 67, và trong danh sách tỷ phú của tạp chíForbes. Ảnh: AFP
Chẳng ai nghĩ rằng một ông trùm ma túy bị truy nã gắt gao nhất thế giới lại lẩn trốn ở một tòa chung cư đơn giản nằm bên bờ biển Mexico. Tuy nhiên, đó lại chính là nơi các nhà chức trách bắt được Joaquin "El Chapo" Guzman cuối tuần qua.
Biệt danh của y, có nghĩa là "gã lùn", trái ngược với những "thành tích" bất hảo mà y có được trong những năm gần đây nhờ vào khả năng chạy trốn cảnh sát. Y lọt lưới nhờ vào các khoản hối lộ, những hang ổ an toàn và một đội quân hùng hậu gồm những kẻ tham gia tập đoàn tội phạm Sinaloa, tổ chức buôn ma túy lớn nhất ở quốc gia Trung Mỹ.
Lần theo tin đồn
Guzman từng bị bắt ở Guatemala năm 1993, nhưng sau đó y đã trốn thoát khỏi một nhà tù có an ninh nghiêm ngặt ở Mexico vào năm 2001 bằng cách hối lộ các cai ngục và trốn trong một xe chở đồ giặt là. Kể từ đó, cuộc truy lùng Guzman trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý, với nhiều đồn đoán về nơi y lẩn trốn.
Năm 2009, tổng giám mục của bang Durago, Mexico, nói với các phóng viên rằng Guzman đang ẩn nấp ở gần thị trấn trên núi Guanacevi. "Mọi người đều biết điều đó, trừ chính quyền", ông nói.
Những ngày sau đó, các nhà điều tra phát hiện thi thể hai trung tá quân đội bị giết trên vùng núi thuộc Durago, kèm một dòng tin nhắn "Không ai hết, cả chính quyền lẫn các linh mục có thể bắt được El Chapo".
Một năm sau, khi được các phóng viên hỏi lại về nơi ẩn nấp của Guzman, vị tổng giám mục trên nói: "Hắn ta có mặt ở khắp nơi, ở mọi nơi".
Năm 2012, một quan chức Mexico cho biết các nhà chức trách đã gần bắt được Guzman trong một cuộc đột kích vào dinh thự ven biển ở Cabo San Lucas, Mexico, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó Hillary Clinton có cuộc gặp với những người đồng cấp quốc tế trong cùng thành phố này.
Năm ngoái, giới chức Guatemala lại cho hay họ phát hiện một người đàn ông giống Guzman thiệt mạng trong một vụ nã súng. Sau đó, họ lại thay đổi câu chuyện này và nói rằng Guzman chưa chết, vụ nã súng cũng chưa bao giờ xảy ra.
Truy bắt người thân
Trong khi Guzman khiến giới chức, các đối thủ và giới truyền thông đau đầu vì không biết y đang ở đâu, thì các thành viên trong gia đình y lại không may mắn như thế.
Anh trai của y là "El Pollo" bị bắt ở Mexico City năm 2001. Ba năm sau, người này bị một bạn tù bắn chết.
Đối thủ của Guzman ở một tổ chức buôn bán ma túy khác cũng bắn chết Edgar Beltran Guzman, một trong những con trai của y, tại một trung tâm thương mại Mexico hồi năm 2008. Cảnh sát tìm thấy 500 vỏ đạn tại hiện trường.
Năm ngoái, giới chức bắt bố vợ của Guzman với các tội danh liên quan đến ma túy.
Có tin đồn cho rằng Guzman từng bị bắt ở thủ đô của Mexico, theo một cuốn sách về cuộc truy đuổi trùm ma túy này của tác giả Malcolm Beith. "Tại đồn cảnh sát, y lấy ra một vali và đặt lên bàn của giám đốc cảnh sát thành phố", Beith viết. "Bên trong đó là 50.000 USD tiền mặt, và trong vòng vài phút, Chapo đã biến mất".
Moi tin và nghe lén
Trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman xuất hiện trước giới truyền thông ở Mexico City sau khi bị bắt hôm 22/2. Ảnh: AFP
Các chiến dịch điều tra dù chưa thành công nhưng cũng mang lại cho giới chức nhiều thông tin tình báo quan trọng, giúp giới chức Mexico và Cục Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) tin tưởng rằng họ có thể bắt được y.
Trong những tháng gần đây, các nhà điều tra tập trung vào 5 đường dây nghe lén điện thoại, thu thập được nhiều thông tin tình báo quan trọng. Tuy nhiên, dường như đánh hơi được việc bị cảnh sát theo dõi, Guzman và đồng bọn đã ngừng sử dụng điện thoại cố định. Trong những ngày gần đây, 4 đường dây nghe lén đã bị cắt đứt, chỉ còn một đường dây hoạt động.
Một chiếc máy bay không người lái của Mỹ cũng được huy động tham gia nhiệm vụ truy lùng Guzman trong vòng hai tuần, từ giữa tháng một đến đầu tháng hai.
Nhờ vào những thông tin thu thập được, lực lượng liên bang Mexico đã bắt giữ nhiều đồng bọn cộm cán của Guzman trong Sinaloa, trong đó có hai kẻ phụ trách việc đảm bảo an toàn cho các ông trùm trong tổ chức.
Tháng 11 năm ngoái, giới chức Mỹ tóm được Serafin Zambada-Ortiz, con trai của cộng sự thân cận nhất với Guzman, Ismael "El Mayo" Zambada, người có khả năng tiếp quản ngôi vị thủ lĩnh của Sinaloa.
Các vụ bắt giữ được tăng cường trong những tháng gần đây, mở ra những kho dữ liệu điện thoại mới, giúp các nhà chức trách xác định được các đồng minh thân cận hơn với Guzman.
Một trong những kẻ bị bắt là Mario Hidalgo Arguello, một liên lạc viên. Y đã tiết lộ với các nhà điều tra về 7 ngôi nhà an toàn của Guzman ở thành phố tấp nập Culiacan, bang Sinaloa, Mexico. Mỗi nhà có các cánh cửa thép được gia cố kỳ công và các lối thoát dẫn đến những đường hầm bí mật nối liền với hệ thống thoát nước của thành phố.
Khi giới chức đột nhập vào một trong các đường hầm tuần trước, họ phát hiện đây hóa ra là hang ổ của Guzman ở thành phố Culiacan. Các nhà điều tra đã gần như bắt được Guzman vào lúc đó, Bộ trưởng Tư Pháp Mexico Jesus Murillo Karam, cho biết, nhưng các cánh cửa thép quá kiên cố đã khiến họ gặp khó khăn.
"Chúng tôi mất vài phút để mở cửa và hắn ta đã kịp bỏ trốn vào những đường hầm thông qua một lối dẫn bí mật ở phía dưới bồn tắm", ông Murillo nói. "Tuy nhiên, do đã điều tra kỹ lưỡng nên chúng tôi vẫn tiếp tục".
Giới chức hy vọng Guzman sẽ bỏ trốn đến một vùng nông thôn hẻo lánh và rộng rãi. Tuy nhiên, trái với dự đoán, y lại chạy đến thành phố nghỉ dưỡng Mazatlan, cũng thuộc bang Sinaloa, khiến giới chức ngạc nhiên.
Ba ngày sau, vào sáng sớm 22/2, một đơn vị thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mexico ập vào tầng 4 của một tòa chung cư bên bờ biển và tóm gọn Guzman. Khi đó, bên cạnh y chỉ có một vệ sĩ và một phụ nữ được tin là người vợ 25 tuổi của y, người từng một nữ hoàng sắc đẹp của Mexico, Emma Coronel.
Guzman sau đó bị áp giải về Mexico City và lên trực thăng cảnh sát để đưa về một nhà tù được canh gác cẩn mật nhất.
Việc trùm ma túy khét tiếng này bị bắt đã đặt dấu chấm hết cho cuộc săn lùng kéo dài 13 năm qua. Nó đã khiến các nhà điều tra của Mỹ và Mexico tốn nhiều công sức. Đây là vụ việc liên quan đến ma túy lớn nhất mà chính quyền của Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto thực hiện trong 14 tháng qua. Ông Nieto đã ca ngợi lực lượng an ninh trên Twitter và "chúc mừng tất cả mọi người".
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder, coi việc bắt giữ trùm ma túy "là thành tựu mang tính bước ngoặt, là chiến thắng cho cả người dân Mỹ cũng như Mexico".
Theo VNE
Đệ nhất phu nhân Mexico bán biệt thự đăng ký dưới tên nhà thầu Trung Quốc Bà Angelica Rivera, đệ nhất phu nhân Mexico cho biết, bà sẽ bán ngôi biệt thự của gia đình tổng thống vốn đang gây tranh cãi vì cáo buộc xung đột lợi ích liên quan đến Tổng thống và một nhà thầu Trung Quốc mà chính phủ đã thuê. Hơn một tuần qua, Tổng thống Enrique Pena Nieto và vợ đã phải ra...