Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình: Khiêm tốn và mờ nhạt
Kết quả chuyến thăm được coi là khá khiêm tốn so với tham vọng của 2 nước, vì lãnh đạo cấp cao hai bên đều chịu sức ép khá lớn từ nội tình đất nước. Sức ép từ đảng Cộng hòa đối với Tổng thống Obama và từ sự suy giảm kinh tế đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Khiêm tốn và mờ nhạt…
Lãnh đạo Mỹ, Trung tại Nhà Trắng ngày 25/9 (Ảnh: AP)
Sau chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước CHND Trung Hoa của ông Tập Cận Bình, báo giới đã có sự đánh giá khác nhau.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, nhưng hai bên đều kỳ vọng ở cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ đưa quan hệ song phương “định hình quan hệ trong thế kỷ XXI” và trước tiên là tháo gỡ những nút thắt đã tồn đọng lâu nay.
Tuy nhiên, những thỏa thuận đạt được như an ninh mạng, biến đổi khí hậu chỉ phản ánh bộ mặt của quan hệ Mỹ – Trung, còn vấn đề thực chất “vừa hợp tác, vừa xung đột, trong đó xung đột đang ngày càng gia tăng” thì vẫn không thay đổi.
Hai bên thực sự đã cố gắng để đạt được những thỏa thuận, cho dù là nhỏ nhất để quảng bá cho hình ảnh của hai nhà lãnh đạo, nên việc nhượng bộ lẫn nhau giữa hai bên được giới quan sát ghi nhận.
Các thỏa thuận về an ninh mạng là lĩnh vực “không gian ảo” thực tế rất khó kiểm chứng. Điều khoản cụ thể của thỏa thuận chưa được công bố, nhưng sự tố cáo lẫn nhau cho thấy, đây là công cụ “tình báo” hiện đại để thâm nhập, tìm hiểu đối phương, thậm chí cả đối tác cũng là lẽ thường.
Còn biến đổi khí hậu, chủ yếu đi vào tỷ lệ khí thải, thỏa thuận đã đạt được, nhưng kiểm soát là không dễ và cũng khó bề kiểm chứng. Vì thế, cả hai thỏa thuận nêu trên đều mang tính biểu tượng, chưa góp phần hóa giải mâu thuẫn gắt gắt giữa hai bên.
Về hợp tác kinh tế, so với kết quả hồi tháng 6 với 127 vấn đề được thông qua, thì lần này hợp đồng lớn nhất được ghi nhận là việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 230 dặm, trị giá 12,7 tỷ USD nối giữa Los Angeles và Las Vegas; việc Trung Quốc mua 300 máy bay Boeing của Mỹ và tạo điều kiện để các công ty Mỹ đầu tư 3 tỷ USD vào các dự án sử dụng năng lượng tại Trung Quốc.
Bất đồng mấu chốt vẫn tồn đọng
Video đang HOT
Giới nghiên cứu cho rằng, vấn đề mấu chốt nhất trong quan hệ Mỹ – Trung là cách quản lý CA-TBD đã không có kết quả nào được ghi nhận. Đặc biệt là vấn đề nóng hổi trong việc Nhật Bản vừa thông qua “đạo luật an ninh mới”.
Về vấn đề Biển Đông, trong khi Trung Quốc vẫn phát biểu theo cách cổ truyền “lập lờ đánh lận con đen”, thì Tổng thống Obama lại có vẻ rốt ráo, nhưng là để làm giảm cơn “thịnh nộ” của các nghị sỹ đảng Cộng hòa. Sự phản ứng cầm chừng, của chính quyền đương nhiệm trong thời gian vừa qua đã nói lên điều đó. Vấn đề Biển Hoa Đông cũng chẳng khá hơn.
Giới phân tích cho rằng, từ góc độ lợi ích “cốt lõi” trong quan hệ nước lớn Mỹ – Trung thì lý giải điều trên là không khó, tuy nhiên từ góc độ khác, nhất là các nước Đông Á thì còn lâu mới đạt được hài lòng.
Về “quan hệ nước lớn kiểu mới”
Nhân dịp này ông Tập Cận Bình đã tuyên bố chính thức về 4 điểm chính trong quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc sẽ cùng Mỹ xây dựng là: “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”.
Ông ủng hộ quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh vai trò đàm phán 6 bên theo sáng kiến của Bắc Kinh nhằm từng bước tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách triệt để và xác thực thông qua đối thoại.
Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng gấp đôi, tạo 1 triệu công ăn việc làm cho người Mỹ trong thời kỳ tại nhiệm của ông Obama. Ông Tập cũng trấn an các doanh nhân Mỹ và khẳng định Mỹ – Trung là hai nền kinh tế có tiềm năng to lớn để tiếp tục hợp tác bổ sung cho nhau.
Trong phát biểu cũng như trả lời báo giới, ông Tập không quên nhắc đến cam kết của Mỹ về kế hoạch cải cách hệ thống điều hành và phân bổ quyền lực tại IMF, theo đó vị trí của Trung Quốc trong điều hành tài chính thế giới sẽ được tăng lên.
Các sáng kiến “Một vành đai Một con đường”, “Con đường tơ lụa”, Ngân hàng AIIB… cũng được Trung Quốc nêu ra và kêu gọi sự hợp tác của Mỹ. Và rằng, Trung Quốc phát triển nó sẽ mang lại lợi ích cho thế giới và cả nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, “Xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới”, mà Trung Quốc đang quảng cáo là “mơ hồ” và khó chấp nhận, vì mô hình thế giới hai cực và đơn cực đã qua rồi, thế giới đa cực đang chuyển từ định hướng sang định hình thì quan hệ Mỹ – Trung khó mà vượt trên tất cả. Vì thế, giới phân tích cho rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ là mỹ từ ngoại giao mà thôi.
Chưa tạo ra hiệu ứng có tính đột phá
Điều dễ nhận thấy nhất là, ông Tập Cận Bình đến Washington lần này trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao đốc, đồng Nhân dân tệ mất giá, tốc độ tăng trưởng suy giảm, nguy cơ “bong bóng” đang hiện hữu… cho thấy sức mạnh kinh tế là công cụ lớn nhất để Trung Quốc thâm nhập quốc tế và mặc cả trên bàn hội nghị với Mỹ, nay đã không còn, khiến ông Tập Cận Bình cũng khó ăn, khó nói hơn.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục giữ lãi suất gần bằng 0% được giới chức tài chính cho là chịu tác động từ những động thái của Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự tùy thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai này.
Về hiệu ứng sau chuyến thăm, giới nghiên cứu dự báo cho rằng, với những thỏa thuận mới đạt được trong lĩnh vực an ninh mạng, biến đổi khí hậu và những vấn đề đang tồn đọng thì quan hệ Mỹ – Trung sẽ chưa tạo ra hiệu ứng nào có tính đột phá.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc giải quyết những bất đồng giữa Trung Quốc với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông và với các nước ASEAN ở Biển Đông, Mỹ rất có thể tỏ thái độ không rõ ràng, ít nhất cho đến sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào năm 2016. Khiến câu nói nổi tiếng của Trung Quốc rằng: “ngươi không động đến ta, thì ta cũng không động đến ngươi” có thể được dư luận nhớ lại.
Như vậy, chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vừa kết thúc với một Tuyên bố chung, thể hiện xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa hai siêu cường này là “vừa đấu tranh vừa hợp tác”, trong đó mâu thuẫn và cạnh trang, đấu tranh đang có xu hướng gia tăng.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, vị thế “nước lớn có trách nhiệm” Mỹ – Trung đối với việc giải quyết các điểm nóng về an ninh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn đang ở phia trước và có thể còn rất xa vời.
Nguyễn Nhâm
Theo Dantri
Mục tiêu chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình
Mục tiêu hàng đầu mà Bắc Kinh đặt ra trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình (từ ngày 22-25/9) là xây dựng sự nhất trí chung về khái niệm "quan hệ nước lớn kiểu mới".
Bài phân tích được đăng trên tờ "Đại Công báo" của Hong Kong số ra ngày 16/9 khẳng định rằng mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề trong các lĩnh vực, từ thương mại song phương tới an ninh mạng và các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, song mục tiêu hàng đầu của ông Tập Cận Bình sẽ là xây dựng một sự nhất trí chung về ý nghĩa của khái niệm "quan hệ nước lớn kiểu mới" giữa Trung Quốc và Mỹ trong vòng 5-10 năm tiếp theo.
Khái niệm có phần khó hiểu này được đưa ra lần đầu tiên trong tài liệu của Trường Trung ương Đảng từ năm 2005, và sau đó ít khi được nhắc tới cho đến tháng 11/2012, khi nó được đưa vào báo cáo tại Đại hội Đảng, lúc đó ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Tổng bí thư mới của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi năm 2014. (Ảnh: AP)
Tại cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Obama tại trang trại Sunnylands, bang California vào tháng 6/2013, vài tháng sau khi nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được dẫn lời cho biết Trung Quốc và Mỹ "cần phải cùng nhau hành động để xây dựng một hình mẫu mới về quan hệ nước lớn giữa hai quốc gia, dựa trên sự tôn trọng chung và sự hợp tác cùng có lợi vì lợi ích của người Trung Quốc, người Mỹ, và cả người dân trên toàn thế giới".
Khái niệm này cũng được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nhắc đến trong một bài phát biểu tại trường Đại học Georgetown hồi tháng 11/2013. Bà nói rằng Washington đang nỗ lực để "cụ thể hóa việc xây dựng một hình mẫu mới cho mối quan hệ nước lớn" với Trung Quốc. Theo bà, điều này có nghĩa là "vừa kiềm chế những cạnh tranh không thể tránh được, vừa đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trong các vấn đề mà hai bên có cùng quan điểm", chẳng hạn việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bà Rice nhấn mạnh hai nước cũng đang đẩy mạnh "mối quan hệ quân sự song phương" thông qua việc nâng tầm "các cuộc đối thoại an ninh chiến lược" và hợp tác trong các vấn đề như xử lý nạn không tặc và và đảm bảo an ninh hàng hải.
Trong suốt 6 vòng đàm phán tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung hồi tháng 7/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng ông từng nhiều lần nghe nói về thuật ngữ "mô hình mới của mối quan hệ nước lớn", nhưng ông cho rằng khái niệm này nên được xác định rõ bằng hành động hơn là lời nói. Mặc dù vậy, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì được báo chí dẫn lời vẫn nói với ông Kerry về việc xúc tiến một hình thức mới của các mối quan hệ quyền lực quan trọng khi hai người gặp nhau tại Washington vào tháng 10/2014.
Ngay sau khi Tổng thống Obama tới thăm Bắc Kinh để dự hội nghị APEC, ông đã nhấn mạnh rằng quan hệ nước lớn kiểu mới không chỉ đơn giản là một khái niệm, mà phía Mỹ sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc để biến nó thành hành động.
Nội hàm của khái niệm này tiếp tục được thảo luận khi bà Susan Rice gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 8/2015. Chủ tịch Trung Quốc khi đó nhấn mạnh rằng quan hệ nước lớn kiểu mới có nghĩa là "không xung đột hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Quan điểm này đã được ông Dương Khiết Trì nhắc lại một lần nữa mới đây hôm 11/9.
Ngày 15/9, Yang Xiyu - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - nói rằng Trung Quốc vẫn do dự về khái niệm này bởi những khác biệt về cấu trúc còn tồn tại trong quan hệ song phương. Ông cho rằng hiện vẫn còn nhiều vấn đề trong việc đạt được sự đồng thuận sâu sắc hơn về khái niệm này bởi hai bên vẫn tiếp tục có những nghi ngờ lẫn nhau về mặt chiến lược. Theo ông Yang, Bắc Kinh phải tích cực thúc đẩy phương hướng của khái niệm "quan hệ nước lớn kiểu mới" này hơn nữa. Trung Quốc không được tìm cách lấn át vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, trong khi Mỹ không nên tìm cách chi phối Trung Quốc. Ông nói thêm rằng cho dù các vấn đề không thể được giải quyết ngay lập tức, nhưng chúng sẽ trở nên dễ dàng xử lý hơn trước.
Mạng tin "Đa chiều", xuất bản bằng tiếng Trung ở Mỹ, cho rằng mong muốn lớn nhất của Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Mỹ là đạt được đồng thuận với ông Obama về khái niệm cụ thể của "quan hệ nước lớn kiểu mới", thay vì giải quyết các vấn đề đơn lẻ. Mạng tin này cho rằng mặc dù bất đồng giữa hai bên vẫn tồn tại, song Bắc Kinh tin rằng khái niệm này sẽ mang lại sự thay đổi căn bản trong bản chất quan hệ hai nước. Đây là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc lại đặt kỳ vọng cao như vậy vào chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo mạng tin "Đa chiều", Washington vẫn giữ quan điểm rằng "quan hệ nước lớn kiểu mới" chỉ là một khái niệm và họ không quan tâm đến việc tìm ra nội hàm thực chất của nó. Washington hiện quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại bận tâm đến bức tranh tổng thể và kế hoạch dài hạn. Mạng tin "Đa chiều" khẳng định rằng sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận cho thấy cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Obama vào tuần tới sẽ không mang lại kết quả như mọi người hy vọng.
Theo TTK/baotintuc.vn
Tổng thống Obama sẽ xử lý khôn khéo với Trung Quốc Trước những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đương đầu, liệu chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình có phải là thời điểm để Washington giành lấy ưu thế? Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng vào tuần tới (Ảnh: AP) Kinh tế đi Trung Quốc đi xuống...