Chuyến tàu sinh tử: Tim thình thịch rồi thổn thức
Train to Busan được người xem đánh giá cao bởi nó khiến họ vừa thót tim vừa rơi lệ.
Poster của Train to Busan.
Từ khi bộ phim đầu tiên về zombie (xác sống), White Zombie, ra đời năm 1932, đến nay có hơn 500 bộ phim về đề tài này, trong đó Train to Busan(Chuyến tàu sinh tử) được cả người xem phương Đông và phương Tây đánh giá cao bởi nó khiến họ vừa thót tim vừa rơi lệ.
Điểm cộng của bộ phim kinh dị Hàn Quốc này là nội dung chặt chẽ, lột tả tâm lý tuyệt vời và diễn xuất miễn chê. Hơn 10 triệu người ở Hàn Quốc đã xem Chuyến tàu sinh tử và một số hãng phim Mỹ, Pháp, trong đó có 20th Century Fox, Sony Pictures đang tranh nhau mua bản quyền phim này để làm lại.
Trong khi đó, đây là phim người đóng đầu tiên của đạo diễn Yeon Sang-ho (trước đây anh chỉ làm phim hoạt hình).
Hợp tình
Mỗi hành khách trên chuyến tàu tới Busan đều phải tìm cách sinh tồn trước những zombie chỉ biết cắn giết, tàn sát. Cái chết như ngọn lửa khổng lồ bao trùm, nuốt chửng từng người, từng người.
Không một chi tiết thừa, không một giây phút buồn tẻ, không thấy bất cứ sự lạc điệu nào trong phim. Kịch tính nghẹt thở và thách thức sự nhát gan của những khán giả yếu tim. Zombie chân tay, đầu cổ vặn ngược, nhảy chồng đống lên nhau; toa tàu lật tung, bốc cháy, thây ma bay trong không trung…
Hình ảnh kịch tính khiến khán giả nghẹt thở.
Trên hết là cảm xúc thấm đẫm từng thước phim, gắn kết khán giả với mỗi diễn viên trong bộ phim: bi thương khi thấy từng nhân vật mình yêu mến bị những thây ma điên dại cắn xé, mỉm cười khi thấy anh chồng sợ vợ cưng nựng “cục cưng”, vỡ oà nước mắt khi chứng kiến những phút giây cuối cùng còn được chạm vào nhau của hai cha con…
Phân cảnh ấn tượng nhất là sự giằng co, mất niềm tin của chính những hành khách cùng cảnh ngộ, sự tham sống sợ chết cố hữu trỗi dậy khiến họ đối xử cực kỳ độc ác với nhau. Một xã hội thu nhỏ trên toa tàu, trên lằn ranh sinh tử, mảng tối của mỗi con người lộ diện mồn một nhưng được đặc tả chân thực và thuyết phục…
“Chuyến tàu sinh tử” đã dừng bánh giữa tiếng hát run rẩy, trọn vẹn yêu thương mà cô bé dành tặng cha mình. Chuyến tàu đã đến ga cuối cùng mang tên NHÂN VĂN.
Hợp lý
“Chuyến tàu sinh tử” bắt đầu bằng hình ảnh một chiếc xe tải đi vào vùng dịch mà dường như chính quyền đang che giấu, rồi lái xe đâm chết một con hươu qua đường. Đột nhiên, hươu vụt dậy, mắt trắng dã, báo hiệu một điều bất thường.
Video đang HOT
Đến giữa phim, người xem mới hiểu nguyên nhân gây ra điều bất thường đó. Chỉ vài phút, phim lý giải nguyên nhân thảm kịch một cái gọn ghẽ, để dành đất cho những hỉ, nộ, ái, ố… của từng con người thuộc mọi giai tầng trong xã hội thể hiện một cách sắc nét nhất.
Các nhân vật trong phim có diễn biến tâm lý và lối hành xử rất thực, rất đời, đúng với xuất thân, tính cách của họ, không bị cường điệu, đao to búa lớn. Một cô bé có mẹ ở xa, bố bận việc nên thèm khát tình cảm gia đình và sống rất tình cảm.
Gong Yoo trong vai người cha gan dạ làm tất cả vì con gái.
Một chi tiết đắt giá là cô bé nhường chỗ ngồi cho bà cụ không quen vì nghĩ đến bà mình đau đầu gối rồi “bật” lại bố rằng, vì bố ích kỷ nên mẹ mới bỏ đi. Một ông giám đốc quỹ đầu tư chuyên “hút máu” người khác dần nhận ra giá trị của sự chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh.
Một điểm rất thực, rất thú vị ở nhân vật này là đã vận dụng tư duy logic để vượt qua các toa tàu đầy zombie một cách an toàn và tương đối dễ dàng, trong khi một người khác trông tồ tệch và thô kệch lại phát huy tối đa sức mạnh cơ bắp…
Hợp vai
Vai ông bố thương con được giao cho Gong Yoo – diễn viên sáng giá kinh qua hai sự kiện đặc biệt trong đời thực liên quan trẻ em. Trong phim The Crucible (còn gọi là “Silenced”, và tên tiếng Hàn là Dogani), Gong Yoo vào vai giáo viên trường học dành cho trẻ khiếm thính. Phim (dựa trên tiểu thuyết) bắt nguồn từ một câu chuyện có thật xảy ra tại Trường Gwangju Inhwa – nơi nhiều học sinh khiếm thính bị tấn công tình dục trong 5 năm.
Hơn 4 triệu người Hàn Quốc xem phim này, dấy lên làn sóng phản đối vụ việc khiến nhà chức trách phải mở lại cuộc điều tra và cuối cùng, năm 2011, Quốc hội ra đạo luật sửa đổi mang tên Dogani nhằm vào tội ác tình dục chống lại trẻ em và người tàn tật. Năm 2013, Gong Yoo được bổ nhiệm là đại diện đặc biệt của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Hàn Quốc.
Vai anh chồng thương vợ thuộc về Ma Dong-seok – diễn viên Mỹ gốc Hàn có một tên gọi khác là Don Lee. Nhân vật anh chồng to béo, thô kệch, quyền cước mạnh mẽ, dứt khoát này đã được Ma Dong-seok thể hiện hết sức thuyết phục.
Năm 2013, anh giành giải thưởng nghệ thuật PaekSang hạng mục nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (phim “The Neighbors”). Trước khi theo nghiệp diễn xuất, anh là huấn luyện viên riêng của hai võ sĩ Mỹ nổi tiếng với dòng võ tổng hợp. Đó là Mark Coleman (từng vài lần đứng đầu Giải vô địch đối kháng đỉnh cao UFC, cựu đô vật nghiệp dư Olympic) và Kevin Randleman (cựu vô địch hạng nặng UFC).
Vai cô nữ sinh trung học đi cổ vũ đội bóng chày do Ahn So-hee, cựu thành viên nhóm nhạc pop đình đám Wonder Girls, đảm nhiệm. Tuy ít đất diễn, nhưng cô ca sĩ kiêm diễn viên, người mẫu, vũ công, MC này cũng khiến khán giả nhớ đến một cô gái mạnh mẽ khi yêu đương tuổi học trò và đau đớn, bất lực nhìn bạn trai lâm cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Theo Danviet
Cách phim Hàn tạo ra xác sống vượt qua Hollywood
"Train to Busan" (tên tiếng Việt là Chuyến tàu sinh tử) trở thành phim kinh dị hot nhất hè 2016 của Hàn Quốc. Không chỉ thế, trong mắt giới chuyên môn, phim còn vượt cả bom tấn Mỹ.
Zombie (xác sống) là khái niệm được sử dụng từ những năm đầu thế kỷ 19, miêu tả về phần xác của con người sau khi chết đi có thể cử động. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn mất đi não bộ, không còn bản năng của một người bình thường, mang theo mầm họa về bệnh tật. Trong phim kinh dị, xác sống có thể khiến người bình thường lây nhiêm bệnh chỉ với vết cắn hay cào cấu.
Trong ngành phim ảnh, khán giả sẽ nhớ về The Walking Dead và World War Z (Brad Pitt đóng chính) mỗi lần nói tới xác sống. Train to Busan do phía Hàn Quốc thực hiện là phim mới nhất về đề tài này.
Train to Busan từng bị cho là bản Hàn của World War Z do Brad Pitt đóng chính.
Được chấm cao hơn cả phim của Brad Pitt
Khi đạo diễn Hàn Quốc Yeon Sang Ho công bố về dự án Train to Busanvới đề tài tương tự, khán giả không hề để tâm. Điều này không phải chuyện lạ vì ngay từ kịch bản, phim đã bị so sánh với World War Z của các nhà làm phim Hollywood.
Thế chiến Z và Chuyến tàu sinh tử đều là câu chuyện về sự sinh tồn của thế giới sau khi một loại virus lạ xâm lấn biến con người trở thành những xác sống khát máu.
Và khi một tác phẩm Hollywood với sự tham gia của Brad Pitt và bên kia là phim Hàn do Gong Yoo đóng chính được đặt lên bàn cân so sánh - không một ai chọn Train to Busan.
Nhưng đến lúc này, sau gần 1 tháng ra mắt, Chuyến tàu sinh tử đã tạo ra điều kỳ diệu. Không thắng về mặt doanh thu do hệ thống rạp chiếu bó hẹp hơn, phim vượt qua đàn anh của Hollywood trong mắt các nhà phê bình và người xem.
Hàn Quốc tạo ra thế hệ xác sống mới và câu chuyện đầy tính nhân văn.
Rotten Tomatoes chấm phim 96%, IMDB hiện đưa ra con số 7,8 điểm,Metacritic khá khó tính cũng duy trì mức 72%. Tại Trung Quốc, Doubanxếp Train to Busan điểm 8/10. Trong khi đó, World War Z có điểm số tương ứng là 68% trên Rotten Tomatoes, IMDB chấm 7/10, Douban là 7,2/10, còn Metacritic đạt 63%.
"Train to Busan đã thổi hồn vào đề tài phim tưởng như bão hòa trên thị trường phim ảnh. Những zombie trở nên sống động đáng ngạc nhiên",EW đánh giá. Nofilm cho rằng từ dự đoán về loại phim hạng B, phim xứng đáng có tên trong top A về chất lượng.
Khi chiếu tại LHP Cannes, toàn bộ khán giả đã đứng dậy tán thưởng. Đạo diễn 37 tuổi cho thấy ông có thể hòa hợp hai yếu tố giá trị điện ảnh và thị hiếu. Đến lúc này, người ta tự hỏi bí quyết nào giúp Yeon làm được những điều tưởng như không thể?
"Những kẻ chết biết đi" được học vũ đạo
"Chúng tôi muốn tạo ra một bộ phim có tốc độ nhanh, các cảnh phim dồn dập nhưng tôi không muốn nó trở nên mất kiểm soát và phức tạp. Phim hành động hiện nay quá rườm rà, quá nhiều tình tiết thừa. Điều tôi ngắm đến là một kết cấu đơn giản", đạo diễn Yeon nói về ý tưởng ban đầu của phim.
Điểm nhấn của phim là sự xuất hiện của những kẻ chết biết đi trên con tàu sau đại dịch virus. Số lượng của chúng ngày càng nhiều theo chiều dài 453 km từ Seoul tới Busan. Phía dưới đường ray như trở thành nơi sống của chúng.
Chúng điên cuồng, cơ thể đầy máu, cắn bất kỳ ai nhìn thấy, giẫm đạp lên nhau như kim tự tháp và chỉ sợ bóng tối. Một hình ảnh xác sống cơ quắp, gương mặt méo mó, chân tay như bị gãy vặn ngược khiến khán giả choáng váng.
Xác sống trong Train to Busan khác biệt, họ có bước đi giống hệt động tác trong nhảy hip-hop, máu me đầy mặt và vặn vẹo người.
Họ đã gọi những xác sống này là "zombie của Yeon".
Khác với các dự án thường thấy về đề tài này, đoàn phim không sử dụng nhiều kỹ xảo hay chỉnh sửa vi tính trong các phân cảnh. Các diễn viên quần chúng vào vai xác sống được hóa trang kỹ và diễn thực.
"Chúng tôi đã thuê một nhóm nhảy đến đoàn phim để huấn luyện những zombie con người. Vũ đạo trong các động tác nhảy là điều cần thiết để diễn viên tạo ra bước di chuyển khác biệt, giống như bị bẻ gẫy khuỷu tay", Yeon chia sẻ. Các diễn viên được yêu cầu thành thạo các động tác trong nhảy hip-hop trước khi trở thành zombie.
Không có anh hùng giải cứu thế giới
Không phủ nhận vai trò của xác sống khiến tất cả con người trên chuyến tàu rơi vào cuộc chiến sinh tử. Nhưng chúng chỉ như một nhân tố hóa học thổi bùng cá tính của mỗi con người.
Train to Busan khác với World War Z ở chỗ, Gong Yoo không phải là Brad Pitt, càng không đóng vai trò anh hùng của nhân loại trước đại dịch virus. Trong thảm họa, mỗi một con người đều phải tự cứu lấy bản thân mình.
Ở đó, tình người và cả cái xấu trong mỗi người mới dần lộ diện.
Nam chính Gong Yoo trở thành người cha dũng cảm bảo vệ con gái trong cuộc đối đầu với xác sống. Anh không phải là người hùng giải cứu con người như Brad Pitt.
Một người cha lúc nào cũng lạnh lùng vì bận việc, ly thân với vợ, đã giành giật từng phút giây để giữ mạng sống cho con. Có lẽ cô bé Su An trong phim không thể hiểu được tình cha con nếu chuyến tàu đó êm đẹp.
Một kẻ là giám đốc quyền cao chức trọng, lời nói lịch thiệp, tưởng như đáng kính trọng lại trở nên đáng sợ trước cái chết. Khi càng cận kề đến địa điểm an toàn cũng là lúc số người sống sót càng ít, cuộc đấu tranh giữa chính những kẻ đang sống còn mạnh mẽ hơn lũ thây ma.
Không ít người cho rằng Train to Busan là phim kinh dị dành cho người châu Á có thể khiến các nhà làm phim Mỹ học hỏi khi trộn lẫn yếu tố kinh dị, xác sống và tính nhân văn. Một số hãng phim lớn Hollywood cũng bỏ tiền để mua bản quyền thực hiện lại.
"Chẳng ai có thể chắc chắn 100% phim của mình thành công ngay từ khi sản xuất. Không mấy người thích sự mới lạ, thử thách với cuộc thám hiểm mới trong phim ảnh. Nhưng tôi sẵn sàng, dù cho có thất bại, đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ", đạo diễn phim chia sẻ lý do thay đổi cách làm phim.
Theo Zing
"Train to Busan": Chuyến tàu kinh dị với hàng trăm thây ma Bộ phim về xác sống thu hút hơn 10 triệu lượt xem sau hơn 2 tuần công chiếu. Train to Busan (tựa tiếng Việt: Chuyến tàu sinh tử) được đánh giá là bộ phim về đề tài kinh dị hot nhất màn ảnh Hàn nửa đầu năm 2016. Phim khởi chiếu tại Hàn vào ngày 20.7.2016. Sau hơn 2 tuần công chiếu, phim...