Chuyện ’săn sao’ của 8x mê nhiếp ảnh thiên văn: Cả thanh xuân theo đuổi vẻ lấp lánh của dải ngân hà
Nhiếp ảnh thiên văn – một nhánh nhỏ của nhiếp ảnh nói chung. Một trong những kiểu nhiếp ảnh hướng về thứ xa rời con người nhất – bầu trời.
Dải ngân hà – thứ mà con người chỉ có thể ngắm nhìn nó chứ chẳng thể chạm vào. Với những nhiếp ảnh lỡ bị những vì sao ‘cắp’ mất trái tim, họ có chung số phận là sẽ rất dễ trở thành những kẻ lập dị, độc hành trong những cuộc đêm rong ruổi của riêng mình.
Nguyễn Minh Mẫn (SN 1989, TPHCM) chính là một kẻ dính ‘bùa yêu’ của bầu trời như thế. Tuổi trẻ của cậu, có ống kính máy ảnh là chiến hữu, và loạt ảnh thiên văn khắp các khung trởi đêm rải dọc đất nước, chính là gia tài.
Chàng trai trẻ 8X Nguyễn Minh Mẫn – nhân vật trong câu chuyện
Từng ước mơ đến mất ngủ vì một chiếc máy ảnh thường, vào những ngày đáy túi rỗng không
‘Những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mình thèm một chiếc máy ảnh compact thôi. Nhưng học sinh thì làm gì có tiền’, Mẫn kể.
Những món tiền tiết kiệm ít ỏi đổ dồn vào tài liệu, vào sách vở và tiền quỹ lớp. Mãi đến tận năm 26 tuổi, Mẫn mới thỏa mong ước, rinh về nhà một chiếc máy ảnh sony xịn, do chính tiền tích cóp nhiều năm.
Nghiệp nhiếp ảnh và chàng trai này bén duyên từ đó, và giờ ‘như ăn vào máu rồi’ – anh chàng bảo vậy.
Kể từ khi có máy ảnh trong tay, anh thử qua nhiều thể loại nhiếp ảnh khác nhau, nhưng đắm đuối nhất vẫn là thể loại chụp choẹt bầu trời.
‘Lúc trước chưa dùng qua máy ảnh thì không biết sao người ta có thể chụp ra được dải ngân hà kì diệu vậy, sau này tìm hiểu mới thấy nó thú vị, ‘máy ảnh có thể nhìn thấy những điều mà mắt thường không thể thấy được’ nên quyết tâm theo đuổi thể loại này’, anh chia sẻ.
Hiện Mẫn đang là nhân viên phòng marketing của 1 công ty nước giải khát, đây là công việc chính. Còn nhiếp ảnh, đó vừa là một công việc freelance, vừa là đam mê mà cậu không thể dứt khỏi mình.
Một tác phẩm trong album nhiếp ảnh thiên văn của chàng trai 8x này
Những đêm không ngủ, và cũng không thể nào quên…
Để gặp gỡ được những vì sao, ban đêm là thời điểm hẹn hò duy nhất. Nhưng dải ngân hà đỏng đảnh không phải lúc nào cũng dễ dàng cho ống kính bắt lấy vẻ lấp lánh của mình.
Video đang HOT
Mẫn đã quen với những đêm tĩnh mịch ngồi chờ bên bờ biển, ngồi đợi ở lưng chừng đồi, kiên nhẫn chớp lấy, rồi thi thoảng lại hụt mất một khoảnh khắc nào đó của trời đêm.
Kỉ niệm mà Mẫn không thể nào quên được, là một lần chạy xe 60km vượt đường đến Gò Công vào năm ngoái, thức trắng đêm để chờ chụp ảnh sao, nhưng cuối cùng lại không thể nào có được một bức ảnh như mong đợi, vì sự làm phiền của những đám mây.
‘2h mấy sáng, biển rút nước xa bờ, mây kéo tới nhiều không rõ bầu trời nhưng cũng ráng chụp cho ra ảnh, nhưng về không thể ưng ý. Mặc dù cũng có theo dõi dự báo thời tiết, nhưng ra tới nơi thì trời lại khác.
Chưa kể đường đi ra nơi chụp vắng hoe, chạy con đường đất 2 bên không 1 bóng người. Ra tới nơi là 1 bãi biển tối om chỉ xa xa vài cái chòi của người dân nuôi nghêu. Coi như công cốc cả chuyến đi, không được gì, khá là nản.
Cho nên tháng 2, tháng 3 vừa rồi mình quyết tâm quay lại lần nữa và kì này trời không phụ lòng, rốt cuộc cũng ra sản phẩm ưng ý’, Mẫn bồi hồi nhớ lại kỉ niệm khó quên trong hành trình chụp choẹt bầu trời này.
Một vài khoảnh khắc của sông Ngân mà Mẫn ‘bắt’ được trong lần 2 quay trở lại Gò Công
Lung linh sao trời – ‘lấp lánh’ mồ hôi
Kẻ chụp ảnh phải dày công chuẩn bị, tính toán rất nhiều, rốt cuộc cũng chỉ dồn hết tất cả tâm can vào một khoảnh khắc.
Theo đuổi nhiếp ảnh thiên văn bấy lâu nay, Mẫn ngày càng hiểu sâu sắc hơn chuyện, chụp ảnh thiên văn, không phải dễ, không bao giờ có thể bắt trọn được vẻ đẹp của thiên hà chỉ với một cú bấm máy tình cờ. Mà đó là sự kết hợp của máy móc, của đầu óc, của sự nhẫn nại và sức khỏe con người.
‘Không hề dễ. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố thiên nhiên, không phải tháng nào cũng chụp thấy. Nếu có mây nhiều thì không thể chụp được, dự báo thời tiết thì khi đúng khi không, nên nó cũng là việc mang khá nhiều tính may mắn.
Cũng cần phải có sức khỏe tốt vì phải đi tới những địa điểm xa thành phố không bị ô nhiễm ánh sáng như biển, đảo, trên núi hoặc có khi vào rừng, chụp vào lúc 23h tới 4-5h sáng hôm sau, thời gian chụp là buổi tối om, di chuyển cũng khó khăn hơn ban ngày.
Máy móc thì có thể dùng nhiều loại máy ảnh thậm chí điện thoại, tất nhiên máy càng xịn thì sẽ dễ cho ra ảnh hơn nhưng những bộ máy tầm 10 triệu vẫn chụp ra được nên đừng quá quan trọng là máy phải xịn lắm mời chụp thấy milkyway, thêm chút hậu kì bằng những phần mềm phổ biến như lightroom, photoshop’, Mẫn chia sẻ thêm.
‘Nhân danh đam mê, nhưng bản chất là vô bổ?’
‘Có người nói sao cực khổ vậy đi chụp vài tấm hình mà chạy mấy chục km, thức đêm muỗi cắn đủ thứ’ - thắc mắc của không ít người được nghe anh kể về những đêm rong ruổi của mình – Mẫn kể lại.
Nhưng Mẫn tự nguyện đánh đổi vì tuổi trẻ, vì những gì con tim mình mách bảo. Tiếng nói của đam mê dường như lấn át hoàn toàn những lời chê bai cậu ‘dở hơi’, ‘điên khùng’, ‘vô bổ’.
Vô số những đêm một mình thức trắng cùng bầu trời
Và cũng là chừng ấy lần cô độc đón bình minh
… để bắt gặp những khoảnh khắc đầy xúc cảm thế này
‘Với dân mê nhiếp ảnh, thì chỉ cần chụp ra được 1 tấm ảnh với sự nhiệt huyết đam mê là mọi mệt mỏi đều bay hết. Hạnh phúc với những tấm ảnh đó thì lại càng thấy Việt Nam mình rất nhiều cảnh đẹp, lại càng muốn đi cho bằng hết các nơi để săn ảnh.
Đam mê mà làm cho bản thân sống tích cực hơn, cảm thấy cuộc đời ý nghĩa hơn, mang đến cho bạn nhiều kỉ niệm hơn, nhiều trải nghiệm hơn để cảm thấy yên mọi thứ xung quanh hơn thì đâu có gì gọi là vô bổ.’
Và nhiếp ảnh đã mang cho cậu những đêm tuổi trẻ chạy đua với trời khuya, làm bạn với ống kính, hò hẹn với dãy ngân hà mà không phải ai cũng có được. Một tuổi thanh xuân cũng lấp lánh tựa trời đêm.
Tuổi trẻ cậu còn dài, mà đất nước mình thì về khuya có vô vàn cảnh đẹp, những chuyến ruổi rong ‘điên khùng’ của kẻ ‘dở hơi’ này, sẽ vẫn còn mênh mông, thênh thang phía trước…
10 năm chụp người vô gia cư, nhiếp ảnh gia sốc khi biết danh tính người đàn ông trên đường
Gần 10 năm đi chụp những người vô gia cư để bổ sung vào dự án của mình, nữ nhiếp ảnh gia này không thể ngờ rằng chính công việc đó đã đem lại cho cô một bất ngờ lớn nhất cuộc đời.
Diana Kim, hiện 35 tuổi, là một nữ nhiếp ảnh gia sống tại đảo Maui, bang Hawaii, Mỹ. Khi cô còn nhỏ, bố cô đã mở một studio nhỏ và Diana đã bị cuốn hút bởi những tấm ảnh, những thước phim của bố mình. Niềm đam mê của cô lớn dần và khi trưởng thành, Diana quyết định trở thành một nhiếp ảnh gia.
"Tôi lớn lên trên hòn đảo Maui, bởi vậy, tôi luôn coi những hòn đảo là ngôi nhà của mình. Trước đây, cha tôi cũng từng có 1 studio chụp ảnh. Ông chính là người đã truyền cho tôi những kỹ thuật cơ bản và đam mê với nhiếp ảnh", Diana chia sẻ.
Diana và bố mình khi cô còn nhỏ.
Năm 2003, Diana khi ấy mới là sinh viên, đã bắt đầu thực hiện một phóng sự ảnh về những người vô gia cư xung quanh nơi cô sống. Phóng sự ảnh này khá thành công và Diana quyết định mở rộng dự án, đi đến nhiều nơi để chụp được nhiều bức ảnh ấn tượng hơn.
Năm 2012, tức là gần 10 năm sau, Diana đang đi tìm kiếm những người vô gia cư để chụp ảnh trên đảo Honolulu, Hawaii, thì bất ngờ bắt gặp một hình dáng quen thuộc. Một người đàn ông vô gia cư mặc quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù, người bẩn thỉu và gầy rộc, đang bước đi thầm lặng trên phố để nhặt rác và kiếm cái ăn. Đó là bố của Diana. Cô hướng máy ảnh về phía bố, chụp lại vài bức ảnh có thể coi là đáng nhớ nhất trong cuộc đời của cô.
Bố của Diana không hề nhận ra cô. Ông bị mắc chứng bệnh tâm thần nhiều năm và đã bỏ nhà ra đi, lang thang trên khắp các con phố rồi dạt tới thành phố Honolulu này. Diana đã đi tìm kiếm bố nhiều năm nhưng không được. Chính bản thân cô không bao giờ ngờ được rằng lại đoàn tụ với bố mình trong hoàn cảnh này.
Trong lúc đang đi chụp người vô gia cư, Diana vô tình tìm thấy bố mình.
Trước đó, Diana có một tuổi thơ không mấy hạnh phúc. Bố mẹ cô thường xuyên cãi vã và không giữ được tình yêu dành cho nhau như trước, cuối cùng quyết định ly hôn khi Diana còn rất nhỏ. Sau khi người bố bỏ đi, mẹ con Diana đã phải sống vô cùng khổ cực, nương nhờ hết người này đến người khác, có lúc phải ngủ ngoài công viên hay trên xe hơi. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến Diana muốn thực hiện bộ ảnh về những người vô gia cư.
Vài năm sau đó, Diana nhận được tin báo từ bà của mình rằng bố đã bị mắc bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi và lời nói. Ông đã bỏ nhà đi và người bà cũng không biết ông có còn sống không. Diana ngỡ rằng bố mình đã chết nhưng không thể ngờ lại gặp được bố mình trong số những người vô gia cư mà cô chụp ảnh. Diana nói rằng khoảnh khắc đó cô thực sự rất sốc và đau đớn. Cuối cùng, Diana quyết định đưa bố về để chăm sóc và bù đắp cho ông suốt những khoảng thời gian đau khổ vừa qua.
Đôi chân của Diana và bố trong ngày đoàn tụ được cô chụp lại.
"Ban đầu, chụp hình như một cách để tôi tự vệ. Tôi giơ máy ảnh lên, để thấy bớt ngại ngùng khi ở cạnh ông ấy. Thật đau lòng khi thấy ông ấy như vậy. Bố tôi bị tâm thần phân liệt nặng và không được chữa trị. Tôi đã nhiều lần bắt gặp ông nói chuyện một mình. Tôi tự hỏi không biết tương lai ông rồi sẽ ra sao. Tôi chỉ biết ngồi đó và cầu nguyện rằng ông sẽ chấp nhận điều trị, ăn uống, tắm rửa thay quần áo", Diana chia sẻ.
Có một lần, bố của Diana bị lên cơn đau tim và phải nhập viện điều trị. Đó cũng là cơ hội để các bác sĩ giúp ông điều trị căn bệnh tâm thần. Sau một thời gian, sức khỏe của ông đã khá hơn. Diana đã giúp bố mình bắt đầu lại cuộc sống, trải nghiệm những điều mà trước đây hai bố con chưa từng làm.
Sau quá trình điều trị, bố của Diana đã khỏe hơn nhiều.
"Mỗi ngày là một món quà. Có những ngày phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trước đó, thế nhưng được nhìn thấy bố bằng da bằng thịt luôn giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống quý giá biết bao. Tôi không được lớn lên bên bố và có những việc ông ấy đã làm tôi tổn thương, thế nhưng tôi chọn cách tha thứ cho ông để có thể cùng bố bước tiếp", Diana chia sẻ xúc động.
Diana cũng nói thêm rằng nhiếp ảnh gia không đơn thuần là chụp một bức ảnh. Nó còn là sự trải nghiệm, chia sẻ hạnh phúc và khổ đau và những bài học cuộc sống quý giá mà cô học được từ những người xung quanh mình.
Hiện nay, Diana đã kết hôn và có một cô con gái. Việc trở thành mẹ càng khiến cô thấu hiểu hơn nỗi vất vả và tình yêu thương của bố mẹ, từ đó thêm trân quý những phút giây sống cạnh bố mình hơn.
Trò photoshop hộ chưa bao giờ là hết hot, nhất là khi nhận lại ảnh dân mạng đều cười bò vì độ lầy trong từng "siêu phẩm" Chỉnh sửa ảnh hộ qua mạng được xem như con dao hai lưỡi khi gặp những người có tâm ảnh sẽ tuyệt đẹp, còn ngược lại sẽ là những bức ảnh khó đỡ, khiến dân mạng cười bò vì sự hài hước luôn được xem là thứ chủ đạo trong từng tác phẩm. Thay vì xóa chiếc ô tô như mong muốn, vì...