Chuyện rùng rợn, bí hiểm ‘rừng ma’ Măng Ri
Hàng chục quan tài được đặt trên giá gỗ với bốn cây cọc, có chiếc bục ra thấy mờ mờ những lớp xương.
Dòng sông Sê Pôn chia đôi đường biên giới Việt – Lào. Bên kia nước bạn, loáng thoáng rừng hoang thuộc tỉnh Atopư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia). Bên này nước Việt, vùng Măng Ri ba zan hẻo lánh của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) là những cánh rừng âm u và đó là những khu “rừng ma”, nơi yên nghỉ những người con của rừng.
“Rừng ma” Măng Ri luôn âm u và bí hiểm.
Một buổi chiều ở vùng núi thẳm trời lắc rắc mưa, già làng A Mộc cùng ông Lâm Quang Huy, Phó chủ tịch xã Măng Ri nhằm hướng về khu “rừng ma”. Hơn một giờ đồng hồ băng qua những con đường mòn hiểm trở, họ đã tới nơi. Già làng quả quyết, rừng ma là chốn thâm u giữa điệp trùng cây lá và đương nhiên là không mấy ai dám bén mảng đến đó chặt phá dù chỉ một cành cây. Người dân ở đây chẳng ai dám nhìn thẳng vào rừng, bởi họ sợ con ma rừng nhìn thấy rồi theo về quấy phá gia đình và bản làng.
“Đây là rừng ma của thôn Long Hy 1 và Long Hy 2. Người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật tự nhiên. Con người cũng như cái cây hay con thú trong rừng, có sinh – lão – bệnh – tử. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, cái nhà để ở, cái nước để uống, nên khi chết thì về với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi”, già làng A Mộc trầm ngâm.
Khi chết, người Xơ Đăng chôn người thân dưới những tán cây rừng to như một lời cầu nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết. Theo quy định mang tính truyền kiếp, giữa chốn rừng thiêng bao la trùng điệp, phụ nữ không được tham gia vào việc chôn cất người chết, cho dù người chết ấy có là cha, chồng hay con do chính họ sinh ra.
Và quan trọng hơn là những người phụ nữ ở đây tuyệt nhiên không được bén mảng vào “rừng ma” trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà không có con trai, chỉ toàn phụ nữ, thì bà con trong thôn bản nhận nhiệm vụ chôn cất. Sau khi xong việc, ngoài những người đi chôn sẽ tắm suối, uống rượu ngoài rừng, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ heo, gà hoặc bò, ăn uống suốt mấy ngày liền để tống tiễn linh hồn của người đã chết…
“Họ phải vui vẻ để người đã khuất biết người sống vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí vui như hội dù không có họ, để con ma không vì tiếc thương mà quay trở lại làng. Và người chết, phải hoàn toàn bị xóa ra khỏi ký ức, không bao giờ được nhắc lại, không một ai nghĩ đến chuyện vào viếng thăm”, già làng A Mộc nói thêm. Và đối với họ, “con ma” trong “rừng ma” đáng sợ gấp ngàn lần con voi, con cọp…
Những chiếc quan tài trong “rừng ma”.
Xuyên qua những vạt rừng um tùm cỏ dại vắng dấu chân người, chỉ có mùi rừng ngai ngái và xác rắn lột da đó đây, già làng A Mộc khoát tay ra hiệu dừng lại. Phía trước là những nhà mồ lúp xúp, rệu rã, hoang mục vì thời gian. Có cả những nấm mồ rất mới, những nấm mồ chẳng có bia mộ như người Kinh, cùng vô số đồ đạc mà sinh thời người dưới mộ vẫn thường sử dụng như ché rượu, con dao, cái gùi, cái xà-gạc (dụng cụ vừa dùng đi rẫy vừa đi rừng)…
Hàng chục quan tài được đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất chừng non mét. Ngoài quan tài bằng gỗ còn có cả quan tài làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng gò hàn rất đẹp. Phía trên được lợp mái tôn hoặc cây lồ ô lật sấp ngửa, xung quanh vứt đầy rẫy những vật dụng mà người chết được “chia phần”. Một số “con ma” còn được chia cả heo, gà sống buộc vào chân cột quan tài. Có nhà còn chia cả radio, bàn ghế, xe đạp, vàng, bạc… Ở chiếc quan tài bục ra thấy mờ mờ trong đó những lớp xương.
Video đang HOT
Giữa “rừng ma” thâm u rờn rợn, già làng A Mộc nói nhiều về thế giới ma, một thế giới khác biệt hoàn toàn với trần thế. Cõi ma theo giải thích của ông là nơi mà mọi thứ đều ngược với cõi trần. Ví như người dương gian đi hai chân chạm đất, người cõi ma hai chân bước giữa trời. Ở trần gian gốc rễ cái cây ăn sâu vào đất còn ở chốn “ma rừng” mọi chuyện ngược lại…
Gần nửa đêm, về đến nhà, già làng A Mộc mang ghè rượu và mấy con cá niêng đặt trên chiếc mâm ở giữa sàn nhà. Lửa bập bùng, vị già làng chậm rãi kể chuyện đời, chuyện làng và chuyện của “rừng ma”… “Trẻ con trong làng này lớn lên bị ám ảnh nỗi khiếp sợ ma rừng đã thành “thâm căn cố đế” trong tâm tưởng của người Xơ Đăng từ những câu chuyện rùng rợn, lẫn lộn thực hư. Càng sợ, bọn trẻ càng háo hức muốn nghe những chuyện về bí ẩn ở rừng ma và truyền đời cảnh báo: chớ động thế giới của ma rừng”, già làng nói.
Theo ông, người Xơ Đăng có sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giữa con riêng và con chung, con đẻ và con nuôi, con của mình và con của anh em họ. Quan hệ buôn làng khá đoàn kết, có tục kết nghĩa với người cùng tuổi hoặc cùng tên. Con cháu cùng họ không được phép kết hôn với nhau. Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục, được tìm hiểu, yêu nhau. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.
Những chiếc quan tài được làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng… xung quanh đầy rẫy vật dụng mà người chết được “chia phần”.
Sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Hàng năm, mỗi khi đến lễ mang nước hoặc tết lúa mới, khi con lợn trong chuồng, con dê trên rẫy đã lớn, người Xơ Đăng sẽ tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người thân đã mất.
Người Xơ Đăng rất tự hào về khu “rừng ma” của mình. Suốt cuộc đời họ chỉ biết gắn bó với rừng, nên họ xem các khu “rừng ma” là một phần tài sản của mình, không ai nỡ chặt phá. Nếu gia đình, dòng họ hay ai đó bên ngoài có việc gì cần đến gỗ thì phải xin phép người đứng đầu họ. Sau đó vị này sẽ đứng ra làm lễ cúng. Nếu giàu thì giết mấy con bò, con trâu, còn nghèo thì phải có gà trống để cúng thần mới được vào lấy củi, lấy gỗ về.
Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu. “Mỗi làng người Xơ Đăng đều có nhà rông, nóc và mái được tạo dáng như cánh buồm lớn hoặc lưỡi rìu khổng lồ ngửa lên trời. Có hình chim chèo bẻo hay hình sừng thú chót vót ở hai đầu đốc”, già làng A Mộc vừa nhâm nhi bát rượu, vừa kể.
Với người Xơ Đăng ở Kon Tum thì mảnh đất an táng cho người chết trong dòng họ dưới tán rừng được gọi là “rừng ma”. Họ bảo vệ “rừng ma” để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình! “Luật ở bản đã quy định rồi, để người sống được yên không ai được dọn dẹp, xây dựng gì ở phần mộ đó cả”, già làng A Mộc nói.
Theo vietbao
VN lần đầu phẫu thuật bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp
Lần đầu tiên, một bệnh nhi mắc Hội chứng Apert hiếm gặp đã được điều trị tại Việt Nam.
Bé Hoàng Minh Ngọc, 4 tháng tuổi ở Hải Phòng là trường hợp thứ 3 tại Việt Nam mắc Hội chứng Apert được phát hiện.
Ca mổ được thực hiện tại Bệnh Viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Trong ca phẫu thuật lần 1, bé Ngọc được tách dính tay (ca phẫu thuật này được tài trợ toàn phần).
Ca phẫu thuật tách ngón tay cho bé Ngọc
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Nghĩa, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện cho biết: " Ca phẫu thuật đòi hòi các kỹ thuật tách khá phức tạp. Chúng tôi phải tạo hình khoang ngón, bảo vệ mạch máu, thần kinh ghép da mà phải bảo đảm các ngón mềm mại, có cảm giác tốt thì sau này chức năng mới tốt được.
Bên cạnh đó, do có dị dạng sọ não nên việc gây mê, hồi sức sau mổ cũng là điều chúng tôi hết sức lo lắng bởi cháu quá bé. Trong hơn 4 tiếng phẫu thuật, bất cứ một sơ suất nào, dù là nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến suy hô hấp, ngừng tim, chảy máu, nhiễm trùng, hoại tử ngón tay".
Tiến sĩ Nghĩa cũng cho biết thêm, đây mới là ca phẫu thuật tách ngón tay thứ 2 và 5, sau 6 tháng nữa sẽ tách nốt hai ngón 3 và 4 và sau 1 năm nữa mới chỉnh chiều dài ngón cái.
Việc phẫu thuật chia làm 3 lần như vậy để bảo đảm nuôi dưỡng của các ngón, tránh bị hoại tử do mất mạch nuôi.
Tuy nhiên, thử thách nhất của trẻ bị chứng Apert là phẫu thuật hộp sọ, thường sẽ được thực hiện khi trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi.
Việt Nam đã và đang làm được phẫu thuật tách khớp sọ bẩm sinh nhưng đối với trẻ bị Hội chứng Apert thì vẫn chưa thực hiện được vì trẻ thường bị đa dị tật kèm nhiều chứng bệnh, đòi hỏi quy tụ những bác sĩ đầu ngành của nhiều chuyên khoa cùng hợp tác thực hiện như chuyên khoa thần kinh, chỉnh hình...
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện sẽ phối hợp với các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế để thực hiện tất cả các ca phẫu thuật cho bé Ngọc, kể cả phẫu thuật hộp sọ.
Được biết, từ 1/4, Quỹ Thiện Tâm và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (cùng thuộc Tập đoàn Vingroup) sẽ phối hợp cùng triển khai chương trình Phẫu thuật từ thiện 2013, dành cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc.
Nhóm đối tượng đầu tiên gồm người nghèo (được công nhận năm 2013, có sổ hoặc có giấy chứng nhận hộ nghèo) người có công với cách mạng và thuộc diện chính sách trên toàn quốc. Với nhóm này, chương trình sẽ dành 150 ca phẫu thuật miễn phí 100%.
Nhóm 2 gồm học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng cấp Quốc tế người đoạt giải Nhân tài đất Việt và con đẻ của họ vận động viên đoạt huy chương quốc tế và con đẻ của VĐV nghệ sĩ đoạt giải thưởng trong các cuộc thi Quốc tế và con đẻ các nghệ sĩ đó.
Với nhóm đối tượng này, chương trình sẽ ưu đãi 50% chi phí khám chữa bệnh và điều trị cho 50 ca phẫu thuật.
Hội chứng Apert
Hội chứng Apert là một rối loạn di truyền gây nên sự phát triển bất thường của hộp sọ.
Trẻ em mắc hội chứng Apert được sinh ra với một hình dạng méo mó của đầu và mặt.
Nhiều trẻ em có hội chứng Apert cũng có khuyết tật bẩm sinh khác.
Hội chứng Apert tương đối hiếm gặp, xảy ra với xác suất 1/65.000 trẻ sinh ra. Bệnh nhân mắc hội chứng Apert nếu được phẫu thuật chỉnh hình có thể giúp bệnh nhân cải thiện tốt một số chức năng và có cuộc sống tương đối bình thường.
Các dấu hiệu và triệu chứng chủ yếu khi mắc hội chứng Apert:
Sọ hình tháp do dính khớp sọ sớm
Mắt trũng, thường với mí mắt kém đóng, cơ chuyển động mắt mất cân đối
Một khuôn mặt giữa trũng. Kém phát triển phần giữa mặt dẫn đến xương gò má thấp và lồi mắt
Các triệu chứng khác cũng là kết quả từ sự tăng trưởng bất thường của sọ:
Có thể có kém phát triển trí tuệ (trong hầu hết các trẻ em bị hội chứng Apert)
Tắc nghẽn gây ngưng thở khi ngủ
Khiếm thính do nhiễm khuẩn tai, viêm xoang, nghe kém.
Dính xương của các ngón tay và chân (syndactyly) - với hai bàn tay hoặc bàn chân. Một số trẻ em bị hội chứng Apert cũng có dị dạng về tim, tiêu hóa, hoặc các vấn đề hệ thống tiết niệu mà không gặp ở các hội chứng dính sớm khớp sọ khác.
Theo vietbao
Ca sinh 5 hiếm gặp tại bệnh viện Từ Dũ Bệnh việnTừ Dũ TP.HCM vừa mổ bắt con một ca sinh năm hiếm gặp lúc 19h10 tối 17/3. Sản phụ L.H A.T. (28 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM) đã sinh năm em bé vào lúc 19h10 tối 17/3. Năm em bé gồm ba trai, hai gái lần lượt có cân nặng 2kg, 1,8kg,1,5kg và hai bé 1,3kg. Năm em bé đã chào...