Chuyện ông vua bắt cha bỏ tù rồi chiếm luôn mẹ kế
Lưu Thủ Quang có thể coi là một hoàng đế xếp đầu bảng về những thành tích bất hảo kể từ lúc có ý định ngồi lên ngai vàng…
Chân dung Lưu Thủ Quang
Lưu Thủ Quang là người Lạc Thọ, Thâm Châu, nay là Thâm Châu thuộc tỉnh Hà Bắc, con trai của Lô Long Tiết độ sứ Lưu Nhân Cung ở U Châu, có thể nói là con nhà dòng dõi.
Cuối thời nhà Đường, tiết độ sứ là thế lực hùng cứ một phương, giống như ông vua một xứ, có đầy đủ quyền lực để trấn áp nhân dân trăm họ. Lưu Nhân Cung cũng không ngoại lệ. May mắn là, họ Lưu chỉ có hai niềm đam mê: Một là thích hưởng thụ vinh hoa phú quý, hai là muốn kết giao với các đạo sĩ luyện tiên đan hy vọng có thể trường sinh bất lão.
Trong thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, quân phiệt hỗn chiến liên miên, đời sống nhân dân khốn đốn điêu linh, vì vậy, con gái trong dân gian ai nấy đều mình gầy, mặt vàng xấu xí. Lưu Nhân Cung chẳng phải chọn lựa nhọc nhằn, dùng số lượng để bù cho chất lượng, vì vậy, hậu cung của họ Lưu thê thiếp thành đàn.
Việc thích nữ sắc chẳng có điều gì lạ ở các ông vua, duy có điều khiến người ta phải băn khoăn chính là, Lưu Nhân Cung lấy đâu ra nhiều sức lực để có thể chiều lòng hàng ngàn thê thiếp trong hậu cung của mình.
Có điều, trái ngược với số lượng thê thiếp thành đàn, con của họ Lưu lại không nhiều, “chất lượng” cũng không cao, hầu hết đều rất ngốc ngếch. Có lẽ, việc duy trì nòi giống cũng giống như làm một sản phẩm thủ công, bỏ ra bao nhiêu công sức thì sẽ tạo ra sản phẩm tương ứng.
Hơn nữa, cổ nhân có câu rằng: “Cha nào thì con nấy”. Dẫu câu này không đúng trong mọi trường hợp, nhưng tuyệt đại đa số các trường hợp đều có thể áp dụng được. Và điều đó càng đúng với trường hợp của Lưu Nhân Cung.
Có cha làm gương, hai đứa con trai của họ Lưu cũng nhanh chóng chìm đắm trong sắc dục. Trong đó, cậu con trai thứ là Lưu Thủ Quang có thể nói là người kế thừa một cách xuất sắc thói hoang dâm vô độ của cha mình.
Sử chép rằng, sau khi đã chán chê với những thê thiếp của mình, Lưu Thủ Quang bắt đầu để mắt tới hậu cung của cha mình. Lưu Nhân Cung có một ái thiếp họ La vô cùng xinh đẹp, bất cứ ai nhìn thấy cũng phải xiêu lòng. Vì vậy, một hôm, nhân lúc cha mình không có nhà, Lưu Thủ Quang bèn cưỡng bức bà mẹ kế của mình.
Sau khi Lưu Nhân Cung biết chuyện thì vô cùng tức giận. Mặc dù việc cưỡng bức cả mẹ kế, bản thân y cũng sẵn sàng làm được, tuy nhiên, lần này, người bị hại lại là chính y. Vì vậy, dù bào chữa cách nào, Lưu Nhân Cung cũng cảm thấy không thể chịu đựng được.
Vì thế, họ Lưu lập tức hạ lệnh bắt Lưu Thủ Quang giải đến rồi đánh cho một trận sau đó đuổi đi. Đây thực sự không giống với cách một người cha dạy con mà giống như cách hành xử của hai kẻ tình địch với nhau.
Sau khi sự việc không mấy hay ho này xảy ra, Lưu Nhân Cung càng tiếc nuối cuộc sống vinh hoa phú quý mà mình đang có, do vậy, tuyết đối không dung tha cho bất cứ ai động vào nó.
Tuy nhiên, không may cho họ Lưu, không lâu sau đó, đối thủ của ông ta là Chu Ôn nhân cơ hội Lưu Nhân Cung không để ý phái thuộc tướng là Lý Tư An dẫn binh tới chiếm U Châu. Khi Lưu Nhân Cung nhận được tin này thì vô cùng lo lắng, không biết làm cách nào.
Video đang HOT
Đúng lúc đó, Lưu Thủ Quang đã dẫn binh tới U Châu, vào được thành trước cả Lý Tư An. Sau một cuộc hỗn chiến, Lý Tư An bị đánh bại. Lưu Nhân Cung sau khi biết tin này, cảm thấy rất vui và được an ủi.
Đứa con trai này mặc dù dám trăng hoa với cả ái thiếp của ông ta nhưng vẫn là một đứa con tốt, không thù dai, biết ông ta gặp nguy hiểm vẫn là người đầu tiên tới giúp chứ không giống như những kẻ mỗi khi tới thời khắc quan trọng nhất thì lại bỏ chạy.
Có lẽ bản thân Lưu Nhân Cung cũng không ngờ được rằng, đúng vào lúc ông ta đang cảm thấy được an ủi và tự hào nhất thì một sự việc mà bản thân ông ta cũng không ngờ tới đã xảy ra.
Lưu Thủ Quang kể từ lúc tiến vào U Châu thì nhất định không chịu ra nữa, thậm chí còn tuyên bố rằng mình sẽ đảm nhiệm chức Lô Long Tiết độ sứ, mặc nhiên cách chức cha mình. Lưu Nhân Cung nghe tin vô cùng giận dữ, tập hợp quân đội định kéo về U Châu thanh toán với đứa con bất hiếu.
Tuy nhiên, trong lúc Lưu Nhân Cung còn đang loay hoay chuẩn bị thì quân đội của Lưu Thủ Quang đã kéo tới nơi. Bọn binh sĩ của Thủ Quang đánh bại quân của Lưu Nhân Cung, sau đó bắt ông ta mang về U Châu trình diện chủ nhân.
Lưu Nhân Cung cuối cùng vẫn được trở về U Châu, có điều, lần này, nơi ông ta ở không phải là lâu đài tráng lệ mà là nhà lao dành cho các trọng phạm.
Sau khi thế chân cha mình làm “ông chủ” ở U Châu, những cơ sở “vui chơi giải trí” mà Lưu Nhân Cung xây dựng trước đây được Lưu Thủ Quang tận dụng một cách triệt để. Những phi tử trong hậu cung của cha, bất kể là xấu đẹp gầy béo, họ Lưu cũng không cần chọn lựa, thu dụng tất cả.
Với những người đời sau, hành động này của Lưu Thủ Quang thực sự rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, với bản thân Lưu thì thắng làm vua, thua làm giặc, chuyện đó cũng là hệ quả tất yếu.
Vào thời bấy giờ, người dân U Châu cũng rất “cởi mở”, chấp nhận chuyện Lưu Thủ Quang làm như một chuyện thường ngày. Duy có một người không thể chấp nhận được việc làm của y chính là Lưu Thủ Văn, anh trai của y.
Sự tức giận và phẫn nộ của Lưu Thủ Văn chủ yếu là vì y không có được bất cứ thứ gì từ cuộc phản loạn của người em trai. Theo luật thừa kế thông thường thì những thứ mà cha để lại phải có một phần của y, mà phải là một phần lớn mới đúng. Vì vậy, Lưu Thủ Văn muốn đòi lại phần của mình.
Tuy nhiên, muốn cất binh thì phải có lý do chính đáng hơn là lý do đi đòi tài sản, do vậy, Lưu Thủ Văn lấy cớ Thủ Quang phản nghịch, thậm chí nói rằng, cha mẹ nhặt y về nuôi nấng lớn khôn trưởng thành như ngày nay thật không dễ dàng, vậy mà y lại dám nhốt cả người cha đã khổ công nuôi nấng y mấy chục năm trời vào nhà lao, thật là trời không dung, đất không tha.
Trước bài diễn thuyết cảm động của Lưu Thủ Văn, tướng sĩ hưởng ứng rất nhiệt liệt, quyết tâm tấn công hạ bằng được thành U Châu. Lưu Thủ Văn thấy vậy thì mừng lắm, cho rằng, những người có lương tâm trong xã hội này vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, Lưu Thủ Văn không biết rằng, các tướng sĩ muốn công thành chỉ vì bên trong thành U Châu là một thế giới phồn hoa, giàu có với rất nhiều cô nương xinh đẹp.
Đánh trận không thể bàn tới sách vở, cũng chẳng phải bàn tới phải trái, đúng sai, tất cả dựa vào thực lực và trí tuệ. Tuy nhiên, về mặt trí tuệ thì cả Lưu Thủ Quang và Lưu Thủ Văn đều từ một khuôn đúng ra, cả hai cùng ngốc tới mức không thể phân cao thấp được.
Vì thế, cuộc đấu giữa hai bên chỉ còn dựa vào thực lực. Xét về thực lực thì quân của Lưu Thủ Quang có mạnh hơn quân của Lưu Thủ Văn một chút vì thế, cuối cùng Lưu Thủ Quang là người giành chiến thắng. Trong tình thế khốn quẫn, Lưu Thủ Văn tìm tới cầu cứu quân Khiết Đan.
Khi viên binh hơn 40 ngàn người kéo tới, Lưu Thủ Văn mới có thể đánh bại được người em trai “phản nghịch” của mình. Sau khi thắng trận, để chứng tỏ mình vẫn là kẻ có lương tâm, khoan dung đại lượng, Lưu Thủ Quang còn xông ra giữa trận tiền hét lớn: “Không được giết em trai ta!”
Lúc bình thường, người ta muốn có thể diện, diễn một chút cũng đành, đằng này giữa chốn chiến trường tên bay đạn lạc, Lưu Thủ Văn cũng muốn thể hiện thì quả thật là ngu tới mức không còn thuốc chữa.
Đúng lúc Lưu Thủ Văn chay loanh quanh hô toáng lên những điều vô nghĩa thì một thuộc hạ của Lưu Thủ Quang nhân cơ hội xông tới đột kích, kết quả bắt sống Lưu Thủ Văn giải về thành. Lưu Thủ Quang thấy vậy, tinh thần đột nhiên phấn chấn hẳn, chỉ huy quân đội đánh bại cả quân của Lưu Thủ Văn lẫn quân tiếp viện.
Cả Lưu Thủ Quang lẫn Lưu Thủ Văn đều là những kẻ trí tuệ không lấy gì làm thông minh, tuy nhiên, Lưu Thủ Quang cũng có chỗ không giống anh mình. Đó là, một khi y muốn làm điều gì thì y sẽ làm cho tới cùng.
Vì thế, sau khi đánh bại quân của Lưu Thủ Văn, Lưu Thủ Quang dẫn quân kéo tới tấn công Thương Châu. Tướng canh giữ Thương Châu là Tôn Hạc. Tôn Hạc không phải là kẻ ngu ngốc, vì thế, sau khi nghe tin Lưu Thủ Văn thất bại, bèn lập con trai của Thủ Văn là Lưu Đình Tộ lên thay cha, còn mình thì dẫn tướng sĩ cố thủ Thương Châu.
Mấy tháng ròng cố thủ trong thành, Thương Châu đã hết lương thực, người trong thành phải ăn bùn đất hoặc ăn thịt lẫn nhau. Không còn cách nào khác, Lưu Đình Tộ và Tôn Hạc chỉ đành đầu hàng Lưu Thủ Quang. Tôn Hạc sau đó theo về với Lưu Thủ Quang.
Sau khi thành Thương Châu bị hạ, Lưu Thủ Quang không hề do dự ra lệnh giết chết anh trai Lưu Thủ Văn. Bởi lẽ, Lưu Thủ Quang cho rằng, trên đời này chỉ có một loại người không thể uy hiếp mình, đó chính là người chết.
Nhốt cha vào nhà lao, chiếm đoạt các bà mẹ kế, giết cả anh trai lẫn cháu ruột, có thể nói, trên đời có bao nhiêu việc bất nhân bất nghĩa, Lưu Thủ Quang đều đã làm cả.
Lúc bấy giờ, Lưu Thủ Quang gộp cả U Châu và Thương Châu thành lãnh địa của mình, thế lực ngày một lớn hơn. Không lâu sau đó, cũng giống như tất cả các ông vua khác, Lưu Thủ Quang bắt đầu tìm tới những trò hoan lạc để giải sầu.
Tuy nhiên, lúc này những trò hoan lạc thông thường không còn kích thích thần kinh của Lưu Thủ Quang nữa. Vì thế, Lưu Thủ Quang bắt đầu sử dụng khả năng sáng tạo của mình lên các hình phạt đối với tội phạm.
Lưu Thủ Quang nghĩ ra đủ thứ hình phạt để hành hạ tội nhân, trong đó có một hình phạt được gọi là lồng sắt và bàn chải sắt. Phạm nhân bị cho vào một chiếc lồng được bịt kín bằng sắt, sau đó chiếc lồng được đem nung nóng.
Chưa hết, khi phạm nhân bên trong chiếc lồng còn đang đau đớn vì bỏng rát thì chiếc bàn chải bằng sắt được đưa từ ngoài vào để cọ da mặt của họ. Hình phạt này của Lưu Thủ Quang có thể nói là khiến cho phạm nhân muốn sống cũng không được mà chết cũng chẳng xong, đau đớn khổ sở gấp ngàn lần lăng trì. Chính vì lẽ đó, người dân trong lãnh địa của Lưu Thủ Quang có thể bỏ trốn được đều bỏ trốn cả.
Làm vua ở một xứ, muốn làm gì thì làm, thế nhưng Lưu Thủ Quang cảm thấy như vậy vẫn chưa đủ. Vì thế, Lưu Thủ Quang nhiều lần mặc hoàng bào rồi hỏi những người xung quanh rằng: “Nay đất nước bị chia năm xẻ bảy, ta muốn lên ngôi hoàng đế, thống nhất cả thiên hạ, các ngươi nghĩ sao”.
Lưu Thủ Quang hỏi xong, các thuộc hạ đều im bặt, rõ ràng là họ không thể chấp nhận được. Cuối cùng, sau khi Lưu Thủ Quang nhiều lần hỏi đi hỏi lại, Tôn Hạc, vốn là thuộc hạ của Lưu Thủ Văn đã đầu hàng nhịn không nổi bèn đứng lên khuyên Lưu Thủ Quang rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp, rằng nếu như hiện tại ngài xưng đế thì những quân phiệt khác sẽ lấy cớ đó mà đem quân xâm phạm lãnh thổ của ta, rằng so với việc xưng đế, thì việc quan trọng hơn bây giờ là chỉnh đốn binh mã, tích trữ lương thảo, vỗ về trăm họ. Tôn Hạc nói một tràng khiến hứng thú của Lưu Thủ Quang bay biến cả.
Lưu Thủ Quang tạm thời không xưng đế nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng quyết định sáng suốt ấy khiến sự xuẩn ngốc rời bỏ ông ta. Trên đời này thực sự có những kẻ không chứng minh với người xung quanh là mình ngốc nghếch thì không yên.
Không tự đăng cơ làm hoàng đế thế nhưng Lưu Thủ Quang lại viết thư cho Hà Đông Tiết độ sứ là Lý Tồn Húc, yêu cầu ông ta tiến cử mình làm minh chủ của phương bắc. Lý Tồn Húc biết Lưu Thủ Quang háo danh, vì thế đã tương kế tựu kế, hợp mưu với các thế lực quân phiệt phương bắc, tôn Lưu Thủ Quang lên làm “thượng phụ”.
Vào thời cổ đại, thượng phụ là cách xưng hô thể hiện sự kính trọng, ý nghĩa là một người đáng tôn trọng như cha mình. Những người được tôn xưng là thượng phụ trong lịch sử có Khương Tử Nha và Lã Bất Vi. Tuy điều quan trọng là phải xem ai là người được người ta gán cho tôn xưng ấy.
Đổng Trác thời Tam Quốc cũng tự xưng là thượng phụ, tuy nhiên, trong cách nhìn của người đời sau, điều này mang hàm ý mỉa mai hơn là tôn trọng. Tôn xưng thượng phụ của Lưu Thủ Quang, phiên dịch theo nghĩa hiện đại chính là cha nuôi của hoàng đế.
Tuy nhiên, lúc ấy giờ, hoàng đế triều Đại Lương còn lớn tuổi hơn cả cha ruột của Lưu Thủ Quang, vì thế, quả thực không biết y muốn làm cha nuôi của ai.
Thực tế thì lúc bấy giờ có khoác cho Lưu Thủ Quang cái danh hoàng đế cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, Lưu Thủ Quang là kẻ háo danh nên những người xung quanh cứ để mặc y sống trong mộng tưởng. Đáng tiếc, sống trong mộng tưởng lâu ngày khiến Lưu Thủ Quang càng trở nên hồ đồ.
Y cho rằng, bọn Lý Tồn Húc làm như vậy có nghĩa là đã đồng ý để mình lên làm hoàng đế. Sau khi sứ giả của Hà Đông và Hậu Lương tới, thuộc hạ của Lưu Thủ Quang dùng điển lễ của quan thái úy nhà Đường để chuẩn bị lễ nhậm chức của y. Lưu Thủ Quang khó hiểu hỏi: “Vì sao lễ nghi này vẫn chưa đổi niên hiệu?” Sứ của Hậu Lương bèn thẳng thắn nói: “Thượng phụ tuy tôn quý nhưng vẫn là bề tôi”.
Câu nói này khiến Lưu Thủ Quang giống như tỉnh dậy giữa giấc mơ đẹp. Lập tức, họ Lưu nổi giận đùng đùng, nói rằng, ngôi vị hoàng đế ngoại trừ bản thân mình ra không ai có thể đảm đương được. Bọn Lý Tồn Húc quả thực là không biết điều.
Lúc này, Tôn Hạc ở bên thực sự không nhịn nổi nữa, bèn đứng ra khuyên nhủ Lưu Thủ Quang. Tuy nhiên, lần này Lưu Thủ Quang không còn hiền lành như lần trước nữa. Trong lúc tức giận, họ Lưu ra lệnh đem Tôn Hạc ra chém đầu. Hổ mà không dương oai, các người lại nghĩ ta là con mèo ốm hay sao?
Sau khi Tôn Hạc bị giết chết, không còn ai dám lên tiếng ngăn cản Lưu Thủ Quang làm hoàng đế nữa. Vì thế, vào năm 911, Lưu Thủ Quang tự lập mình làm hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Yên.
Đúng vào thời điểm đó, Lý Tồn Húc ở Hà Đông cho rằng, thời cơ chín muồi đã tới, bèn phái tướng quân là Chu Đức Uy mang quân tấn công U Châu. Lưu Thủ Quang bị cô lập ở U Châu, không có đồng minh, đành phải sai sứ giả tới Hậu Lương và Khiết Đan xin cứu viện. Tuy nhiên, cả Hậu Lương và Khiết Đan đều không muốn cứu một kẻ tiểu nhân, tráo trở bất nhân bất nghĩa như y.
Phản kháng không được, Lưu Thủ Quang chỉ đành cầu xin sự khoan dung độ lượng của Chu Đức Uy. Ban đầu, Chu không đồng ý. Sau đó, họ Lưu dùng rất nhiều vàng bạc châu báu mang tới. Chu Đức Uy tính toán một hồi, thấy so với bổng lộc mà mình có được thì số vàng bạc này nhiều gấp bội, vì thế đồng ý chuyển lời cầu xin của Lưu Thủ Quang tới Lý Tồn Húc.
Lý Tồn Húc tức giận tới tận nơi, mắng cho Lưu Thủ Quang một trận. Lưu Thủ Quang trên tường thành khóc lóc xin Lý Tồn Húc tha mạng. Cuối cùng, Lý Tồn Húc đồng ý, nếu như Lưu Thủ Quang đầu hàng thì sẽ tha mạng cho.
Thế nhưng, đúng lúc ấy thì một thuộc hạ của Lưu là Lý Tiểu Hỷ lại khuyên y không nên đầu hàng mà nên đợi thêm một vài ngày nữa xem tình thế ra sao rồi mới tính tiếp. Lưu Thủ Quang nghĩ một lúc cảm thấy lời của Lý Tiểu Hỷ cũng có lý, cho rằng, thực lực của mình cũng không yếu, nếu như tử thủ thì cũng chưa biết ai thắng ai tLý Tồn Húc nghe chuyện từ Lý Tiểu Hỷ, cảm thấy mình bị Lưu Thủ Quang bỡn cợt, ngày hôm sau liền ra lệnh toàn lực công thành. Thành bị phá, toàn bộ gia quyến hơn 300 người của Lưu Thủ Quang đều bị quân của Lý Tồn Húc bắt sống.
Tuy nhiên, một mình Lưu Thủ Quang lại chạy thoát được. Hóa ra, trước khi thành bị công phá, họ Lưu cùng hai người vợ của mình hóa trang thành dân thường chạy trốn ra khỏi thành. Tuy nhiên, chui lủi trốn tránh không được bao lâu, Lưu Thủ Quang cũng bị quân của Lý Tồn Húc bắt về.
Cũng giống như Lưu Thủ Quang, một kẻ xuất thân lưu manh như Lý Tồn Húc không bao giờ tha mạng cho đối thủ của mình. Trong thế giới lưu manh, nhân từ chính là tự đào mồ chôn mình, huống hồ, cha ruột của Lý Tồn Húc trước khi chết đã căn dặn y là phải giết bằng được cha con Lưu Nhân Cung để báo thù.
Vì thế, ngay sau khi bắt được Lưu Thủ Quang, Lý Tồn Húc đã ra lệnh giết chết họ Lưu cùng với gia quyến hơn 300 mạng người của ông ta. Cuộc đời của một ông vua bất nhân, bất nghĩa kết thúc trong tấn bi kịch ông ta tự viết nên.
Theo xahoi