Chuyện ông cựu chủ tịch xã hơn 15 năm theo đuổi vụ Huỳnh Văn Nén
Trong vụ “đại án” Huỳnh Văn Nén đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, một trong những nhân chứng quan trọng là ông Nguyễn Thận (56 tuổi) – khi đó đang là Chủ tịch UBND xã Tân Minh ( huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Với dự cảm của một người từng làm trưởng CA xã và trước những chứng cứ buộc tội Huỳnh Văn Nén còn rất mơ hồ, ông Thận đã cùng Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể Nén) và ông Huỳnh Văn Truyện (cha Nén) lặn lội nhiều lần ra Hà Nội, gặp gỡ nhiều người, nhiều cơ quan chức năng để đi tìm sự thật.
Nỗi ám ảnh ai giết bà Bông?
Gặp ông Thận ngay tại ngôi nhà mà ông sắp phải bán đi để lấy tiền trang trải cho các khoản nợ suốt hơn 15 năm ông đeo đuổi sự thật của Huỳnh Văn Nén, nhưng ông vẫn cười nói rất vui vẻ như vừa bắt được vàng.
Ông Nguyễn Thận cho biết: “Cảm xúc hiện tại của tôi là rất vui mừng vì đã tìm được sự thật, kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao khiến tôi phấn khởi, có niềm tin vào cơ quan pháp luật, đặc biệt là VKSND tối cao. Tôi sẽ đi đến cùng, tới khi Huỳnh Văn Nén chính thức được minh oan. Đó là nguyện vọng thiết tha của tôi”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, không thân thích gì với gia đình Huỳnh Văn Nén, sao ông lại bỏ cả 15 năm cuộc đời để giúp họ, ông Thận đáp: “Đối với tôi, tìm được sự thật và minh oan cho Huỳnh Văn Nén là điều mà tôi mong muốn suốt 15 năm qua và để chính tôi cũng tìm được niềm tin vào cuộc sống, tìm lại được sự tin tưởng vào cơ quan chức năng, đặc biệt là Viện KSND tối cao, và niềm tin vào công lý”.
Ông Thận cũng đã viết đơn gửi TAND tối cao và VKSND tối cao để kiến nghị làm rõ đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành – người ngồi trong tù viết đơn kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén. Trong đơn, ông Thận cho biết: Trong quá trình công tác từ 1990 – 2003, với trách nhiệm là Chủ tịch UBND xã Tân Minh, tại địa bàn xã xảy ra hai vụ án giết người hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Đó là vụ án vườn điều năm 1993 và vụ giết bà Lê Thị Bông năm 1998…
Chân dung ông Nguyễn Thận.
Hành trình 16 năm ròng rã kêu oan của ông Huỳnh Văn Nén
Sau khi nhận được đơn của Nguyễn Phúc Thành tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông, chứ không phải là Huỳnh Văn Nén đang thi hành án chung thân được hơn 15 năm, UBND xã đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền và tôi đã trực tiếp vào TPHCM gặp ông Nguyễn Xuân Phát – Phó Chánh án TAND tối cao xét xử phúc thẩm ở phía Nam và ông Đinh Thế Trạc – Viện trưởng Viện KSND tối cao xét xử phúc thẩm tại TPHCM.
Video đang HOT
“Từ lá đơn tố cáo không được giải quyết đó, với lương tâm, trách nhiệm của một người cán bộ, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi câu hỏi: Ai đã giết bà Bông? Chính vì vậy, suốt 15 năm qua, tôi vẫn mải miết đi tìm câu trả lời, cùng thân nhân gia đình Huỳnh Văn Nén giải oan cho ông Nén”, ông Thận nói.
Khi là Chủ tịch UBND xã Tân Minh, H.Hàm Tân (1990 – 2003) ông Nguyễn Thận đã trực tiếp chỉ đạo CA xã phối hợp với cơ quan chức năng thu thập tài liệu của 2 vụ án nghiêm trọng và qua quá trình đó, ông thấy có nhiều vấn đề bất cập trong quan điểm của CQĐT.
Chính vì vậy, lúc tiếp nhận đơn thư tố cáo của Nguyễn Phúc Thành, ông Thận đã trình tập thể ban thường vụ, sau đó viết văn bản gửi các cấp có trách nhiệm, làm rõ nội dung đơn thư tố cáo có đáng tin cậy không, để không bỏ lọt tội phạm và nhanh chóng minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén.
Từ đó tới nay là 15 năm, ông Thận kiên trì theo đuổi và giúp ông Huỳnh Văn Truyện (cha ruột của Huỳnh Văn Nén) tới gặp luật sư bào chữa miễn phí ở Hà Nội. Mặc dù có những lúc bi quan, chán nản, bởi tờ trình gửi cơ quan bảo vệ pháp luật hơn 13 năm mà không ai tới hỏi, không có cơ hội minh oan cho ông Nén, tuy nhiên, cuối cùng tiếng “kêu cứu” đã được cơ quan chức năng để ý và dẫn tới kháng nghị giám đốc thẩm mới đây.
Bị nhồi máu cơ tim, vẫn đeo đuổi sự thật
Hiện ông Thận đang sinh sống một mình tại mảnh đất sắp không còn thuộc sở hữu của ông. Ông Thận ngủ rất ít. Ông ăn uống cũng rất ít. Trên cơ thể gầy còm chỉ có bộ râu kẽm là hằn rõ lên trên gương mặt gân guốc. Mỗi khi nói chuyện xúc động, ông lại vộc tay vào túi áo, lấy mấy viên thuốc màu hồng, tống thẳng vào miệng và nuốt. Ông Thận giải thích: “Đây là thuốc chống nhồi máu cơ tim, nó có tác dụng ngay lập tức!”.
Vốn bị bệnh nhồi máu cơ tim, nhưng ông không ngại ngùng, vẫn hăng hái ra Hà Nội cùng anh Huỳnh Trung Nghĩa (anh rể Nén), kêu oan cho Nén. Anh Nghĩa cũng đã phải bỏ cả công việc đưa cha vợ ra Hà Nội kêu oan cho em vợ. “Có lần xe đi ra tới Hà Tĩnh thì tim lên cơn đau đột ngột, anh Nghĩa đề nghị đưa tôi vào bệnh viện, nhưng vì cần đi gấp để kịp cuộc hẹn với luật sư và nhà báo tại Hà Nội, tôi cố gồng mình, dùng thuốc cá nhân “thủ” sẵn trong túi uống. Một lúc sau thấy đỡ, chúng tôi lại lên đường. Giờ nghĩ lại vẫn còn sợ!”, ông Thận vừa nói vừa nhoẻn miệng cười.
Anh Nghĩa kể: “Lúc đó tình thế cũng nguy cấp, chưa biết nên làm thế nào thì ông Thận đã tự xử lý được, nên chúng tôi lên xe đi tiếp, nhưng cảm giác thì vừa mừng, vừa lo. Sau này, khi nhận được bản kháng nghị giám đốc thẩm của VKSTC, tôi thấy những gian khổ trước đây của tôi, của anh Thận, của ông già hơn 90 tuổi Huỳnh Văn Truyện được đền đáp”.
Trước đó, khi biết tin 9 người trong vụ án “vườn điều” được trả tự do, ông Thận cũng đã bật khóc vì mừng. Từng là chủ tịch UBND xã Tân Minh hơn chục năm, khi cơ quan điều tra bắt giam những người trong 2 vụ án trên, ông Thận đã trực tiếp thảo công văn, ký tên, đóng dấu gửi đi khắp nơi để kêu oan giúp họ.
Chính ông Thận đã xin nghỉ phép để đưa cha ruột Huỳnh Văn Nén là ông Huỳnh Văn Truyện (90 tuổi) từ Cà Mau đi Hà Nội gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho con trai. Để có chi phí, ông già 90 tuổi này đã phải cầm cố 6 công đất ở xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau lấy tiền cùng ông Thận ra Hà Nội.
“Tôi biết khi tôi làm đơn kêu oan cho những người dân chẳng thân thuộc, họ hàng là tự mang rắc rối vào người. Bởi suy cho cùng, khi minh oan được cho những người dân vô tội cũng đồng nghĩa với việc chứng minh sai phạm của những người từng cầm cân nảy mực. Đó là chưa nói đến việc, với kẻ thủ ác thật sự, tôi sẽ là cái gai trong mắt họ…”, ông Thận tâm sự.
Ở đây còn có câu chuyện buồn về những đứa trẻ là cháu nội, ngoại của bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ vợ Huỳnh Văn Nén), khi cha, mẹ vướng vào vòng lao lý. Không chỉ lo kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, ông Thận còn lo lắng cho con cháu của đại gia đình bị vướng vào án oan này. Cha đi tù, mẹ bỏ đi. Không thể để những đứa trẻ lăn lóc ngoài đời, ông Nguyễn Thận – Chủ tịch xã Tân Minh ngày ấy – đã đưa cả 7 đứa trẻ vào làng SOS (Gò Vấp, TPHCM). Có thời gian, 3 người con của Huỳnh Văn Nén đều được ông Thận đưa vào làng trẻ em SOS để sinh sống, những đứa trẻ lớn hơn thì phải tự bươn trải để sống.
Theo Bao Lao đông
Vụ Huỳnh Văn Nén: Hé lộ những uẩn tình trong hành trình kêu oan
Trong phiên tòa xét xử mình, Nén thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và bị kết án tù chung thân. điều lạ là Nén có làm đơn kháng cáo, nhưng chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên do hết thời hạn nên đơn kháng cáo của Nén không được xem xét. Song cũng từ đó hành trình đi tìm công lý và sự thật của người thân Nén mới bắt đầu vào cuộc "trường kỳ"...
Dòng xoáy số phận và tình tiết bất ngờ
Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận đưa vụ án giết người, cướp tài sản tại xã Tân Minh (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) ra xét xử. Nạn nhân là bà Lê Thị Bông (người địa phương). Theo những người theo dõi phiên tòa, Nén cúi đầu suốt phiên xử và chỉ ngẩng đầu lên khi trả lời các câu hỏi của tòa. Nén cũng thừa nhận chính mình là hung thủ giết bà Bông. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử "Vụ án vườn điều" mà Nén cũng là một trong số các bị cáo, Nén đã kêu oan và cho rằng mình bị đánh đập, ép cung, mớm cung, buộc phải nhận tội.
Huỳnh Văn Nén ra tòa ngày 31/8/2000 với nhiều tội danh: Giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý phá hoại tài sản công dân. Ngoài ra Nén còn được xác định liên quan đến "vụ án vườn điều" sáu năm trước đó. Với chừng đó tội danh, ai cũng cho rằng Nén phải lĩnh mức án cao nhất. Một chi tiết khác khiến nhiều người dân thị trấn Tân Minh cho rằng, Nén không hoàn toàn vô tội, đó là khi chị Hồng (con nạn nhân Lê Thị Bông) vào gặp Nén trong trại tạm giam, đã hỏi Nén có phải là người giết mẹ chị hay không thì Nén không trả lời, chỉ cúi mặt nhìn xuống chân mình.
Điều đặc biệt là cứ khi có người thân vào thăm nuôi thì Nén liên tục kêu oan. Theo vợ nạn nhân thì Nén có yêu cầu vợ kêu oan cho Nén. Nén cũng tin một ngày mình được minh oan và về bù đắp cho vợ con. Nay vụ án đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao, nhiều người tin rằng vụ án sẽ rõ ràng, để mọi người phải tâm phục, khẩu phục và hơn nữa là không làm oan người vô tội, song không bỏ lọt tội phạm. Với kháng nghị giám đốc thẩm theo thủ tục tố tụng, giả định nếu sau này Nén được minh oan thì sẽ là vụ minh oan độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng Việt Nam: Bị kết án oan đến hai lần, trong hai vụ án khác nhau. Dù được minh oan trong "vụ án vườn điều" nhưng Nén lại được xác định là hung thủ trong vụ án mà theo cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận là do Nén gây ra.
Trên thực tế, nếu không có tình tiết bất ngờ là việc anh Nguyễn Phúc Thành (trú tại KP 2, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) viết đơn tố cáo hung thủ giết bà Bông là người khác, chứ không phải Nén, thì vụ án có lẽ đã được khép lại. Khi vụ án được lật lại, VKSND Tối cao xác định vụ án không bắt quả tang, chứng cứ buộc tội, chứng cứ thu được tại hiện trường... được cơ quan điều tra làm sơ sài, không đối chứng. Dấu chân thu được tại hiện trường không khớp với dấu chân của Huỳnh Văn Nén. Ngoài ra, VKSND tỉnh Bình Thuận còn thay thế cáo trạng số 84 ngày 27/7/2000 bằng cáo trạng số 84 ngày 16/8/2000, nhưng bản án hình sự sơ thẩm số 96 ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận lại căn cứ vào cáo trạng đã bị VKSND tỉnh thay thế để xét xử, cáo trạng này lại không có trong Hồ sơ xét xử(?!).
Tiết lộ thông tin từ những lá đơn kêu oan của bố Huỳnh Văn Nén
Bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ Nén, trú tại KP 2, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cho biết: "Trong phiên tòa đầu tiên do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử, anh Nén đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, nhưng trong mắt anh Nén luôn tỏ ra sợ hãi. Sau này khi đi thăm nuôi được anh Nén cho biết mình không dám chối tội vì tòa Bình Thuận là "sân nhà". Anh chờ đến phiên tòa do TAND Tối cao xét xử mới kêu oan và tố cáo hành vi ép cung của điều tra viên".
Bà Cẩm cũng cho biết, Nén ngoài là người nát rượu ra thì là một người thông minh, ăn nói mạch lạc và khôn ngoan. Bà Cẩm chia sẻ: "Tôi không tin anh Nén có tội vì anh bình thường hiền lành. Vì gia cảnh nghèo khó, lại không biết thủ tục nên không thể kêu oan cho chồng, để chồng chịu oan sai trong nhiều năm trời".
Bà Nguyễn Thị Cẩm (vợ phạm nhân Nén) không tin chồng mình có tội.
Trong lá đơn cầu cứu khẩn cấp của ông Huỳnh Văn Truyện (89 tuổi, bố Nén, ngụ Cà Mau) gửi các cơ quan chức năng ngày 16/9/2000 thể hiện, 11 ngày sau khi Nén bị kết án chung thân, ông Truyện có đến trại giam Công an tỉnh Bình Thuận để thăm Nén nhưng không được cán bộ trại cho phép gặp, chỉ cho gửi quà thăm nuôi. Đến ngày 15/9/2000 (ngày cuối cùng trong thời hạn kháng cáo của Nén) nhưng tòa vẫn chưa nhận được đơn kháng cáo của Nén. Hoảng hốt vì thời gian làm đơn kháng cáo gần hết, ông Truyện chạy đến nhà luật sư N.N.K. để nhờ luật sư vào trại giam hỗ trợ, giải thích cho Nén hiểu để làm đơn kháng cáo, nhưng không được hỗ trợ.
Cũng theo đơn của ông Truyện, khi không nhận được sự giúp đỡ của luật sư, ông Truyện tiếp tục vào trại nơi giam giữ Nén để xin gặp lãnh đạo trại để trao đổi việc kháng cáo cho Nén. Ông Truyện cho rằng, Nén bị tâm thần thể nhẹ, chưa có tiền án, lại có công khai báo cho công an làm rõ một vụ án quan trọng khác, nên mong cán bộ trại chấp nhận nhưng ông Truyện vẫn bị cán bộ trại giam từ chối.
Sau đó ông Truyện đã liên tục làm đơn kêu oan cho con trai hàng chục năm trời. Thậm chí ông đã nhờ ông Nguyễn Thận (thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Tân Minh) cùng mình ra Hà Nội để trình các đơn từ, chứng cứ lên các ngành chức năng nhằm minh oan cho Nén. Từ đó đến nay, hơn 16 năm kêu oan ròng rã, ánh sáng công lý đã chiếu đến tấm lòng của ông. "Chưa biết Nén có được minh oan hay không, nhưng tôi luôn tin thằng Nén vô tội. Tôi chỉ mong nó được minh oan trước khi tôi về với tổ tiên. Tôi tin nó vô tội là vì trong những lúc có người thân vào thăm nó đều kêu oan, đều nói mình không phạm tội và nhờ người thân minh oan cho mình", ông Truyện nói.
Ông Truyện (cha ruột phạm nhân Nén) bức xúc vì đơn thư của ông hàng chục năm không được các cơ quan chức năng để ý.
Cùng đồng hành với ông Huỳnh Văn Truyện trong việc kêu oan cho phạm nhân Nén, ông Nguyễn Thận cho biết: "Dấu hiệu oan sai của vụ án có từ 14 năm trước qua việc Nguyễn Phúc Thành tố cáo người khác là hung thủ, tuy nhiên chi tiết ấy không được TAND tỉnh Bình Thuận để ý và "ỉm" luôn suốt hàng chục năm qua. Nếu không có việc Quốc hội tiến hành các biện pháp cải cách tư pháp và Chủ tịch Quốc hội nêu vụ Nén làm ví dụ thì có lẽ vụ án đã đi vào quên lãng".
Thời điểm xảy ra vụ án, ông Thận là Chủ tịch UBND xã Tân Minh, vụ án xảy ra ngay gần trung tâm xã nên ông đã xuống theo dõi vụ án và nhận thấy một số điều bất hợp lý. Sau này cùng với lá đơn của Nguyễn Phúc Thành tố cáo người khác giết bà Bông nên ông càng tin phạm nhân Nén vô tội.
Nhiều người kêu oan cho Huỳnh Văn Nén
Trong suốt hành trình hơn 16 năm ròng rã kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, đã có không ít người, từ người thân của Nén đến người không thân thích đã đồng lòng cùng Nén kêu oan. Đến nay, vụ án được lật lại, hy vọng phạm nhân Nén được giải oan đã đến gần, dù cho còn nhiều điều mơ hồ, nhiều tình tiết vụ án năm xưa chưa được giải mã. Ai là những người kêu oan cho Nén sẽ được chúng tôi đề cập trong kỳ tiếp theo.
CÔNG THƯ
Theo_Đời Sống Pháp Luật
10 số phận trong một đại gia đình tan nát vì vướng án oan Để thoát án tử hình, Nén khai cả 9 người trong gia đình vợ tham gia giết người trong vụ án "vườn điều". Từ lời khai này, 3 thế hệ trong một gia đình và cả Nén bị kết án. Sau khi ông Huỳnh Văn Nén khai nhận giết bà Bông, điều tra viên tiếp tục buộc Nén khai nhận cùng với gia...