Chuyện ở ngôi trường không có… giáo viên nữ
Để “cõng chữ” qua một con núi cao lên đến gần 1500m cho học trò phải là một kỳ tích, có lẽ cũng bởi thế mà 7 năm qua, ngôi trường phổ thông Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) chỉ có bước chân của những người thầy.
Nhọc nhằn “cõng chữ” lên non
Đã từng nghe chuyện kể về những người thầy ở ngôi trường Cao Sơn là những “người hùng hiện đại” thế nhưng chỉ khi vượt qua ngọn núi cao ngút ngàn bằng con đường mòn rộng chừng vài gang tay lởm chớm những khối đá nhô lên nhô xuống mới vào được với Cao Sơn (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) thì tôi mới chợt hiểu người ta đã nói không sai.
Gọi là đường cho sang chứ thực ra chỉ là một vài lối mòn từng có bước chân con người qua lại. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, chỉ cần sơ ý trượt chân có thể sẽ rơi xuống độ cao cả vài trăm mét. Bởi thế mà nhiều người lần đầu đến Cao Sơn rồi sợ đến mức không bao giờ dám quay lại nữa.
Gian nan đường đến Cao Sơn.
Già làng ở đây cho biết, ngày xưa nếu có việc phải xuống xã, họ phải đi bộ cả một ngày trời, còn bây giờ đã dễ đi hơn nhiều rồi nên cụ già và trẻ nhỏ nơi này chỉ biết đến Cao Sơn là cả một thế giới.
Nói như vậy để có thể hiểu phần nào nỗi nhọc nhằn với nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng của những người thầy miền xuôi đã “cõng chữ” qua con núi ấy đến với học trò dân bản. Và cũng dễ hiểu vì sao ngôi trường phổ thông Cao Sơn từ khi thành lập cho đến bây giờ chưa hề có bước chân của một giáo viên nữ nào.
Trường phổ thông Cao Sơn được thành lập từ năm 2006 đến nay. Dường như biết nữ giới không thể đủ sức chinh phục ngọn núi cao chọc trời để đến với học trò ở một nơi “thâm sơn cùng cốc” như Son Bá Mười nên cũng không có giáo viên nữ nào được phân công lên đây công tác.
7 năm trôi qua, nhiều thầy ở lại, nhiều thầy cũng bỏ bản mà ra đi chỉ còn lại ở ngôi trường này 18 thầy giáo tâm huyết và kiên cường, ngày ngày cần mẫn, miệt mài gieo cấy những “mùa chữ” trên mảnh đất cao chọc trời với vô vàn những khó khăn, thiếu thốn.
Phải nói bao nhiêu con chữ mà các thầy truyền đến với học trò Cao Sơn là bấy nhiêu sự hy sinh. Nói như thế mà vẫn cảm thấy như ngôn từ chưa diễn tả hết được. Chỉ có đặt chân lên mảnh đất ấy, mới thấy hết được nỗi vất vả, gian truân mới thấy sự hy sinh của những thầy giáo nơi này là vô bờ.
Gặp các thầy, tôi cứ thắc mắc mãi về sức mạnh nào khiến các anh có thể leo qua ngọn núi ấy và ở lại cho đến bây giờ. Như đụng đến những tâm tư tình cảm mà những người trồng người trên mảnh đất này lâu nay cất giấu, ai cũng muốn dốc bầu tâm sự.
Khó khăn chồng chất khó khăn, các thầy vẫn bám trường, bám lớp mang chữ đến với học trò.
Thầy hiệu trưởng Trịnh Văn Dũng (quê Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã gắn bó với ngôi trường từ khi bắt đầu dựng lên trường. Từ những ngày đầu mới tốt nghiệp, thầy đã gắn bó với mảnh đất, với ngôi trường và những học sinh nghèo vùng cao thế nhưng chỉ khi lên với Cao Sơn, thầy cũng mới thấy đây mới chính là khó khăn.
Video đang HOT
Với bao vui buồn, bao khó khăn nhưng khi được hỏi đã có giây phút nào thầy nản lòng mà muốn rời bỏ nơi này để ra đi không thì thầy cười rồi khẳng định chắc chắn rằng “chưa từng có ý nghĩ đầu hàng”.
Thầy Dũng kể: “Năm đầu tiên lên đây, trường lớp làm gì được như bây giờ mà chỉ là những căn nhà dựng tạm bằng tranh tre nứa, giáo viên cũng phải dồn hết lại ở chung để nhường chỗ cho các cháu học. Đêm nằm cảm nhận rõ từng tiếng gió thốc vào trong. Mùa hè còn đỡ, mùa đông khí hậu ở Cao Sơn lúc nào cũng trung bình dưới 10 độ, có nhiều khi nhiệt độ chỉ còn 0 độ, đụng tay vào nước đã cảm nhận thấy đau rát thấu xương. Không những thế điện, nước, sóng điện thoại… tất cả đều không có. Đó là chưa kể đến việc những năm đầu tiên, học sinh chưa chịu đến trường đi học. Mỗi ngày các em lại đến ít đi”.
Thức ăn trong này cũng thật là hiếm hoi, mỗi lần về dưới xuôi, các thầy lại chật vật cõng nào gạo, nào cá khô, tép khô… Đường đi đã khó, mang theo những đồ đoàn như vậy lại càng khó hơn. Có nhiều khi trời tối rồi mà vẫn chưa vào được đến trường, các thầy đành dùng gậy khua tìm đường, mò mẫm đi trong đêm.
Khó khăn chồng chất khó khăn là thế, nhưng khi hỏi động lực nào để các thầy có thể ở lại đương đầu với nó để mang con chữ đến với học trò thì các thầy cười bảo đó là “cơ duyên” rồi dần dần quen. Tôi thì đã không nghĩ vậy, phải có một trái tim đầy tình yêu và sự nhiệt huyết vô bờ với học trò nơi này mới có thể khiến các anh dũng cảm hy sinh. Và có lẽ giây phút nhìn thấy học sinh run bần bật, đầu trần, chân đất đến lớp, hình ảnh ấy khiến tình yêu thương xóa tan nỗi nhọc nhằn.
Không có điện, ban ngày các thầy phải tranh thủ soạn giáo án sau những giờ lên lớp.
Do đi lại khó khăn nên trước đây có khi mấy tháng các thầy mới về dưới xuôi một lần. Bây giờ các thầy bảo đường đã dễ đi hơn trước, đoạn từ chân núi lên cũng đang được làm nên có thể về xuôi nhiều hơn. Có một điều mà hầu hết các thầy đều tâm sự đó là ai ở trên này về cũng cần phải nói dối vì sợ những người thân của mình lo lắng.
Thầy Trần Ngọc Hải ngay từ khi ra trường đã được phân công về đây giảng dạy. Tâm sự về công việc của mình, anh trải lòng: “Bao nhiêu khó khăn là vậy thế nhưng mình và anh em ở đây khi về là trút bỏ hết những suy nghĩ, những mệt mỏi ở trường. Không bao giờ phàn nàn với bố mẹ hay vợ con nơi mình công tác khổ ra sao, vất vả thế nào. Lần nào cũng vội vã trở về rồi lại vỗi vã lên đường. Thời gian trên đường nhiều hơn thời gian ở nhà”.
Tình yêu dân bản
Không chỉ gieo chữ cho học trò, các thầy ở ngôi trường Cao Sơn này còn có nhiều nhiệm vụ hơn thế. Nếu trong làng có công việc gì lớn như đám cưới, đám ma, dựng nhà… các thầy lại là những nhân vật không thể thiếu.
Mùa màng đến, sau những giờ lên lớp, các thầy lại vào bản làm giúp bà con. Yêu thương các thầy, những năm gần đây học sinh đã không còn bỏ học. Trường lớp càng ngày càng đông học sinh hơn, không còn chuyện phải đi vận động như năm đầu tiên dựng trường.
Các thầy phân công nhau để chuẩn bị bữa ăn.
7 năm đương đầu với nhiều khó khăn thử thách tưởng như khó lòng vượt qua, các thầy đã càng thêm gắn bó với mảnh đất như là máu thịt của mình. Hơn 30 năm làm nghề Sư phạm, thầy Vi Văn Hoan (54 tuổi) đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ không chịu được gian khổ, khó khăn nên phải bỏ nghề. Gắn bó với Cao Sơn gần chục năm, mái đầu thầy đã hoa râm, đôi bàn tay chai sạn vì chống gậy băng rừng. Tuổi cao, nhiều lần thầy Hoan định xin chuyển công tác nhưng rồi như có một sự níu kéo nào đó không định nghĩa nổi, thầy vẫn ở lại. Nấn ná mãi thầy bảo thôi thì vài năm nữa đến tuổi nghỉ hưu thì về luôn.
Ngôi trường phổ thông Cao Sơn nằm sau những dãy núi cao chọc trời.
Một buổi chiều cuối năm trong tiết trời lạnh cắt da nơi mảnh đất mù sương này, tôi vẫn cảm nhận thấy có ánh lửa ấm áp trong mắt của các thầy khi bước trên bục giảng. Ánh mắt ấy khiến chúng tôi hiểu vì sao các anh đã cống hiến cả tuổi trẻ cho nghiệp nhọc nhằn cõng chữ lên non…
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Mật mía "cháy hàng" ngày cận Tết
Những ngày cận Tết, các lò làm mật mía ở Thanh Hóa chạy đua với thời gian nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường. Năm nào cũng vậy, cứ khoảng từ 23 tháng Chạp, tình trạng "cháy hàng" liên tục diễn ra.
Mật mía là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền đối với người miền Trung, đặc biệt là người Thanh Hóa. Mật mía dùng để chấm bánh chưng, làm bánh gai... Ở xứ Thanh nổi tiếng có làng mật mía ở Thạch Thành. Năm nào cũng vậy, dù "chạy" hết tốc độ nhưng cứ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, các lò mật luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Người làm mật cứ khoảng giữa tháng 10 âm lịch là bắt đầu vào mùa cho đến tháng 2 sang năm. Hàng trăm tấn mật mía được làm ra nhưng thường không đủ để phục vụ người tiêu dùng.
Về xã Thành Kim, Thạch Sơn (Thạch Thành) những ngày này sẽ bắt gặp hình ảnh người làm mật tất bật chuẩn bị cho dịp Tết, rộn ràng những chuyến xe ra vào lấy hàng của khách mang đi khắp nơi trong và ngoại tỉnh.
Công đoạn đầu tiên của việc làm mật mía là ép lấy nước
Nghề làm mật mía của người dân nơi đây có từ thời những năm 60. Các cụ cao niên trong làng cho biết mảnh đất này do cư dân ở xã Hoằng Lý (Hoằng Hóa) lên định cư rồi mang theo nghề. Từ đó, bao đời nay cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nghề làm mật trở thành một nghề không thể thiếu đối với bà con mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngày xưa khi mới bắt đầu làm, người dân phải dùng đến sức trâu bò mới ép được mía lấy nước. Những năm gần đây do kỹ thuật hiện đại, máy ép mía ra đời, sức người được giải phóng.
Để có được sản phẩm mật mía thơm ngon, điều đầu tiên phải nói đến là nguyên liệu mía phải đạt đến độ chín, cây mía phải săn chắc, ngọt lịm, độ đường cao. Trên mảnh đất Thạch Thành này, cây mía được trồng rất có năng suất và đảm bảo cho ra lò những sản phẩm mật thơm ngon.
Để mật thơm ngon cần phải canh chừng bếp lửa, không được để lửa quá to hoặc quá nhỏ
Việc nấu thành phẩm cũng là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật đạt tiêu chuẩn. Ông Nguyễn Văn Tuất (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn), người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nấu mật của làng chia sẻ: "Sau khi ép được nước mía ra là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Quá trình nấu mật mía quan trọng nhất là giữ lửa trong lò luôn ổn định. Bởi thế trong quá trình nấu phải luôn luôn canh chừng".
Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy, lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và công sức nhất. Ở công đoạn này, yêu cầu người nấu phải luôn đảo liên tục và đều tay. Khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm mật bị trào thì mật sẽ có màu đen, mật kém thơm ngon. Khi nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được.
Vào những này, khách đến nhà ai cũng có thể thưởng thức món trà chát pha với mật. Vị chát của chè kết hợp với mật mía tạo nên một hương vị rất lạ, rất riêng.
Trong quá trình nấu phải luôn gợn cặn
Riêng phần cặn của những nồi mật sau khi nấu xong được giữ lại làm kẹo hoặc bánh ong mời khách ngày Tết. Còn bã mía sau khi ép hết nước sẽ được tận dụng làm củi hoặc thức ăn cho trâu bò.
Mật mía ở Thạch Sơn, Thành Kim được tiêu thụ đi khắp nơi trong và ngoại tỉnh. Năm nay cũng lại như những năm trước, mới chỉ 23 tháng Chạp nhưng các lò mật đã luôn trong tình trạng "cháy hàng". Các lái buôn thường mang ô tô về chở hàng chục tấn đi bán lẻ các nơi khác.
Khi thấy mật đặc sền sệt và có màu vàng đỏ là lúc sản phẩm mật đã được hoàn thành
Nhờ có mật mía mà đời sống của bà con vùng núi này ngày một cải thiện. Giá bán một cân mật mía khoảng 12.000đ. Nhiều gia đình ở Hòn Rô nhờ làm mật mía nên đời sống đã khấm khá so với những vùng khác trong huyện. Có những gia đình trừ chi phí, có thể thu lại lãi 20-40 triệu đồng cho mỗi vụ.
Ông Đoàn Duy Phương, Phó Chủ tịch xã Thạch Sơn, chia sẻ: "Nghề truyền thống làm mật đã mang lại lợi nhuận rất cao cho bà con ở đây. Những năm gần đây đã có nhiều gia đình thoát nghèo nhờ nghề làm mật mía và những cái tết cũng ấm no hơn nhờ vào nghề này. Hiện toàn xã có 170 ha diện tích trồng mía và có 17 hộ có lò làm mật. Khách hàng mua mật từ khắp các nơi đổ về đây lấy chứ chủ không phải mang đi đâu bán cả. Mỗi vụ như vậy có tới hàng trăm ha mật được sản xuất thế mà năm nào cũng thế cứ đến cận ngày là "cháy hàng" liên tục".
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Một phụ nữ tự vẫn vì không thể trả món nợ tiền tỷ Do chưa có tiền trả nợ, bị chủ nợ luôn gây sức ép, bà Lê Thị S. (55 tuổi, trú xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã treo cổ tự vẫn. Vào khoảng 10h ngày 17/1, người nhà phát hiện bà S. treo cổ ngay trong phòng ngủ bằng một sợi dây điện. Gia đình bà S. kinh doanh vật liệu...