Chuyện những nàng dâu ‘hoá giải’ mối quan hệ với mẹ chồng
Vốn là những nàng dâu miền Nam, trước khi quyết định lấy chồng miền Bắc, họ đã suy nghĩ rất nhiều, thậm chí còn đăng ký tham gia các buổi học ngoại khóa để chuẩn bị “hành trang” tốt nhất…
Cho chặng đường làm dâu của mình. Nhưng rồi chính những trải nghiệm cuộc sống đã cho họ thấy rằng, không gì là không thể. Đôi khi, tình yêu thương và lòng vị tha sâu sắc đã phá vỡ mọi quan niệm cứng nhắc về mối quan hệ vốn bị xem là khó dung hòa và luôn ẩn chứa xung khắc này.
Mẹ chồng nàng dâu là câu chuyện muôn thuở và luôn là đề tài được mọi người quan tâm. Có người cho rằng, đây là mối quan hệ không thể hòa giải, đặc biệt là với những nàng dâu lấy chồng xa quê, có sự khác biệt lớn về lối sống, phong tục tập quán. Nhưng câu chuyện về hai nàng dâu miền Nam lấy chồng hơn cả nghìn cây số sau đây, đã cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Kim Oanh ngày càng xinh đẹp và hoàn thiện mình hơn.
Đầu tiên là câu chuyện làm dâu của chị Kim Oanh (SN 1985) quê ở TP.Hồ Chí Minh với 13 năm làm dâu Hà Nội. Chị Oanh từng được biết đến bởi mối tình lãng mạn với ông xã hơn mình cả chục tuổi. Tuy nhiên, điều người ta ngưỡng mộ ở chị nhất là cách ứng xử hài hòa, thông minh, phải đạo với mẹ chồng, gia đình chồng.
“Khi mình sinh bé gái đầu lòng, mẹ chồng vào chăm, ngày đó mình ngại nhất là đi chợ, nấu cơm. Mình không biết nấu sao cho vừa khẩu vị của mẹ. Cũng có lúc hai mẹ con va chạm quan điểm, cách sống, nhưng rồi chính mẹ là người cảm hóa mình”, chị Oanh chia sẻ.
Người mẹ chồng miền Bắc đã khiến cô con dâu “trẻ người, non dạ” như Kim Oanh phải suy nghĩ khi mỗi bữa ăn, bà luôn chuẩn bị cho cô những thức ăn riêng, đúng khẩu vị miền Nam. Điều đó khiến cô cảm động vô cùng, cô tự hứa cần phải sống sao cho đúng đạo làm con và nỗ lực tiếp thu học mọi cách xóa đi khác biệt, hòa đồng với gia đình chồng.
“Con gái tròn 3 tuổi, vợ chồng mình về Hà Nội sống. Thời gian đầu, mình khóc suốt, nhớ nhà quay quắt, thậm chí mọi thứ ở đây đều lạ lẫm. Từ ăn uống, tới nếp sinh hoạt, với mình quá xa lạ”, Oanh chia sẻ.
Video đang HOT
Cũng như bao nàng dâu trẻ khác, sáng đầu tiên vào bếp, Oanh bỡ ngỡ không hiểu nấu gì, ăn gì. Cũng may, mẹ chồng Oanh hiểu nên ân cần chỉ dạy từng tí một. Giọng mẹ chồng nhỏ nhẹ, giúp Oanh vơi đi phần nào áp lực trong lòng. Cũng chính sự cầu tiến, biết lắng nghe, tiếp thu nhanh, cô dâu miền Nam đã ghi điểm trong mắt mẹ chồng.
Một gia đình có nhiều thế hệ sẽ không tránh khỏi những xung đột. Gia đình Kim Oanh cũng không nằm ngoài quy luật đó, khi không ít lần cô và mẹ chồng có sự tranh luận gay gắt về cách chỉ dạy con cái. Những khi đó, chồng Oanh là người hòa giải. Cũng chính có sự thấu hiểu từ chồng, mẹ chồng mà mối quan hệ giữa Kim Oanh và mẹ chồng ngày càng khăng khít. Hơn 13 năm sống bên nhau, mẹ chồng Oanh đã cảm nhận được từng bước tiến trong sự cố gắng của cô và coi cô như con đẻ trong gia đình.
Kim Oanh hạnh phúc bên chồng.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Hưng (chồng chị Oanh) cho hay: “Mình nghĩ mối quan hệ nào cũng vậy, quan trọng là sự tin tưởng, yêu thương và vị tha cho nhau. Ai cũng có khuyết điểm, chẳng ai hoàn hảo cả. Mẹ chồng cũng như nàng dâu chỉ cần nhường nhịn, thấu hiểu vì sự yên ấm, phát triển của gia đình, con cái chắc chắn sẽ loại bỏ được những xung đột, va chạm”.
Khác với chị Kim Oanh, chị Mai Huệ (SN 1989) lại là một cô dâu miền Nam lấy chồng phố cổ. Dù cô gái trẻ đã lên mạng tìm hiểu, gần như thuộc lòng nếp sống của người miền Bắc, nhưng cô không khỏi sốc khi gặp phải người mẹ chồng khó tính, nghiêm khắc.
Với Huệ, có lẽ ký ức ngày đầu tiên làm dâu sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh không thể quên: “Sáng đầu tiên ở nhà chồng, do hôm trước quá mệt mỏi, mình dậy 9h và bị mẹ chồng mắng tới tấp. Chiều hôm đó, mình lỡ cho đường vào canh và bị la om sòm. Những ngày sau đó là chuyện cho quần áo chưa giặt qua đã đổ vào máy giặt, nấu cơm nhão, canh mặn… Làm cái gì cũng bị mẹ chồng mắng mỏ, nhiếc móc, có lúc mình tuyệt vọng vô cùng”.
Vốn chưa có kinh nghiệm, lại nóng nảy, nên Huệ đã cãi lại mẹ chồng và cô đã nhận được cái tát bất ngờ đúng ngày mùng 1 Tết. Sau hôm đó, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu càng trở nên căng thẳng, không ai nói với nhau một câu nào suốt hơn 1 tuần liền. Bố chồng Huệ cũng vì thế mà mặt nặng mày nhẹ với con dâu, còn anh, chị chồng cũng tỏ ra ngán ngẩm vì cô em dâu như Huệ.
Để giải quyết tình hình, Huệ đã viết tâm thư gửi mẹ chồng, cô xin lỗi về sự vụng về và thái độ hỗn láo của mình trước đó. Huệ cũng tâm sự với chồng, cô khóc trong tuyệt vọng vì không biết phải làm sao vừa lòng mẹ chồng. Chính vì dám tâm sự, dám cởi bỏ nỗi phiền muộn trong lòng, chồng Huệ đã thấu hiểu, Huệ kể: “Chồng mình đã nói chuyện với mẹ và vợ. Anh cũng mong mẹ hiểu cho con dâu khi tất bật 8 tiếng ở cơ quan và chịu không ít áp lực trong cuộc sống.
Và anh cũng mong mình hiểu mẹ tuổi đã cao, không tránh khỏi sự khó tính của tuổi già… Thật may mắn, từ hôm đó, mẹ chồng đã đối xử khác với mình. Còn mình cũng ngày càng nỗ lực hoàn thiện hơn. Mình không còn e dè như trước, nếu chuyện gì khúc mắc, mình luôn trao đổi thẳng, từ tốn với mẹ chồng.
Những ngày lễ Tết, hai mẹ con thường rủ nhau đi mua sắm, nấu ăn… Và thế là hai mẹ con ngày càng hiểu nhau hơn. Tới nay, mẹ chồng rất quý mình, thậm chí bà coi mình như con gái ruột của bà. Mình cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó”.
Chuyên gia tâm lý, Thạc sỹ Lê Thị Thảo (Câu lạc bộ Ngôi nhà & Trái Tim) cho rằng: “Mẹ chồng nàng dâu khó có thể sống cùng nhau nếu như không có sự tôn trọng, nhường nhịn và quan tâm lẫn nhau. Nếu ai cũng giữ khư khư cái tôi cá nhân của mình thì rất khó hòa hợp. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các nàng dâu, bố mẹ chồng cũng cần có sự thay đổi, tân tiến… để dung hòa cuộc sống trong một gia đình có nhiều thế hệ.
Một khi đã xảy ra xung đột, vai trò hòa giải của người chồng trong gia đình không kém phần quan trọng. Quả thực, không dễ dàng cho người chồng khi phải đứng ở giữa, nhất là sống chung dưới một mái nhà. Tuy nhiên, để giữ được thuận hoà thì rất cần người chồng tế nhị, khéo léo để cả hai bên không thấy mình bị tổn thương mà cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình”.
Theo ĐSPL
Nếu có một ngày, đàn ông phải về quê vợ ăn Tết?
Tôi đang tưởng tượng, nếu có một ngày, đàn ông phải về quê vợ ăn Tết thì sẽ như thế nào, lúc ấy, cánh mày râu sẽ nghĩ sao?
Liệu họ có bảo thủ, liệu họ có cố chấp chống lại việc này như chúng tôi đang làm, hay họ sẽ tình nguyện, chấp nhận như một quy luật của tự nhiên vậy? Tôi ao ước có ngày đó, để đàn ông trên đất nước này hiểu, không có lý lẽ gì phải bắt vợ mình về nhà nội ăn Tết suốt năm này qua năm khác một cách vô lý như thế. Hãy để phụ nữ chúng tôi có chút quyền hành và lựa chọn.
Xưa nay, vốn người ta luôn quan niệm, làm dâu là phải về ăn Tết nhà nội, dù ở đâu cũng vậy. Nên mỗi dịp Tết đến xuân về, những người con gái lấy chồng xa đầy buồn phiền, trăn trở, lo lắng không biết nên mở lời thế nào. Họ buồn vì năm nay, họ lại phải làm nhiệm vụ ăn Tết ở quê chồng. Họ chán vì lại tiếp tục một năm nữa, họ không được về quê mẹ ăn Tết.
Dần dần, chính các ông chồng đã biến việc ăn Tết của các bà vợ trở thành gánh nặng, trách nhiệm chứ chẳng phải tinh thần tự nguyện, vui vẻ gì. Họ muốn được xách vali lên và về với bố mẹ, đưa con cái về với ông bà trong dịp giao thừa. Họ muốn, bố mẹ họ cũng được coi trọng như nhà chồng, không có chuyện cứ lo toàn bộ cho nhà chồng xong mới nghĩ tới nhà bố mẹ đẻ.
Đến ngày lễ Tết, phải nghĩ công bằng cho đôi bên. Nay về nội, mai về ngoại, thế nhé, là hợp tình hợp lý nhất. (Ảnh minh họa)
Đàn ông thường khó chịu khi vợ mình chống đối việc về quê vợ ăn Tết vì bản thân họ cho rằng, việc đó là việc phải tuân theo. Nhưng nếu có một ngày, quy luật thay đổi, đàn ông phải về nhà vợ ăn Tết, họ sẽ có suy nghĩ thế nào?
Liệu rồi họ có chống đối như vợ của họ hay họ chấp nhận tất cả, chấp nhận một cách danh chính ngôn thuận. Họ có hưởng ứng không hay họ cũng sẽ quyết liệt phản đối? Chắc chắn là, đàn ông không muốn về quê vợ ăn Tết, vì với họ, gia đình họ mới là nhất, là nơi mà họ muốn thực hiện trách nhiệm của một người đàn ông, làm con trong gia đình. Trong thâm tâm đàn ông, người nào cũng gia trưởng và ích kỉ và luôn nghĩ, vợ là phải nghe theo chồng, chồng đi đâu, vợ đi đó...
Sai rồi các anh. Bây giờ, xã hội tân tiến, đừng biến những bà vợ thành cái máy nghe theo mình. Cũng không có quy định nào bắt các bà vợ phải ở nhà chồng ăn Tết rồi khi nào rảnh rang mới được về nhà mẹ đẻ. Thân làm phụ nữ, chúng tôi chán ngây chán ngấy cái quy định này lắm rồi. Chúng tôi thành thật mong cách anh nghĩ thấu đáo và hiểu, chúng tôi cũng có cha, có mẹ, cũng muốn được sum vầy như các anh vậy thôi. Nên đừng bắt chúng tôi phải thực hiện trách nhiệm làm dâu mà chúng tôi đã thực hiên suốt cả năm trời. Đến ngày lễ Tết, phải nghĩ công bằng cho đôi bên. Nay về nội, mai về ngoại, thế nhé, là hợp tình hợp lý nhất.
Các anh cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ. Rồi sau này còn có con gái, các anh làm cha, làm mẹ cũng mong muốn con cái sum vầy mỗi dịp xuân sang. (ảnh minh họa)
Đừng bao giờ chỉ đạo chúng tôi, chúng tôi là phụ nữ nhưng một khi phụ nữ vùng lên thì ghê gớm lắm đấy! Không phải chúng tôi là những bà vợ ghê gớm. Chúng tôi muốn các anh phải nhìn, phải nghe, phải hiểu và phải quyết định, về ăn Tết ở nhà nội, nhà ngoại là phân chia rõ ràng và thật công bằng.
Các anh cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ. Rồi sau này còn có con gái, các anh làm cha, làm mẹ cũng mong muốn con cái sum vầy mỗi dịp xuân sang. Ngay từ bây giờ, hãy làm việc đúng để con cái mình sau này cũng có quyền tự quyết hơn trong gia đình. Thế nhé, các đấng mày râu. Chốt lại, năm nay, chúng tôi sẽ về ăn Tết quê ngoại.
Theo Khám phá