Chuyện những ‘mạnh thường quân’ trời Tây
Các trường tư ở Mỹ phát triển mạnh mẽ được cho tới nay là nhờ một chính sách thuế khóa rất chiến lược của nước này.
Lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có một trường ĐH phi lợi nhuận theo mô hình Hoa Kỳ Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). Mô hình này khác gì so với hệ thống các trường ĐH tư thục hiện có tại Việt Nam? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của GS Vũ Đức Vượng như góc nhìn tham chiếu.
Mãi đến năm 1993 Thủ tướng CP mới ban hành qui chế đầu tiên về ĐH tư thục. Qua hai quy chế tạm thời vào năm 1994, quy chế chính thức về ĐH tư chỉ ra đời năm 2000, nhìn nhận “sở hữu tập thể” và một số yếu tố phi lợi nhuận như phải có quỹ dự trữ bắt buộc, phải đầu tư vào cơ sở vật chất; nhưng vẫn cho trả lãi, hoàn trả vốn góp, v.v…
Luật GD năm 2005 và sau đó Nghị định số 75/2006 chính thức coi trường tư là một doanh nghiệp theo mẫu vì lợi nhuận: Các nhà đầu tư sở hữu toàn bộ tài sản của trường; cổ tức phân chia theo tỷ lệ vốn góp; cổ đông có quyền chuyển nhượng hay rút vốn, v.v…
Năm 2012 QH mới thông qua Luật GD ĐH và lần đầu tiên phân biệt “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”, mặc dù lằn ranh còn rất mông lung, và cả hai vẫn còn dựa vào mẫu của các doanh nghiệp hoạt động kinh tế vì lợi nhuận. (Luật GDĐH do Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ 1/1/2013.)
Vậy thế nào mới là “phi lợi nhuận”?
Ảnh minh họa
Chế độ “phi lợi nhuận” ở Mỹ
Khác với VN, các ĐH tư ở Mỹ hình thành trước các trường công; thậm chí từ trước khi lập quốc. ĐH Harvard thành lập năm 1636, hay 140 năm trước khi các nhà cách mạng tuyên ngôn độc lập với vương quốc Anh. Các trường tiên phong này thường được lập ra để dạy thần học, đào tạo lớp giáo sĩ và một số giáo viên.
Video đang HOT
Đến những thế kỷ sau, do những phát minh khoa học và các thị trường mới, họ mới phát triển sang những lãnh vực nghiên cứu khoa học, nhân văn, kinh tế và xã hội. Ngày nay, các trường ĐH tư của Mỹ chiếm khá nhiều giải Nobel về các ngành, như ta đã thấy.
Các trường công ở Mỹ được chính quyền tiểu bang trợ cấp ngân khoản hoạt động, với mục đích đào tạo ưu tiên cho công dân trong bang, do đó học phí thường có 03 hạng: Thấp nhất dành cho sinh viên của bang; cao hơn là sinh viên Mỹ từ các bang khác. Cao nhất là sinh viên ngoại quốc. Chính phủ liên bang cũng trợ cấp gián tiếp bằng hai cách chính: Học bổng hoặc vay nhẹ lãi cho sinh viên nghèo, và hỗ trợ nghiên cứu với các khoản tiền từ liên bang.
Vì ngân sách của mỗi bang trồi sụt theo kinh tế thị trường, nên hỗ trợ của chính quyền bang cũng giảm khá nhiều trong những thập niên qua. Ngân sách của ĐH California ở Berkeley, chẳng hạn, trước đây 25 năm được tiểu bang tài trợ tới gần nửa (49%) đến năm 2008 chỉ còn 27%. Ở ĐH Texas còn xuống hơn nữa, từ 39% còn 14%, v.v…
Các trường tư ở Mỹ tồn tại bằng phương thức khác: Vì không có tài trợ trực tiếp từ chính quyền, các trường này tính học phí cao hơn trường công, và đồng thời phát triển mạnh hơn các nguồn hiến tặng của cựu sinh viên, của các quỹ hỗ trợ, của các đại gia, các nhà hảo tâm và của chính người dân có cảm tình với nhà trường.
Phải nói ngay là các trường tư ở Mỹ phát triển mạnh mẽ được cho tới nay là nhờ một chính sách thuế khóa rất chiến lược của nước này: Khuyến khích những người khá giả hiến tặng cho các công trình nhân đạo, phi lợi nhuận, trong đó có các trường… bằng cách giảm hay miễn thuế trên thu nhập hay trên lợi nhuận của họ. Một công đôi việc: Thay vì trả thuế cao cho CP, họ được quyền chọn lựa đổ tiền vào cơ sở hay dự án họ thích, và còn được tôn vinh mãi mãi.
Nhưng gia đình những “Mạnh thường quân” đó có làm chủ, hay dính líu gì đến các ĐH này không? Hoàn toàn không.
Ai là “chủ” các ĐH này?
Không có ai, và mọi người trong cộng đồng. Nghe hơi “nghịch nhĩ”, nhưng rất lô-gic.
Một điều khoản rất quan trọng trong bộ luật thuế của Mỹ là điều 501(c)(3): Miễn thuế thu nhập cho các công ty “phi lợi nhuận” hay còn gọi là “bất vụ lợi” (not-for-profit corporations.)
Một vài điều cần giải thích ở đây: Tư cách “công ty” (corporation) được luật pháp công nhận có quyền giao dịch và tham gia vào các lĩnh vực trong xã hội, như một “người” (tư cách pháp nhân) và các cá nhân đứng sau đó không bị liên lụy trực tiếp về tài chính. Nói cách khác, “công ty” là một tấm bình phong để cá nhân đứng sau đó không mang trách nhiệm trực tiếp với các sinh hoạt của công ty.
Do đó, mọi cá nhân hay tổ chức muốn có tư cách pháp nhân để hoạt động trong xã hội phải đăng ký như một công ty, để tránh trách nhiệm cá nhân. Công ty có thể là “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”
Công ty “phi lợi nhuận” có mọi quyền và trách nhiệm về kinh tế như những công ty “vì lợi nhuận”: Lập khế ước, giao kèo, buôn bán sản phẩm hay dịch vụ, thuê hay sa thải lao động, tuân thủ luật lao động, đóng bảo hiểm cho công ty và cho nhân viên, trả vào quỹ an sinh xã hội, v.v… cũng như có quyền sinh lãi (tiền lời) qua các hoạt động kinh doanh của mình.
Nhưng công ty “phi lợi nhuận” không có cổ đông như một công ty thường. Tài sản của công ty phi lợi nhuận thuộc về chính công ty đó (có thể là một nhà chùa, tu viện, trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, hay một dịch vụ nào đó …) chứ không thuộc về cá nhân hay nhóm nào. Điều hành một công ty phi lợi nhuận như vậy là một Hội đồng quản trị do thành viên chỉ định hay bầu lên từng nhiệm kỳ, với trách nhiệm chính là trung thành và quản lý công ty cho hiệu quả.
Vì thế, khi công ty phi lợi nhuận bị thua lỗ, HĐQT có trách nhiệm phải tìm thêm tài nguyên hay bớt sinh hoạt cho cân bằng ngân sách. Ngược lại, khi công ty phi lợi nhuận có lời, số tiền lời này chỉ được dùng để phát huy công ty này mà thôi; không một cá nhân hay nhóm nào khác được sử dụng số lời này.
Các ĐH phi lợi nhuận ở Mỹ cũng là những công ty phi lợi nhuận, và hoạt động theo mô hình này. Khi họ được CP thừa nhận là phi lợi nhuận, không những chính nhà trường được miễn thuế trong các dịch vụ liên quan đến GD mà các nhà hảo tâm hiến tặng cho nhà trường cũng được miễn thuế trên khoản hiến tặng.
Thường thường, các trường phi lợi nhuận sử dụng những khoản tiền hay hiện vật hiến tặng một cách rất cẩn thận: Họ đầu tư số tiền này và hàng năm chỉ dùng tiền lời của những đầu tư này vào việc GD. Như vậy, số tiền hiến tặng sẽ còn mãi mãi để giúp các thế hệ đi sau. Từ chính xác của tiếng Anh là “Endowment”, không những là “hiến tặng” mà còn để dành vốn, chỉ dùng tiền lời, vào việc GD hay từ thiện.
Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, các ĐH lớn của Mỹ đã tích lũy những quỹ endowment ngoạn mục: Quỹ của ĐH Harvard, chẳng hạn, đã lên đến hơn 35 tỷ USD cách đây vài năm. Và khi nào mà các cựu sinh viên hay những người hảo tâm còn muốn hiến tặng cho Harvard thì quỹ này sẽ còn tăng thêm nữa.
Tóm lại, đó là phương thức nước Mỹ đã tạo nên và phát huy một nền GD cả công lẫn tư vững vàng, hiệu quả – tuy không phải là hoàn hảo – như chúng ta chứng kiến. Phải có chiến lược lâu dài, phải có thời gian rộng rãi, phải có chính sách khôn ngoan, và phải có những đại gia, những cựu sinh viên, những nhà hảo tâm, với tinh thần cộng đồng cao, tầm nhìn xa.
Vũ Đức Vượng
Theo_VietNamNet
ĐH Harvard chế tạo thành công thiết bị ngắt mạch lượng tử, bật/tắt chỉ bằng 1 photon duy nhất
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard do tiến sĩ Mikhail Lukin đứng đầu đã chế tạo thành công một thiết bị ngắt mạch lượng tử có khả năng bật và tắt bằng cách sử dụng 1 photon duy nhất.
Các nhà khoa học xem đây là 1 thành tựu công nghệ đột phá có thể mở đường cho việc tạo nên các mạng máy tính lượng tử với độ bảo mật vô cùng cao trong tương lai. Các thông tin chi tiết về nghiên cứu của tiến sĩ Lukin và các cộng sự đã được công bố trên tạp chí Nature số tháng 4 vừa qua.
Theo các nhà khoa học, điện toán lượng tử sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong nền công nghiệp máy tính với chỉ 1 nguyên tử duy nhất nhưng có khả năng tăng cường tốc độ xử lí, sức mạnh và tính bảo mật theo cấp số nhân so với các thế hệ máy tính hiện tại. Mặc dù tính đến thời điểm này, máy tính lượng tử vẫn chưa thật sự cần thiết đối với đại đa số người dùng nhưng đối với các nhà khoa học hoặc các chuyên gia, thì đây là công cụ cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu đòi hỏi phải xử lí, phân tích những khối dữ liệu vô cùng lớn.
"Về mặt khái niệm, ý tưởng của nghiên cứu là hết sức đơn giản: Đẩy các quy ước về việc đóng/mở công tắc bình thường lên tới giới hạn cuối cùng của nó. Có thể hiểu nôm na về những gì chúng tôi làm được ở đây chính là dùng 1 nguyên tử như 1 công tắc. Tùy thuộc vào trạng thái của nó mà bạn có thể đóng hoặc mở dòng dịch chuyển của các photon theo ý muốn. Khi nhiều công tắc được kết hợp lại với nhau sẽ vận hành như một máy tính lượng tử thật sự", Tiến sĩ Lukin cho biết.
Theo tiến sĩ Lukin, tiếp theo nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để áp dụng công nghệ trên vào các sợi cáp quang nhằm như một công cụ mã hóa với độ bảo mật vô cùng cao. Việc sử dụng các bộ ngắt mạch lượng tử sẽ cho phép truyền thông tin đi trong phạm vi từ hàng chục đến hàng nghìn kilomet một cách an toàn.
Để thực hiện điều đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển một thiết bị kết hợp các bộ ngắt mạch photon với ống chân không truyền thống. Tiến sĩ Lukin cho biết: "Từ lúc máy tính hình thành và phát triển hiện đại như ngày nay đều sử dụng các ống chân không tích hợp trong các bảng mạch. Nếu hệ thống máy tính lượng tử phát triển thì sẽ vẫn sử dụng công nghệ ống chân không tương tự để cô lập và giữ 1 nguyên tử duy nhất bằng trường điện từ".
Mặc dù được xây dựng theo phương pháp truyền thống, nhưng các con chip của nhóm nghiên cứu chế tạo lại sử dụng ánh sáng để vận hành thay vì điện. Những con chip này được trang bị công nghệ nano, về cơ bản nó có khả năng kiểm soát đường đi của ánh sáng, từ đó tạo nên các bảng mạch và kết nối với sợi cáp quang.
Sau khi các sợi cáp quang được đặt vào trong buồng chân không, các nhà nghiên cứu sử dụng một chiếc "kẹp quang học" bằng laser để "bắt" 1 nguyên tử và làm lạnh nó về nhiệt độ gần như bằng 0. Cuối cùng, nguyên tử này sẽ được di chuyển trong phạm vi vài trăm nano mét trong con chip và thực hiện nhiệm vụ đóng mở của mình.
"Để thực hiện được điều trên vẫn không hề đơn giản, nguyên tử được dùng làm công tắc phải tồn tại trong một trạng thái chồng chất đặc biệt. Trạng thái này khiến nguyên tử cực kì mỏng manh và dễ vỡ. Khi các photon va vào sẽ khiến trạng thái của nguyên tử thay đổi. Chính sự thay đổi trạng thái theo chu kì cho phép nó thực hiện nhiệm vụ như một cái van, đóng hoặc mở tùy theo trạng thái", Tiến sĩ Lukin cho biết thêm.
Hiện tại, hệ thống trên của nhóm nghiên cứu vẫn còn hết sức sơ khai. Tiến sĩ Lukin còn dự đoán rằng mô hình mạng máy tính lượng tử vẫn cần phải được tiếp tục nghiên cứu ít nhất là 1 thập kỉ tới mới có thể trở được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, những thành công ban đầu đã mở ra một viễn cảnh xán lạn về một công nghệ mạng máy tính ưu việt trong tương lai.
Theo TTVN
Khỏe nhờ bữa cơm gia đình Những buổi ăn chung của gia đình sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, bao gồm lợi ích về tài chính, về sức khỏe và về quan hệ gia đình. Nhớ thời còn là một sinh viên đầy lãng mạn ở trường dược, mê học và cũng mê chơi, ít khi nào tôi về nhà đúng giờ để quây quần với gia đình...