Chuyện nhói lòng phía sau sổ tiết kiệm 50 triệu đồng của người mẹ câm
Mười năm bỏ mặc người mẹ tật nguyền nhưng tôi không ngờ, đến lúc sa cơ, lại nhận được món quà từ bà.
Xa quê 10 năm, tôi mới về thăm lại nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Chuyến đi này rất khác, vì lâu lắm rồi, tôi không gặp lại mẹ.
Mười năm trước, vì tin vợ, tôi đã hiểu lầm mẹ, không về quê thăm bà. Gần đây, hai vợ chồng tôi ly hôn, nhiều chuyện trong quá khứ mới được hé lộ. Điều khiến tôi đau lòng nhất là việc bỏ rơi người mẹ tật nguyền của mình.
Mẹ tôi không may bị câm điếc bẩm sinh. 20 tuổi, bà có thai, bố tôi là ai, tôi không rõ, ông bà ngoại tôi càng không biết.
Tuy nhiên, thay vì trách móc, ông bà ngoại coi tôi là món quà mà ông trời bù đắp cho đứa con gái thiệt thòi. Nhà nghèo nhưng mẹ tôi vẫn quyết cho tôi đến trường, học con chữ.
Bà mò cua, bắt ốc, ăn cơm với rau mắm, nhường tôi miếng thịt. Tuổi thơ tôi thiếu thốn vật chất nhưng tràn ngập tình yêu thương. Tôi thông minh, sáng dạ, năm nào cũng được huyện trao học bổng.
Bốn năm tôi đại học, mẹ chắt chiu từng đồng, gửi lên cho tôi mua máy tính, giáo trình ngoại ngữ. Mỗi lần về nhà, thấy đôi tay mẹ thêm chai sần, đôi mắt trũng sâu, tôi xót xa trong lòng, tự nhủ, sẽ kiếm thật nhiều tiền, đón mẹ lên thành phố, phụng dưỡng mẹ.
Sau 5 năm ra trường, tôi mua được nhà, lấy vợ và đón mẹ lên ở. Chẳng ngờ, chung sống được một năm, mọi chuyện bắt đầu rối ren. Vợ tôi con nhà khá giả, căn nhà hai vợ chồng ở cũng có một nửa tiền cô ấy đóng góp.
Một lần, vợ tôi kêu mất nữ trang. Tôi bảo cô ấy tìm kĩ lại xem có nhầm lẫn gì không? Chuyện mất trộm chưa lắng xuống, đến chuyện cậu con trai 1 tuổi của tôi ngày nào cũng xuất hiện vết tím bầm, vết ngón tay cấu véo.
Video đang HOT
Vợ sụt sịt khóc lóc, cho rằng thằng bé ở nhà cả ngày với bà nội, những vết thâm tím đó không ai khác ngoài bà gây ra. Giúp việc chỉ làm theo giờ, gắn bó với cô ấy từ ngày chưa lấy chồng. Phần lớn, mọi điều nghi vấn, trách móc của vợ đều đổ dồn vào mẹ tôi.
Ban đầu, tôi một mực bênh vực mẹ. Vợ chồng tôi cãi vã. Mẹ tôi nhìn nét mặt các con, cũng hiểu đôi phần nên phiền lòng, xách đồ định bỏ về quê. Tôi giữ mẹ lại, không ngờ làm rơi túi đồ, dây chuyền, vòng vàng của vợ tôi văng tung tóe.
Vợ tôi được thể lu loa, làm ầm lên. Mẹ tôi mắt đỏ hoe, tay không ra khỏi nhà. Từ chỗ bênh vực mẹ, tôi chuyển sang ghét bỏ bà. Tôi không ngờ, mẹ có thể làm những việc đáng xấu hổ như vậy.
Tôi giận mẹ, vợ lại nói thêm vài câu, từ đó tôi nhất không về thăm bà, cho dù bà nhờ người nhắn tin hỏi thăm.
Cho đến ngày chúng tôi ly hôn vì cô ấy có người khác, công việc làm ăn cũng đổ bể. Tôi về nhà cũ dọn dẹp đồ mang sang nơi ở mới, chẳng ngờ nghe lén được vợ nói chuyện với bạn thân. Hóa ra, 10 năm tước, chính cô ấy là người đánh con và lén bỏ vàng vào túi xách của mẹ chồng, hòng vu oan cho bà, lấy cớ đuổi bà về quê.
Lúc này, chị họ hẹn gặp, đưa cho tôi cuốn sổ tiết kiệm 50 triệu đồng. Chị nói đây là số tiền mẹ dành dụm từ tiền bán lợn gà, gửi cho tôi. Mười năm bỏ mặc người mẹ tật nguyền nhưng tôi không ngờ, đến lúc sa cơ, lại nhận được món quá từ bà.
Mẹ tôi già yếu đi nhiều, đôi mắt đã lòa vì khóc nhớ con. Lòng tôi nghẹn lại… Về đến cổng, mẹ tôi ngồi đó, còm cõi, đôi mắt mờ đục hướng ra xa. Đến khi tôi khẽ cầm bàn tay mẹ, đôi mắt đó mới phấn chấn đôi chút. Tôi đã gục vào lòng mẹ, bật khóc như một đứa trẻ.
Cả cuộc đời, tôi không thể tha thứ cho bản thân vì thái độ với mẹ ngày trước. Cuộc đời này, có mẹ là một điều quý giá, mong rằng, đừng ai phạm phải sai lầm giống tôi.
Chuyện tình của cô gái xinh đẹp và chàng trai tật nguyền khiến nhiều người suy ngẫm
Đã hơn 3 năm trôi qua nhưng những người dân ở xóm nhỏ thuộc xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa vẫn nhắc lại chuyện tình cổ tích của chàng trai tật nguyền với cô thiếu nữ xinh đẹp nơi xứ Lạng như một giai thoại.
Giọt nước mắt đồng cảm
Cặp đôi rạng rỡ trong ngày cưới
Cặp vợ chồng mà mọi người vẫn gọi "chuyện tình cổ tích" giữa đời thường ấy là Đỗ Văn Đồng (SN 1991, trú ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) và Lường Lệ Giang (SN 1996, quê ở xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).
Năm 2015, trên đường tới Hà Nội, Đồng bất ngờ gặp tai nạn giao thông. Để giữ sự sống cho anh, các bác sĩ buộc phải cưa hai chân. Từ một chàng trai khỏe mạnh khôi ngô tuấn tú bỗng chốc thành tàn phế, chàng trai trẻ nhanh chóng rơi vào tuyệt vọng, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cảm mến nghị lực phi thường của chàng trai trẻ Đỗ Văn Đồng thông qua một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, cô gái xinh đẹp Lệ Giang đã chủ động kết bạn làm quen với anh. Và rồi, họ quyết định gặp nhau bắt đầu chuyện tình cổ tích.
Sau lần đầu gặp người yêu ngoài đời thực, Giang day dứt, cô khóc thương cho Đồng với số phận nghiệt ngã. Và rồi, cô quyết định cứ cuối tuần lại bắt xe buýt lên bệnh viện thăm Đồng, mua đồ ăn cho anh, nhắc anh uống thuốc, tập luyện đều đặn để mau ra viện.
"Dần dần em biết, tình cảm mình dành cho anh ấy không phải tình thương nữa mà là tình yêu. Biết anh Đồng mặc cảm và thương em, sợ em khổ khi kết hôn với anh ấy, em đã chủ động nói lời yêu thương trước. Em nguyện trở thành đôi chân của anh, sẽ cùng anh đi hết quãng đời còn lại", Giang chia sẻ.
Đứng trước tình yêu của một người con gái xinh đẹp toàn vẹn như thế, Đồng đã không bước qua được mặc cảm và dằn vặt. Nhưng rồi, tình yêu của Giang đã khiến Đồng dũng cảm đón nhận dù rằng anh biết người con gái này sẽ vô cùng thiệt thòi khi yêu anh.
Gia đình quyết liệt phản đối
Đồng lòng, đôi bạn trẻ nắm tay nhau về xin phép gia đình hai bên. Dù biết trước người thân sẽ khó lòng đồng ý với quyết định của mình nhưng Giang vẫn không khỏi sốc trước sự kịch liệt phản đối của bố mẹ, họ hàng. Nhà gái không chấp nhận chàng rể tật nguyền. Họ cho rằng Giang tuổi còn quá trẻ, chưa thể hiểu chuyện đời, hiểu tình yêu, hiểu những vất vả mà cô sắp phải đối mặt. Ngay cả mẹ Đồng cũng phản đối cuộc hôn nhân này bởi bà thương cô gái xinh đẹp, ngoan hiền này sẽ khổ khi lấy con trai mình.
Khi Giang đến chơi nhà, bà thủ thỉ khuyên Giang hãy tìm một chàng trai khác xứng đáng với cô hơn. Bà lo sợ con trai mình không thể đem lại hạnh phúc cho cô gái mới tuổi đôi mươi còn bao hoài bão, cơ hội ở phía trước.
"Em cũng không nhớ nổi đã khóc bao đêm trong những ngày ấy. Từ khi biết chuyện em muốn kết hôn với chàng trai tật nguyền, ngày nào bố mẹ, họ hàng cũng ngồi họp đến 1, 2h sáng chỉ với mục đích khuyên em dừng lại. Nhìn bố mẹ khóc, em cũng khóc theo chỉ hy vọng bố mẹ hiểu cho tình cảm của mình", Giang xúc động nhớ lại.
Rồi câu chuyện của họ được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, bên cạnh những lời chúc phúc, ngưỡng mộ tình yêu của đôi bạn trẻ thì cũng có không ít lời bình luận khiếm nhã. Vượt lên trên mọi lời dị nghị, tình yêu của họ vẫn âm thầm cháy mãnh liệt. Sau bao khó khăn, cuối cùng tình yêu ấy cũng làm lay động lòng người. Kết quả, họ được hai bên gia đình chấp thuận. Có lẽ chưa có ngày vui nào, chưa có cuộc se duyên nào mà đẫm lệ đến thế, cả người đến dự và họ hàng hai bên của cô dâu, chú rể đều trào dâng nước mắt.
Đến giờ, Đồng vẫn không thể quên được hình ảnh khi đến nhà gái rước dâu: Bố mẹ, anh chị em họ hàng lúc tiễn cô dâu về nhà chồng đã khóc như mưa. Trong những đôi mắt ấy có cả sự thương yêu, cảm phục và lo lắng cho đôi vợ chồng trẻ.
Niềm vui về chung một nhà
Cả hai hạnh phúc bên đứa con nhỏ đáng yêu
Tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ ấy thêm khăng khít, vẹn tròn khi cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm ra đời. "Em đã từng suy nghĩ rất nhiều về tương lai và những rào cản mà em phải đối mặt, nhưng khi nghĩ đến anh và con em lại có động lực vượt qua tất cả. Tuổi đời em còn ít, chưa nếm trải nhiều điều trong cuộc sống nhưng em chưa bao giờ nghĩ lấy một chàng trai tật nguyền là quyết định sai lầm trong cuộc đời mình. Bao năm qua, em vẫn nguyện là một nửa của cuộc đời anh, là hơi thở, là đôi chân đồng hành bên anh suốt cả cuộc đời", Giang tâm sự.
Từ một người con gái được cha mẹ bao bọc, giờ đây để vun đắp cho gia đình nhỏ, Giang không nề hà việc gì, từ buôn bán quần áo đến phụ giúp công việc gia đình. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn trong đám cưới cổ tích ngày nào nay đã trở thành người vợ, người mẹ mạnh mẽ, hết lòng chăm lo cho gia đình. "Rất nhiều người hỏi em làm sao để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Em đơn giản chỉ nghĩ rằng, phải bình tĩnh để giải quyết mọi việc. Dẫu có vất vả khó khăn nhưng em luôn tin điều kỳ diệu sẽ đến với chúng ta nếu ta yêu thương bằng trái tim chân thành", Giang tâm niệm.
Đỗ Chang
Cảm ơn người đàn bà làm cho tôi hiểu 'đời này bánh đúc có xương' Nhìn dáng dì tất tả lúc dưới bếp, lúc lên nhà với bộn bề công việc mà tôi chỉ muốn ôm lấy dì để nói rằng: 'Dì ơi, dì là người mẹ thứ hai của chị em con. Chúng con ơn dì nhiều lắm!' Hôm nay nếu nội sang thăm, tôi sẽ nói với nội yên lòng vì: 'Đời này bánh đúc có...