Chuyện nhí nhố ở “trung tâm tìm mộ”
Với những gia đình ngồi một lúc không thấy “vong lên”, đám đệ tử, gồm cả đàn ông, đàn bà, gồm cả thanh niên có khuôn mặt bặm trợn đi đến. Họ ngồi xuống cạnh những người phụ nữ mắt đang nhắm nghiền rồi luôn mồm gọi “vong”, yêu cầu “vong” lên giao lưu với gia đình. Họ gọi “vong” mà cứ như gọi con nít, lúc dỗ ngon dỗ ngọt như thể nhử ăn kẹo, lúc cáu gắt chửi bới om xòm.
Sự việc chị Cấn Thị Lâm (Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội) tử vong vì bị… “vong nhập”, rồi tiếp đó là cả đại gia đình nhà chị bị “vong hành” khi đi “gọi vong” ở Hà Nam, khiến không ít nhà khoa học giật mình. Một số nhà khoa học ngạc nhiên không chỉ bởi hiện tượng “vong nhập” gây chết người, mà còn bởi các “trung tâm áp vong” hiện mọc lên nhiều quá.
Sau vụ chết người này, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tâm linh mới biết cái gọi là “trung tâm tìm mộ” đã tồn tại ở Hà Nam từ khá lâu rồi.
Cảnh nghỉ trưa ở “trung tâm tìm mộ” của “ cậu Hồng”.
Tôi đã về làng Câu Tử (xã Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) để tìm hiểu và nhận thấy rằng, việc “áp vong”, tìm mộ tại “khu vườn cậu Hồng” cũng giống như rất nhiều nơi “áp vong” khác. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi có tới cả ngàn người tụ tập mỗi ngày ở khu vườn, trong sân rộng lợp tôn nóng hầm hập, tràn ra ngoài ngõ ở nhà “cậu Hồng”. Ô tô, xe máy xếp thành hàng dài cả km, từ đầu đến cuối làng. Cảnh tượng này chả khác gì cảnh tụ tập chữa bệnh ở “khu vườn Long An” gây ầm ĩ dưa luận mấy năm trước.
“Cậu Hồng”, còn gọi là “anh Hồng”, thực ra là một người đàn bà mới ngoài 40 tuổi. Tên thật của chị ta là Trần Thị Thành, sinh ra, lớn lên rồi lấy chồng tại xã Châu Sơn.
“Cậu Hồng” vốn là người đàn bà bình thường, lam lũ như những người phụ nữ khác trong làng, cũng cày cấy, mò cua bắt ốc ngoài đồng. Thậm chí, để có miếng ăn, “cậu Hồng” thường đi gánh gạch thuê trong những ngày nông nhàn.
Chen chúc chờ đợi “vong” nhập
Đùng một cái, cách đây mấy năm, Thành phát bệnh tâm thần, bỏ đi lang thang, nói năng lảm nhảm. Đang tâm thần, tự nhiên lại tỉnh và tuyên bố rõ ràng: “Con Thành vất vả lam lũ đã chết rồi, giờ chỉ có “cậu Hồng” mà thôi!”.
Nghe chị ta tuyến bố thế, lúc đầu chả ai hiểu gì, nghĩ chị ta bị hoang tưởng. Chị ta cứ lảm nhảm kể rằng, quê hương vốn ở miền Trung, tên là Hồng, sống bằng nghề ăn mày. Hồi nhỏ, theo mẹ ăn mày ra Hà Nam, bị chết đuối. Chết thảm quá, nên linh hồn không siêu thoát, cứ vất vưởng ở dương gian. Mới đây, “cậu bé” đã chiếm được thân xác của chị Thành rồi biến thành “anh Hồng”. Từ đó, chị ta yêu cầu mọi người gọi là “anh Hồng” hoặc “cậu Hồng”. “Cậu Hồng” lập bàn thờ, dựng điện rồi tuyên bố có khả năng tìm mộ, áp vong.
Cứ gật gù như say rượu, chứng tỏ… “vong” đã nhập.
Video đang HOT
Có đến 99% số nhà ngoại cảm, thầy bói, “người giời” đều tự vẽ cho mình một quá khứ bất hạnh, đau khổ, mất mát, một biến cố suýt chết, rồi bị linh hồn hoặc thánh thần nhập vào mượn xác ra tay… cứu nhân độ thế. Mô-típ cuộc đời của nhà ngoại cảm nào cũng giống nhau và chỉ có mô-típ đó là thời thượng nhất, chiếm được lòng tin của những người bình thường.
Cũng như một số “trung tâm áp vong” hoạt động khắp cả nước, các gia đình muốn gặp gỡ, giao lưu với thế giới âm, chỉ việc đến bản doanh của nhà ngoại cảm rồi ngồi đó chờ đợi vong nhập.
Thời kỳ mới hoạt động “áp vong”, “người giời” thường hướng dẫn các gia đình tỉ mỉ từng bước chuẩn bị, rồi trực tiếp họ làm các động tác “mời vong” về dương thế nhập vào người sống. Tuy nhiên, một thời gian sau, lượng người đến đông quá, một mình “người giời” làm không xuể, thì các đệ tử ra tay giúp sức. Chẳng lẽ, đệ tử cũng là những “người giời” nốt?
Để phục vụ cả ngàn người tìm đến mỗi ngày, “cậu Hồng” không thể đáp ứng xuể, do đó, đám đệ tử làm thay.
Ai cũng khát khao được âm dương gặp gỡ.
Khi đến “trung tâm tìm mộ” của “cậu Hồng”, các gia đình ngồi quây thành vòng tròn, khoanh chân, tay bắt khuyết. Họ thành tâm cầu nguyện, kêu gọi vong linh người chết về để âm dương gặp gỡ.
Có gia đình vừa ngồi thành vòng tròn, “vong” đã ào ào tìm về nhập tứ tung cả, song cũng có gia đình ngồi mãi mà chả thấy “vong” đâu. Với những gia đình ngồi một lúc không thấy “vong lên”, đám đệ tử, gồm cả đàn ông, đàn bà, gồm cả thanh niên có khuôn mặt bặm trợn đi đến. Họ ngồi xuống cạnh những người phụ nữ mắt đang nhắm nghiền rồi luôn mồm gọi “vong”, yêu cầu “vong” lên giao lưu với gia đình. Họ gọi “vong” mà cứ như gọi con nít, lúc dỗ ngon dỗ ngọt như thể nhử ăn kẹo, lúc cáu gắt chửi bới om xòm.
Chả hiểu đám đệ tử của cậu Hồng có tài năng pháp thuật gì, mà chỉ bằng mấy câu nói, thậm chí chửi bậy tục tĩu, mà triệu được cả “vong” dưới âm phủ về, dưới địa ngục lên, ở trên trời xuống! Có lẽ, vong hồn cũng sợ bị đám đệ tử của “cậu Hồng” mắng nhiếc, nên vâng lời răm rắp!
Đệ tử của “cậu Hồng” quan sát xem “vong” đã lên hay chưa.
Mỗi ngày, “cậu Hồng” chỉ làm việc 8 tiếng, đúng như cán bộ Nhà nước làm việc. Ngoài giờ hành chính “cậu” chui vào trong nhà, khóa cửa chặt, nhất định không gặp ai, không tiếp ai. Ngày xưa, “cậu” chỉ làm ban đêm, vì ban đêm mới linh, “vong” dễ về. Thế nhưng, khách đến đông quá, xe cộ ra vào khiến xóm làng ầm ĩ, nhiều người phản đối, nên “cậu” mới chuyển sang làm ngày.
Giờ nghỉ trưa, tôi tranh thủ bắt chuyện với những người đến “trung tâm tìm mộ” của “cậu Hồng” để hỏi han. Tất cả trong số họ đều có niềm tin chắc chắn về khả năng đặc biệt của “cậu Hồng”. Rất nhiều câu chuyện tìm được mộ liệt sĩ được những người đến đây kể vanh vách. Nhưng những câu chuyện chỉ là “ông cùng xã, bà cùng thôn vừa mới đưa liệt sĩ về nhờ “áp vong” ở nhà cậu…”.
Qua các câu chuyện, tôi thấy phần lớn mộ tìm được qua “áp vong” ở đây chỉ là những bộ cốt trong nghĩa trang vô danh (không thể chắc chắn), hoặc những nắm đất tượng trưng đào được dưới lòng đất. Tôi không nghe được bất cứ một câu chuyện mang tính xác thực cao nào. Tôi đã từng có nhiều lần đi theo các nhà ngoại cảm tìm mộ giữa rừng, nhưng thứ tìm được chủ yếu là… tổ mối. Các nhà ngoại cảm đều bảo rằng, mấy chục năm trôi qua, xương cốt bị mối ăn hết rồi. Thế là, các gia đình bốc đám đất trăng trắng bỏ vào túi, lấy lá cờ đỏ sao vàng quấn lại, hương khói nghi ngút, khóc lóc vái lạy như mưa.
Chẳng cần tìm hiểu, tôi cũng biết chắc rằng, cái gọi là “trung tâm tìm mộ” của “cậu Hồng”, tức Trần Thị Thành là trung tâm tìm mộ… chui! Chẳng có chính quyền, cơ quan nào lại đi cấp phép cho một người để làm cái việc đầy tính ma mị như thế này. Ông Trần Chung Châu, Trưởng Công an xã Châu Sơn thì xác nhận sự bất lực của chính quyền địa phương với “trung tâm tìm mộ” quái dị của “cậu Hồng”.
Mỗi ngày có cả ngàn người tứ xứ đổ về, xe lớn xe bé, ai ai cũng mang theo lòng thành kính với tổ tiên, với liệt sĩ, thì chính quyền sao làm được cái việc nhẫn tâm là xua đuổi họ đi. Trong khi chính quyền xã xin ý kiến của cấp trên, thì “trung tâm tìm mộ” của “cậu Hồng” vẫn tiếp tục công việc cao cả là giúp hàng ngàn người dương thế gặp… người chết và biến không ít người bình thường thành người điên loạn, thần kinh
Theo VietNamNet
"Vong nhập là lừa bịp, thần kinh"
Những người tự nhận mình nhìn thấy vong, là con của thần thánh bị xếp vào nhóm bệnh nhân mắc "Hội chứng lên đồng" - một nhóm bệnh nằm trong bảng phân loại về các loại bệnh tâm thần đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào mục F44.3.
Bác sỹ Ngô Văn Côn: "Người tự nhận mình nhìn thấy vong bị xếp vào nhóm bệnh "Hội chứng lên đồng"".
Để có câu trả lời rõ hơn về chân dung của các "nhà ngoại cảm bịp", phóng viên PLVN đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, y bác sỹ về các mánh lới lừa đảo triệu vong, gọi hồn.
Triệu vong bằng cách... dùng hóa chất gây ảo giác
Người đầu tiên đồng ý trả lời PLVN về đề tài đầy nhạy cảm này là Bác sỹ Đỗ Thanh Tuấn - Phó trưởng Khoa Nội 2, Viện Y học hàng không.
Theo Bác sỹ Tuấn, khi một người nào đó thành tâm đi đến gặp ông đồng, bà cốt với mục đích là gọi hồn, triệu vong thì tâm tưởng của người đó đã bị ám ảnh bởi chuyện vong nhập, hồn về.
"Đặc biệt, nếu người đi gọi hồn, triệu vong có niềm tin lớn vào những người mình cậy nhờ giúp đỡ chuyện gọi hồn, triệu vong thì sự ám ảnh đó càng lớn. Thường thì nó rơi vào những người thần kinh yếu, sức khỏe không tốt, chủ yếu rơi vào phụ nữ. Chính xác thì đó là một dạng tự kỷ ám thị" - Bác sỹ Tuấn nói thêm.
Đáng chú ý, Bác sỹ Tuấn còn hé lộ: "Sau khi người đi gọi hồn, triệu vong đã bị tự kỷ ám thị, những đối tượng đồng cốt tự xưng là mình có khả năng triệu vong, gọi hồn thường dùng một loại hóa chất. Hóa chất này có tác dụng gây ảo giác, kích động tâm lý gây ra sự hoảng loạn, xúc động. Đây là một thủ thuật tương đối phổ biến".
Khi được hỏi những nhận định trên lấy căn cứ từ đâu, Bác sỹ Tuấn thẳng thắn nói: "Nếu là ý kiến cá nhân hay là kết luận của một công trình khoa học mới nghiên cứu thì tuyệt nhiên tôi không dám nói.
Tuy nhiên, những nhận định nêu trên là những kiến thức kinh điển của ngành y học. Hiện nay, ở hầu hết các trường dạy về Y, khi giảng giải về thần kinh, các giảng viên đều có đề cập tới vấn đề này theo quan điểm nêu trên. Đó là chưa kể quan điểm nêu trên cũng được đưa vào sách dạy về Y học thần kinh cho sinh viên".
"Người tự nhận mình nhìn thấy vong là mắc bệnh tâm thần"
Nhận định gây sốc nêu trên là của Bác sỹ Ngô Văn Côn - Phó trưởng khoa Nữ, Bệnh viên Tâm thần tỉnh Thái Bình.
Theo Bác sỹ Côn, những người tự nhận mình nhìn thấy vong, tự xưng mình là con của thần thánh bị xếp vào nhóm bệnh "Hội chứng lên đồng" - mục F44.3 trong Bảng phân loại Bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
"Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình có khoảng hơn 10% các bệnh nhân vào điều trị chứng tâm thần phân liệt có biểu hiện hoang tưởng, nghĩ mình nhìn thấy ma quỷ, mình là con của thần thánh. Sau quá trình điều trị kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý để động viên, giải thích, hầu hết các bệnh nhân này bình thường trở lại" - Bác sỹ Côn cho biết thêm.
Băn khoăn, hoài nghi
Trong khi đó, từ khi loạt bài "Nhà ngoại cảm với biệt tài gây... tai họa" được khởi đăng, Đường dây nóng 0982559911 Báo PLVN liên tục nhận được các cuộc gọi điện từ bạn đọc trong cả nước. Trong đó, một bạn đọc ở Bình Dương tỏ ra lo lắng: "Gia đình tôi cũng từng cất công về nhà "cậu" Hồng để tìm mộ cho một người chú hy sinh thời chiến tranh.
Qua theo dõi những bài đăng trên quý báo, tôi nhận được ra rằng người áp vong cho phóng viên chính là người đã áp vong cho gia đình tôi. Đến giờ, chúng tôi thực sự băn khoăn, suy tư rất nhiều về ngôi mộ đã tìm được".
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Thanh Toàn - một cựu quân nhân quê ở Hải Dương cho hay: "Riêng trong họ nhà tôi đã có vài trường hợp đến nhà "cậu" Hồng nhờ tìm mộ. Đó đều là những nắm đất chứ không hề có xương cốt. Bây giờ, chúng tôi phải sống trong hoài nghi: Liệu đó có phải là những ngôi mộ của người nhà mình hay không?
Nếu sớm biết phải mang nỗi hoài nghi này, gia đình tôi đã không đi tìm mộ. Thông qua Báo PLVN, tôi muốn nhắn gửi tới mọi người: Việc tìm mộ liệt sỹ là một hành động rất đúng với đạo nghĩa của dân tộc ta.
Tuy nhiên, trong hành trình này, chúng ta cần phải có những căn cứ nhất định rồi mới kết hợp với những phương pháp khác như ngoại cảm để tìm mộ. Nếu không thì hãy thành tâm hướng về những người đã khuất và để cha anh chúng ta hòa vào đất rừng của Tổ quốc".
Ngoài những trăn trở kể trên, PLVN còn nhận được những ý kiến phản hồi tâm huyết của các nhà khoa học, nhà tu hành và cả... các nhà ngoại cảm khác. Chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc những nội dung này trong các số báo tiếp theo.
Theo Pháp Luật VN
Tang thương, hoảng loạn vì ngoại cảm Trong bài viết trước, PLVN có đề cập đến trường hợp chị Cấn Thị Nhung phải nhập viện tâm thần sau khi trở về từ nhà "cậu" Hồng. Tuy nhiên, tai họa đến với chị Nhung như vậy còn... chưa là gì bởi trong hành trình cậy nhờ "cậu" Hồng, có người đã... bỏ mạng! Khách thập phương chầu trực tại nhà "cậu"...