Chuyện nhà ông Nguyễn Vinh Phúc
Ngày mà năm bố con thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc (sau này là nhà Hà Nội học nổi tiếng) tay xách nách mang nào quần áo, nào chăn màn, sách vở, đồ dùng học tập lếch thếch sang Gia Lâm sơ tán theo trường cũng là lúc cô bé Nguyễn Thị Viền đang học lớp 4 trường làng.
Mấy hôm trước bố đi họp đội sản xuất về đã thông báo: nhà ta sắp có người đến ở sơ tán, nên Viền và anh trai phải biết ý tứ khi có thầy giáo đến ở cùng nhà. Vì vậy, sau giờ đi làm tập thể, mẹ tranh thủ giẫy cỏ sân vườn, cổng ngõ, quét tước cho sạch bóng mọi chỗ. Viền thì được giao nhiệm vụ lấy tro bếp kỳ cọ đến sạch tinh bộ ấm chén uống trà, sắp xếp ngăn nắp sách vở. Bà nội ngả thêm một chum tương nữa. Bố Viền đóng thêm một chiếc bàn dài kê sát cửa sổ và bảo để cho thầy giáo làm việc. Tất cả những việc ấy được làm chỉ bởi lời bố bảo: Sắp có thầy giáo đến ở nhà ta!
Học sinh rời lớp, đội mũ rơm, xuống giao thông hào ngay khi có kẻng báo động – Ảnh tư liệu
Học làm trẻ con nông dân
Ngày thầy giáo Phúc và bốn người con trứng gà trứng vịt đến nhà là ngày mà Viền vui đến mức chỉ muốn chạy sang hàng xóm khoe. Nhưng nhà hàng xóm nào cũng có người từ nội thành sang sơ tán nên nhà nào cũng vui. Nhất là đám trẻ con như Viền. Chẳng đứa nào còn nghĩ đến chuyện Mỹ ném bom và đứa trẻ con nào đi học cũng phải mang theo mũ rơm và túi cứu thương nữa. Cứ có khách là vui đã. Trong nhà có khách, đôi khi có lỗi bố cũng không mắng nhiều, không đánh bằng roi vì còn nể khách.
Không cần đến nửa ngày, Viền và những đứa trẻ con nhà thầy giáo Phúc đã ngay lập tức trở nên thân thiết. Cả mấy chị em cùng kéo nhau ra vườn nhặt cỏ, trồng rau và ra đồng mót lúa. Trẻ con dễ trở nên thân thiện.
Ngôi nhà ba gian của bố mẹ Viền được dành hẳn một gian có giường, có phản cho mấy bố con thầy giáo Phúc. Mọi đồ đạc trong nhà được dọn dẹp tinh tươm, những món nào chiếm nhiều diện tích thì được chuyển xuống bếp. Gian nhà của mấy bố con thầy giáo Phúc nhờ vậy mà sạch sẽ gọn gàng hơn. Hằng ngày ở bên này cửa sổ, Viền vừa mở sách học bài vừa vểnh tai sang bên phía cửa sổ bên kia để nghe thầy Phúc giảng bài cho chị Trinh (con gái lớn). Nghe giảng và lẩm nhẩm đọc theo. Thầy Phúc thấy đứa trẻ nhà chủ chịu khó nghe giảng vậy cũng cố nói to hơn một chút để nó nghe rõ.
Video đang HOT
Mùa đông, rau khúc mọc đầy trên ruộng cạn. Những lá rau khúc mỏng manh, phủ một lớp lông tơ trắng mượt. Chân trần giẫm trên cuống rạ. Mấy đứa trẻ sung sướng ngắt từng ngọn rau khúc, bất chấp những giọt sương lạnh buốt hay những cuống rạ đâm vào làn da chân tím tái. “Hồi ấy rau khúc nhiều lắm, mùa đông mọc đầy trên những cánh đồng cạn” – bà Viền nhớ lại. Rau khúc dùng để làm bánh khúc. Rau khúc nhặt về giã nát, trộn với đậu xanh đồ chín cùng thịt lợn để làm nhân. Vỏ bánh được làm bằng gạo nếp ngâm kỹ. Nhưng hồi ấy khó khăn, đến gạo tẻ để ăn còn không đủ thì lấy đâu ra gạo nếp. Mấy đứa trẻ hái rau khúc rồi trộn với bột mì làm bánh khúc chia nhau ăn.
Rồi những lúc rảnh rỗi khác, Viền hay dẫn Vân Anh ra đồng bắt cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho gia đình. “Bởi chị Trinh lớn, sắp học cấp III rồi nên ba Phúc bắt chị học cả ngày, không cho đi chơi”. Hai đứa trẻ mỗi đứa cầm theo một cái rổ, một cái giỏ nhỏ, xắn quần lưng bắp chân đi xúc tép kho cà. Thỉnh thoảng cũng bắt được ít cá diếc to, bà bỏ vào nồi đất kho tương. Ngon lắm. Cũng bởi sự chăm chỉ của mấy cô bé mà bữa ăn trong nhà thỉnh thoảng được cải thiện chút đỉnh. “Những người nông dân ở đó quá tốt. Suốt mấy năm đi sơ tán mà lúc nào họ cũng đối với chúng tôi như khách. Trọng thị và yêu thương” – chị Nguyễn Thị Trinh, con gái thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc, nói.
Từ trái sang: bà Nguyễn Thị Viền, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Trinh trở thành chị em một nhà sau chuyến sơ tán cách đây 40 năm
Nếu không có ba Phúc và 6 năm sơ tán…
Câu chuyện của rất nhiều gia đình sơ tán đã dừng lại vào đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết. Nhưng câu chuyện giữa những đứa trẻ của gia đình thầy giáo Phúc và cô bé Viền vẫn chưa dừng lại.
Bởi chị Trinh học hơn Viền một lớp, thế nên mỗi khi chị đọc bài, học bài, Viền lại vểnh tai lên nghe để học lỏm. Thầy Phúc thấy vậy gọi Viền sang giảng thêm cho Viền những bài văn hay, những câu thơ đẹp và giảng giải cho Viền cả những tích xưa trong và ngoài sách. Cũng nhờ có trường sơ tán, lớp sơ tán và những đứa trẻ Hà Nội sơ tán mà những đứa trẻ trong làng như Viền đã có cơ hội được học nhiều hơn. Ngoài giờ làm đồng giúp bố mẹ thì chúng ganh đua nhau để được học như những đứa trẻ ở Hà Nội. Và những đứa trẻ từ Hà Nội về, ngoài việc học lại ra đồng nhặt cỏ, phơi lúa giúp nhau.
Gần hết đợt sơ tán, có đoàn văn công về tuyển Viền làm diễn viên. Bố Viền, một nông dân chính cống, rất muốn con cái thoát ly khỏi cuộc sống ruộng đồng đã nói chuyện với thầy Phúc, đại ý xin thầy một lời khuyên về việc có cho con bé theo đoàn văn công không. Thầy Phúc nói: Con bé thông minh, sáng dạ, nên cho nó đi học tiếp lên cấp III.
Hòa bình, năm bố con thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc trở về Hà Nội, mang theo cả cô bé Viền lúc ấy vừa vào lớp 8. “Bố tôi bị bệnh, trước khi mất nhờ ba Phúc chăm lo cho tôi. Ba Phúc nhận lời và nói tôi sẽ là đứa con thứ 6 của ba” – bà Viền nói.
Học hết cấp III, thi vào Đại học Y, Viền tốt nghiệp và đi làm. Ngôi nhà ở số 72 Ngô Quyền (Hà Nội) trở thành nhà của Viền cùng các anh chị em con thầy giáo Phúc. “Tôi nghĩ cuộc đời tôi sẽ không được như hôm nay nếu không có ba Phúc và sáu năm sơ tán. Ba Phúc chăm lo cho tôi từ nhỏ, đến cả khi lấy chồng, mỗi khi gặp chuyện gì bế tắc tôi đều tìm đến ba như một người bạn lớn” – bà Viền tâm sự.
Bây giờ thì bà Viền đã nghỉ hưu. Cả hai người con gái khác của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng thế. Họ vẫn gặp nhau hằng tuần để chia sẻ chuyện gia đình, công việc, con cái. Vẫn ríu rít như chim khi nhắc về những kỷ niệm cách đây hơn 40 năm.
Còn nhớ khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn sống, có lần ông kể: “Gia đình tôi sơ tán ở chùa Keo Gia Lâm cách Hà Nội 20km cùng với cả trường. Nông dân của ta rất tốt, chào đón và dành những điều kiện tốt nhất cho người sơ tán: dành nhà to, từ đường cho người sơ tán ở, còn gia đình mình thì ở nhà ngang, nhà bếp. Ngay trong cuộc sống cũng có sự tương trợ: có miếng ăn ngon cũng nhường cho những người sơ tán, có rau ngoài vườn thì cho ăn chung, đi tát đồng được ít cua cá cũng chia cho đồng bào…
Những điều đó nói lên cái gì? Đó chính là tinh thần cộng đồng được đặt lên trên hết, trong khó khăn người và người chia sẻ cho nhau. Thành ra người đi sơ tán yên tâm, người ở lại nội thành cũng yên tâm, nông dân cũng hài lòng vì đã giúp đỡ được đồng bào sơ tán thực hiện chủ trương của thành phố. Tình người lúc ấy thật cao cả. Đó chính là bản sắc của người VN là tôn trọng cộng đồng, tương thân tương ái và lá lành đùm lá rách”.
Theo 24h
Lớp học thời sơ tán
Trong thời gian cao điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc, đã có khoảng 260.000 học sinh các cấp cùng 50.000 sinh viên, học sinh chuyên nghiệp rời trung tâm Hà Nội sơ tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Các em tiếp tục đến trường: học chữ, học làm mũ rơm, học làm trường, làm hầm, đào hào... Và từ nơi sơ tán, rất nhiều câu chuyện xúc động giữa thầy và trò trong hoàn cảnh khó khăn.
Chiếc mũ rơm của các em nhỏ Hà Nội thời sơ tán - Ảnh tư liệu của NXB Kim Đồng
Lớp học dưới hầm
"Thời gian Mỹ đánh phá ác liệt nhất, thầy trò trường chúng tôi được lệnh chia làm hai nhóm, một nửa sơ tán về Gia Lâm, một nửa sang mãi tận Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Về nơi ở mới, chúng tôi gần như phải bắt đầu lại từ con số không, từ việc lo cơ sở vật chất tới bố trí nơi ăn ở cho giáo viên, học sinh" - nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Anh, một trong những giáo viên của Trường THPT Lý Thường Kiệt (nay được sáp nhập vào Trường THPT Việt Đức, Q.Hoàn Kiếm) cùng cả trường đi sơ tán, nhớ lại.
Về nơi ở mới (Khoái Châu), việc đầu tiên mà thầy giáo Hoàng Ngọc Anh cùng các đồng nghiệp phải thực hiện là xây cất trường lớp. Được người dân địa phương hỗ trợ, dẫn đường, thầy trò Trường Lý Thường Kiệt cùng đốn cây đào đất, dựng các lớp học. "Gọi thế cho sang, chứ thật ra lớp học chỉ là những căn phòng tạm bợ, được che chắn bằng các tấm phên, bạt cao su".
Kỳ công hơn thì làm "vách tường" bằng cách trát bùn trộn rơm. Thậm chí không có phên, không có rơm làm vách, thầy trò Trường THPT Lý Thường Kiệt còn đào sâu xuống lòng đất chừng 1,5m như người ta đào ao nuôi cá, rồi đưa cả lớp xuống đó dạy - học.
Bàn ghế là những thanh tre, gỗ tạp được tận dụng từ nhiều thứ. Những lớp học như vậy tuy mất nhiều công sức để đào nhưng có tác dụng phòng tránh bom đạn tốt hơn, lại hạn chế gió lùa nên ấm áp hơn hẳn những lớp trên mặt đất. Vậy là hàng chục phòng học kiểu này đã ra đời trên địa bàn sơ tán. "Nhưng dù bằng cách nào thì mỗi lớp vẫn phải đảm bảo có đủ hầm trú ẩn cá nhân, có giao thông hào để khi nghe tiếng kẻng báo động tất cả thầy trò đều rút xuống cho an toàn" - thầy Hoàng Ngọc Anh kể.
Học sinh vùng sơ tán đào hào tránh bom - Ảnh tư liệu của NXB Kim Đồng
Đói và rét là hai thứ luôn thường trực, đeo bám thầy trò hết ngày này sang ngày khác. Thi thoảng có học sinh được người nhà ở Hà Nội mang một ít gạo, đường lên "tiếp tế" hoặc thầy cô tới tháng nhận hàng trợ cấp, lớp lại vui như tết. "Mỗi em chỉ có 1-2 bộ quần áo, mùa đông cũng như mùa hè.
Ngày nóng nực còn đỡ khổ chứ ngày rét thì lạnh thấu xương. Trong khi đó hầu hết học sinh của tôi đều đi chân đất đến trường, gió lùa tứ phía, vừa học vừa run" - thầy Ngọc Anh hồi tưởng.
Đề phòng gián điệp tìm hiểu các mục tiêu để đánh phá, những đứa trẻ ở Hà Nội được bố mẹ trang bị cho kiến thức để phòng giặc. "Ba không" là một trong những điều mà trẻ em ở Hà Nội hay đi sơ tán phải thuộc nằm lòng. Ba không là không nói, không chỉ, không trả lời khi có người lạ tìm đến nhà, hỏi đường.
Anh Nguyễn Văn Quang (Ngô Quyền, Hà Nội) cho biết: Hành trang đi học của những đứa trẻ thời chiến ngoài sách bút còn có mũ rơm và túi cứu thương, trong túi cứu thương có bông băng và thuốc đỏ. Chúng tôi được học sơ cứu, garo và băng, rửa vết thương nếu chẳng may bị bom đạn.
Chúng tôi còn được học làm mũ rơm, cài lá ngụy trang và được hướng dẫn không mặc áo màu sáng. Các bạn gái thì không dùng kẹp tóc bằng thép màu trắng, nếu dùng phải cuốn sợi len vào che đi".
Bầu trời không yên tĩnh, còn dưới đất những đứa trẻ tiểu học đối mặt với bao gian nan - Ảnh tư liệu
Mấy năm đi sơ tán ở xã Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), cứ đến cuối tuần anh Quang lại đi bộ về nhà ở Ngô Quyền. "Khi ấy nhà tôi chỉ còn mẹ, vì bố cũng đưa các em đi sơ tán cả. Cuối tuần tôi về nhà thì gặp được bố, thỉnh thoảng mới gặp các em. Mình về vì nhớ nhà thôi chứ cũng không phải mang theo lương thực thực phẩm gì. Tem phiếu thì mang nộp cho trường và ăn ở nơi sơ tán rồi".
Kể về sự gắn bó, tình cảm thầy trò từ nơi sơ tán, thầy Hoàng Ngọc Anh bảo không thể nào nhớ hết và kể hết được. Đặc biệt, một món quà rất bất ngờ từ những người học trò thân thương làm cho mình mà đến giờ khi kể lại thầy vẫn còn nguyên sự xúc động.
Trước tết năm ấy, thầy Hoàng Ngọc Anh chơi thể thao bị bong gân chân nên đã báo về gia đình không thể về vui xuân cùng bố mẹ. Hôm rước ông bà về ăn tết, thấy nhà nhà sum vầy, ngôi trường sơ tán cũng vắng hoe, thầy Anh càng thắt lòng. Nhưng chiều 29 tết thầy Ngọc Anh hết sức bất ngờ khi thấy: "Bốn em học sinh mang theo thức ăn, xe đạp và nạng xuống nơi tôi ở trọ, ngỏ ý muốn chở tôi về nhà đón tết".
Chân vẫn còn đau, đến việc sinh hoạt cá nhân còn khó khăn, nói gì tới di chuyển cả quãng đường gần 30km. "Dù đã biết sẽ ít có khả năng Mỹ ném bom trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng tôi vẫn lo. Nhỡ lúc đi đường mà lại bị bom thì không chỉ mình khổ, mà còn phiền lụy cho các em". Nhưng cuối cùng, những lời thuyết phục của học trò đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy giáo trẻ. "Năm chúng tôi vừa đi xe đạp, vừa đi bộ cùng qua sông để về nhà trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình". Trên đường đi về, tôi có hỏi các em: "Tại sao không ở nhà giúp đỡ bố mẹ?". Các em trả lời: "Tết là ngày sum họp, thấy thầy phải đón tết một mình các em cũng không vui. Bố mẹ chúng em cũng nghĩ thế!".
Ngoài những trường hợp sơ tán theo trường như THPT Lý Thường Kiệt, còn có bộ phận không nhỏ học sinh sơ tán theo gia đình hoặc theo cơ quan bố mẹ. Số này sẽ được học ghép cùng học sinh tại địa phương đến. Cùng với học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sơ cứu thương và bện mũ rơm để phòng tránh thương tích. "Trường tôi đã tiếp nhận nhiều học sinh thuộc diện sơ tán. Dù lạ người, lạ cảnh nhưng đa số các em hòa nhập rất tốt, nhiều em có kết quả học vượt trội so với học sinh địa phương" - thầy Nguyễn Duy Nghĩa, giáo viên Trường THCS Phùng Xá (huyện Thạch Thất) giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc, cho biết.
Theo 24h
Người Hà Nội rầm rập rời Thủ đô năm ấy Sau đợt bom đầu tiên mở màn cao điểm 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, khoảng 8h tối 18/12, loạt bom thứ hai đã nhằm vào xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh, HN). Mặc dù đã đoán trước, nhưng người dân Uy Nỗ vẫn không khỏi thảng thốt khi chứng kiến mức độ công phá của các loại vũ khí tối tân....