Chuyện nhà báo 3 lần đoạt Pulitzer đột tử tại ‘ổ’ Ebola
Michel du Cille, 58 tuổi, nhà báo – nhiếp ảnh gia của tờ Washington Post từng ba lần nhận giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer đã qua đời tại Liberia, nơi ông đang tác nghiệp để đưa tin về đại dịch Ebola, theo Washington Post.
Chân dung nhà báo, nhiếp ảnh gia Michel du Cille – Ảnh chụp màn hình Pulitzer
Vào thứ năm 11.12, Michel bất ngờ ngã quỵ sau khi rời khỏi một ngôi làng ở quận Salala (Liberia) để trở về nơi làm việc. Ông được đưa đến bệnh viện ngay sau đó nhưng chết trong một cơn suy tim nặng.
Tổng biên tập Washington Post, ông Martin Baron phát biểu trong một thông báo đến toàn bộ nhân viên “Tôi vô cùng đau xót khi phải thông báo rằng đồng nghiệp Michel du Cille đã qua đời khi đang tác nghiệp ở Liberia, đất nước đang phải đối mặt với đại dịch Ebola”
“Điều này thật đau đớn, chúng ta đã mất đi một người đồng nghiệp yêu quý cũng như một nhà báo tài năng. Chúng tôi trân trọng gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình của Michel”, ông phát biểu.
Ông Martin cũng nói về những tâm huyết của Michel trong công việc, anh ấy luôn đề nghị được ở lại vùng dịch Ebola mặc cho những nguy hiểm. Michel đã cống hiến hết mình cho câu chuyện về đại dịch thế giới, đó là biểu hiện của sự can đảm và lòng yêu nghề.
Bức ảnh Michel chụp một đứa bé bị bệnh nằm trước bệnh viện Redemption, Liberia ngày 13.9- Ảnh chụp màn hình Pulitzer
Trong khi đó, vào ngày 6.10, trên trang web cá nhân của nhà báo Mỹ kì cựu Nate Thayer đã đăng một bài viết về tình hình các nhà báo, phóng viên Mỹ quyết định rời khỏi Liberia vì sự khủng khiếp của Ebola. Họ gọi đây là “ngày tận thế” với “xác người la liệt trên đường”.
Tiếp đến, Nate dẫn lời Michel du Cille trong bài viết của ông “Nguyên tắc là không tiếp xúc với bất kì ai, thậm chí không bắt tay ai. Cho nên khi một người ngã quỵ và chết trên đường, không ai có thể giúp đỡ họ. Ngày qua ngày, chúng tôi luôn thấy những hình ảnh người chết nằm la liệt. Đó là lý do mọi người gọi đây là ngày tận thế”. Dù khó khăn, Michel vẫn quyết tâm quay lại Liberia vào thứ Ba 9.12.
Video đang HOT
Trước đó, ông có 4 tuần nghỉ ngơi và tham gia buổi triễn lãm ảnh quốc tế Addis Foto Festival về châu Phi, tại Ethiopia, nơi ông cũng có những tác phẩm được trưng bày.
Nhiếp ảnh gia tài năng đạt được 3 huy chương Pulitzer danh giá về lĩnh vực báo chí. Trong đó, ông được 2 giải Pulitzer khi đang công tác tại tờ Miami Herald (bang Florida) vào những năm 80. Năm 1988, ông chuyển công tác đến Washington Post.
Đến năm 2008, Michel cùng hai nhà báo khác đồng nhận giải Pulitzer thứ 3 với loạt bài phóng sự điều tra về dịch vụ y tế cho cựu chiến binh của Trung tâm y tế quân đội Walter Reed. Bức của Michel trong loạt bài điều tra về dịch vụ y tế dành cho cựu binh Mỹ đạt giải Pulitzer
Bức ảnh Michel chụp các nhân viên y tế Liberia đem thi thể bệnh nhân đi mai táng – Ảnh chụp màn hình Pulitzer
Vào năm 2007, ông giữ chức Giám đốc phòng ảnh báo chí của Washington Post nhưng đến 2012 ông trở lại làm phóng viên, và dành toàn bộ thời gian cho sự nghiệp đến bây giờ. Michel được biết đến với tài năng tái hiện chân thực hình ảnh con người qua ảnh, dù trong hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn.
Trong phần hồ sơ cá nhân của nhà báo Michel đăng trên Washing Post, ông bộc bạch rằng niềm đam mê nghề báo đến từ người cha, cũng là một nhà báo hoạt động ở Mỹ lẫn Jamaica. “Tôi luôn có hứng thú với nghề báo. Từ những năm trung học, tôi đã quyết định dấn thân vào nghề và đó là tất cả những gì tôi muốn làm”. Michel có bằng cử nhân báo chí tại Đại học Indiana và bằng thạc sĩ báo chí tại Đại học Ohio (Mỹ).
Vào ngày 10.12, tạp chí Time của Mỹ vinh danh những người chiến đấu chống Ebola là “Nhân vật của năm”. Danh hiệu dành cho tất cả những cá nhân và tổ chức trên toàn cầu đã cùng đấu tranh chống đại dịch Ebola, bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, lái xe cứu thương và cả những nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp tích cực để cập nhật liên tục tin tức về tình hình Ebola cho toàn thế giới.
Huỳnh Mai
Theo Thanhnien
"Nhân vật của năm" và cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình
Các nhân viên y tế, những người chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống lại Ebola mới đây đã được tạp chí Time bình chọn là "Nhân vật của năm". Vinh dự là một trong những khuôn mặt được xuất hiện trên trang bìa của tạp chí danh tiếng này, người lái xe cứu thương Foday Gallah ở thủ đô Monrovia, Liberia đã kể lại câu chuyện của mình trong cuộc chống lại tử thần Ebola.
Foday Gallah trên trang bìa của tạp chí Time
Vào hồi tháng 8, Foday Gallah, 33 tuổi, phải chở một cậu bé 4 tuổi từ nhà tới bệnh viện. Trước đó, anh đã đưa 7 thành viên của gia đình này đi cấp cứu, và cả 7 người đều đã tử vong. Cậu bé này là người cuối cùng.
Buổi chiều của ngày hôm đó, sau khi đưa cha, bà nội và anh em của em này tới bệnh viện, Foday lại nhận được điện thoại. Anh lái xe đi thẳng tới ngôi nhà, nhìn thấy cậu bé đang nằm thoi thóp và nôn mửa.
Người lái xe cứu thương nhanh chóng bế cậu bé trên tay và đưa ra xe, một lần nữa, bệnh nhân lại nôn thẳng vào ngực anh. Lúc này, anh mới phát hiện ra rằng, bộ đồng phục bảo vệ đang mặc không hề kín, nhưng bất chấp điều đó, anh nhanh chóng lái xe tới trung tâm điều trị của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) càng sớm càng tốt.
Ngay ngày hôm sau, Foday Gallah bắt đầu bị sốt. Anh đã uống một số loại thuốc nhưng cơn sốt vẫn không hạ. Foday tự cách ly mình với những người thân trong gia đình, và đi đến trung tâm điều trị để kiểm tra vào ngày hôm sau nữa.
Anh chia sẻ: "Tôi biết rằng cuối cùng tôi cũng đã bị nhiễm bệnh. Rất nhiều bác sĩ và y tá kiên cường trên mặt trận này cũng đã tử vong. Tôi đã cố gắng cẩn thận, nhưng Ebola vẫn không chừa tôi ra. Tôi đã chở rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh, rất nhiều người đã chết trên tay tôi. Tôi lo sợ và cầu Chúa đừng để nỗi sợ hãi đó chiến thắng."
Người lái xe cứu thương đã từng có giây phút cận kề tử thần Ebola
Foday trải qua quãng thời gian 2 tuần tại một căn lều ở trung tâm điều trị, cùng lều với anh, một em bé mới được 2 tháng tuổi đã chết vì Ebola. Và thật may mắn, Foday đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự chăm sóc tận tụy của các bác sĩ, cùng những người thân luôn bên anh lúc hoạn nạn, những người truyền cho anh sự can đảm. Đối với Foday, Ebola không hẳn là một bản án tử hình.
Vào đầu tháng 12, Foday Gallah bắt đầu quay trở lại công việc. Giờ đây Foday đã có khả năng miễn dịch với Ebola, anh có thể làm việc mà không cần phải cẩn trọng như trước kia. Với những kinh nghiệm của mình, anh đã truyền hy vọng đến cho bệnh nhân trên chiếc xe cứu thương.
Anh nói với họ: "Hãy nhìn đi, bạn sẽ không chết đâu, chúng tôi đang chở bạn tới trung tâm điều trị. Hãy lắng nghe lời khuyên của những bác sĩ ở đây và uống thuốc. Rồi bạn sẽ ổn thôi và được trở về với gia đình."
Công việc của Foday trước khi đại dịch Ebola hoành hành, đó là chở những trường hợp cấp cứu như phụ nữ mang thai, người bị tai nạn và bệnh nhân tăng huyết áp.
Nhưng giờ đây, chiếc xe làm việc không lúc nào ngừng nghỉ, khi mà trên khắp thành phố, luôn có ca tử vong. Công việc quá tải đến mức, mặc dù khối lượng công việc của lái xe cứu thương đã tăng gấp 3 lần nhưng vẫn không có đủ xe chở người bệnh ở Monrovia.
Anh nói: "Mới đây tôi đã chở 11 người tới từ khu vực Omega, họ đều đã chết. Đôi khi tôi thấy thật đau buồn khi nhìn vào ai đó và biết rằng họ đã chết. Nhiều lúc tôi muốn từ bỏ công việc này. Rất nhiều người bạn không dám tới gần vì công việc của tôi. Một số người còn liên lạc qua điện thoại nhưng họ sẽ không gặp tôi trực tiếp."
Những bệnh nhân nghi nhiễm Ebola tại một trung tâm điều trị của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới vào hồi tháng 8
Không chỉ có vậy, anh và đồng nghiệp đôi khi còn nhận được thái độ hằn học của người thân bệnh nhân khi họ không cho bác sĩ mang người bệnh đi. Các bệnh nhân thì lo sợ và khóc lóc rất nhiều. Họ khóc vì đau đớn, vì bị gia đình xa lánh.
Anh kể lại: "Tôi nhớ một trường hợp là bà cụ 70 tuổi. Khi chúng tôi tới nhà, chỉ còn bà nằm một mình trong căn hộ có 4 phòng ngủ, những đứa trẻ đã đi khỏi nhà, chồng và các thành viên trong gia đình không ai còn ở lại, chỉ còn lại một mình bà và nằm run rẩy. Tôi có thể nhìn thấy sự tuyệt vọng trong đôi mắt của bà ấy."
Foday cũng cho biết, sự kỳ thị và xa lánh là một cách hoàn toàn sai lầm trong cuộc chiến chống Ebola, đó là lý do vì sao nhiều người bị chết trước khi được họ được đưa tới trung tâm điều trị.
"Đó là kẻ thù giấu mặt mà chúng ta đang phải chiến đấu. Trong những ngày đất nước chìm trong cuộc nội chiến, không lâu trước đây, nếu như bạn nghe thấy rằng kẻ thù đang tới từ phía bắc, bạn có thể đóng gói đồ đạc và đi về phía đông. Vào ban đêm, bạn có thể thấy đạn bay, thấy những người đàn ông và những khẩu súng trên các con phố. Nhưng Ebola thì lại vô hình, không có cách nào để biết rằng cuộc tấn công tiếp theo là từ đâu."
Theo NTD
Người chống Ebola trở thành 'Nhân vật của năm' Những người trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch Ebola giành danh hiệu "Nhân vật của năm", một giải thưởng uy tín do tạp chí Time của Mỹ bình chọn. Nhân viên y tế tại một trung tâm điều trị Ebola ở Guinea. Ảnh: CNN Tổng biên tập Time Nancy Gibbs vừa công bố danh hiệu "Nhân vật của năm" 2014 thuộc...