Chuyện người phụ nữ gánh nước biển đi bán
Không kể đêm tối hay giữa trưa hè nóng nực, với đôi quang gánh và hai chiếc thùng sơn, chị cố hết sức mình gánh nước biển đi bán kiếm tiền lo miếng ăn cho con…
Trong một chuyến tác nghiệp vào cuối tháng 6 tại bãi biển Xuân Hải thuộc xã Thạch Bằng huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi đã tình cờ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ thân hình gầy gò còng lưng gánh từng thùng nước biển nặng bước từng bước chân nặng nề trên cát bỏng rát. Chị là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1979) trú tại thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, mưu sinh qua ngày bằng nghề gánh nước biển bán cho những nhà hàng hải sản ven biển.
Với chiếc đòn gánh và đôi thùng nước tự chế là những chiếc vỏ thùng sơn, dưới cái nắng cháy da, cháy thịt của miền Trung, đôi chân trần đầy những vết nứt nẻ do ngâm nước biển và dẫm trên cát bỏng, chị miệt mài đi về phía con sóng, vục đầy hai thùng nước biển rồi thoăn thoắt gánh nước lên bờ.
Công việc hàng ngày của chị Hạnh là gánh nước từ biển vào bờ bán cho các quán hải sản.
Công việc của chị không có thời gian cố định, hễ cứ có người gọi là chị vội vàng túm lấy đôi quang gánh chạy ra biển. Có những lúc chị đi gánh vào nửa đêm, có hôm gánh giữa trưa hè nóng nực. Mỗi gánh nước biển chị chỉ được trả công 7 nghìn đồng. Một ngày lao động cực nhọc chị kiếm được nhiều nhất khoảng 60 – 70 nghìn đồng. Vào những ngày mưa bão, quán hàng vắng khách, cuộc sống của gia đình chị càng thêm khó khăn hơn.
Mỗi gánh nước chị Hạnh được chủ nhà hàng trả cho 6-7 nghìn đồng
Chị Hạnh chia sẻ như muốn lý giải cho cái nghề gánh nước biển thuê của mình: “Tui sinh ra gia đình đều đi biển, lớn lên tui cũng gắn liền với biển cả, cái tuổi biết đến trường là tui ra biển nạo ngao bắt sò. Lớn lên gắn với biển bằng nghề đi chằng lưới thuê cho hàng xóm. Khi lập gia đình, chồng tui đi biển, tui ở nhà gánh nước biển thuê cho các nhà hàng ven biển. Gần đây người chồng tui mắc căn bệnh tim, mọi tài sản trong nhà như xe máy, con bê cũng phải bán sạch để lấy tiền mổ cho chồng. Giờ cả gia đình với 5 miệng ăn, chồng thì mang bệnh chưa lành, tui không có việc làm ổn định, các cháu thì phải đi học, cuộc sống gia đình càng thêm phần khốn khó”.
“Hôm nay trời nắng to, tui gánh được 80 nghìn tiền công và thằng Vũ (Vũ là đứa con trai đầu của chị Hạnh, mới 13 tuổi nhưng vẫn đi biển nạo ngao kiếm thêm thu nhập cho gia đình- PV) đi nạo ngao cũng được vài cân, có lẽ hôm nay tui mua được cân gạo và bó rau và còn dành được ít tiền để chuẩn bị đóng tiền học cho các cháu chú à”, chị Hạnh vui với niềm vui nho nhỏ.
Video đang HOT
Dù vất vả nhưng có việc để làm kiếm tiền nuôi gia đình là trên khuôn mặt chi luôn toát lên vẻ rạng ngời
Trời đã xế chiều, du khách đổ về bãi biển ngày càng đông, công việc của chị lại càng nặng nề hơn. Chưa dứt câu chuyện với chúng tôi, có người phụ nữ gọi to: “Cho gánh nước vào bể chị ơi”. Không kịp chào chúng tôi, chị liền túm lấy đôi quang gánh và đôi thùng chạy về phía biển. Chúng tôi thầm nghĩ, chắc ngày hôm nay bữa cơm nhà chị sẽ được vui hơn mọi hôm!
Anh Tấn – Tiến Hiệp
Theo dantri
Nông dân sung sướng đón "mưa vàng" sau nhiều tháng hạn nặng
Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ tối qua (21/6), trên địa bàn các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị... đã xuất hiện nhiều đợt mưa. Dù lượng mưa không lớn nhưng đủ khiến những người nông dân mãn nguyện, kịp thời giải cứu hàng ngàn ha lúa, màu đang trong cơn hạn nặng.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, từ tối qua (21/6), trên nhiều huyện thị tại địa phương này đã xuất hiện nhiều đợt mưa nhỏ, mưa vừa. Đánh giá về những đợt mưa này, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) nói rằng, đây là đợt mưa vàng bởi đã nhiều tháng qua Hà Tĩnh chưa có
Hạn hán kéo dài đã khiến một diện tích lớn đất trồng lúa tại Hà Tĩnh phải chuyển đổi sang trồng màu
Theo ông Thanh, dù lượng mưa không lớn, tuy nhiên do diễn ra trên diện rộng khiến thời tiết dịu hẳn, nên đợt mưa đã tác động hết sức tích cực đối với ngành trồng trọt tại địa phương này. Các hộ gia đình trồng đậu Hè Thu là những người vui nhất.
"Theo kế hoạch vụ Hè Thu năm nay Hà Tĩnh sẽ trồng hơn 9.000 ha đậu. Thời điểm để kết thúc việc xuống giống đậu là ngày 7/5. Do hạn hán nặng, một lượng lớn diện tích chủ yếu là ở các huyện miền núi hầu như phải bỏ hoang hoặc chuyển đổi. Trong bối cảnh đó cơn mưa tối qua và sáng nay xuất hiện khiến chính quyền và người dân nhiều địa phương rất phấn khởi. Bây giờ mới là 22/6, khi đất đai mềm hơn, thời tiết đã thuận lợi hơn, việc hoàn thành mục tiêu trồng hơn 9.000 ha đậu vẫn còn rất khả dĩ"- ông Thanh nói.
Ngoài đậu và một số cây màu khác, theo ông Thanh, lúa hạn cũng đã được đợt mưa này "giải cứu" kịp thời. "Hiện Hà Tĩnh đã gieo trồng được 90% trong tổng số 41.760 ha lúa Hè Thu. Không chỉ vùng hạn hán, mà ngay tại những vùng chủ động được nước tưới thì đợt mưa này đã làm thay đổi môi trường, độ ẩm, giúp lúa sinh trưởng tốt hơn"- ông Thanh nói.
Dù lượng mưa chưa đáng kể, nhưng đợt mưa từ tối ngày 21/6 đã giúp hàng ngàn ha lúa Hè Thu tại Hà Tĩnh được tưới mát
Tại huyện Lộc Hà, một trong những địa phương chịu hạn nặng nề nhất tại Hà Tĩnh do thiếu mưa trong khi nguồn nước tưới từ sông La nhiễm mặn nặng, người dân thở phào khi mưa xuất hiện trên diện rộng.
"Đợt mưa từ tối qua dù chưa lớn nhưng thực sự là rất quý, người dân đã phải chờ đợi quá lâu. Chưa cập nhật được số liệu cụ thể, nhưng chúng tôi tin chắc một lượng lớn diện tích lúa vừa gieo trồng đang bị ảnh hưởng của hạn hán tại địa phương đã được tưới mát. Nếu một hai ngày tới do ảnh hưởng của bão số 1 mưa vẫn tiếp tục diễn ra thì hạn hạn sẽ giảm đi đáng kể"- PCT UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn phấn chấn.
Cùng với ngành trồng trọt, những đợt mưa từ tối qua cũng đã giúp người dân buôn, trồng cây cảnh thở phào. Nhiều gốc cây trị giá tiền triệu đã được mưa, khí hậu mát mẻ giải cứu kịp thời trước những đợt nắng nóng liên tiếp.
"Đợt nắng vừa qua chúng tôi thiệt hại hàng chục, thậm chí có người còn thiệt hại vài ba trăm triệu đồng. Dù đã liên tục tưới nhưng nắng nóng đã khiến nhiều gốc cây trị giá bị chết, chúng tôi buộc phải hoàn trả tiền cho khách hàng. Hi vọng trận mưa, thời tiết mát mẻ này sẽ giúp người buôn cây cảnh như chúng tôi dễ thở hơn- ông Hoa, một người hành nghề buôn cây cảnh tại thị trấn Nghèn huyện Can Lộc cho hay.
Quảng Trị: Cơn "mưa vàng" giải nhiệt cho vùng khô hạn
Các trận mưa kéo dài trong ngày hôm qua và hôm nay đã giúp Quảng Trị xua tan cái nóng khủng khiếp kéo dài mấy tháng qua. Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Trị, lượng mưa đo được phổ biến từ 10-20 mm, nơi cao nhất là 38,8mm, riêng tại Hướng Hóa là 22 mm.
Cơn mưa kéo dài xuất hiện vào trưa nay tại địa bàn TP Đông Hà
Tại địa bàn huyện Hướng Hóa, địa phương chịu ảnh hưởng khốc liệt nhất của hạn hán khiến hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đời sống của người dân nhiều địa bàn bị đảo lộn. Nhiều hồ, đập thủy lợi bị cạn trơ đáy, hàng ngàn héc ta hoa màu, cây công nghiệp... không đủ nước tưới và bị chết khô.
Nhiều diện tích hoa màu nhờ có mưa nên đã tích đủ nước
Ở các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa), cơn mưa này giúp người dân bớt lo âu trước tình trạng cây trồng héo úa, chờ chết vì hạn.
Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho hay: dù cơn mưa nhỏ nhưng kéo dài từ tối qua đến sáng nay thực sự là cơn "mưa vàng". "Mưa giúp tạo ẩm độ trong đất, nhiệt độ không khí hạ xuống, giúp cây trồng phát triển trở lại, đồng thời mực nước ngầm tăng đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân" - ông Khả nói.
Trong khi đó, tại các xã đồng bằng, cơn mưa kéo dài gần 3h sáng và trưa nay đã góp phần "giải nhiệt" cho vùng đất này. Đợt khô hạn vừa qua đã khiến cho mực nước các hồ, đập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị cạn kiệt, trên 10.000 ha lúa và nhiều diện tích hoa màu trong vụ Hè Thu bị khô hạn. Trong đó, hơn 3.700 ha đất lúa không sản xuất được do thiếu nước tưới.
Lượng nước mưa đáng kể nói trên đã giúp cho nhiều diện tích cây trồng của bà con nông dân ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, TP Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng...có đủ nước tưới.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại một số cánh đồng thuộc TP Đông Hà, Cam Lộ, Triệu Phong,...tình trạng chân ruộng bị nứt nẻ, lúa cháy khô như đợt nắng nóng vừa qua đã không còn. Hàng ngàn héc ta lúa đã lên xanh sau khi tích đủ nước ở chân ruộng. Bên cạnh đó, nhờ trận "mưa vàng" mà gia súc cũng có được nguồn thức ăn, nước uống.
Nhờ có mưa nên gia súc cũng có được nguồn thức ăn và nước uống
Ông Ngô Quang Thắng, nông dân huyện Gio Linh, cho biết, gia đình tôi làm 5 sào ruộng lúa nhưng vụ Hè thu năm nay, do không có đủ nguồn nước nên một nửa diện tích bị bỏ hoang và không thể canh tác được. Số diện tích lúa đã gieo sạ xong cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước, chân ruộng nứt nẻ, nhưng trận mưa ngày hôm nay đã tích được nước cho cây trồng. Nhờ có mưa nên đất đai có đủ độ ẩm và có thể trồng được các loại cây hoa màu như rau, đậu...
Tiến Hiệp - Anh Tấn - Đăng Đức
Theo Dantri
Cận cảnh cá Chiên "khủng" giá 40 triệu đồng tại Hà Nội Một con cá Chiên quý hiếm nặng tới 40kg, dài 1,5m vừa được chủ một nhà hàng tại Hà Nội mua về với giá 1 triệu đồng/kg. Sự xuất hiện của chú cá "độc và lạ" này đã khiến nhiều người tò mò đến xem. Chiều nay (18/6), trao đổi với PV Dân trí, anh Kiều Hữu Thọ - chủ nhà hàng nói...