Chuyện người chủ con tàu bị Trung Quốc đâm chìm
Trong những ngày nóng bỏng trên biển, khi cái nắng nóng miền Trung lên tận 39-40 độ C, tàu Trung Quốc ở khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đã đâm chìm con tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng. 10 ngư dân bị hất xuống biển…
Sáng sớm 30/5, chúng tôi tới nhà chủ tàu ở phường Thuận Phước và đón anh em ngay từ khi họ vừa trên xe bước xuống.
Người già nhất là ông Hoà đã 56 tuổi, mái tóc ông đã bạc, da sạm đen. Người trẻ nhất là cậu bé theo tàu để nấu cơm, mới 19 tuổi, trông cậu như một học sinh vừa kết thúc năm học. Có người về lành lặn, cũng có người mặt mày, thân mình còn xây xước tím bầm, chân còn băng bó…
Những ngư dân bám biển khi tàu bị đâm chìm đã trở về đất liền với hai bàn tay trắng! Chúng tôi được bạn đọc uỷ quyền mang 100 triệu đồng đến gọi là trợ giúp kịp thời 10 gia đình gặp nạn. “Một miếng khi đói bằng gói khi no” – ông bà ta vẫn khuyên như vậy.
Nhà báo Nguyễn Lương Phán thay mặt báo Dân trí trao 100 triệu đồng tiền bạn đọc ủng hộ tới tay các ngư dân gặp nạn
Người về và con tàu cũng đã được trục vớt kịp thời mang về. Nhìn con tàu tan nát, ai lại không xót xa, đặc biệt là với vợ chồng người chủ tàu!
Tác giả (bìa phải) chụp ảnh cùng vợ chồng chủ tàu ĐNa 90508 TS (giữa)
Con tàu là đầu cơ nghiệp
Cha ông ta thường nói, con trâu là đầu cơ nghiệp, và vì là đầu cơ nghiệp cho nên trong đời một người đàn ông có ba điều quan trọng nhất là: tậu trâu, lấy vợ và làm nhà.
Đầu cơ nghiệp của người nông dân là con trâu thì đầu cơ nghiệp của ngư dân chính là CON TÀU! Tậu trâu khó một thì tậu TÀU chắc chắn phải khó hơn gấp bội.
Con trâu chỉ là đầu cơ nghiệp của một gia đình , nhưng con tàu thì không chỉ là đầu cơ nghiệp của chủ tàu, mà nó còn gắn liền với cuộc sống hàng chục gia đình ngư dân bạn tàu.
Con tàu ĐNa 90152 TS bị Trung Quốc đánh chìm là của ông Vốn, bà Hoa. Con tàu ĐNa 90508 TS cứu con tàu bị đắm, vớt được đủ 10 thuyền viên rơi xuống biển cũng là của bà Hoa, ông Vốn.
Nhìn ngôi nhà khang trang ở đường Kỳ Đồng đủ chỗ cho chủ thợ gần hai chục người và hàng chục phóng viên, cán bộ các ban ngành đến thăm hỏi. Rồi nghe bà chủ có con trai du học tại Nhật Bản, con gái đang học ở Hà Nội, có người nghĩ, ông bà chủ nhà này chắc là con nhà đại gia, hoặc có vốn liếng từ nước ngoài trợ giúp…
Nhưng không!
Bà Hoa là con một gia đình ngư dân rất nghèo, mới 13 tuổi đã đôi quang gánh trên vai, tần tảo sớm hôm lên thuyền xuống bến, buôn từng gánh cá, mớ tôm. 19 tuổi, gặp anh ngư dân hơn mình hai tuổi mà đã có gần chục năm ra lộng vào khơi, họ đến với nhau, cưới xong cha mẹ hai bên cho hai chỉ vàng dắt lưng… Nhưng rồi ngay sau đó sinh cháu đầu lòng, con đau yếu bệnh tật, có đồng nào ông bà lại dồn sức chữa chạy cho con.
Video đang HOT
Ông nhớ lại, cả gia đình lúc này cần môt cái xe máy để đi lại vì địa bàn làm ăn trải dài trên cung đường Đà Nẵng – Chu Lai – Quảng Ngãi, xe có 7 triêu rưỡi mà phải vay tới 6 triệu, còn nợ lại 1 triệu rưỡi, nhưng nhờ có nó mà ông kết nối đươc “những người cùng hội cùng thuyền” bám biển đêm ngày.
Có người rồi, ông đánh liều chạy vạy 13 cây vàng để cùng chung mua một phần ba con tàu 39 cây vàng. Nhưng làm ăn thua lỗ, chỉ sau một năm ông chấp nhận lỗ 6 cây vàng, bán lại tàu và đi “lãnh tàu” đánh bắt xa bờ để làm ăn lớn hơn.
Đảm nhận chức vụ thuyền trưởng, ông quyết bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và biển đã không phụ người. Biển giúp ông trả nợ và dôi ra được ít tiền. Để tránh phải trả nợ tiền nhà đi thuê hàng tháng mà vẫn phải chịu cảnh chật chội, vợ chồng bàn nhau đi ra xa tìm mảnh đất cắm tạm chỗ ở. Vậy mà chỉ có đủ sức để mua 24 mét vuông đất.
Có đất xong, phải tính từng viên gạch, tấm lợp, chạy vạy mãi mà tưởng chừng như không thể dựng nổi cái nhà. Nhưng rồi, sau một chuyến đi biển dài ngày trở về, ông không thể tin vào mắt mình… Một mình vợ ở nhà với đứa con nhỏ mà bà đã xoay xở xây cho ông được mái ấm đúng nghĩa đen… Ông xúc động nhớ lại.
Nghĩ về những tháng ngày cơ cực ấy, ông không thể quên chuyện chiếc tivi. Hồi ấy gia đình ông làm sao mua nổi chiếc tivi dù là đen trắng. Tối tối đưa con bé nhỏ lại thấp tha thấp thỏm nhìn xem nhà nào có tivi mà đang hé cửa để vào xem ké. Có lúc có phim hay mà con không vào được nhà nào xem lòng mẹ cha quặn đau… Và ông nhớ nhất một hôm, dạo đó khu nhà ông đường vẫn là đường đất mưa một trận là ướt át lội bì bõm, con ông lội qua đường vào nhà hàng xóm xem nhờ tivi với cái chân bẩn bị chủ nhà cốc vào đầu. Ông đau, đau mãi đến giờ… Cái nghèo, cái khó nó không chỉ là miếng cơm manh áo, mà nó còn nhiều nỗi khổ tâm khác.
Dẫu con chưa có tivi, dẫu vợ sinh tiếp đưa con thứ hai, nhưng phải mạnh dạn đầu tư để có phương tiện làm ăn. Năm 1999 ông dành ra được 40 triệu để mua lại con tàu cũ 60 CV. Đi được vài chuyến thì gặp ngay áp thấp nhiệt đới trên biển, tàu bạn khá tốt mà bị gió quật chìm, thế mà con tàu ọp ẹp của ông nhờ tài chèo chống, vừa tát nước tràn vào vừa soi đèn pin sửa chữa đã vượt sóng gió để trở về an toàn. Từ con tàu cũ nát đó, sau hai năm ông lại thêm tiền mua con tàu 90 CV với giá gấp 7-8 lần con tàu cũ. Từng bước, từng bước dò dẫm, đến năm 2002 ông bà lại gom cái cũ, vay mượn thêm mua tiếp con tàu khác, cải hoán lên đến 450 CV mang tên ĐNa 90152 TS. Và cùng đó là con tàu ĐNa 90508 TS 600 CV. Rồi từ ngôi nhà 24m2 đến đám đất 70m2, rồi cuối cùng là ngôi nhà khang trang ở đường Kỳ Đồng… 20 năm gia đình một người ngư dân nghèo từng bước đổi thay cùng thành phố Đà Nẵng, cùng sự chuyển mình của đất nước.
Ông Vốn, bà Hoa xót xa vì “đầu cơ nghiệp” đã tan thành mây khói.
Mười năm con tàu vượt bão tố!
Với con tàu này, ông Vốn, bà Hoa đã tập hợp anh em bạn chài, hầu hết là người nghèo, cùng nhau bám biển. Thật bất ngờ, tôi ghi lại được tấm bằng về thành tích mười năm bám biển giữ vững chủ quyền đất nước, quyết định khen thưởng thuyền trưởng ĐNa 90152 TS được ký ngày 14/11/2013.
Như vậy, không phải khi Trung Quốc hạ đăt giàn khoan trái phép, dư luận nóng lên thì người ta mới thấy ông Vốn, bà Hoa có những đóng góp cụ thể, mà từ khi có con tàu ĐNa 90152 thuyền trưởng Trần Văn Vốn luôn thể hiện vai trò của mình trong bám biển giữ ngư trường truyền thống góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ khi có con tàu, hơn mười năm, ông bà đã phải đối mặt với biết bao thiếu thốn khó khăn, nhất là sự thách thức của sóng to gió lớn khi có hàng loạt cơn bão hoành hành trên biển cả. Những cái tên bão nhắc lại sởn gáy nhiều người như Chebi 2006, Xangsane 2006, Hagibis 2007, Neogurri 2008, trong đó đặc biệt là cơn bão Chanchu…
Tôi nhớ lại năm cơn bão Chanchu xảy ra, tôi cũng được bạn đọc ủy quyền để vào thăm ngư dân các phường ở Đà Nẵng bị nạn. Hình ảnh những gia đình mất cả mấy người lao động chính cùng lúc cứ làm tôi nghĩ rằng, hơn ai hết khi dong buồm ra khơi, những người lao động trên biển dù tỉnh nào, nước nào, dân tộc nào, màu da nào… cũng cần nắm chặt tay nhau để đứng vững trước phong ba bão tố. Thì đây, cũng mang danh ngư dân, giữa trời yên biển lặng họ lại đâm chìm một con tàu đánh cá, con tàu mà suốt mười mấy năm chắt chiu của gia đình ông Vốn. Họ đánh bật 10 thủy thủ trên tàu rơi xuống biển. Với biết bao mồ hôi nước mắt mới có con tàu này, mà bây giờ nó bị phá nát, thật sự không chỉ anh chị mà nhiều người không cầm được nước mắt.
Giấy khen “10 năm bám biển” của ông Vốn
Điều làm bà chủ tàu lo lắng
Ngay từ hôm 26/5, khi nghe tin tàu của ngư dân Đà Nẵng bị Trung Quốc đâm chìm, cậu con trai Trần Huỳnh Luyến đang học khoa ô tô ở Nhật gọi điện về hỏi tàu ai, thế nào? Bà Hoa phải giấu con vì sợ con lo nghĩ phân tán học tập. Nhưng rồi khi báo chí, truyền hình đưa cụ thể hình ảnh con tàu, bà không thể giấu con. Và vì chủ quyền quốc gia, vì tài sản gia đình bị Trung Quốc phá nát, con trai bà đã hòa vào dòng người trên đất Nhật xuống đường biểu tình để phản đối Trung Quốc.
Hôm đến nhà bà tôi thật bất ngờ vì ngay trong phòng khách được trưng bày một chùm huy chương thể thao khá bắt mắt! Vàng, bạc, đồng có cả. Bà Hoa cho biết đó là huy chương giải cầu lông toàn quốc của cô con gái út Trần Huỳnh Như Tuyết, hiện là thành viên đội tuyển trẻ quốc gia đang tập huấn dài ngày ở Hà Nội.
Chùm huy chương của cô con gái
Khi được thầy giáo và bạn bè báo tin, Tuyết gọi điện về nhà bà Hoa cũng phải tự mình “rắn rỏi” lên để các con yên tâm học tập. Bà nói với con mà như tự nhắc nhở mình, khi không đủ tiền thuê nhà hàng tháng mà gia đình mình vẫn vượt qua để có nhà, có tàu, có tiền cho con du học… thì giờ đây một chiếc tàu bị phá, nhưng vẫn còn nhà, còn tàu… và với sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, các con cứ yên tâm. Ba mẹ sẽ nhanh chóng ổn định tàu thuyền ngư lưới cụ tiếp tục bám biển.
Bà nói vậy thôi chứ năm 2013 đôi tàu của bà bị lỗ hơn 500 triệu, rồi từ Tết Giáp ngọ đến nay gia đình bà đi bốn chuyến biển thì hai chuyến lỗ, chỉ một chuyến lời và chuyến này thì tay trắng!
Nhìn con tàu kéo về, tôi hỏi bà lo điều gì nhất, bà chậm rãi như để suy nghĩ thật thấu đáo rồi tâm sự: Bây giờ tàu hỏng, 10 thuyền viên chắc rồi sẽ phải đi tìm việc nơi khác. Trời ơi, mười mấy năm gắn bó sống chết với nhau, mà giờ để họ ra đi sao? Nhưng không đi làm với chủ khác thì lấy gì nuôi gia đình?
Trong số mười người thì lo nhất là trường hợp anh Phương vợ bị ung thư, con còn quá nhỏ. Rồi anh Hà hoàn cảnh gia đình cũng hết sức khó khăn. Bác Hoa già nhất cũng là người trụ cột gia đình, nếu không đi biển cả nhà không biết bấu víu vào đâu…
Con tàu – chứng tích tội ác: không bán, chỉ hiến!
Trước khi con tàu được vớt lên, bà Hoa cho biết các đơn vị như Xí nghiệp May 10 đã tặng bà 500 triệu đồng và môt số đơn vị khác giúp bà khoảng 400 triệu, như vậy gần 900 triệu để sửa chữa tàu. Nhưng khi tàu được trục vớt lên với những vết thương nham nhở, gia đình bà thống nhất hãy để nguyên trạng con tàu. Đây là một vật chứng sinh động để nhân dân trong nước và bạn bè thế giới thấy tận mắt tội ác của những kẻ đang muốn bá chủ biển Đông gây ra.
Ý kiến của bà được đông đảo bạn bè đồng tình, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa ngỏ ý muốn mua lại con tàu để đưa vào bảo tàng chứng tích tội ác. Nghe vậy bà nói một cách dứt khoát rằng: Con tàu ĐNa 90152 TS là chứng tích tội ác do Trung Quốc gây nên cho gia đình tôi, cho ngư dân Đà Nẵng nói riêng và ngư dân cả nước nói chung nên tôi không bán. Tôi để con tàu nguyên trạng để làm vật chứng, tang chứng đi kiện. Tôi sẽ kiện Trung Quốc phá hoại tài sản của tôi, đâm chìm thủy thủ chúng tôi. Tôi xin hiến tặng nhà nước để trưng bày cho không những mọi người hôm nay thấy rõ để cảnh giác mà cho cả thế hệ mai sau họ cũng hiểu đươc điều gì đã xảy ra hôm nay…
Nguyễn Lương Phán
Theo ANTD
Ngư dân Đà Nẵng đóng tàu cá "khủng", quyết bám biển dài ngày
Ngày 24/5, 2 tàu cá công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng đã được hạ thủy để vươn khơi bám biển dài ngày. Hai tàu cá này có tổng công suất 1.600CV với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng.
Sau khi hạ thủy thành công, chủ tàu cá ĐNa 98001 (có công suất máy 450CV trị giá 3 tỉ đồng) ông Lê Văn Xuân (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ đạo các công nhân tiến hành làm nguội, mua thêm trang thiết bị chuẩn bị vươn khơi.
Tàu cá ĐNa 98001 có công suất máy 450CV của ông Lê Văn Xuân chuẩn bị hạ thủy
Ông Xuân cho biết, trước đây nhà có 2 tàu nhỏ nên không dám đi dài ngày, chỉ quanh quẩn trong bờ, nay sản lượng trong bờ ngày càng cạn kiệt, gia đình bàn bán 2 chiếc tàu nhỏ, vay thêm vốn để đóng mới chiếc tàu này.
Ông tâm sự: Đóng tàu lớn, vươn khơi xa mới có cá. Ngoài việc lo cho kinh tế của gia đình và bạn tàu thì ngư dân chúng tôi tham gia bảo vệ vùng biển của cha ông để lại. Nếu không bảo vệ được thì con cháu chúng tôi không có ngư trường để khai thác.
Tàu cá ĐNa 90603 công suất 1.150CV trị giá 5 tỉ đồng của ngư dân Nguyễn Sương vừa hạ thủy thành công sáng 24/5
Đặc biệt, trong ngày 24/5, một chiếc tàu cá có công suất lớn khác của ngư dân Nguyễn Sương (trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng đã được hạ thủy. Tàu cá mang số hiệu ĐNa 90603 TS của ông Sương có tổng công suất 1.150 CV, dài 21 mét, rộng 6 mét, cao 3,8 mét, được xem là một trong những tàu cá có công suất máy lớn nhất tại Đà Nẵng. Ông Sương cho biết, chiếc tàu cá này được ông đầu tư trên 5 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 22/5, ông Nguyễn Sương cũng đã hạ thủy một tàu cá công suất lớn khác mang só hiệu ĐNa 90604 TS có công suất máy cũng 1.150 CV, dài 25 mét, rộng 6 mét, cao 4,2 mét với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.
Nụ cười tự tin trên con tàu vừa hoàn thành của ngư dân Nguyễn Sương
Hai tàu của ông Nguyễn Sương được xem là tàu cá có công suất thuộc hàng lớn nhất Đà Nẵng hiện nay. Theo ông Sương cho biết, sau khi hạ thủy xong, ông chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm, đá... để ăn mùng 5 xong là ra khơi.
Giữa tháng 5 vừa qua, tại một xí nghiệp đóng tàu tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), ông Trần Toàn (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã hạ thủy thành tàu hậu cần ĐNa 90611 có công suất 850 CV với 2 máy. Đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn thứ 2 tại Đà Nẵng với chiều dài 24m, rộng 5,4m, cao 3,2m với 18 hầm chứa (1,8m3/hầm) có thể chở tổng cộng 70 tấn hàng.
Tàu cá của ông Đồng Bình Dương đang gấp rút hoàn thành, dự kiến 1 tháng nữa sẽ hoàn thành
Những ngày này, tại nhiều xí nghiệp đóng tàu quanh âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) nhiều tàu cá có công suất lớn của ngư dân đang được hối hả đóng mới để chuẩn bị vươn khơi, quyết bám biển dài ngày.
Dưới cái nắng đổ lửa, ngư dân Đồng Bình Dương (trú Sơn Trà, Đà Nẵng) đang cùng với tốp thợ khẩn trường hoàn thiện con tàu công suất hơn 810CV mang số hiệu ĐNa 90612 TS trị giá 3,6 tỉ đồng. Ông cho biết con tàu đã hoàn thiện được 70%, dự kiến khoảng 1 tháng nữa là hạ thủy.
Để có được số tiền lớn đóng con tàu tàu, ông Dương cho biết phải vay khoảng 50% ngân hàng rồi anh em gom góp lại mới đủ. "Quyết tâm vươn khơi xa mới có cá chứ hiện nay trong bờ "không ăn" nữa nên anh em tôi bàn nhau cùng góp vốn đóng con tàu này", ông Dương tâm sự.
Nói về ngư dân Đà Nẵng quyết tâm đóng tàu lớn vươn khơi, ông Trần Văn Lĩnh - quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, hiện nay Nhà nước đã có chính sách cho ngư dân vay tối đa 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và kèm theo một số ưu đãi khác nên ngư dân mạnh dạn đầu tư.
Tuy nhiên, ông Lĩnh cũng cho rằng Nhà nước cần nghiên cứu đầu tư tàu cá bằng sắt công suất lớn rồi cho ngư dân thuê lại. Mặc khác nghề cá hiện nay cần phải hướng đến hiện đại, học hỏi kinh nghiệm của các nước Thái Lan, Hàn Quốc... để đầu tư, có như thế ngư dân của chúng ta mới có thể vững vàng bám biển dài ngày được.
Công Bính
Theo Dantri
"Nếu sợ, ngư dân chúng tôi đã không ra khơi!" Ngư dân Đặng Phi (SN 1965, trú phường Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng, chủ tàu DNa 90081 TS) khảng khái nói tại bến cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, khi chuẩn bị lên tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa. Chiều ngày 15/5, tại cảng cá số 1 âu thuyền Thọ Quang, Hội doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng)...