Chuyện ngược đời ở “xưởng may thế giới” Quảng Châu: Các boss xếp hàng dài chào mời mức lương cao, công nhân vẫn chẳng buồn “quẹo lựa”
Giữa thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều người bỗng dưng thất nghiệp vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vậy mà ở “ xưởng may thế giới” Quảng Châu, Trung Quốc lại diễn ra cảnh tượng ngược đời khi các chủ xưởng may phải xếp hàng dài mời gọi với mong muốn được công nhân lựa chọn.
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng Trung Quốc được phen xôn xao trước hình ảnh rất đông các ông bà chủ xưởng quần áo ở Quảng Châu xếp hàng dài cả km trên phố để chờ được công nhân lựa chọn. Hiện tượng “tuyển dụng ngược” giữa thời kỳ dịch bệnh, khi mà nhiều người không có việc làm hoặc bị cắt giảm lương càng thu hút sự quan tâm của dư luận nước này.
Hiện trạng “công nhân kén sếp” này dường như đã lật đổ quan hệ truyền thống giữa các ông bà chủ và nhân viên ở Trung Quốc, khi sếp là người quyền lực và có quyền quyết định tất cả
Làn sóng “tuyển dụng ngược”
Buổi sáng những ngày đầu tháng 3, trên con phố dài chưa đầy 1km tại 1 làng đô thị* ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, rất nhiều người đứng đầy 2 bên đường, trên tay cầm quần áo, giơ cao tấm biển đăng tuyển công nhân may. Được biết, những người này hầu hết là ông bà chủ hoặc quản lý cấp cao của các công xưởng sản xuất quần áo.
*Các làng đô thị là những ngôi làng xuất hiện ở cả vùng ngoại ô và trung tâm thành phố của các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm Thâm Quyến và Quảng Châu. Chúng được bao quanh bởi các tòa nhà chọc trời, cơ sở hạ tầng giao thông và các công trình đô thị hiện đại khác.
“Năm nay tuyển người cực kỳ khó. Năm 2019, số công nhân tìm việc và số lượng chủ xưởng tìm người khá cân bằng, nhưng đến năm nay thì chỉ toàn thấy chủ xưởng, công nhân rất ít.” Lý Giai là người tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngày 1/3 vừa qua là ngày đầu tiên anh đi tuyển công nhân sau dịp Tết Nguyên đán. Từ 7h sáng, Lý Giai đã bắt đầu ra phố tìm người. Có không ít người đến chỗ Lý Giai hỏi han về công việc, nhưng phần đông là hỏi xong rồi đi mất. Mãi đến khoảng 10h30′, anh mới tìm được 2 ứng viên sáng giá để đưa đi thăm công xưởng.
Làng đô thị Khang Lạc, Lộ Giang, Ngũ Phượng, khu vực Thụy Bảo tiếp giáp với chợ vải Trung Đại – chợ vải lớn nhất Quảng Châu. Chợ vải là thành phần cốt lõi của khu kinh doanh dệt may Trung Đại, bởi vậy mà quanh đó mọc lên rất nhiều các công xưởng may mặc lớn nhỏ.
Truyền thông địa phương tiết lộ, hiện tại ước tính có tới hơn 10 nghìn cửa hàng, hơn 10 nghìn xưởng may cùng hơn 300 nghìn người làm trong ngành may mặc tập trung tại đây, và hơn 95% trong số đó là người từ vùng khác đến, phần nhiều là đến từ Hồ Bắc, cũng bởi vậy mà nơi này còn được gọi là “thôn Hồ Bắc” ở Quảng Châu.
Sau dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng âm lịch), rất đông các ông bà chủ xưởng may lớn nhỏ trong thôn đều xếp thành hàng dài trên phố để tìm công nhân. Năm nay phần đông nhà tuyển dụng đều phải kêu trời vì không tuyển được người, thậm chí còn xuất hiện tình trạng “công nhân kén sếp” thay vì “sếp tuyển công nhân”. Kỳ thực, đây được coi là hiện tượng bình thường ở các xưởng may nhỏ: Công nhân làm việc ngắn hạn tại công xưởng, đợi đến khi hoàn thành đơn hàng, bọn họ sẽ lại đi tìm việc ở 1 xưởng may khác.
Vào thời kỳ hậu dịch bệnh, tính dịch chuyển của công nhân ngày càng tăng, công xưởng cũng ngày càng khó giữ được người. Bên cạnh đó, khu vực Khang Lạc, Lộ Giang bắt đầu chính thức bước vào giai đoạn thực hiện đổi mới vào đầu năm nay, nếu mọi việc thuận lợi, có lẽ trong tương lai “ngôi làng quần áo” phồn thịnh này sẽ chỉ còn là quá khứ.
Công nhân kén sếp
“Công việc thì nhiều mà công nhân thì ít!” – Hoàng Lập, chủ 1 xưởng may đến từ thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhấn mạnh vài lần.
Bắt đầu từ ngày 22/2 (tức 11 tháng Giêng âm lịch), Hoàng Lập đã cho người đi tuyển công nhân ở khắp các hang cùng ngõ hẻm. Mỗi ngày họ tất bật từ khoảng hơn 7h đến 11h30′ – khoảng thời gian được coi là “giờ vàng” tuyển dụng trong ngày, tất nhiên cũng có những lúc họ phải làm xuyên trưa hoặc miệt mài đến tận tối mịt. Trên tay mỗi người là 1 chiếc quần âu và 1 tấm bảng đen với nội dung: Tuyển nhiều nhân công làm việc lâu dài ở nhiều vị trí khác nhau.
Hoàng Lập cho biết: “Chúng tôi muốn tuyển công nhân làm việc lâu dài, ổn định một chút, các công nhân ngắn hạn thường làm được vài ngày là đi mất, thế nên chúng tôi mới phải liên tục tuyển người như vậy. Nhưng với tình hình hiện tại thì công nhân dài hạn hay ngắn hạn gì chúng tôi cũng đều tuyển hết, chỉ cần có người đồng ý đến làm việc là được rồi.”
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều chủ xưởng lựa chọn tuyển công nhân ngắn hạn và trả công theo ngày, bởi làm vậy vừa có thể tạm giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân công trước mắt, lại vừa khống chế được chi phí sản xuất trong thời kỳ ít đơn hàng.
Trong số những ông bà chủ đang xếp hàng dài, Lý Yên được xem là khá may mắn, chỉ trong 1 buổi sáng ngày 1/3, cô đã tuyển được 3 công nhân. Lý Yên cho biết: “Tôi bắt đầu đến đây tuyển người từ ngày 21/2 (tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch) rồi, đều là nhân công ngắn hạn, cả xưởng chỉ có 8 nhân công dài hạn mà thôi. Bởi chúng tôi e sẽ có những lúc đơn hàng không đủ, công nhân chẳng có việc gì để làm. Hơn nữa bây giờ cũng rất nhiều người không muốn làm dài hạn, bọn họ muốn làm công nhân tự do làm việc ngắn hạn hơn.”
Bên cạnh những ông bà chủ may mắn tuyển được công nhân, cũng có không ít người phải trắng tay ra về. 1 bà chủ xưởng may cũng đến từ Hồ Bắc cầm trên tay chiếc áo phông, ngán ngẩm chia sẻ: “Công việc đơn giản như vậy mà cũng không có ai chịu làm. Mấy ngày trước còn tuyển được nhân công ngắn hạn, còn hôm nay thì chẳng tuyển được ai cả. Bây giờ người đi tuyển còn nhiều hơn cả người ứng tuyển, rất đông công nhân chỉ muốn làm việc đơn giản, còn những vị trí đòi hỏi phức tạp một chút là khỏi tuyển được người luôn.”
Sự lựa chọn của lao động trẻ
Chen chúc giữa đám đông ông bà chủ đi tìm nhân công, quản lý cấp cao của 1 xưởng may thở dài: “Người trẻ không muốn làm công việc này. Họ thích làm vài ngày chơi vài ngày cơ, tuyển người thật sự quá khó!”
Thế nhưng trên thực tế, hiện tượng “lương chục ngàn tệ chẳng ai thèm làm” ở Quảng Châu năm nay không quá mới mẻ. Từ trước năm 2010, khu vực đồng bằng Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng lao động thì nhiều nhưng tuyển người lại khó.
Ngày 1/3/2018, bài viết với tựa đề “Lương 20 nghìn tệ (tương đương 70,6 triệu đồng), các ông bà chủ ở Quảng Châu ra đường xếp hàng dài mời gọi, 9X vẫn chẳng thèm làm” cũng đề cập đến việc khó tuyển lao động vào mùa cao điểm tuyển dụng ở huyện Hải Châu sau Tết Nguyên tiêu.
10 năm trước, đa phần công nhân phổ thông không có quá nhiều sự lựa chọn, nên khi vào làm việc ở các xưởng may nhìn chung họ đều chấp nhận loại công việc cường độ cao, phải chịu sự quản lý khắt khe và đòi hỏi sự kiên nhẫn này.
Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những ngành nghề mới ra đời ngày càng nhiều, khiến cho kết cấu của thị trường tuyển dụng cũng thay đổi theo. Thay vì những công việc truyền thống, rất nhiều lao động 9X đã lựa chọn những công việc có giờ giấc làm việc linh hoạt như shipper giao hàng, giao đồ ăn nhanh, lái xe chuyên dụng… với mức thu nhập không chênh lệch nhiều so với làm việc trong ngành sản xuất truyền thống.
Nhiều ông bà chủ than phiền rằng “giới trẻ bây giờ không muốn chịu khổ”, nhưng kỳ thực không phải giới trẻ “không chịu khó” mà là họ có những lựa chọn tốt hơn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các loại lễ hội sau Tết, vấn đề tuyển dụng công nhân vào các ngành cần nhiều lao động dịp đầu năm trong 2 năm trở lại đây lại càng rõ rệt hơn những năm trước.
Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc tiết lộ, ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều công xưởng ở Quảng Đông, Chiết Giang có lẽ đã lường trước được những vấn đề tuyển dụng mà các công ty sẽ gặp phải khi sang năm mới, nên đã đưa ra các chính sách nhằm giữ chân người lao động.
Bài toán khó về tuyển dụng
Làn sóng “tuyển dụng ngược” ở Quảng Châu là kết quả của nhiều yếu tố. Xu hướng chung mà nó phản ánh là sự mất cân bằng giữa cung và cầu trong quá trình tuyển dụng của các ngành tập trung nhiều lao động. Trong khi các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động truyền thống không tuyển được người, thì rất nhiều người lao động lại không tìm được việc làm. Bản chất phía sau bài toán khó về tuyển dụng lao động trong ngành may mặc này là sự thiếu hụt lao động lành nghề và lao động nặng.
Xét từ khía cạnh tổng thể, mối quan hệ lao động giữa công nhân và công xưởng là không ổn định, khi công nhân luân chuyển thường xuyên và ngày càng có ít công nhân quen thuộc với các vị trí cụ thể trong công xưởng, hầu hết các công ty đang ở trong tình trạng cạnh tranh mức độ thấp. Về lâu dài, hiện tượng “công nhân kén sếp” dịp sau Tết giống như 1 lời nhắc nhở về sự đổi mới, chuyển mình của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Nhìn chung, xét từ góc độ sự phát triển của các ngành nghề mới và xu hướng lựa chọn công việc giữa các thế hệ, những xưởng may ở “kinh đô may mặc” có lẽ sẽ khó tuyển dụng lao động lâu dài hơn so với trong quá khứ.
Hoàn cảnh xót xa của những người miền Tây làm công nhân ở Bình Dương
Chuyện người miền Tây đổ về các tỉnh thành trên cả nước trong đó có mảnh đất Bình Dương để kiếm sống từ lâu đã là sự việc quá quen thuộc với dư luận.
Thế nhưng, được nghe họ tâm sự và chia sẻ về cuộc đời mình, không ít cư dân mạng chạnh lòng và để lại nhiều ý kiến bình luận.
Thông tin sự việc gây xôn xao trên mạng xã hội. (Ảnh: FB H.E)
Hình ảnh những người miền Tây trong suốt nhiều năm qua kiên trì sinh sống tại các xóm trọ Bình Dương, làm đủ thứ nghề, trong đó phần lớn chọn làm công nhân đã không còn là chuyện mới mẻ trong xã hội. Vì nhiều lý do mà họ lựa chọn chuyện "bỏ xứ mà đi" để mong cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn ở vùng đất đem đến nhiều cơ hội về việc làm, tương lai như thành phố đang phát triển Bình Dương.
Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, đa số những người miền Tây đều lựa chọn chuyện "tha hương" vì nơi miền sông nước quê họ không có nhiều cơ hội việc làm. Bà H.N quê ở Cà Mau tiếp xúc với báo Tuổi Trẻ cho biết, cả bà và gia đình đã thuê 4 phòng trọ liên tiếp tại đây trong suốt 12 năm qua. Mỗi một người trong nhà đều cố gắng kiếm một công việc để có thêm thu nhập.
Lớn thì vào công ty làm công nhân, phụ hồ còn nhỏ thì chạy những công việc tự do bên ngoài cho đến khi đủ 18 tuổi cũng "nối gót" theo gia đình vào nhà xưởng. Kể về hoàn cảnh của mình, bà N. cho hay: " Quê tui vùng sông nước làm gì có việc mà làm. Có vuông tôm mà nuôi thả quanh năm, ngày nào cũng có bắt lai rai ăn qua bữa vậy thôi. Lên đây làm công nhân cũng có đỡ hơn nhiều".
Những dãy nhà trọ được nhiều người miền Tây lên trú ngụ để làm công nhân ở Bình Dương. (Ảnh: Vietnamnet)
Tương tự như bà H.N, anh N.C.T trọ cùng dãy phòng tiết lộ về cuộc sống vất vả trăm đường của mình: " Học hết cấp III, ở quê vất vả đủ đường, đến đường đi xe còn không có, điện chưa có, học xong cũng không có việc gì làm nên tôi lên Bình Dương tìm việc". Anh cho biết rằng bản thân đã có đến 16 năm làm việc tại Bình Dương.
Có người còn đem cả gia đình, dòng họ lên Bình Dương để kiếm kế sinh nhai, mong có thu nhập tốt hơn. (Ảnh minh hoạ: Vnexpress)
Không chỉ có người lớn, nhiều đứa trẻ vì hoàn cảnh gia đình mà theo cha mẹ từ các tỉnh miền Tây lên mảnh đất Bình Dương này để kiếm sống. Vì cuộc sống quá vất vả, khó khăn nên nhiều trẻ nhỏ nên không được đi học tiếp mà phải nghỉ học để lao vào mưu sinh, đỡ đần gia đình.
Lớp học tình thương cho con em của người lao động xa quê tại Bình Dương được chính quyền địa phương tổ chức. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Những lời chia sẻ này ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã nhận về không ít sự quan tâm từ dư luận. Đa số cư dân mạng đều bày tỏ chạnh lòng trước hoàn cảnh, số phận của không ít người miền Tây lên Bình Dương để kiếm sống.
Có nhiều ý kiến cho rằng cũng vì muốn mưu cầu cuộc sống tốt hơn cho mình và gia đình nên họ mới đành bỏ nơi "quê cha đất tổ" để sống ở một mảnh đất khác tốt hơn, nhiều cơ hội hơn. Số khác cũng bàn luận rằng đi tìm cơ hội mới không phải điều xấu xa nhưng mà nếu có ý chí, tu tâm dưỡng tính để làm ăn thì cuộc sống của họ cũng đỡ vất vả và sáng lạn hơn rất nhiều. Bởi trên thực tế, giữa những dãy trọ "tứ xứ" không chỉ ở Bình Dương, cũng len lỏi vào đó nhiều tệ nạn xã hội đáng tiếc xảy ra.
- " Miền Tây bây giờ cũng phát triển nhưng để níu kéo người ở lại mưu sinh cũng không phải dễ dàng."
- "Đất lành thì chim đậu thôi."
- "Giải được bài toán phát triển miền Tây thì tự nhiên người miền Tây họ sẽ ở lại quê cha đất tổ mà sinh sống thôi."
- "Nghe hoàn cảnh của người miền Tây mà thấy chạnh lòng."
- "Chẳng ai muốn bỏ quê mà ra đi cả. Âu cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi."
- "Đúng vậy lương công nhân bây giờ cũng khá hơn trước, nếu còn mãi dưới quê, gặp trúng mùa không nói. Đến năm thất bát thì chỉ có nước mắt chảy dài thôi. Đó là lý do tại sao người miền Tây đổ xô đi khắp các tỉnh thành phát triển để mưu sinh."
Hiện tại, câu chuyện chia sẻ của người miền Tây làm công nhân tại Bình Dương vẫn đang nhận về sự chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Trước những dòng tâm sự chạnh lòng ấy, không ít dân tình bày tỏ sự thông cảm và để lại nhiều ý kiến bình luận đáng quan tâm. Còn bạn, bạn suy nghĩ thế nào về câu chuyện này? Hãy chia sẻ cùng YAN nhé!
Chồng đòi cả nhà tiêu xài bằng tiền lương của vợ, lương mình biếu hết cho bố mẹ đẻ vì 1 lý do khiến dân mạng phẫn nộ hết sức! "Lúc đó, tôi cũng quyết luôn chuyện lương mình sẽ cho ba mẹ hết, lương em thì để ăn uống chi tiêu. Hai vợ chồng tranh cãi gay gắt", người chồng kể. Trong hôn nhân, tiền bạc giữa hai vợ chồng sử dụng thế nào cũng nên được bàn bạc kỹ lưỡng. Nhưng bằng cách nào đó, họ cần phải đối xử công...