Chuyện một tù nhân ‘xin chết’ để hiến xác cho khoa học
Xác nhận của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh nêu: “Trại đã thông báo để bị án viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình, tuy nhiên bị án viết đơn này xin được thi hành án và hiến máu, hiến xác cho nghiên cứu khoa học”.
Tử tù Nguyễn Văn Hải
Với khao khát được sống, hầu hết những người bị tuyên án tử đều gửi đơn đến Chủ tịch nước xin ân giảm án. Tháng 9/2009, cán bộ trại tạm giam đã rất bất ngờ khi nhận được lá đơn của một tử tù xin được chết và xin được hiến xác cho khoa học. Từ đó nhiều vấn đề pháp lý đặt ra.
Đó là phạm nhân Nguyễn Văn Hải, năm nay 30 tuổi, đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hà Nội tuyên án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Hải hiện đang bị giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh.
Video đang HOT
Xin được chết trước cơ hội được sống
Vụ án xảy ra vào tháng 8/2008 tại Móng Cái, Quảng Ninh. Hải thuê một tàu gỗ nhỏ nói là ra đảo gần đó chở hàng. Nhưng đến giữa biển, anh ta tấn công chủ tàu rồi trói gô, đẩy xuống biển. Còn lại một mình, Hải lái tàu đi đến vùng biển Nghệ An, bán chiếc tàu được 7 triệu đồng rồi đón xe khách bỏ trốn vào Nam. Gần bốn tháng sau ngày gây án, Hải bị bắt khi đang trốn tại Kiên Giang.
Sau phiên tòa phúc thẩm, việc đầu tiên khi về lại trại tạm giam Hải xin quản giáo cho mượn một tờ báo, một tập giấy trắng loại có kẻ ngang và một cây bút. Sáu ngàysau, Thượng tá Lê Duy Tấn, giám thị trại tạm giam, nhận được lá đơn của tử tù Hải. Đó là đơn xin thi hành án. Tử tù Nguyễn Văn HảiLá đơn vỏn vẹn hơn 200 chữ với những nét chữ xiêu vẹo, nhiều chỗ sai chính tả. Trong đơn, ngoài việc bày tỏ ý muốn xin được thi hành án, Hải nêu nguyện vọng xin được hiến xác cho khoa học.
Hải viết: “Tôi có tội nên xin được thi hành án để trả lại sự công bằng [...], tôi xin hiến xác cho khoa học để giúp đỡ những người đang bị bệnh tật, để chuộc lại những lỗi lầm tôi đã gây ra” và: “Tôi đã mắc nhiều tội lỗi, tôi xin tình nguyện làm những việc như trên để linh hồn tôi khi chết được thanh thản”.
Thượng tá Tấn đã cân nhắc rất lâu trước khi phê vào lá đơn đặc biệt này để gửi đến các cấp có thẩm quyền. Với một người tử tù có trình độ học hết lớp 2, tại sao lại có thể nghĩ đến một chuyện lớn như vậy? Hay đó chỉ là một câu chuyện nông nổi nhất thời trong những phút giây không bình thường của người tử tù? Thượng tá Tấn trực tiếp xuống buồng giam để gặp Hải. Phải thật tin rằng tử tù mình quản lý hoàn toàn tỉnh táo và đó là nguyện vọng thực sự của anh ta, không do bất kỳ ai gợi ý thì ông mới hạ bút xác nhận.
Xác nhận của Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh nêu: “Trại đã thông báo để bị án viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình, tuy nhiên bị án viết đơn này xin được thi hành án và hiến máu, hiến xác cho nghiên cứu khoa học, phục vụ chữa bệnh”. Những người làm công tác quản lý trại tạm giam ở đây luôn tâm niệm các phạm nhân dù ngoài đời đã phạm tội ác tày trời nhưng vào trại thì trước hết họ là một con người. Vì thế, dù bất ngờ họ vẫn tôn trọng mong muốn xin hiến xác của Hải.
“Theo tôi biết thì chưa có luật nào hướng dẫn việc tử tù hiến xác cả. Nhưng với tử tù Nguyễn Văn Hải và cũng có thể sau này còn nhiều trường hợp khác nữa, tôi mong các cơ quan sớm xem xét” – ông Tấn nói.
Sống vô ích, chết xin được có ích
Gặp tử tù Hải trong trại tạm giam, Hải kể lại mình lớn lên trong một gia đình ngư dân làm nghề biển. Sau khi lấy vợ, hai vợ chồng không hòa thuận nên thường xuyên cãi vã, Hải rời quê đi làm ăn ở tỉnh xa. Cha mẹ Hải dù đã cao tuổi nhưng vẫn phải tự chèo thuyền đi đánh cá ngoài biển.
Đơn xin thi hành án của Hải.
Khi Hải bị bắt giam, ông bà ngoại đã phải mang hai đứa con trai, một đứa học lớp 2, một đứa mới vào lớp 1 về nuôi. Ngoài ra, Hải còn có một đứa con rơi với người tình trong những ngày bỏ trốn, vừa mới sinh trước khi tòa tuyên án tử hình mấy ngày.
Nhắc lại hành vi phạm tội của mình, anh ta vẫn khẳng định thực lòng từ đầu không hề có ý định giết người, cướp của. Chẳng qua là ra tới giữa biển có cãi vã nên mới đánh, trói chủ tàu để ngồi phía sau, rồi chạy vào bờ. Nhưng giữa đường thì không thấy chủ tàu đâu nữa nên mới bán tàu lấy tiền bỏ trốn. “Nhưng thôi, tòa tuyên vậy em cũng chấp nhận. Em chỉ nghĩ được chết làm sao cho có ích” – Hải nói.
Hôm tòa xử xong, về trại, Hải xin quản giáo cho mượn mấy tờ báo để đánh vần lại cho quen mặt chữ; xin giấy học sinh có kẻ ly để tập viết lại cho chữ thẳng hàng. Tình cờ, trong mấy tờ báo đó có tin về một người vừa làm đơn xin hiến xác cho khoa học. “Vậy là em nghĩ mình cũng có thể hiến. Mình không có bệnh tật gì, nay bị tội chết nên xin hiến xác cho khoa học để giúp đỡ những người bệnh tật ngoài đời”. Chia tay, Hải nhờ phóng viên gửi lời nhắn tới những đứa con: “Các con khỏe mạnh, học tốt để sau này trở thành người tốt cho xã hội. Mong các con tha thứ cho cha”.
Theo Pháp Luật TP HCM