Chuyển mình
Trước một Trung Quốc ngày càng cao ngạo và liên tục đẩy mạnh tham vọng bá quyền, chính phủ Nhật Bản đã quyết định đi nước cờ rắn. Đó là việc phá vỡ trật tự thế giới được thiết lập ở khu vực kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II.
Tokyo ngày càng thể hiện rõ quyết tâm đối phó với đối thủ gây nhiều bất đồng ở khu vực.
Ngày1/4 đã đi vào lịch sử Nhật Bản khi nội các nước này quyết định hủy bỏ hoàn toàn chính sách cấm xuất khẩu vũ khí để thay vào đó bằng 3 nguyên tắc chuyển giao trang thiết bị quốc phòng hoàn toàn mới.
Chính sách này được Nhật Bản đưa ra trong Hiến pháp hòa bình sau chiến tranh nhằm đảm bảo sẽ chỉ tập trung vào việc phòng vệ và vĩnh viễn từ bỏ quân đội cũng như quyền giao chiến. Chính sách được thể hiện rõ trên 3 nguyên tắc:”Không xuất khẩu vũ khí cho các nước theo chủ nghĩa cộng sản”; “Không xuất khẩu vũ khí sang các nước bị Liên hợp quốc cấm vận vũ khí”; “Không xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia liên quan hoặc có liên quan tới các cuộc xung đột quốc tế”.
Hàng chục năm qua, Nhật Bản luôn chịu sự ràng buộc của 3 nguyên tắc này và ngành công nghiệp quốc phòng từng lừng lẫy một thời cũng vì thế mà mất đi thị trường quốc tế. Các đơn hàng vũ khí chỉ giới hạn ở thị trường nhỏ bé trong nước, đủ để phục vụ khoảng 200.000 người.
Nhưng bước sang những năm đầu của thế kỷ 21, cùng với xu hướng hữu khuynh trong tổng thể chính sách đối nội – đối ngoại và đặc biệt là những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trong khu vực, nhu cầu sửa đổi các nguyên tắc xuất khẩu vũ khí xuất hiện càng nhiều ở Nhật Bản. Những hạn chế xuất khẩu vũ khí từng bước được nới lỏng. Lệnh cấm dần bị phá vỡ để thay bằng 3 nguyên tắc mới về chuyển giao trang thiết bị quốc phòng.
Video đang HOT
Dựa trên các nguyên tắc mới, Nhật Bản đã bán 10 tàu tuần tra cho Philippines, thương lượng bán xe lội nước và cứu nạn cho Ấn Độ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh với các nước ven Biển Đông.
Mặc dù ba nguyên tắc mới chỉ cho phép Nhật Bản phát triển và sản xuất vũ khí với phương Tây, nhưng nước này vẫn có thể xuất khẩu trang thiết bị quân sự vì mục đích hòa bình và nhân đạo. Vì thế, chúng sẽ giúp Nhật Bản tiến một bước lớn trên con đường phục hưng ngành công nghiệp quốc phòng và nâng cao năng lực tấn công mạnh mẽ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tiềm năng công nghiệp quốc phòng đứng đầu châu Á và thuộc hàng “máu mặt” trên thế giới, Nhật Bản sẽ chẳng khác nào “hổ thả về rừng” và quốc gia đầu tiên phải lo ngại chính là Trung Quốc sau một thời gian dài gây quan ngại trong khu vực bằng những chính sách phát triển gây tranh cãi mà điển hình là việc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông và thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông.
Trong phản ứng mới nhất, Bắc Kinh cho rằng chính Washington là động lực cho Tokyo chuyển mình mạnh mẽ. Mỹ đã chuyển đổi lực lượng phòng vệ Nhật Bản thành quân đội chính quy; hỗ trợ Tokyo phát triển nhiều loại vũ khí hiện đại, kể cả vũ khí có năng lực tấn công; và thúc đẩy “sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt” Nhật Bản.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Trung Quốc, Mỹ không chỉ theo đuổi chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, mà còn xây dựng cấu trúc khu vực mới với Mỹ và Nhật Bản là trung tâm. Trong cấu trúc này, Nhật Bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ, đồng thời trở thành đối tác ngang hàng (chứ không phải chỉ là đồng minh thụ động) trong việc cản trở sự nổi lên của Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu này, cách thức duy nhất là Mỹ phải hỗ trợ Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp hòa bình như đã được đề cập ở trên nhằm biến Tokyo thành một cường quốc độc lập trong trật tự an ninh mới ở châu Á.
Tuy nhiên, đấy là cách nhìn của Trung Quốc. Còn với Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong khu vực, sự chuyển mình của Tokyo có cả nguyên do chủ quan và khách quan, nhưng khách quan vẫn chiếm vai trò chủ đạo.
Hiện quan hệ của Trung Quốc với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đã xuống đến mức thấp nhất và không ngừng nảy sinh căng thẳng. Tham vọng của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông, kiểm soát vùng ADIZ ở Hoa Đông, đẩy mạnh phát triển quân sự và áp đặt chính sách kẻ cả nước lớn trong các quan hệ song phương không khỏi khiến nhiều quốc gia lo ngại. Trong bối cảnh chỉ Nhật Bản có đủ khả năng đối trọng với Trung Quốc thì việc nước này phải gánh vác trọng trách lớn hơn là điều khó tránh khỏi.
Đức Vũ
Theo Dantri
Hàn Quốc sợ Nhật Bản đưa quân ra nước ngoài
Hàn Quốc đang lo sợ việc Mỹ đồng ý với việc Nhật Bản sửa đối hiến pháp và có thể đưa quân đi tác chiến ở nước ngoài.
Ngày 30/10, một quan chức cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu Mỹ "nhìn nhận" chủ quyền của Hàn Quốc trước khi nhất trí cho Nhật Bản triển khai lực lượng quân sự của mình ra nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc phản ứng trực tiếp với Mỹ về vấn đề Nhật Bản đang tìm cách hợp thức hóa cái gọi là "tự vệ tập thể", cho phép quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài nếu một đồng minh bị đe dọa. Điều này có thể dẫn tới khả năng Nhật Bản sẽ triển khai quân ở bán đảo Triều Tiên nhằm hỗ trợ cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc khi có tình huống khẩn cấp.
Quân đội Nhật Bản có thể sẽ được triển khai đến Hàn Quốc trong tình huống khẩn cấp
Từ lâu, người dân Hàn Quốc đã có một thái độ hoài nghi thâm căn cố đế đối với lực lượng quân sự của Nhật Bản sau khi quân Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến khi Thế chiến 2 kết thúc.
Hiện chính phủ của Thủ tướng Abe đang tìm cách thay đổi hiến pháp Nhật Bản nhằm cho phép quân đội nước này được thực hiện các nhiệm vụ tác chiến ở nước ngoài, và động thái này đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Úc, Anh nhằm chống lại ảnh hưởng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.
Tuy nhiên Hàn Quốc cho rằng việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp theo chiều hướng này sẽ tạo ra tác động lớn đến an ninh ở khu vực Đông Bắc Á. Một cuộc chạy đua vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tạo ra bầu không khí Chiến tranh Lạnh mới trong khu vực, và quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật có khả năng sẽ áp đảo quan hệ Mỹ-Hàn. Lúc đó, Hàn Quốc sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về mặt an ninh và vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Trong khi đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trên nhóm đảo Dokdo vẫn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi vậy, những động thái nhằm khẳng định quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản đều khiến Hàn Quốc không ngớt lo lắng.
Hiện nay, trong nội bộ chính phủ Hàn Quốc đang có ý kiến cho rằng Hàn Quốc nên ngầm thừa nhận quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thay vì ra mặt phản đối, Hàn Quốc nên thuyết phục Mỹ rằng việc để cho quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài có thể hủy hoại toàn bộ chiến lược của Mỹ ở châu Á vì nước này không nhận được sự hậu thuẫn nào trong khu vực.
Đây là thời điểm nhạy cảm trong quan hệ an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, và việc biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội để tăng cường vai trò địa chính trị của mình trong khu vực phụ thuộc rất nhiều vào chính sách và kỹ năng ngoại giao của mỗi nước.
Theo Chosun