Chuyện ly kỳ về “kho báu đồng đen” ở ngôi chùa cổ
Khi đào móng xây chùa và tiến hành đóng xà, sư thầy Thích Minh Quang bất ngờ gặp vật cản dưới lòng đất ở độ sâu 3m.
Thấy vậy, vị sư vội dùng xẻng khơi lên thì phát hiện một chiếc ấm đựng nước màu đen óng. Tiếp tục đào, sư Minh Quang lại tìm thấy một cặp gà trống đúc màu đen. Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau, sư Quang lại phát hiện thêm một tượng Phật cổ với thiết kế rất lạ. Theo vị sư trụ trì này, nhóm cổ vật đều màu đen, rất nặng và không hề có hiện tượng gỉ sét. Nhiều luồng dư luận nghi hoặc, lão sư ông đang sở hữu một kho báu đồng đen.
Đào móng xây chùa phát hiện cổ vật
Minh Quang Tự, ngôi chùa ở vùng ngoại ô TP. HCM thuộc phường Tân Tạo (Q. Tân Phú), nhiều năm nay mang trong mình bí mật khiến giới săn lùng cổ vật thèm thuồng. Theo đó, vị sư trụ trì Minh Quang Tự đang sở hữu một kho báu đồng đen, thứ kim loại xưa nay vẫn được dân gian truyền miệng là có giá trị quý hơn vàng. Người ta còn rỉ tai nhau, nếu ai đó chỉ cần sở hữu được một phần trong số cổ vật của “kho báu” này và đem bán đi thì sẽ giàu to. Từ đây, Minh Quang Tự đã phải đối mặt với nhiều cuộc “viếng thăm” của dân buôn đồ cổ, khách thập phương hiếu kỳ và cả phường đạo tặc.
Trở lại ngôi chùa tìm hiểu sự thực về kho báu này, chúng tôi được sư thầy Thích Minh Quang (74 tuổi), người nổi tiếng trong vùng với những chuyến từ thiện cho người nghèo, cưu mang những phận đời cơ nhỡ, cho biết: “Minh Quang Tự tính đến nay mới xây dựng được tròn 24 năm. Nơi đây, sư thầy mở giảng đường nói chuyện Phật pháp, làm nơi tu tập và nhiều năm qua hành nghề bấm huyệt chữa bệnh miễn phí cho người dân”.
Sư thầy Minh Quang cho rằng, ông có cơ duyên với số cổ vật. Ảnh TG
Theo sư thầy Minh Quang, chùa không ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí như lâu nay người ta vẫn đồn thổi, ngoại trừ một số cổ vật bằng kim loại rất lạ đang lưu giữ, bảo vệ. Sư Minh Quang tin rằng, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà giữa người và cổ vật có căn duyên nào đó. Trước khi vào câu chuyện, vị sư trụ trì kể cho chúng tôi nghe về quá khứ vất vả trước khi đến với ngôi chùa hiện tại. Tuổi thơ bất hạnh, 2 tuổi mồ côi cha mẹ. Năm 9 tuổi, cậu bé mồ côi quyết định xuất gia. Đến năm 1965, sư Minh Quang từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, tu tại chùa Tuyền Lâm (Q.6). Tại đây, sư Minh Quang học thêm kỹ thuật bấm huyệt để sau này có cơ hội chữa bệnh cho người nghèo. Năm 1992, lúc này đã 50 tuổi, sư thầy Minh Quang quyết định rời nơi tu tập, xin về vùng Tân Tạo ngoại thành Sài Gòn để lập tịnh thất làm nơi chữa bệnh từ thiện. Quyết định này cũng chính là căn duyên giúp sư thầy Minh Quang tìm được số cổ vật kỳ lạ.
Theo sư thầy, những ngày mới khai hoang lập chùa, cả vùng đất này chỉ là đồng ruộng mênh mông ngập nước, phủ đầy lau sậy. Một mình sư thầy ngày đêm đào móng, đóng xà làm nền dựng chùa. Khi đào một đường móng sâu được khoảng 3m, sư thầy quyết định dùng cọc đóng xà chống lún. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi một chiếc cọc bị khựng lại. Lúc đó, sư thầy lấy hết sức bình sinh nện nhưng vẫn không ăn thua. Chiếc cọc không tiến thêm được phân nào khiến sư thầy có cảm giác nó bị một vật gì đó cản lại.
Video đang HOT
Thấy lạ, sư thầy dùng xẻng đào lên xem thì phát hiện một vật như cái ấm đựng nước màu đen. Sư thầy mang đi rửa sạch thì thấy bề mặt thêm nhẵn bóng và dưới ánh mặt trời, chiếc cổ vật hiện lên dòng chữ Nho, dịch ra là Minh Mạng Vương. Với hiểu biết của mình, sư thầy đoán rằng đây là cổ vật thời vua Minh Mạng để lại (?!). Đang bận bịu với việc dựng chùa, sư thầy tạm bỏ chiếc ấm sang một bên và tiếp tục đóng cọc thì lại gặp vật cản. Lần này, vật được sư thầy moi lên là một cặp gà trống màu đen óng, trông oai phong ngạo nghễ. Nhìn trực quan có thể thấy, chất liệu của cái tích và cặp gà không khác nhau. Chưa hết ngạc nhiên, khi đóng cọc tiếp, sư ông lại gặp một vật khác, lần này là một pho tượng Phật được đúc khá lạ. Bắt gặp liên tiếp những cổ vật từ lòng đất, sư thầy Minh Quang không khỏi nghi vấn, bản thân có mối duyên nào đó với người xưa. Sư thầy quyết định dừng tay, rửa sạch số cổ vật trên mang vào thất cất giữ cẩn thận.
Nghi vấn về “kho báu đồng đen”
Sư thầy Minh Quang kể, sau khi tình cờ bắt được những cổ vật trên, sư không bắt gặp thêm những cổ vật nào nữa mà chỉ có ít đồ sành sứ. Chuyện tưởng như chỉ dừng lại ở đó, sư thầy không ngờ lời đồn thổi mình bắt được kho “báu đồng đen” bị lan truyền. Những ngày sau đó, rất nhiều người đã đổ xô đến tịnh thất để xem. Trong đó, không ít tay săn đồ cổ tìm đến gạ mua nhưng sư thầy Minh Quang nhất định không bán. Những tay sừng sỏ trong giới chơi đồ cổ, sau khi xem qua số cổ vật trong tịnh thất trầm trồ cho rằng, tất cả đều được cổ nhân đúc rất tinh vi, mang nhiều dụng ý. Có lẽ vì chúng màu đen, lại không phải nhôm hoặc sắt… nên người ta đồn đoán là đồng đen.
Chiếc tích, cặp gà và tượng Phật cổ. Ảnh TG
Theo sư Minh Quang, chiếc ấm cao khoảng 11cm, nặng 700gram, thân bình khắc cảnh sông nước ôm quanh ngôi cổ tự nằm trên sóng gió lồng lộng. Họa tiết đơn sơ nhưng có thần uy, gợi cho người thưởng lãm cảm giác an lành, vững chãi. Cặp gà trống cao khoảng 24cm, mỗi con nặng 1,1kg, đuôi uốn cong, dáng đứng ngạo nghễ, ngực ưỡn về phía trước. Mào răng cưa dựng đứng, mỏ uy nghi, mắt có thần. Dưới chân, mỗi con gà đều đứng lên những đồng tiền với họa tiết sắc sảo, cùng với đó là 2 chữ “Sanh Tài” bằng chữ Nho. Điều này cho thấy, nghệ nhân đúc chúng không những có dụng ý mà còn tay nghề rất cao. Sư thầy Minh Quang cho hay, đây là cặp gà mà bản thân ông rất tâm đắc, bởi chiếu theo tuổi thì sư Minh Quang sinh năm Ất Dậu, việc xây chùa gặp tượng gà ứng với tuổi nên đây có thể coi là điềm lành, cơ duyên hiếm có trong đời.
Bức tượng Phật cũng kỳ bí không kém, theo sư Minh Quang, tượng cao khoảng 12cm, nặng 450gram. Phật ngồi ở thế kiết già, hai tay nâng bình cam lộ, gương mặt thiền định vô ưu, đầu đội lọng hình con rắn thần 7 đầu. Bên trên là một tượng Phật nhỏ, có 8 vị La Hán làm tòa cho Đức Phật ngồi thiền, nhìn như những đài sen. Góc sau của đài tượng là 2 con sư tử ứng với truyền thuyết sư tử hống của đức Phật. Toàn thân pho tượng gõ nhẹ chỗ nào cũng phát ra âm thanh. Càng gõ dần lên trên âm thanh càng vang, trong như tiếng chuông.
Trước những lời đồn đoán đây là những cổ vật quý hiếm hay kho báu đồng đen, sư thầy đều cho là hoàn toàn không có cơ sở. Sư Minh Quang khẳng định, số cổ vật trên hiện đang được lưu giữ và bảo quản cẩn thận tại chùa. Dù chúng có là đồng đen hay chất liệu quý hiếm nào đó thì nhà chùa cũng không bán, đổi. Vị sư thầy trụ trì cho biết thêm, vào những ngày lễ nhà chùa mới đem những cổ vật ấy cho Phật tử thưởng lãm. Cho đến nay, đã hơn 2 thập niên kể từ ngày phát hiện số cổ vật này, vẫn không ai biết đích xác chúng được làm bằng chất liệu gì. Có lẽ vì thế, “kho báu đồng đen” trong ngôi chùa vẫn là một câu chuyện kỳ bí, gợi sự tò mò không ngớt cho người dân trong vùng.
Đồng đen chỉ là huyền thoại? Ông Lại Hồng Thanh (Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN) cho biết, đồng đen là một từ dân dã, dùng để chỉ một thứ kim loại do con người luyện nên. Còn một chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ mỏ luyện kim cho biết, theo tài liệu nước ngoài, từ cổ xưa con người đã luyện ra đồng đen từ quặng. Đồng đen có màu đen, chứa nhiều kim loại quý (như vàng, bạc, thiếc…). Sự huyền bí của đồng đen chủ yếu do con người đồn thổi nên. Chuyên gia này cho biết, đồng đen khi tách hết các tạp chất thì ra đồng đỏ đẹp. Đồng đen có nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận “chưa bao giờ thấy đồng đen”.
Theo Linh Nguyễn – Hàn Phong (Gia đình & Xã hội)
Tâm sự của người phụ nữ từng bị chồng cũ thiêu sống
Hơn một năm trôi qua, chị vẫn chưa thể quên buổi sáng đau đớn bị gã đàn ông đầu ấp má kề kéo vào nghĩa trang đánh đến ngất xỉu, sau đó nhẫn tâm đổ xăng thiêu sống.
Nỗi đau thể xác rồi cũng dần dịu lại, khi chị tìm được người yêu thương mình để xây dựng lại mái ấm gia đình. Nhưng mỗi lần nhắc đến gã chồng cũ tàn độc, những ký ức đau thương lại khiến người đàn bà không ngăn nổi dòng nước mắt ứa ra. Qua cơn xúc động, chị tâm sự: "Cũng may, "lần đò thứ hai" của tôi rất êm đềm. Cuộc sống mới, rồi sẽ giúp tôi quên đi nỗi ám ảnh".
Buổi sáng oan nghiệt
Khoảng 7h30 sáng ngày 11/5/2012, nhiều người dân sống ở ấp Lòng Hồ (xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) giật mình khi nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh phát ra ở gần khu nghĩa địa. Mọi người kéo nhau chạy về phía có ánh lửa thì phát hiện chị Đỗ Thị Báu (SN 1984, ngụ ấp Thuận An, xã Thành An, huyện Hớn Quản) đang nằm quằn quại, cố lăn mình giữa đám cỏ để ngăn ngọn lửa đang ngùn ngụt bao trùm lấy toàn bộ cơ thể. Phải khó khăn lắm, mọi người mới giúp dập tắt ngọn đuốc "sống". Nhưng lúc này, thân thể chị Báu đã bị ngọn lửa bao trùm, quần áo và đầu tóc bị cháy hết. Nạn nhân nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 512 (tỉnh Bình Dương) trong tình trạng nguy kịch.
Sự việc còn chưa lắng xuống thì khoảng 30 phút sau, một người dân bất ngờ thét lên kinh hãi khi phát hiện cách khu vực nơi xảy ra đám cháy khoảng 30 mét, có một người đàn ông đang treo cổ lơ lửng trên cây cao. Ngay lập tức, vụ việc được báo lên chính quyền địa phương xã Tân Hưng. Có mặt tại hiện trường, lực lượng công an nhanh chóng xác định danh tính người đàn ông chết trong tư thế treo cổ là Bùi Phong Đại (SN 1987, ngụ xã Thanh Phú, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước), cũng chính là hung thủ thiêu sống vợ mình - chị Đỗ Thị Báu.
Sự việc diễn ra quá nhanh, không ai ngờ nạn nhân và hung thủ đã từng là vợ chồng và có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh hơn 4 tuổi. Trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, Đại và chị Báu đã kết hôn được 5 năm. Đến năm 2011, cuộc sống vợ chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn và thường xuyên cãi vã nhau, chị Báu quyết định tạm thời li thân và đem đứa con trai về nhà mẹ đẻ ở xã Thành An (huyện Hớn Quản) sinh sống. Từ ngày vợ về ngoại sinh sống, Đại thường xuyên qua nhà gặp chị Báu đòi nối lại tình xưa. Nài nỉ không được, hắn quay sang dọa dẫm. Đáp lại sự đeo đẳng của Đại, chị Báu quyết định gửi đơn li hôn lên tòa án.
Ngồi lặng người bên đứa con trai đang tuổi ăn tuổi chơi vô tư cười nói, chị Báu cố nén dòng nước mắt, giọng buồn rầu nhớ lại: "Sáng hôm ấy, tôi đang trên đường ra tòa để làm thủ tục li dị với chồng. Khi tôi chạy xe ngang qua nghĩa trang Lòng Hồ thì bất ngờ anh Đại chạy xe ép tôi vào lề đường để "nói chuyện". Sau một hồi lời qua tiếng lại, anh ấy lao vào đánh tôi tới tấp. Quá sợ hãi, tôi đã xỉu ngay tại chỗ. Thật không ngờ, Đại lại kéo tôi vào nghĩa trang rồi...". Chị bỏ lửng câu nói giữa chừng khi không thể nào giấu đi những dòng nước mắt đang lăn vội.
Sau khi đánh vợ đến ngất xỉu, Đại đã lấy mấy lít xăng thủ sẵn trong cốp xe tưới lên toàn bộ cơ thể chị Báu và không ngần ngại châm lửa đốt. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm lên người vợ tội nghiệp. Chị quằn quại đau đớn trong tiếng kêu cứu. Vậy nhưng, những lời "thỉnh cầu" đến lạc cả giọng của vợ cũng không hề đánh thức được lương tâm của gã chồng bất lương. Nhìn vợ đau đớn ngã gục, Đại lạnh lùng quay lưng bước đi.
Nhưng may mắn cho chị là đúng lúc đó, người dân nghe tiếng kêu cứu đã chạy vào và kịp thời dập lửa. Còn Bùi Phong Đại, biết có người nhận ra mình nên đã nhanh chóng chạy trốn và đứng nép ở sau một gốc cây trong nghĩa trang. Sau đó, vì biết rõ đã phạm vào tội tày trời không thể nào thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, Đại đã lấy một đoạn dây điện rồi treo cổ trên cành cây, tự kết liễu cuộc đời mình.
Chị Đỗ Thị Báu đang hạnh phúc sau khi may mắn thoát khỏi đòn thù của người chồng cũ. Ảnh TG
Quên đi quá khứ để sống vì con
Hơn một năm trôi qua, chị Báu giờ đã có cuộc sống mới khi tìm được cho mình một "bóng tùng quân" đúng nghĩa. Nhưng cuộc đời lắm nỗi trớ trêu, người mẹ như chị không thể dối tâm can. Mỗi lần con thơ nhắc đến cha, chị vẫn thấy chạnh lòng. Hiện tại, chị vẫn làm nữ hộ sinh cho trạm y tế của nông trường cao su ở xã Thành An.
Trong dòng hồi tưởng về quá khứ, chị vẫn nhớ như in cuộc sống trước đây. Ngày mới quen nhau, Đại là một chàng trai làm nghề cắt tóc, chịu khó làm ăn. Chị hơn Đại ba tuổi nhưng vì yêu thương nhau hết mực, họ bỏ qua khoảng cách tuổi tác, cùng nhau mơ về một "ngôi nhà và những đứa trẻ". Nhưng hạnh phúc "ngắn chẳng tày gang", một năm sau khi đứa con trai đầu lòng ra đời, hai vợ chồng Báu thường xuyên xảy ra nhiều mâu thuẫn.
Nguồn cơn của mọi nhẽ đều vì Đại đã không còn là người chồng, người cha có trách nhiệm với vợ con, tối ngày chỉ biết mài "đũng quần" trên chiếu bạc. Đã thế, mỗi lần thua bạc về nhà hắn lại kiếm cớ gây sự đánh đập vợ dã man. Thói vũ phu của Đại khiến chị Báu bao phen sống dở chết dở vì những trận đòn kinh hoàng. Không chịu nổi gã chồng vũ phu, chị đã quyết định li hôn. Chị Báu không thể ngờ, cái ngày ngỡ sẽ thoát khỏi cuộc sống địa ngục lại chính là thời khắc cả đời chị không thể quên được. Ngày chị Báu cảm nhận được tình cảm vợ chồng đã không thể cứu vãn để sống vì đứa con thơ cũng là lúc chị nhận ra, tình người đã không còn trong Đại.
Sau buổi sáng nghiệt ngã ấy, chị phải nằm viện điều trị cả tháng trời. Ra viện, những vết bỏng vẫn chưa lành da khiến chị đau đớn. Nhiều đêm, nghĩ tủi phận mình, chị chỉ biết nằm khóc một mình. "May mắn được trời thương nên tôi vẫn còn sống. Nghĩ đến chồng, tôi cũng đau lắm chứ, nhưng nghĩ lại thì đau thương mất mát nhất vẫn là gia đình Đại. Chiếc áo, chiếc quần cũ mất đi người ta vẫn còn tiếc, huống hồ là núm ruột của mình. Nghĩ đến đấy, tôi cũng thương cảm cho bên nội nên bao nhiêu uất hận dần tan biến", chị Báu trải lòng.
Bây giờ, điều chị bận tâm nhất là tương lai sau này của đứa con trai với Đại. Từ ngày xảy ra chuyện, có biết bao nhiêu lời ra tiếng vào, chị sợ miệng lưỡi người đời nhiều lúc cay nghiệt lọt vào tai trẻ thơ sẽ làm con bị tổn thương, lớn lên sẽ mặc cảm về cha mẹ. Chị Báu tâm sự: "Chuyện cha mẹ chẳng liên quan gì đến con trẻ. Sau này, tôi phải cố gắng bù đắp cho con sự thiếu vắng người cha. Về Đại, tôi chỉ thấy tiếc cho một kẻ coi thường mạng sống của mình. Chứ thực lòng, tôi không còn tình cảm luyến thương gì với một người chồng bạc tình, bạc nghĩa như vậy nữa". Chị còn cho biết, sau cái chết của Đại, người thân bên nội không hề trách cứ mà vẫn thương con dâu và cháu trai như trước. Những ngày cuối tuần, ông bà nội đều qua thăm cháu chứ không hề bỏ rơi.
Giờ đây, chị Báu cũng đã lập gia đình mới với người chồng đang làm công nhân tại một công ty chế biến mủ cao su ở Lòng Hồ (Xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Hiện tại, nguôi ngoai dần nỗi đau, chị đã mang thai được 5 tháng. Theo lời chị kể, chồng mới là người tâm lý. Sợ chị đau lòng nên từ khi sống chung với nhau, anh chưa bao giờ khơi lại chuyện cũ. Cũng giống như chị, anh cũng từng qua một đời vợ và có một cậu con trai. Không thể giấu được niềm hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, vừa nói chị vừa chỉ tay về hai cậu con trai đang chơi đùa bên ngoài hiên nhà: "Kia là "con ông, con bà", rồi cúi xuống nhìn bụng bầu bao bọc một sinh linh nhỏ bé đang dần lớn lên của mình chị mỉm cười: "Và đây là con "chúng ta"".
Theo Khôi Nguyên - Linh Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Tàu chở 50 ngư dân bị chìm: Tìm thấy nạn nhân mất tích Sau một ngày tìm kiếm và trục vớt con tàu bị chìm vào ngày 24/4 tại vùng biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể người phụ nữ mất tích ngay trong cabin tàu. Sau khi tìm thấy xác chị Mùi, gia đình nạn nhân đã đến nhận và đưa về nhà tổ...