Chuyện ly kỳ về bò tót ở Việt Nam
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Việt Nam có trên 3.000 con bò tót phân bố ở hàng chục tỉnh khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
Bò tót ở vườn quốc gia Phước Bình.
Là loài thú hung dữ, có tầm vóc khổng lồ, hầu như không có thiên địch và được xem là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng ở nhiều quốc gia, thế nhưng, bò tót vẫn là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao do bị lâm tặc và cả người dân giết hại.
Bò tót giương oai khắp chốn
Ở chốn rừng sâu Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, từ khoảng cách chừng 80m, qua ống nhòm chúng tôi quan sát đàn bò tót gồm 8 con đang nhởn nhơ gặm cỏ. Bò đực lông màu đen bóng, bò cái màu nâu sẫm, còn con non màu nâu vàng. Bò đực hay cái đều có sừng to, chắc, cân đối, uốn cong lên phía trên tạo vòng cung hình bán nguyệt và hướng về phía trước.
Chiều dài trung bình của sừng bò đực lên tới trên 80cm, sừng bò cái ngắn, nhỏ và uốn cong hơn. Đầu bò to, trán dẹt hơi lõm, giữa hai gốc sừng có một chỏm lông màu vàng. Ở cả bốn chân, từ khuỷu trở xuống có màu trắng ngà, trông giống như đi tất trắng.
Bò đực cao hơn 2m, nặng hàng tấn, bò cái thấp hơn khoảng 20cm và có trọng lượng bằng 2/3 con đực. Theo bách khoa toàn thư thì bò tót là loài thú lớn thứ hai trên cạn về tầm vóc và chiều cao, chỉ xếp sau voi. Về khối lượng, bò tót đứng thứ tư, sau voi, tê giác trắng và tê giác Ấn Độ. Với vóc dáng khổng lồ, con đực không mang cục u trên lưng như bò nhà mà có hẳn một sóng cơ nổi lên chạy dài dọc sống lưng đến quá bả vai và một cái yếm lớn trước ngực trông đầy uy lực.
Đầu bò tót phát hiện trong một vụ án ở tỉnh Ninh Thuận.
Tôi mon men tiến gần hơn về phía đàn bò tót, hy vọng rút ngắn bớt khoảng cách để có thể chụp ảnh. Nhanh như cắt, người dẫn đường bám theo, kéo tôi về vị trí cũ. Dẫu chưa chụp được tấm nào nhưng bù lại tôi nghe được tiếng thở phì phò của nó. Nhìn qua ống nhòm, chúng tôi thấy con đầu đàn phồng mũi, găm sừng xuống đất và mắt long lên sòng sọc. Dường như nó ngửi thấy hơi người nên vội thủ thế để lao lên tấn công.
Anh Chung Giáo Đức, hướng dẫn viên VQG Cát Tiên, kể cách đây hơn hai năm, khi đi tuần tra ở khu vực đồi đất đỏ (thuộc địa bàn huyện Định Quán, Đồng Nai), anh Quách Đức cùng một cán bộ khác của VQG Cát Tiên phát hiện đàn bò tót. Khi anh đưa máy ảnh lên để chụp thì một con lao tới đá và quật khiến anh bị đa chấn thương, bể bẹ sườn, xương mông… Nhờ được cấp cứu kịp thời và điều trị hiệu quả nên anh dần hồi phục nhưng khả năng vận động kém trước nhiều.
“Bò tót dữ tợn và hung hăng lắm. Nghe tiếng súng nổ, bò rừng hoảng loạn chạy trốn nhưng bò tót sẵn sàng tấn công nếu phát hiện nơi ẩn nấp của cánh thợ săn”, anh Chung Giáo Đức nói.
To lớn, tinh nhạy và hung dữ, bò tót hầu như không có thiên địch, ngoại trừ hổ. Tuy nhiên, chỉ những con hổ cường tráng, tinh ranh, lọc lõi mới dám đối đầu với bò tót. Người dân sinh sống tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận) – vùng đệm VQG Phước Bình cũng thường xuyên sợ hãi, bất an khi con bò tót đen trũi, nặng gần một tấn có lẽ do bị bầy đàn tẩy chay nên tìm đường xuống núi để ve vãn, giao phối với bò cái trong các đàn gia súc.
Nhiều cán bộ và người dân cảnh báo chúng tôi chỉ nên quan sát từ xa chứ đừng lại gần vì con bò tót này đã húc bị thương ba người. Đầu tiên, nó quật chết con bò đực giống rồi đuổi theo húc trọng thương cậu bé chăn bò mới 10 tuổi tên là Pinăng Biếp. Kế đến, một người dân bị rượt đuổi, đạp toác cả da đầu khi tiến lại gần nó và dùng điện thoại chụp ảnh…
Bò tót thường xuyên xuất hiện trên nương rẫy hung hăng kéo sụp chòi canh; quật đổ ngổn ngang và giẫm đạp tơi bời cây trái, hoa màu khiến nhiều người hoảng sợ. Bà con chỉ dám lên rẫy vào ban ngày, đến khi mặt trời sắp khuất núi thì vội vã trở về nhà để tránh bị bò tót tấn công. “Có những lúc bò tót theo bò cái nhà về tận thôn Bạc Rây 2 khiến nhiều người sợ mất vía, phải sang thôn khác ngủ nhờ”, anh Nguyễn Thành Tích nói.
Video đang HOT
Từ duyên nợ của chuyến lội bộ băng rừng mấy chục cây số lần theo dấu chân tê giác và bò tót ở rừng già Cát Tiên mười mấy năm về trước, tôi được các cán bộ kiểm lâm tín nhiệm chia sẻ thông tin liên quan đến thú hoang dã; cho tháp tùng nhiều chuyến vây bắt lâm tặc, đánh úp các nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng… Qua đó càng xót xa cho bò tót, là loài mãnh thú nhưng trước hòn tên mũi đạn, cũng bất lực và đáng thương như bao loài thú nhỏ bé, hiền lành như khỉ, voọc, culy, chim chóc.
Súng săn do Kiểm lâm Lâm Đồng tịch thu.
Chấn động nhất là vụ sát hại 2 con bò tót ở Khu bảo tồn (KBT) Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) vào cuối tháng 1/2003. Giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM Võ Thành Long, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đại Hùng), cán bộ Đồn Biên phòng tỉnh Bình Phước Nguyễn Việt Dũng cùng 4 người khác được mở cửa cho vào vùng cấm nghiêm ngặt của KBT để tham quan, kiếm con mang, con thỏ.
Nhưng rồi, hai trong số người đã dùng súng quân dụng bắn chết 2 con bò tót. Đến giữa tháng 7/2005, hai thợ săn khác lại giết hại 1 con bò tót tại KBT này. Khi bị phát hiện, họ đã bắn về phía tổ tuần tra rồi lợi dụng bóng đêm tẩu thoát vào rừng, bỏ lại đầu bò tót dính đầy máu.
Giữa tháng 10/2008, lực lượng kiểm lâm VQG Bidoup – Núi Bà đã mai phục tại TK 142, bắt quả tang Bon Tô Sa Nga (SN 1963) – xã đội trưởng xã Đạ Cháy (Lạc Dương, Lâm Đồng) và Kon Sa Ha Đa (SN 1990) đang vận chuyển đầu bò tót nặng 18kg với cặp sừng rất đẹp từ hướng huyện Bác Ái (Ninh Thuận) lên Lâm Đồng.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra xác định con bò này nặng khoảng 700 – 800 kg thuộc đàn bò tót sống ở vùng giáp ranh giữa hai VQG Phước Bình và Bi doup – Núi Bà.
Tháng 6/2012, toán thợ săn cư trú tại xã Nâm N’dir (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã lần theo dấu chân và dùng súng tự chế bắn chết một con bò tót ở KBT thiên nhiên Nam Nung. Quá trình bị khởi tố điều tra, 8 đối tượng đã khai báo toàn bộ hành vi phạm tội đồng thời giao nộp 5 khẩu súng tự chế.
Tháng 10 cùng năm, phát hiện con bò tót bị sa lầy tại vùng đệm VQG Cát Tiên, nhiều người dân đã hè nhau dùng dao sát hại, xẻ thịt bò tót mang đi bán. 5 trong số 13 người liên quan đến vụ việc này bị tuyên phạt 78 tháng tù.
Tranh luận tại phiên toà, đại diện VQG Cát Tiên cho rằng đây là hành vi vi phạm với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức nhưng đại diện Viện Kiểm sát nhận định mức độ tổ chức giản đơn nên cho hưởng án treo.
Hầu như tháng nào các VQG cũng phát hiện tháo gỡ nhiều bẫy thú lớn và tịch thu số lượng đáng kể súng tự chế của lâm tặc. Mức độ sát thương của súng tự chế chẳng thua kém súng quân dụng là bao nhưng về luật thì không thể truy tố các đối tượng được. Đây thực sự là bất cập trong công tác quản lý bảo vệ thú hoang dã và là dấu hiệu rất đáng lo ngại cho số phận của bò tót.
Nạn săn trộm thú quý và chặt phá rừng tràn lan làm chia cắt mạnh lãnh địa và thu hẹp môi trường sống của bò tót khiến nhiều đàn bò bị xóa sổ. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Việt Nam có trên 3.000 con bò tót phân bố ở hàng chục tỉnh khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Thế nhưng đến giữa thập niên 90 còn khoảng 500 con và hiện tại chỉ chừng trên 300 con, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.
Các vùng khác chỉ còn những quần thể nhỏ trên dưới 10 con. Trong vòng 40 năm mà số lượng bò tót bị giết hại lên đến 90%: Quả là con số ám ảnh về sự suy giảm nghiêm trọng số lượng bò tót ở Việt Nam.
Cùng với việc công bố tuyệt chủng loài tê giác một sừng ở Việt Nam, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhắc lại lời cảnh báo: Quần thể bò tót trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước nguy cơ báo động cao về sự tuyệt chủng.
Theo Xahoi
Người trong cuộc kể chuyện giải cứu động vật hoang dã
Một chuyên án ngăn chặn nạn nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, trái phép của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B, Văn phòng phía Nam) với sự kết hợp của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cùng với sự hỗ trợ của Viện sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS).
Chuyên án mở đầu vào ngày 3/7 nhắm vào hai cơ sở tại huyện Bến Cát và một cơ sở tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Một cán bộ WCS trực tiếp cùng tham gia chuyên án kể về quá trình trinh sát và đột nhập bất ngờ của các chiến sỹ cảnh sát và kiểm lâm.
Toàn là động vật quý hiếm bị nuôi nhốt trái phép
Ngày 1/7, phòng 3 cục Cảnh sát Môi trường (CSMT C49B) nhận được tin báo về hành vi nuôi nhốt của 3 cơ sở tại Bình Dương, đến 1 giờ chiều, đoàn trinh sát đã được tổ chức đến địa bàn. Con đường đi vào địa điểm này vô cùng khó tìm, nằm sâu trong rẫy cao su.
Tiêm thuốc chống sốc sau khi vượn đã bị gây mê
Trong vai là người mua gỗ cao su về làm bột giấy, chúng tôi tiếp xúc với một nhóm người đang cưa cây cao su. Hỏi han về tình hình mua bán gỗ và giá cả, sau một hồi lâu họ cũng tiết lộ về một số loài động vật nuôi trong nhà bà Nguyễn Thị Diệp Hồng và ông Nguyễn Văn Long ở 446 ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát.
Họ cho biết trước đây trang trại nuôi rất nhiều hươu, nai, công và vượn, sau này trang trại bán hết hươu nai và chỉ giữ lại công, vượn và trĩ đỏ khoang cổ.
Ngay sau đó tôi cùng một trinh sát chạy thẳng xe vào sân nhà. Một bầy chó chạy ra sủa inh ỏi, chỉ chực nhảy bổ vào để cắn. May mắn tôi có một chút kinh nghiệm trong nuôi và huấn luyện chó, sau vài động tác làm cho những chú chó cảm thấy không nguy hiểm, chúng liền rút lui.
Bà Hồng từ trong nhà bước ra cho biết trang trại cao su là của bà và bà Vân, ông Long. Trinh sát vào đề với câu chuyện mua gỗ cao su, trong khi đó tôi nhanh chóng đi ra phía sau nhà quan sát và ghi hình bằng máy quay ẩn.
Vượn đen má hung cái da bọc xương
Có 6 con vượn được nuôi nhốt trong 3 lồng lớn, ngay ngoài cùng là con vượn Pile (một loài không có phân bố ở Việt Nam), ngay kế bên là một cặp vượn đen má hung. Đi sâu tiếp vào khoảng 15m là một chuồng lớn với 3 con vượn má hung khác.
Theo quan sát của tôi con vượn nhỏ trong chuồng này có thể là con của hai con kia. Con vượn đực rất hung dữ và con vượn cái có vóc dáng lớn nhưng rất gầy chỉ có da bọc xương. Ngay cạnh đó là một chuồng nuôi nhốt 3 con trĩ đỏ khoang cổ và một con công trống.
Tôi giả như ngạc nhiên về những loài họ nuôi, khen chúng đẹp và rủ cán bộ trinh sát ra xem. Tất cả các loài trên đều là các loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ hoặc thuộc các nhóm cấm nuôi nhốt, mua bán. Chúng tôi nhanh chóng kết thúc câu chuyện và rút lui êm đẹp với lời hứa quay lại mua gỗ cao su.
Trang trại kế bên ở số 49 của ông Trần Văn Lợi, cổng rào khóa kín, không có ai để hỏi chuyện. Trong lúc chúng tôi đang loay hoay thì nghe tiếng gáy của con công đực và đó là một bằng chứng. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến một điểm nuôi nhốt khác là quán cháo vịt Cu Chì ở thị xã (một quán vịt có tiếng tại Bình Dương).
Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi công khai ngay trong khuôn viên quán nên chúng tôi nhanh chóng xác định được đây đều là các loài quý hiếm như diều hoa Miến Điện, diều núi và cò lạo Ấn Độ.
Đột nhập bất ngờ
6 giờ sáng ngày 3/7, liên ngành chúng tôi dưới sự điều phối của ông Nguyễn Văn Thành, phó đội trưởng Phòng 3 thuộc C49B xuất phát tới Phòng cảnh sát môi trường Bình Dương (PC49) để yêu cầu phối hợp. Tiếp đó Chi Cục Kiểm Lâm Bình Dương cũng được yêu cầu phối hợp. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đồng chí chi cục phó trực tiếp đi phối hợp cùng 3 đồng chí kiểm lâm khác. Xe chúng tôi chạy nhanh hết mức cho phép để bất ngờ tiếp cận ngay các địa điểm.
Trinh sát vượt rào yêu cầu chủ nhà mở cửa
Khi đoàn đến Lai Uyên, con đường đất đỏ vô cùng xấu, nhưng để đảm bảo tính bí mật, các lái xe đạp hết ga với tốc độ cao nhất có thể. Ngồi trên xe, chúng tôi bị dằn xóc liên tục.
Vào tới cổng của trang trại ở số 446 ấp Cây Sắn, chúng tôi tiến thẳng vào sân, đề phòng chủ nhà thả vượn để phi tang vật chứng. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi những con vượn vẫn còn đó, ở nhà không có ai, chỉ thấy một bà cụ làm thuê, chứng tỏ chuyên án đã đảm bảo được tính bí mật và bất ngờ. Sau khi chủ nhà xuất hiện, mọi thủ tục được lập nhanh chóng dưới sự chứng kiến của đại diện địa phương.
Tuy nhiên ở điểm nuôi nhốt gần đó của ông Trần Văn Lợi, cánh cửa bị khóa kín và khoảng cách từ cổng vào đến nơi có người làm khoảng 500m. Trinh sát vượt rào vào yêu cầu chủ nhà ra làm việc. Tại điểm này, đoàn ghi nhận nhiều sai phạm.
Trang trại có giấy phép nhưng đã hết hạn từ 2010 và không gia hạn, không thông báo giảm đàn khi thú chết. Sau khi lập các thủ tục hành chính, đoàn yêu cầu người quản lý giữ nguyên hiện trạng nuôi nhốt để chờ quyết định xử lý.
Cuối cùng chúng tôi xuất hiện tại quán cháo vịt Cu Chì trong sự ngỡ ngàng của chủ quán. Sau một hồi trao đổi, giải thích, chủ quán đồng tình giao nộp những con chim trong lồng. Thủ tục nhanh chóng được lập, những chú chim được chuyển lồng.
Một khó khăn phát sinh là công tác cứu hộ nhưng không được để lộ thông tin. Khác với những chuyên án khác, trong các vụ vi phạm về động vật hoang dã thì việc cứu hộ các con thú kịp thời góp phần quyết định tới sự sống chết của chúng.
Trên đường đi, chúng tôi đã gọi điện cho trung tâm cứu hộ, tuy nhiên họ cho biết quá gấp họ không chuẩn bị kịp, phải ngày hôm sau mới lên được. May thay sau đó Phó Chi cục trưởng kiểm lâm đã gọi cho sở thú tư nhân Đại Nam yêu cầu giúp đỡ, và được phó tổng giám đốc vườn thú nhận lời.
12 giờ trưa, nhóm hỗ trợ cứu hộ của Đại Nam đã có mặt tại cơ sở bà Hồng - ông Long. Các bác sỹ thú y chuẩn bị các dụng cụ để gây mê và vận chuyển. Chú vượn Pile được chọn đầu tiên. Chỉ 3 phút sau khi bị mũi tiêm gây mê găm vào đùi, chú vượn Pile từ từ thiếp đi. Những chú vượn khác cũng lần lượt được gây mê và chuyển vào lồng.
Trung tâm cứu hộ vượn đến ngày hôm sau 4/7 mới có khả năng tiếp nhận nên những chú vượn được tạm để ở chi cục Kiểm Lâm Bình Dương. Hiểu rõ sự quý giá của những chú vượn, Phó chi cục trưởng Trần Văn Nguyên chỉ đạo mang những chú vượn vào trong tòa nhà làm việc của Chi cục, vì đến tối mưa rất lớn và gió mạnh.
Đoàn chúng tôi bắt đầu trở về trong cái mưa tầm tã. Ai cũng mệt mỏi rã rời, nhưng vui. Niềm vui ấy không chỉ vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà còn vì chúng tôi đã làm được một điều bảo vệ những loài động vật quý hiếm và góp phần lưu giữ tài nguyên thiên nhiên quý giá cho sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học.
DƯƠNG VIỆT HỒNG (Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã-WCS)
Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã tổ chức các khảo sát, nghiên cứu về thực trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn 3 thành phố gồm TP Hồ Chí Minh, Biên Hoà (Đồng Nai) và Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Kết quả cho thấy, thị trường buôn bán ĐVHD tại các khu đô thị này vô cùng sôi động. Thời điểm tháng 12/2012, WCS khảo sát, thu thập thông tin 176 cơ sở thì có 145 cơ sở (chiếm 82%) có kinh doanh ĐVHD, trong đó có 59 cơ sở (chiếm 34%) có kinh doanh các loài được bảo vệ.
Ngoài ra, WCS cho biết thêm việc buôn bán ĐVHD trên mạng internet là phương thức phổ biến. Trong số 108 loài ĐVHD xuất hiện trong buôn bán trực tuyến, có 17,6% số loài bị đe dọa trên toàn cầu, tiêu biểu như hổ, voi, rùa núi vàng, rùa đầu to, rùa đất Spengle, khướu bạc má, cá sấu.
Theo Khampha
Ngư dân bắt được cá chình 'khủng' nặng gần 1 yến Sáng 13/1, ông Nguyễn Văn Lắm cho biết vừa cào bắt được con cá chình nước ngọt cân nặng hơn 8,5 kg trên tuyến Kênh Xáng thuộc xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Con cá chình nặng hơn 8,5 kg do ông Nguyễn Văn Lắm cào được trên tuyến Kênh Xáng vào sáng 13/1. Con cá này được ông...