Chuyện li kỳ về chiếc mỏ neo 300 tuổi
“Khi ấy, tôi cứ chắc mẩm phen này được mớ gỗ to, hẻo nhất cũng phải cả tấn củi chứ ít ỏi gì. Nhưng, hóa ra còn vượt cả khả năng tôi dự đoán…” – lão Mười hể hả về lần vớt gỗ “lịch sử” năm 1999.
62 tuổi, dáng người chắc nịch như một khúc gỗ lim, lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười là người “cai quản” cả một khúc sông dài gần chục cây số từ cầu Thăng Long kéo dài tới mạn cầu Thanh Trì.
Tuổi đời, tuổi nghề, kinh nghiệm sông nước… đã mặc định lão là một con rái cá ở khu vực Bến Gỗ mấy chục năm nay. Thế nhưng, lão sẽ còn được nhắc đến nhiều hơn khi chính lão là người “đánh thức” một cổ vật vùi lấp hàng trăm năm dưới lòng sông mẹ…
Buổi sáng định mệnh
Đấy là một buổi sáng định mệnh của mùa hè tháng 6/1999, lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười vẫn lụi cụi và âm thầm làm công việc mưu sinh đã nuôi sống ông và gia đình mấy chục năm nay: đi xăm củi dưới lòng sông. Sông Hồng khu vực bãi giữa, xưa kia là bến Gỗ – nơi tập kết gỗ từ mạn ngược đổ về Hà Nội bằng đường thủy.
Lão Mười kể, thuở ấy, dễ đến ngót thế kỷ, phương tiện vận chuyển duy nhất để người miền xuôi “ăn hàng gỗ” từ mạn ngược, đấy là hình thức đóng gỗ thành bè, thả trôi sông Hồng. Vì thời gian dài như thế nên rất nhiều củi gỗ bị chìm dưới đáy sông, bị lớp phù sa sông Hồng vùi lấp, nên không biết cơ man nào là củi…
Dụng cụ hành nghề của lão Mười khá đơn giản: một cây sào dài ngót hai chục mét, bằng thân cây tre đực, khá nặng, vót nhọn một đầu. Lão Mười cùng con trai giong thuyền ra giữa dòng sông Cái. Trong lúc con trai điều khiển con thuyền ra đúng lạch nước và dừng lại, để tự trôi thì lão xăm xắn cầm sào xăm từng nhát xuống dưới đáy sông.
Khi chạm vật cứng, cái âm thanh và cảm giác truyền qua cây sào, bằng kinh nghiệm lão sẽ nhanh chóng mà biết được, hôm đó có “ăn hàng” hay không…
Lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười
Khoảng 9h sáng, cây sào của lão Mười truyền tín hiệu lên bàn tay ông lão: một tiếng “pực” rất chắc, gọn – âm thanh của đầu sào tiếp xúc với vật cứng. Để chắc chắn, lão Mười đâm thêm chục nhát nữa, di chuyển trong bán kính khoảng chục mét, vẫn thấy một âm thanh đanh, gọn truyền lên như vậy.
“Khi ấy, tôi cứ chắc mẩm phen này được mớ gỗ to, “hẻo” nhất cũng phải cả tấn củi chứ ít ỏi gì. Nhưng, hóa ra còn vượt cả khả năng tôi dự đoán…” – lão Mười hể hả.
Hai chiếc mỏ neo cổ có niên đại vài trăm năm tuổi
Đợi con trai thả neo chiếc thuyền ở khu vực sông vừa “khoanh vùng”, lão Mười hít một bụng hơi đầy rồi nhao xuống sông lặn dò tìm đống củi mà lão vừa xăm được. Ở khúc sông bến Gỗ này, lão Mười là con rái cá và có kinh nghiệm sông nước lâu năm nhất.
Sáu đứa con cả dâu cả rể, cùng với hai ông bà lão già kết lại thành một xóm thuyền chài gần khu vực bãi giữa. Và đương nhiên, lão là người “chỉ huy” và điều hành sáu hộ gia đình này, rất ra dáng của một người thủ lĩnh.
Vẫn câu chuyện của buổi sáng may mắn. Lão Mười lặn một hơi xuống đáy sông thì thấy một đống củi gỗ tròn, dạng như gỗ chống hầm lò khai thác than, ước vài chục cây, đường kính chừng 60cm. Lão làm hiệu cho con trai đứng trên thuyền thả một đầu dây xuống. Kéo hết đống củi thì cũng non trưa, hai cha con định bụng chiều sẽ nghỉ ngơi, vì dẫu sao mớ củi gỗ thu được buổi sáng hôm ấy bán đi cũng đủ cho gia đình chi tiêu cả tuần lễ.
Nhưng, kéo hết đám củi lên thì có chuyện…
“Vớt hết đám củi gỗ tròn lên thì tôi lại thấy một vật cứng, dài, và có vẻ khá kềnh càng. Gạt lớp bùn ra và sờ, rồi bơi lần theo cái thớ gỗ ấy tôi không tài nào đoán được nó là cái gì. Trước tới giờ, số lần vớt củi nhiều đến mức không đếm xuể, nhưng chưa bao giờ thấy đống củi nào có hình thù lạ thế!”.
Video đang HOT
Trục vớt cổ vật
Lúc ấy khoảng gần 11h trưa. Mặt trời đã chính ngọ. Vừa mừng vừa vui, lại hồi hộp, tò mò vì ngày làm việc may mắn, lão Mười quay thuyền về nhà huy động thêm đám dâu rể con cái, thảy được 8 người. Anh con trai út của lão Mười khuyên bố, cứ thong thả, về nhà ăn uống nghỉ ngơi, vật vẫn nằm đó, mà khúc sông này, từ cầu Nhật Tân chạy xuôi tít mạn Thanh Trì là “địa bàn” của gia đình lão, không ai có quyền khai thác, đánh bắt hay có bất cứ hoạt động liên quan tới việc… mưu sinh.
Luật sông nước phân chia khúc sông, địa bàn là như vậy, hàng trăm năm rồi vẫn thế, và được giới vạn chài chấp nhận như là một mặc định.
Nhưng lão Mười không nghe lời con. Bốn chiếc thuyền được huy động, tín chuyện kết lại với nhau thành một khối vững chãi, hệt như kiểu Chu Du bày kế để Tào Tháo ken chiến thuyền lại thành một chuỗi. Dây chão được đem ra. Hai gã trai trẻ lực điền được cử xuống cùng với lão Mười, lựa vị trí chắc chắn để chốt một đầu chão vào.
Năm người còn lại đứng trên thuyền có nhiệm vụ… tời dây chão. Vì gia đình lão là những con rái cá thực thụ, lại dựa vào sông nước mưu sinh nên mấy chục năm trời, mấy bố con cũng bóp mồm bóp miệng đầu tư một cái thuyền có đầu máy nổ, trên đó có thiết bị ròng rọc tời bằng tay.
Chiếc dây chão căng theo những vòng tời. Càng lên đến gần mặt nước, sức nặng của tải trọng càng lớn. Những cánh tay lực điền phải gồng sức, cong lên những múi bắp như thớ cầu vồng…
“Lâu ngày, lại bị ngâm nước nên cái “vật thổ tả” ấy nặng như chì, cảm giác phải nặng vài tấn chứ chẳng phải ít. Non một tiếng thì cái đầu nó bắt đầu nhô lên mặt nước. Đầu gỗ nhọn, có bịt sắt” – lão Mười hay chuyện – “Rồi qua một đoạn gỗ, nó thò thêm được một cái đầu cũng có hình dáng tương tự, một lúc nữa thì nhô lên cái thân. Dài lắm, ngót hai chục mét lận… Hóa ra nó là cái mỏ neo chú ạ. Nhưng, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, chưa bao giờ tôi nhìn thấy cái mỏ neo nào nó to đến thế, lại bằng gỗ liền thân, không chắp vá. Phen này thì được mớ củi to rồi”.
Gương mặt lão Mười giãn nở theo câu chuyện. Đang mùa lũ, nước sông Hồng chảy xiết. “Khúc củi” thân chính dài hơn 4 mét, hai cái ngạnh hai bên, mỗi cái dài thước rưỡi, đường kính chừng 30cm. Chiếc thuyền trọng tải 5 tấn của cha con ông chòng chành theo những lần khúc củi lắc lư. Gần hai tiếng đồng hồ thì cha con lão Mười đưa được “khúc củi” lên mặt nước, nằm yên vị trên thuyền.
Dụng cụ xăm gỗ của lão thuyền chài Nguyễn Văn Mười
Lão Mười không biết chữ. Nhưng, những gì đã chảy qua cuộc đời lão, lão nhớ rành mạch, không sót một chi tiết nào. Vẫn câu chuyện của lão Mười: “Tháng 10 ta năm ngoái, cũng trong một lần đi xăm gỗ, tôi còn vớt được một loạt súng, kiếm…, nhưng đã han rỉ hết cả. Gọi đồng nát đến bán được mấy triệu bạc. Tôi thấy mình cũng may mắn. Cái khúc sông này nó cũng cho mình nhiều thứ, nuôi sống cả gia đình mình, kể cả bây giờ khi con cháu đã đàn đàn lũ lũ, và đám thuyền nhà tôi neo ở bãi Giữa cũng thành một cái xóm vạn chài sầm uất rồi…”.
Chuyên gia Tây đã vào cuộc “chuyên án mỏ neo cổ”
Trở về chuyện chiếc mỏ neo cổ mà lão vớt được vào mùa hè năm 1999. Chừng ngót một tháng sau, ông Quách Văn Địch – chủ một quán bia hơi ở Hà Nội tình cờ lạc bước, rồi chẳng biết trời đất xui khiến thế nào, ông Địch cứ nhất khoát mua chiếc mỏ neo về để bày ở quán bia… cho vui, như là một hình ảnh độc đáo để khách bia bọt nhớ đến cái quán của ông mà tìm cho dễ.
Và, cái quyết định “kỳ quái” của ông Địch ngày ấy, chẳng biết may cho lão Mười hay may cho chiếc mỏ neo, mà bây giờ, chiếc mỏ neo ấy được các chuyên gia Tây vào cuộc nghiên cứu, khẳng định nó là cổ vật từ thế kỷ… 15.
Theo Vietnamnet
Khám phá 2 mộ cổ ở Ciputra
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định: có thể còn có thêm nhiều ngôi mộ cổ có niên đại tương đương, nếu như tiếp tục khai quật tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội).
Nhật Tảo có thể có một quần thể mộ cổ!?
Sự kiện hai ngôi mộ cổ được tình cờ phát hiện sau đó được khai quật đã khiến dư luận chú ý thời gian qua. Theo đó, đây là hai ngôi mộ có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 6 (thời kỳ Lục Triều - sáu triều đại phong kiến Trung Quốc tương ứng với thời kỳ đầu Bắc thuộc ở Việt Nam) và chắc chắn là hai ngôi mộ của người Hán.
Hai ngôi mộ cổ thời Hán được khai quật tại Nhật tảo - Ảnh: Kiên Trung
Trao đổi với VietNamNet - PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người trực tiếp tham gia khai quật hai ngôi mộ cổ này khẳng định: đây là hai ngôi mộ cổ rất đặc biệt và là "của hiếm" đối với công tác nghiên cứu, khảo cổ học, bảo tồn - bảo tàng của Việt Nam.
Lý do: hai ngôi mộ này gần như còn nguyên vẹn: kiến trúc vòm, xây dựng bằng gạch của người Hán (thứ gạch nhỏ và mỏng) các hiện vật cũng hầu như còn nguyên vẹn...
Hai ngôi mộ nhìn theo chiều ngang. Đây không phải là ngôi mộ được mai táng kiểu song táng mà là hai ngôi mộ riêng biệt nhau - Ảnh: Kiên Trung
Hiện tại, tất cả các hiện vật được khai thác từ hai ngôi mộ này đang được niêm giữ trong két sắt của Phòng Văn hóa - thể thao - du lịch huyện Từ Liêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối để phục vụ công tác nghiên cứu về sau.
Căn cứ trên các hiên vật thu giữ, hiện trạng hai ngôi mộ, kiến trúc, cách xây dựng..., PGS.TS Cường khẳng định: hai ngôi mộ này cách nhau một thời gian. Chủ nhân của hai ngôi mộ chắc chắn thuộc tầng lớp thượng lưu. Nếu không phải người Hán thì cũng là quan lại người Việt làm cho người Hán, hoặc tầng lớp người Việt giàu có thời kỳ bấy giờ. Tầng lớp người Việt thường dân không thể có kiểu mai táng "xa xỉ" như thế này.
PGS.TS Nguyễn Lẫn Cường: "Kết cấu lớp gạch xếp mái vòm trên hai ngôi mộ rất kỳ lạ" - Ảnh: Kiên Trung
Đối với ngôi mộ thứ hai (ở địa thế cao hơn chừng 1m so với ngôi mộ lớn): diện tích vòm mộ hẹp hơn, thấp hơn và chạy dọc. Có thể, áo quan khâm liệm người chết được làm giống như một chiếc thuyền độc mộc, hoặc làm từ một thân cây. Kiến trúc vòm bên ngoài được xây dựng dựa trên hình dáng của chiếc áo quan người chết được an táng.
Cách khu vực khai quật được hai ngôi mộ cổ chừng gần 100 mét về phía Nam, sát với khu vực đường dẫn xe máy lên cầu Thăng Long là khu vực phát hiện một chiếc giếng cổ.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận định: đây chắc chắn là chiếc giếng ngọt lấy nước sinh hoạt. Do đó, đây có thể là một khu vực quần cư của một đơn vị hành chính thời cổ. Nếu tiếp tục mở rộng khai quật, có thể còn có thêm nhiều mộ cổ khác.
Cũng theo ông Cường: trong lịch sử, vùng Nhật Tảo là một vùng đất rộng ven sông Hồng - địa điểm quần cư quen thuộc và truyền thống của người Việt. Các bô lão ở đây cho biết: trước đây khu vực Nhật Tảo có nhiều đống, ụ... Sau đó, những đống, ụ này được san phẳng để người dân canh tác. Những đống, ụ đó có thể là phần mu, gò nổi lên của các ngôi mộ cổ nói trên.
Đã có phương án bảo tồn hai ngôi mộ cổ
Tính từ thời điểm ngày 1/4 khi bắt đầu phát hiện được hai ngôi mộ Hán cổ, công tác khai quật, nghiên cứu đã được tiến hành gần ba tuần. Ngày 14/4, đơn vị thi công tại Nhật tảo lại tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ.
Khi thi công đường ống thoát nước, đơn vị thi công tình cờ "va" phải vòm của một trong hai ngôi mộ.
Căn cứ trên hình dạng viên gạch sử dụng làm chất liệu dựng thành giếng, cách sắp xếp, chồng... gạch khít nhau..., đánh giá ban đầu cho thấy: chiếc giếng cổ cũng có niên đại cùng với niên đại của hai ngôi mộ cổ.
Trao đổi với VietNamNet sáng ngày 20/4, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay: ông đã đề xuất ba phương án bảo tồn hai ngôi mộ cổ.
Thứ nhất, đơn vị thi công có thể điều chỉnh đường ống thoát nước để tránh khu vực có hai ngôi mộ cổ tiến hành phủ mái ngói để lưu giữ hai ngôi mộ cổ tại chỗ, xây dựng nơi đây là một điểm dịch văn hóa - lịch sử của khu đô thị Nhật Tảo - Ciputra sau khi KĐT này được xây dựng.
Một chiếc giếng cổ được phát hiện cách đó không xa.
Thứ hai: Bảo tàng Hà Nội có thể di chuyển hai ngôi mộ này về để làm hiện vật để trưng bày. "Đây là hai hiện vật rất quý và rất hiếm như tôi đã phân tích về niên đại, kết cấu - kiến trúc cũng như sự nguyên vẹn của nó. Hiện tại, Bảo tàng Hà Nội không có nhiều hiện vật để trưng bày. Bảo tàng Hà Nội nên tranh thủ cơ hội hiếm có này!".
Phương án thứ ba, đó là phủ cát che lấp tại chỗ để bảo tồn, lưu giữ hai ngôi mộ cổ. "Khi nào có điều kiện, thời gian tôi sẽ tiến hành trùng tu các hiện vật của hai ngôi mộ đã thu giữ được. Đây sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử có giá trị.
Nếu như Bảo tàng Hà Nội có ý định trưng bày hai ngôi mộ cổ này, ông Cường sẽ chịu trách nhiệm "vận chuyển" mẫu vật nói trên: việc vận chuyển nguyên hiện trạng hai ngôi mộ này là hoàn toàn có thể.
"Tôi sẽ mở rộng khu vực và đào sâu xuống, thiết kế chân đỡ bằng bê-tông cho phần đáy mộ xung quanh sẽ được làm khung cố định, sau đó sẽ cẩu từng ngôi mộ này bằng cách ngoặc vào phần bệ được tạo, đảm bảo không ảnh hưởng gì đến kết cấu của mộ cổ.
Kiến trúc và đầu mộ của ngôi mộ nhỏ.
Với chiếc giếng cổ, ông Nguyễn Lân Cường cho biết: Bảo tàng Hà Nội đã có công văn xin chiếc giếng cổ này về để trưng bày, và đã được cho phép.
Việc lấy chiếc giếng cổ này từ hiện trường về bảo tàng cũng sẽ được tiến hành bằng phương pháp giống như phương pháp áp dụng với hai ngôi mộ cổ: dựng khung xung quanh, bệ đỡ... Tuy nhiên, với độ dài hơn 4 mét của chiếc giếng cổ, ông Cường dự tính sẽ cắt làm ba đoạn, sau đó mới "ráp lại" ở nơi trưng bày.
Lớp gạch trên vòm của hai ngôi mộ.
Chiếc giếng cổ có cùng niên đại với hai ngôi mộ cổ.
Hai ngôi mộ được xếp bằng các viên gạch nung chồng lên nhau theo kiểu cuốn vòm với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Điểm đáng chú ý và quan trọng nhất của hai ngôi mộ cổ này so với các ngôi mộ Hán cổ đã được khai quật là hàng gạch khóa vòm mộ chạy suốt dọc nóc mộ. Gạch ở mặt trong của vách và trần mộ được trang trí hoa văn. Mộ lớn là hoa văn "đồng tiền", "trám lồng", còn mộ nhỏ là hoa văn "xương cá". Ở ngôi mộ lớn, đoàn khai quật phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán song chưa rõ là chữ gì. Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện Khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ, gồm: nhiều hiện vật là đồ gốm 9 chiếc đinh sắt đã bị gỉ (được cho là đinh đóng quan tài - ở ngôi mộ lớn) một hạt chuỗi bằng thủy tinh một bình gốm hình đầu gà còn nguyên vẹn cả đầu lẫn mào gà một số hạt thóc, gạo cháy... Cả hai ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết. Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc.
Theo Vietnamnet
Chuyện về một 'đại gia' trong làng chơi đá cảnh Hà Thành Không nhận mình là người giàu có về tiền bạc, nhưng "thâm niên" trong việc ngược Bắc, xuôi Nam, thậm chí lặn lội xuất ngoại qua hơn 40 nước trên thế giới để tìm mua đá cảnh thì khó có ai sánh bằng ông Mỹ. Với hàng nghìn tác phẩm đá cảnh, gỗ lũa đủ loại sau hơn 70 năm kỳ công sưu...