Chuyện lều ‘mây mưa’ đất Thần kinh
Chưa bao giờ người dân Huế lại ngại lên đồi Thiên An đến vậy, dù đây là khu vực có phong cảnh đẹp và yên tĩnh. “Một nam, một nữ không biết làm gì nhưng cứ chạy xe từ đồi Thiên An về người ta thấy lại dị nghị cho thì ngại lắm”, một bạn nữ chia sẻ. Nói như vậy, bởi tại đây đang xuất hiện một loại hình kinh doanh khá mới mẻ: “ lều mây mưa”.
10.000 đồng cho một lều
Lần đầu tiên, chúng tôi thâm nhập những túp lều quái lạ đó bất thành vì một chủ quán bảo: “2 đứa con trai thì vào trong này làm chi, trong đó chỉ dành cho những cặp tình nhân mà thôi”. Sau lần đó, tôi quyết định rủ một người bạn gái để cùng vào cho bằng được. “Nhập vai” một đôi tình nhân đang tìm chỗ kín đáo để “tâm sự”, lần này chúng tôi “đường đường chính chính” vào lều mà không gặp một trở ngại gì.
Tôi cho chiếc xe vào bãi đỗ, một phụ nữ bịt kín mặt bằng khẩu trang đon đả: “10.000 đồng một lều, cứ thoải mái, không ai dòm ngó mô”. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ, bà tiếp: “Em yên tâm đi, khách của chị toàn là khách quen không à”. Bà dẫn chúng tôi xuống một cái lều đã được căng sẵn rộng chừng 4m2, bên trong được trải sẵn một chiếc chiếu và một chiếc quạt tay bằng nhựa.
Những quán ven đường “núp bóng” quán nước để cho thuê lều.
Giao lều xong bà quay trở lại quán nước của mình tiếp tục mời khách. Nhìn túp lều có vẻ nhếch nhác lọt thỏm giữa những bụi cây rậm rạp, người bạn đi cùng tôi tỏ vẻ hơi ngại. Nhưng với những ai có nhu cầu thì có lẽ đây là nơi khá lý tưởng để “mây mưa” bởi túp lều được che chắn khá kín. Giữa khoảng trống giữa hai cây thông, người ta căng ngang một sợi dây, sau đó phủ một tấm bạt xuống sát đất.
Ngồi nghỉ khoảng một lúc, tôi trở lại quán để xin bà chủ đổi lều với lý do: lều này vẫn chưa đủ an toàn để… “vui vẻ”. Bà chủ vui lòng: “Em có thể lấy thêm bạt để căng thêm cho kín hoặc xuống những lều xa hơn…”. Rời lều cũ, chúng tôi tìm đến một lều mới nằm sát mép dưới chân đồi. Quả như lời bà, căn lều này lý tưởng hơn so với những túp khác nằm gần đường, bởi nó khá tách biệt và đường đi trắc trở hơn. Bên trong vẫn là một chiếc chiếu cũ mèm chưa được trải lại, có lẽ đó là “hiện trường” của một cuộc “vui vẻ” vừa xong…
Ngán ngẩm… “điểm hẹn” lý tưởng
Thiên An là địa danh cách 4km về phía Tây Nam TP Huế, gần lăng vua Khải Định. Đây là nơi tọa lạc của Đan viện Biển Đức Thiên An, thường gọi là Đan viện Thiên An, được thành lập vào mùa hè năm 1940, do các đan sĩ Biển Đức người Pháp xây dựng. Nhiều người cho đó là một Đà Lạt thứ 2 với nhiều ngọn đồi trồng thông tuyệt đẹp.
Cùng hồ Thủy Tiên, hồ Lưu Ly, đồi Thiên An từ lâu đã trở thành điểm du lịch, nơi giải trí và khu cắm trại cho sinh viên, học sinh. Nhưng chỉ trong một thời gian sau khi các “lều mây mưa” mọc lên như nấm, Thiên An đã vắng dần người thăm.
Chủ quán đang dọn dẹp để giao lều cho khách.
Ngồi trong lều suốt một buổi chiều, chúng tôi chứng kiến không ít cặp tình nhân ra vào khu vực này. Nhiều cặp “khập khiễng” tuổi tác, nhiều nam thanh niên có những cuộc hẹn bất ngờ với các cô gái “môi son má phấn”, ăn mặc hở hang. Những cuộc vui cứ chóng vánh diễn ra trong lều. Và khi họ đi, rác thải lại được dồn lại.
Qua nhẩm đếm, chúng tôi được biết tại khu vực này có đến 7 quán cho thuê lều như vậy. Cứ mỗi quán lại không dưới 10 lều có thể tháo dỡ một cách cơ động. Như vậy, mỗi ngày mỗi chủ quán thu cho mình không dưới trăm nghìn đồng, đó là chưa kể vào những ngày lễ, những đêm “trăng thanh gió mát”. Chính vì việc không phải bỏ vốn nhiều mà vẫn có thể thu lãi nhanh nên các chủ quán rất chú ý bảo vệ “địa bàn” làm ăn của mình. Chỉ cần thấy người lạ lai vãng, hoặc khách du lịch cầm máy ảnh ghi hình thì họ liền xua đuổi, nhất là các em nhỏ tò mò “nhìn trộm”
Theo CAND