Chuyện lão nông chống tham nhũng
Trong ngôi nhà nhỏ nhắn, đơn sơ, ông Nguyễn Tiến Lãng (thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Người lính Cụ Hồ năm xưa nay đã ngoài 80 tuổi say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ngày ăn cơm nắm chấm muối vừng, ròng rã đạp xe đi… tố cáo tham nhũng.
Ông Nguyễn Tiến Lãng bên tập hồ sơ tài liệu mà ông thu thập được để đi tố cáo tham nhũng. Ảnh: Hải Hà
Khí chất người lính Cụ Hồ
Sinh năm 1938, nay đã 82 tuổi, mái tóc trên đầu đã bạc trắng, nhưng ánh nhìn của ông Lãng vẫn tinh anh, giọng nói hào sảng, quyết liệt. Trong suốt câu chuyện, người lính Cụ Hồ năm nào kể rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết nhỏ và đặc biệt rất am hiểu luật pháp…
Ông nhớ lại: Tôi vào bộ đội tháng 2/1965, đơn vị cho đi học lái xe ô tô, rồi vào làm ở Binh chủng Hóa học Sơn Tây (Hà Nội), có nhiệm vụ bảo vệ cầu Long Biên và Nhà máy Điện Yên Phụ. Khi đế quốc Mỹ ngừng bắn phá miền Bắc, tôi được điều vào Đoàn Vận tải 500, Binh trạm 16 lái xe vận tải vào sông Gianh (Quảng Bình). Không lâu sau, tôi được điều vào Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn…
Năm 1968, đế quốc Mỹ thả bom từ trường nhiều, với tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đảng viên, tôi xung phong đi lái xe bọc thép phá bom. Năm 1971, tôi được phân công về Trường Lái xe Sao Đỏ ở Chí Linh (Hải Dương) dạy lái xe; đến năm 1974, trở về địa phương.
10 năm đi bộ đội, 5 năm chiến đấu ở chiến trường, được nhận nhiều huân, huy chương: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng, Huy hiệu Chiến sĩ Vẻ vang, Huy hiệu Quyết thắng. Năm 2004, ông đi làm chế độ thương binh cho mình…
Trong những lần xuôi ngược làm thủ tục, ông phát hiện làng quê mình đang nở rộ phong trào làm chế độ thương binh giả. Có người không đi bộ đội ngày nào cũng là thương binh, có người đi bộ đội đào ngũ giờ là thương binh nặng, rồi có cả những người tuốt lúa bắn vào mắt, tai nạn xe máy bị cụt ngón tay cũng đi giám định thương tật để hưởng chế độ thương binh…
“Trong khi đó, tôi đi bộ đội, trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng rồi lên xuống, đi lại mỏi chân vẫn bị… làm khó. Nghĩ xã hội bất công quá, với bản tính cương trực, thấy sai trái không chịu được, tôi cùng 1 ông bạn bắt tay vào đi tìm công lý”- ông tâm sự.
Kể từ ngày ấy, ông bắt đầu dò hỏi và đi khắp các xã trong huyện để thu thập thông tin, khi đã đủ chứng cứ, ông gửi đơn tố cáo lên các cấp từ huyện, đến tỉnh rồi ra tận Trung ương. Từ đơn tố cáo với nhiều bằng chứng xác thực của ông, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lập đoàn kiểm tra, xác minh.
Qua đó, đã phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và chuyển hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị khởi tố. Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng vào cuộc điều tra. Kết quả, đã phát hiện gần 3 nghìn hồ sơ giả mạo, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 150 tỷ đồng và giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 20 tỷ đồng. Trong vụ việc này, 29 đối tượng liên quan cũng đã bị xử lý hình sự.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Tiến Lãng – người lính Cụ Hồ năm xưa, nay đã ngoài 80 tuổi, say sưa kể về những ngày ăn cơm nắm chấm muối vừng, ròng rã đạp xe đi… tố cáo tham nhũng. Ảnh: Hải Hà
Chuyển thế… “vỗ vai”
“Chiến công” chống tham nhũng của ông Lãng cùng người bạn đã lan truyền khắp cả nước, gây xôn xao dư luận thời gian dài. Nhiều đoàn từ các tỉnh Hải Dương, Cao Bằng, Quảng Bình, Đắc Nông… đã đến tận nhà ông để học hỏi kinh nghiệm. Mặc dù tuổi cao, sức đã yếu, chân đã chậm, nhưng với khí chất của người lính Cụ Hồ, ông vẫn tiếp tục công cuộc chống tham nhũng trên quê hương mình.
Tiếp câu chuyện, ông kể: Sau khi được khen thưởng, tôi đã tiếp tục tìm hiểu và tố cáo 2 vụ việc. Vụ đầu tiên, phải kể đến là tố cáo ông Nguyễn Xuân Hình – nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Gia Đông. Từ đơn tố cáo của tôi, Huyện ủy Thuận Thành đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh.
Qua đó, đã kết luận nội dung tố cáo là đúng. Thời kỳ ông Hình là Chủ tịch UBND xã Gia Đông đã vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Cụ thể, đã ký chuyển đổi khoảng 20 dự án VAC trên địa bàn xã trái thẩm quyền. Đến nay, Huyện ủy đang xem xét để xử lý kỷ luật.
Vụ thứ 2 liên quan đến ông Nguyễn Mạnh Thổ – nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Yên Nho và Nguyễn Văn Hưng – Kế toán, thủ quỹ thôn. Tôi gửi đơn tố cáo từ năm 2017; đến 2018, cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ.
Từ kết quả điều tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền đã cách chức Bí Thư Chi bộ, Trưởng thôn, khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Mạnh Thổ, Nguyễn Văn Hưng. Đồng thời, đã khởi tố với với tội danh: Cố ý làm trái quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất đai và thu chi tài chính thôn.
Nói về vụ việc này, ông Lãng tâm sự: Đây là những đối tượng ngoan cố. Trong xã, trong thôn ai cũng sợ, nhưng tôi không sợ. Tôi dám đứng ra tố cáo bởi trong tâm trí tôi chỉ đau đáu một điều, làm sao đưa được những hành vi sai trái ra ánh sáng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng chứ không hằn thù ai cả.
Ông trầm tư rồi kể tiếp: Thời kỳ trước, quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng nên sai phạm về đất đai diễn ra nhiều, nhưng bây giờ quy định chặt rồi, không cán bộ nào dám làm liều, dám bán đất trái thẩm quyền nữa mà chuyển sang tham nhũng vặt.
Thời thế thay đổi, nhưng cái tâm và sự nhiệt huyết trong ông vẫn còn. Ông lão vai đeo túi nilon đựng tài liệu, chân đạp xe đi tố cáo tham nhũng ngày nào nay đã thay đổi cách làm mới.
“Bây giờ tôi không đi tố cáo nữa mà chuyển sang… “vỗ vai” cán bộ để thuyết phục. Phát hiện cán bộ tham nhũng vặt, tôi vỗ vai nói nhỏ để họ sửa chữa, thay đổi. 15 năm đi tố cáo, hàng trăm lá đơn của tôi chưa bao giờ sai, nên cứ nói đến ông Lãng chống tham nhũng là người ta cũng nể lắm” – ông vui vẻ kể.
Phía trước ngôi nhà nhà nhỏ nhắn, đơn sơ của ông Lãng trước đây trồng nhiều cây ăn quả, nhưng vì đi tố cáo tham nhũng mà ông bị trả thù, chúng tới nhà chặt phá không còn cây nào… Ảnh: Hải Hà
15 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
Đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường, nhưng ông Lãng chia sẻ, cuộc chiến chống tham nhũng còn cam go, phức tạp hơn nhiều cuộc chiến chống quân xâm lược. Đánh giặc là giáp mặt, là sống chết với kẻ thù, còn đây là cuộc chiến đấu trong âm thầm, nhiều người trong số đó là anh em, hàng xóm láng giềng của mình nên khó lắm…
15 năm ấy, tôi đã nhiều lần bị gây hấn, trả thù. Chúng đã từng lấy đất đá ném vào xe, lấy mũ bảo hiểm đập vào người, không ít lần tôi đã ngã, bị thương, bị trầy xước. Đe dọa, gây nguy hiểm đến tính mạng tôi chưa đủ, chúng còn trả thù bằng cách “đánh” vào kinh tế. Gia đình tôi trồng 100 gốc bưởi Diễn, 100 cây đu đủ và vườn chuối, sau 1 đêm chúng chặt phá không còn cây nào…
Ngần ấy năm miệt mài đi tìm công lý, gia đình ông cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Cả nhà trông chờ vào khoản tiền lương hưu ít ỏi của ông nhưng rồi ông lại phải dùng nó để đi thu thập hồ sơ, phôtô tài liệu. Nhà đông con, ông cứ miệt mài kiện tụng, để mặc vợ con xoay xở việc nhà.
“”Ăn cơm nhà, vác từ và hàng tổng”, vợ tôi giận không nấu cơm, giặt đồ. Suốt 8 năm liền tôi phải ở riêng một góc trên gác xép căn nhà cấp 4 và hàng ngày tự chăm sóc cho bản thân…”.
Hành trình tìm kiếm lẽ phải của ông Lãng (trái ảnh) đã chiến thắng. Năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tặng Bằng khen cho ông vì có thành tích xuất sắc trong tố cáo tham nhũng. Ảnh: Hải Hà
Nhưng khó khăn, thử thách chưa bao giờ khiến ông chùn bước. Ông kể: Đến bây giờ, tôi vẫn bị đe dọa, về làng là bị đâm chết, bị đẩy xuống ao, nên cứ mỗi khi về làng tôi phải “rút quân” trước 4 giờ chiều, nhà có giỗ chạp, hay cưới xin cũng không được ở lại ăn cỗ…
Nhiều năm trôi qua, ông vẫn luôn lặng lẽ nhận thiệt thòi về mình, để công lý, lẽ phải chiến thắng. Năm nay, ở cái tuổi 82 tuổi, ông tâm sự, sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đến hơi thở cuối cùng.
Ngày hôm nay, hành trình tìm kiếm lẽ phải của ông đã chiến thắng. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tặng Bằng khen cho ông vì có thành tích xuất sắc trong tố cáo tham nhũng. Người dân giờ đây cũng đã nể trọng và yêu quý ông hơn. Và hơn hết, trong ông niềm tin vào công lý, vào lẽ phải vẫn ngày ngày được hun đúc, ngày ngày lặng lẽ cháy.
Hải Hà
Theo thanhtra
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và sách về quyết tâm chống tham nhũng
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa cho xuất bản cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN).
Cuốn sách gồm 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII đến nay.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương Đảng chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Việc phát hiện, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đảng và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).
Cuốn sách được sắp xếp làm hai phần. Phần thứ nhất: Một số bài phát biểu, bài viết và trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây là do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu (trước ông Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng ban), vào năm 2013 theo Quyết định của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có những phát biểu gây ấn tượng, được dư luận hay nhắc tới, như: Lò đã nóng lên thì củi tươi, củi khô cũng phải cháy: Phòng chống tham nhũng ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm; Bất kỳ là ai, đã tham nhũng, đã nhúng chàm đều phải xử lý triệt để; Nếu không có sự ủng hộ của toàn dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không thành công; Kỷ luật một vài người để cứu muôn người...
Trước đó vào cuối năm 2017, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng xuất bản và giới thiệu cuốn sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách gồm 2 tập, bao gồm các bài phát biểu, bài nói, bài trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân dân từ năm 2011 đến năm 2017.
Theo Danviet
Chuẩn bị các bước đưa Luật Phòng chống tham nhũng vào cuộc sống Để chuẩn bị cho việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, ngày 27/3. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh Tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng. Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc...