Chuyện làm mẹ đơn thân, mua nhà Hà Nội của nữ giảng viên
Khi kể câu chuyện của mình, tôi muốn truyền tải thông điệp: “Mọi việc sẽ ổn khi ta thật sự quyết tâm”. Tôi không dám khuyên ai đó, chỉ muốn qua câu của chính mình cổ vũ những người phụ nữ cùng cảnh ngộ, những người không gặp may trong hôn nhân.
Tôi sinh ra trong gia đình nề nếp, bố là công nhân, mẹ là giáo viên ở một vùng quê cách Hà Nội 40 Km. Gia đình không giàu nhưng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi được nhận vào giảng dạy tại một trường đại học.
Sau 5 năm, 2003, tôi kết hôn với anh, một chàng trai tốt nghiệp Khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng. Anh hơn tôi 2 tuổi, sinh ra trong gia đình công nhân viên chức.
Nhà anh không giàu nhưng một năm sau ngày chúng tôi cưới, bố mẹ anh mua cho hai vợ chồng tôi một căn nhà cấp 4 nhỏ. Ngay từ khi cưới tôi, đêm thứ ba trong tuần mà người ta gọi là trăng mật, anh đã bỏ đi chơi cả đêm.
Lúc tìm hiểu nhau anh thương yêu, chiều chuộng bao nhiêu thì sau kết hôn tuy không vũ phu nhưng anh thường xuyên đi chơi bida, cá độ suốt đêm. Anh bỏ qua mọi lời khuyên của gia đình và vợ. Tôi gọi đó là bạo lực tinh thần.
Ba năm sống chung, anh đã “nướng” 7 cặp xe và điện thoại vào cá độ. Xe máy cũ chỉ khoảng 3 triệu đồng nhưng thời đó nó là con số lớn bởi lương giảng viên mới ra trường như tôi chỉ 500 ngàn đồng.
Thương anh nên khi anh không có xe đi, tôi lại đưa cho anh những đồng tiền tôi dành dụm được nhờ đi dạy thêm. Tôi nghĩ do chưa có con nên anh chưa tu chí, sau này anh sẽ khác. Đến giữa năm 2004, tôi có thai, anh vui mừng nhưng vẫn chứng nào tật ấy.
Anh vẫn hỏi “vay” tôi. Tôi nói: “Tiền em dành để sinh con”. Anh lạnh lùng bảo: “Vài tháng nữa mới sinh” và giằng co số tiền mà tôi tiết kiệm được.
Cuối cùng không muốn to tiếng và sợ ảnh hưởng đến thai trong bụng, tôi đã ném số tiền đó xuống nền nhà và nói: “Khỏi vay mượn, tôi cho luôn”.
Ảnh: Shutterstock
Tôi hoàn toàn không còn hy vọng về sự thay đổi ở con người này. Tôi quyết định vác bụng bầu ra khỏi nhà về chỗ hai em tôi đang trọ học ở Cầu giấy, Hà Nội.
Mẹ chồng tôi gọi điện khuyên: “Con là giáo viên, bỏ chồng người ta chê cười”. Bà sợ tôi bỏ đứa con 3 tháng trong bụng. Chồng tôi thì nghĩ “ván đã đóng thuyền”, tôi sẽ không dám bỏ anh ta.
Nhưng tôi quyết tâm: Ván đã đóng nhưng không ra gì thì gỡ. Thà tôi tự nuôi con một mình chứ không thể ở cả đời như thế này.
Rất may, tôi được sự ủng hộ của bố mẹ, các em. Sau một tuần ổn định tâm lý, tôi thuê một cửa hàng ở ngõ nhỏ, nơi đông người thuê trọ, để mở dịch vụ điện thoại. Công việc thuận lợi, tôi mở thêm một cửa hàng nữa cách đó không xa và thuê người trông coi.
Công việc giảng dạy không quá gò bó thời gian nên tôi có thể kinh doanh và dạy thêm. Đúng lúc này, mẹ đẻ tôi bị ung thư nên cả nhà lo lắng, đứng ngồi không yên. Bản thân tôi phải tự lo cho mình. Sinh con xong, tôi ôm con quán xuyến hai quầy điện thoại, không dạy thêm nhưng thu nhập rất ổn.
Video đang HOT
Khi con được 19 tháng, tôi cho con đi nhà trẻ công lập. Tôi vừa duy trì dịch vụ điện thoại vừa dạy thêm. Tiết đầu của trường là 6 giờ 40 sáng, mùa đông lạnh, tôi nhận dạy thay đồng nghiệp và được trả 600 ngàn đồng cho 6 tiết.
Đương nhiên, tôi phải đưa con đến phòng bảo vệ lúc 6 giờ 30 đợi nửa tiếng mới đến giờ đón trẻ. 5 năm cháu học cấp một cũng như vậy. Khi việc kinh doanh không còn đem lại nhiều lợi nhuận tôi quyết định dừng lại.
Một bài viết khó có thể kể hết sự khó khăn của một người mẹ đơn thân khi không được nhờ bên ngoại về vật chất và không một lời hỏi thăm của bên nội.
Tôi xác định, những người phụ nữ có chồng làm 8 tiếng, tôi sẵn sàng làm 16 tiếng. Tôi đi dạy thêm nhiều, buôn bán lặt vặt, thậm chí góp vốn buôn to cùng với em trai. Trong khi giao tiếp công việc, tôi không cho nhiều người biết mình là mẹ đơn thân.
Tôi không ngại ngùng hay xấu hổ, tôi không muốn nhận sự thương hại, ưu ái chỉ chỉ vì hoàn cảnh. Tôi muốn được đối xử công bằng, khách quan, được tôn trọng là vì năng lực của tôi.
Tôi chịu khó lao động, tiết kiệm, tâm lý bình thản đón nhận những không may, coi đó là thử thách và tin rằng không ai mất tất cả. Đúng vậy, con gái trộm vía khỏe mạnh, mẹ chỉ có lo kiếm tiền.
Sang tuổi 42 tuổi, tài sản của tôi là con gái 13 tuổi ngoan, xinh, học giỏi. Tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ được 2 năm, hai mẹ con đã có nhà khá thỏa mái ở trung tâm Cầu Giấy, Hà Nội.
Chúng tôi có một tài khoản để dành mà không cần bất cứ sự trợ giúp gì từ người đàn ông vô trách nhiệm và nợ nần vì chơi bời kia.
Mẹ tôi không còn nữa, bố tôi vì buồn thương vợ cũng đi theo bà. Có thể nói, tôi đã trải qua những biến cố lớn nhất, nuôi con một mình, không trợ cấp từ chồng cũ, bố mẹ đẻ không còn để tôi có thể dựa về tinh thần. Nhưng tôi đã đứng vững trên đôi chân của chính mình, tôi sẽ dạy con theo cách của tôi.
“Không có việc gì dễ, cũng không có việc gì khó. Nếu chỉ dựa vào may mắn, ta không thể đi xa, mọi trái ngọt đều do sự cố gắng, mẹ con mình cùng cố gắng con nhé”, tôi nhiều lần nói với con gái.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ những người phụ nữ vì lí do nào đó phải là mẹ đơn thân, rằng: “Mọi việc sẽ ổn khi ta thực sự quyết tâm”.
Theo Vietnamnet
Cuộc sống bi kịch của nữ giảng viên qua lời kể của vệ sĩ riêng
Đến khi không thể chịu đựng thêm, nữ giảng viên quyết định sống ly thân. Thế nhưng, anh chồng vẫn thường xuyên tìm cách hành hạ vợ. Để đảm bảo an toàn cho mình, chị Trang đành thuê vệ sĩ.
Gần 9 năm làm công việc vệ sĩ, Dương Thị Xuyến (SN 1991 - Quản lý công ty vệ sĩ tại Hà Nội) cho biết, những đối tượng tìm đến cô đều là người khá giả, có điều kiện.
Nếu như cần người bảo vệ trong các thương vụ kinh tế, áp tải tiền, tham dự sự kiện..., giới nhà giàu sẽ lựa chọn những vệ sĩ nam, ngoại hình cao to.
Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, họ thường chuộng các nữ vệ sĩ. Vì vệ sĩ nữ không quá nổi bật và dễ cải trang. Ít ai biết những cô gái nhỏ bé, trông chân yếu tay mềm đó cũng có thể quật ngã được những người đàn ông khỏe mạnh, cơ bắp chỉ trong một tích tắc.
Chia sẻ về lý do lựa chọn công việc được cho là lãnh địa riêng cho nam giới, Xuyến bộc bạch: "Mọi thứ đều xuất phát từ niềm đam mê. Ngày nhỏ tôi luôn mơ ước trở thành công an nhưng hoàn cảnh không cho phép.
Sau này, thấy công việc vệ sĩ có thể thỏa mãn được tâm nguyện của mình nên tôi quyết định theo nghề. Cảm giác luôn ở trong tâm thế che chở, bảo về cho người khác rất thú vị. Công việc này cũng giúp tôi vững vàng, tự tin hơn trong cuộc sống".
Xuyến cho hay, mặc dù số lượng nữ giới ứng tuyển làm vệ sĩ không nhiều nhưng hầu hết họ đều kiên trì và hoàn thành khóa đào tạo một cách xuất sắc.
Đồng quan điểm với Xuyến, anh Trương Việt Dũng (SN 1980 - Chủ tịch HĐQT một công ty vệ sĩ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ:
"Các nữ vệ sĩ cũng phải trải qua thời gian đào tạo khổ cực. Việc lăn lê bò trườn dưới đất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tập luyện trong cái rét buốt của mùa đông, đứng gác dưới tiết trời nắng nóng 40 độ là việc bình thường.
Họ phải xông pha, chui qua hàng rào dây thép gai, chịu những chấn thương đau đớn khi tập võ không thua kém cánh mày râu".
Ngoài học chiến đấu, xử lý tình huống nguy hiểm..., anh Dũng chia sẻ thêm, những vệ sĩ nữ còn được học kỹ năng dự tiệc, nếm rượu, giao tiếp... để khi cần, họ có thể nhập vai làm trợ lý cho thân chủ trong các hợp đồng VIP (vệ sĩ kiêm lái xe, trợ lý cho khách hàng - nv).
Trước khi nhận nhiệm vụ, nữ vệ sĩ phải tìm hiểu kỹ về thân chủ và nơi mà mình sẽ đến cùng họ. Tùy theo nhu cầu, tính chất công việc của khách hàng mà các nữ vệ sĩ sẽ mặc đồng phục hoặc thường phục phù hợp với bối cảnh tham gia.
Làm vệ sĩ, các cô gái trẻ sẽ được học võ thuật, boxing và nhiều kỹ năng chiến đấu khác. Ảnh: Overstreet.
Trong khi đó, nữ vệ sĩ Xuyến trải lòng: "Trong mắt nhiều người, vệ sĩ là người biết võ thuật, luôn xông pha, lâm trận trong những tình huống nguy cấp có thể đe dọa tính mạng thân chủ.
Nhưng trên thực tế, khi đối mặt với va chạm, chúng tôi thường xử lý tình huống một cách mềm mỏng nhất, tránh xảy ra xung đột. Tức là mình dùng mọi biện pháp bảo vệ an toàn cho thân chủ chứ không nhất thiết phải đánh nhau".
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề, Xuyến cho biết, lần bảo vệ cho nữ giảng viên đại học làm cô cảm thấy day dứt, xót xa nhiều hơn cả.
Xuyến kể, khách hàng đó tên Trang (SN 1984 - Hoàn Kiếm, Hà Nội). Người phụ nữ này có nhan sắc, nhìn ngoại hình khá mảnh mai, yếu đuối.
"Thời điểm gặp tôi, khuôn mặt chị có vết bầm tím, cổ hằn vết ngón tay, một bên tay nhiều sẹo. Người gây ra tất cả những tổn thương này không ai khác chính là chồng chị".
Điều khiến Xuyến ngạc nhiên không phải là những vết bầm dập đó mà là thái độ của chị dành cho chồng. Thay vì thể hiện sự bực tức, căm ghét anh ta, chị lại khá điềm tĩnh. Dường như, những trận đòn đó như cơm bữa, khiến chị chai lỳ với cảm xúc và sự đau đớn của chính mình.
Quá trình đề nghị Xuyến bảo vệ mình, chị Trang tâm sự khá nhiều về tình cảnh bi đát của mình. Theo lời chị Trang, hai vợ chồng chị đều là giảng viên. Họ kết hôn cũng được hơn mười năm.
Ngày mới yêu nhau, chồng chị vừa tốt nghiệp đại học, kinh tế khó khăn, gia đình lại nghèo. Thấy người yêu thông minh, hiểu biết, có hoài bão nhưng chỉ thiếu "đòn bẩy". Chị Trang về năn nỉ bố mẹ giúp đỡ anh.
Được bố mẹ người yêu giới thiệu, chồng chị Trang khi đó được nhận vào một trường đại học nổi tiếng làm việc. Sau đó, họ kết hôn, sinh được hai con.
Nhờ sự hậu thuẫn của gia đình vợ về kinh tế, lại phấn đấu tốt, chồng chị Trang sớm được trường cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đề bạt lên vị trí quản lý của trường.
Tuy nhiên, từ sau khi ở nước ngoài trở về, tâm tính chồng chị bắt đầu thay đổi. Khủng khiếp nhất là những sở thích quái đản của anh ta mỗi khi vợ chồng gần gũi, thân mật.
Thay vì cảm giác hạnh phúc, mỗi lần nghĩ đến chồng là chị thấy ớn lạnh. Vết thương cũ chưa lành, vết thương mới lại phủ đầy trên thân thể người phụ nữ yếu đuối. Thậm chí, chị Trang còn phát hiện chồng mình ngoại tình với một người đồng tính.
Tuy nhiên, chuyện đó chỉ có chị Trang biết. Ra ngoài, anh ta vẫn là người chồng hiền lành, mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ con. Sợ bố mẹ sốc, chị Trang giấu kín mọi chuyện.
Đến khi không thể chịu đựng thêm, nữ giảng viên quyết định sống ly thân. Thời gian này, chị vẫn ở trong căn biệt thự của hai vợ chồng. Mặc dù ly thân, nhưng anh chồng vẫn thường xuyên tìm cách hành hạ vợ. Để đảm bảo an toàn cho mình, chị Trang đành thuê vệ sĩ đến nhà.
"Tôi đến bảo vệ chị trong vai trò giúp việc gia đình. Mỗi lần nghe tiếng xe chồng về đến cổng, tôi thấy chị ấy hớt hải, khuôn mặt lo âu thảng thốt, có vẻ rất sợ hãi.
Đêm đến, tôi nằm cùng phòng 3 mẹ con chị, vì vậy anh ta không có cơ hội gây sự với vợ. Nhiều lúc, chồng thân chủ nhìn tôi đầy hằn học.
Có lần thấy chị ấy ngồi ôm mặt khóc, tôi cũng muốn ngồi xuống động viên, khuyên nhủ vài câu nhưng quy định nghề không cho phép được tham dự quá sâu vào việc của khách hàng, trừ công tác bảo đảm an ninh nên tôi cũng chỉ biết cố gắng bảo vệ chị khỏi người chồng đó.
Tôi đến giờ vẫn không hiểu, tại sao một người đàn ông trông trí thức, đạo mạo và lịch thiệp lại có lối hành xử như vậy?" - Xuyến nhớ lại.
Một thời gian sau, nữ giảng viên đại học sợ nếu tiếp tục cuộc hôn nhân sẽ ảnh hưởng đến tâm lý hai đứa con, chị đệ đơn tòa ly hôn, đưa con về nhà bố mẹ đẻ. Từ đó, chuỗi ngày sống trong địa ngục của chị mới kết thúc...
"Mặc dù số đông không đánh giá cao nghề này nhưng với tôi, được trải nghiệm việc bảo vệ an toàn cho ai đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn" - Xuyến bộc bạch.
Theo VietnamNet
Đàn bà thà rằng đơn thân vui vẻ còn hơn có chồng mà sống trong nước mắt Bố mẹ nào chẳng vậy, cứ hễ thấy con gái lớn trong nhà là lo nơm nớp, bởi nhà có "quả bom nổ chậm". Thế là cố thúc, cố ép con gái đi lấy chồng. Có ai biết đâu, phận gái như hạt mưa sa, có những cô gái lấy chồng xong cuộc sống như bước sang một trang khác, ngập nước mắt....