Chuyện lạ TT-Huế: Trồng loài sâm quý tiến vua chống phá rừng
Trong những cánh rừng nguyên sinh ở vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) ẩn chứa “kho tàng” dược liệu quý, nhưng sau những lần con người in dấu chân, thứ xem như “vàng xanh” của đất trời ngày càng suy kiệt. Và khi lộc trời vơi cạn, người dân đang nỗ lực tái sinh.
Sau những chuyến săn “thần dược”
Dọc theo cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại không khó bắt gặp cảnh mua bán những loại dược liệu được người dân vùng cao săn tìm trong những cánh rừng heo hút. Độ 5 năm trở lại đây, dược liệu vùng cao được nhiều người đồng bằng ưng bụng. Có loại công dụng đã được khoa học chứng minh, nhưng không ít loài thông tin chỉ qua lời đồn thổi.
Vườn ươm sâm Bố Chính tại A Lưới.
Bà Viên Thị Ngo ( xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) trải tấm bạt phủ lớp bụi mờ trên vỉa hè đường Hồ Chí Minh, vội đổ số dược liệu đựng trong a chói được chồng con lặn lội suốt cả tuần hái tận rừng sâu. Thoáng chốc, khoảng 3kg dược liệu được khách hàng hỏi mua.
“Đó là nấm lim xanh cổ cò, thứ dược liệu mà dân đồng bằng rất ưng, giá 2,5 triệu đồng/kg khô. Trong số các loại nấm, loại đó đắt và hiếm nhất. Chồng và con trai tui phải vất vả lắm mới kiếm được vì hái được thứ nấm này phải vào tận khu vực rừng giáp ranh biên giới Lào”, bà Ngo chia sẻ.
Bà Ngo bảo rằng, mua bán dược liệu tại miền sơn cước cũng như chuyện con nai, con mang. Có cầu ắt có cung. Một thời, dân lắm tiền nhiều của thích thịt rừng, muông thú thì ngay lập tức những chiếc bẫy lớn nhỏ hàng ngày được người dân đặt trong rừng sâu. Nhà nước cấm không cho săn bắt động vật hoang dã, người dân cụt đường “làm ăn” rồi đến với dược liệu.
Một loại sâm được ông Khả “thuần hóa”
“Nói thiệt với chú chơ tụi tui có nghề nghiệp chi mô, đất rẫy thì ít nên sống dựa vào lâm sản. Chừ Nhà nước cấm khai thác gỗ, bắt thú nên tụi tui phải khai thác những thức khác để mưu sinh. Ở A Lưới nhiều người vô rừng hái nấm lim xanh lắm. Ngày trước khi nguồn nấm còn dồi dào mỗi ngày hái được vài cân, nhưng nay nhiều người đổ xô đi hái nên dần cạn kiệt rồi”, bà Ngo nói.
Dược liệu ngày một vơi cạn nhưng lạ thay dọc các tuyến đường xuyên qua núi hàng ngày vẫn đều đặn có người mua kẻ bán. Để rõ ngọn nguồn câu chuyện, tôi tìm gặp ông Hồ Xuân Khả (60 tuổi, thôn A So 2, xã Hương Lâm, huyện A Lưới). Ông Khả là tay săn dược liệu có tiếng ở vùng cao A Lưới. Không phải bây giờ mà khoảng 3 thập kỷ trước, ông đã nổi danh sau những chuyến băng rừng tìm lá thuốc.
Từ cuộc chuyện trò với ông, tôi biết rằng săn dược liệu vùng cao luôn muôn năm cũ, và có cả những câu chuyện “dở khóc dở cười” đằng sau củ sâm, lá thuốc được người dân lục lọi khắp các cánh rừng. “Nếu vàng không hiếm thì có giá trị hay không? Dược liệu không quý thì người mua có nhiều không?”, ông Khả cắc cớ trước khi mở đầu câu chuyện băng rừng tìm “vàng xanh”.
Ông Khả nói về đệ nhất sâm Ngọc Linh râm ran một thời ở núi rừng A Lưới. Lúc ấy, qua những lời rỉ tai, bà con dân bản mù mờ biết về loại “thần dược” được so sánh với các loại sâm Cao Ly thượng hạng từ vùng miền núi xa xôi tỉnh Quảng Nam. Rồi họ ồ ạt vào rừng sâu, ròng rã mấy tháng trời để kiếm tìm sâm Ngọc Linh, có người bị nạn trên đường đi, thậm chí mất mạng. Thành quả sau nhiều chuyến băng rừng, đối diện hiểm nguy là vài củ sâm mà người dân đinh ninh là Ngọc Linh.
“Bà con A Lưới chưa khi mô trực tiếp thấy sâm Ngọc Linh. Họ chỉ nghe đồn về hình dáng của sâm rồi vào rừng tìm kiếm. Tìm được sâm, họ thu giấu rất kỹ, tuyệt đối không cho ai thấy, chỉ khi có đại gia hay thương lái hô giá thật cao mới mang ra. Tuy nhiên, sau đó xác định chỉ là những loại rễ cây thông thường. Dù tiếc nuối nhưng cũng đành vứt bỏ”, ông Khả hé lộ, rồi xua tay với ý định về một chuyến thực tế bởi lý do loại sâm này không dễ kiếm tìm.
Video đang HOT
Ông Khả với những dược liệu được trồng tại vườn riêng.
Trước khi trở thành tay săn dược liệu, ông Khả được tổ tiên truyền dạy về công dụng và cách nhận biết các lá thuốc. Bây giờ, khu vườn nhỏ phía sau nhà ông, nhiều cây thuốc quý được lưu giữ. Ông xem đó là thành quả đáng quý sau hơn nửa đời người băng rừng tìm thuốc.
“Muốn hái lá thuốc bắt buộc phải biết nhận dạng và cách thử vì có nhiều loại chứa độc tố cực mạnh. Một số loại dược rất quý, giá trị cao nhưng không phải ai cũng biết. Người dân chừ đã tỏ tường nhiều loại như, nấm linh chi, nấm lim xanh, sâm Pakit tự nhiên nên núi rừng A Lưới đã dần cạn kiệt. Những loại được dân làng bày bán dọc đường phần lớn không phải kiếm tìm từ núi rừng A Lưới mà tại các làng bản Lào xa xôi”, ông Khả cho biết.
Nấm linh chi được người dân bày bán dọc đường Hồ Chí Minh.
“ Sâm tiến vua” bén duyên vùng cao A Lưới
Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc tự nhiên, những loại cây quý vẫn tồn tại giữa núi rừng A Lưới như minh chứng cho tiềm năng kinh tế lớn dưới tán rừng. Người dân đang “ăn của rừng” nhưng vẫn ấp ủ giấc mơ về những cánh đồng dược liệu ngay dưới tán rừng, nơi hàng ngày họ vẫn thường “tựa lưng”.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Chúng tôi vẫn biết khai thác không hợp lý rồi sẽ cạn kiệt nhưng vẫn phải làm vì mưu sinh”, ông Hồ Bông (xã Hương Lâm) nói.
Nếu không có giá trị thì hẳn không nhiều con dân làng bản cất công, bất chấp hiểm nguy kiếm tìm dược liệu. Ở A Lưới, thói quen “ăn xổi” vẫn ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân dù vẫn có người thích sưu tầm những cây quý, “thuần hóa” ngay trên chính khu vườn riêng.
“Thành công hay không vẫn chưa thể biết, nhưng sâm Pakit tím được người dân trồng khoảng 2 năm và đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt. Tại Việt Nam bây giờ dược liệu phải nhập đến 75%, do vậy tiềm năng về đầu ra giúp dự án này rất triển vọng”, ông Chinh thông tin.
Không chỉ sâm Pakit, ông Chinh liệt kê một loạt những cây quý còn sót lại ở miền sơn cước để chứng minh giá trị lẫn tiềm năng của dược liệu vùng cao. Nào là mấy chục loài nấm linh chi, lim xanh đến giảo cổ lam quý hiếm. Và ông tiết lộ về khu vườn rộng 5ha đang trồng sâm Bố Chính – một trong bốn loại sâm tốt nhất Việt Nam, một thời người Quảng Bình dùng để tiến vua trong triều đình nhà Nguyễn.
Để đưa loại sâm này đến vùng đất A Lưới, ông Chinh vào tận Đồng Tháp để chọn mua cây giống. Trước đó, qua nhiều năm nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, ông cho rằng vùng đất này phù hợp với “sâm tiến Vua”.
“Vườn sâm Bố Chính chúng tôi trồng đang trong giai đoạn phát triển tốt. 5 vạn cây giống được trồng hứa hẹn mở ra triển vọng mới, mang lại thu nhập cao. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường trong vòng 3 năm với một đối tác ở miền Nam. Mỗi năm phải cung ứng khoảng 60 tấn sâm. Nếu thành công sẽ nhân rộng cho người dân để nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Chinh nói.
Ngoài những mô hình kinh tế truyền thống, cây dược liệu hứa hẹn giúp người dân vùng cao chuyển mình nếu họ nhìn thấy được lợi ích, thay đổi tư duy khai thác tận diệt bằng việc phát triển bền vững dưới tán rừng. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đặt vấn đề với chính quyền địa phương về việc tạo ra một vùng chuyên canh cây dược liệu quy mô lớn trên vùng đất dọc đường Hồ Chí Minh.
“Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn giúp người dân ý thức trong việc giữ rừng. Sự liên kết, bổ trợ giữa rừng và cây dược liệu tạo ra hướng đi bền vững. Ý tưởng “Trồng sâm… chống phá rừng” khởi phát và đi vào thực tế đang cho thấy hiệu quả. Khi người dân nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình này sẽ lợi cả đôi đường”, ông Chinh chia sẻ.
Theo Lê Thọ (Báo Thừa Thiên Huế)
Loài sâm quý tiến vua hoa rực rỡ ẩn mình nơi đỉnh Chóp Chài
Nhận được thông tin loại sâm Bố Chính-sâm quý tiến vua phát hiện mọc tự nhiên trên núi Chóp Chài (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi quyết định thượng sơn bắt đầu một hành trình tìm sâm nơi vùng đất Trung Thuần đầy huyền tích về giá trị lịch sử, văn hóa...
Nguyễn Văn Phương, người có khu trang trại ngay chiến khu Trung Thuần trở thành tình nguyện viên dẫn đường. Phương bảo: "Nếu đi bộ lên đến đỉnh... thời gian phải mất gần một ngày".
Tương truyền, sản vật sâm Bố Chính được mệnh danh là sâm tiến vua. Sâm Bố Chính hiện diện khắp một vùng rừng núi quanh đỉnh Chóp Chài. Và mỗi lần cụ Nguyễn Hàm Ninh hồi kinh, không thể không mang theo thứ sản vật quý giá nơi quê hương mình để làm quà cho đất kinh thành Huế.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Trung Thuần dưới chân núi Chóp Chài-nơi sâm Bố Chính tự nhiên phân bố.
Trước khi khởi hành, Nguyễn Văn Phương đưa chúng tôi đến thắp hương tại miếu Thành Hoàng nằm tĩnh lặng nơi khoảng rừng cách đường xuyên Á chừng 50 mét, nổi tiếng thiêng khắp một vùng Quảng Thạch, Quảng Lưu. "Không biết từ bao giờ, miếu Thành Hoàng đã tồn tại ở đây rồi. Miếu thờ ngài khai khẩn và các vị Thành Hoàng bảo trợ", người dẫn đường bảo tôi như vậy.
Trong câu chuyện của Nguyễn Văn Phương, chúng tôi mới biết loại sâm Bố Chính ngày xưa mọc nhiều khắp một vùng núi non Trung Thuần. Thời Phương còn vắt quần dài lên cổ theo chúng bạn vào núi chăn bò, sâm Bố Chính trở thành thứ thực phẩm tăng lực cho bọn trẻ như Phương, cứ thấy là "tróc" lên, phủi sạch hết đất rồi nhai sống như ăn khoai lang vậy. Bây giờ mảng rừng phía dưới núi Chóp Chài, đốt đèn cũng chẳng tìm thấy.
Đến với chiến khu Trung Thuần, cũng phải ngược thời gian một chút để tìm hiểu về vùng đất địa linh này. Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, Trung Thuần là căn cứ địa cách mạng của lực lượng vũ trang do tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng huyền thoại mà tên tuổi gắn liền với đường Trường Sơn chỉ huy. Từ chiến khu Trung Thuần, theo lệnh Tổng khởi nghĩa, lực lượng vũ trang tiến về cướp chính quyền tại phủ Quảng Trạch vào sáng ngày 23-8-1945.
Xa hơn nữa trong lịch sử, vùng đất Trung Thuần còn gắn liền với tên tuổi của hai danh sỹ Quảng Bình là cụ Lê Trực và cụ Nguyễn Hàm Ninh. Cụ Lê Trực quê quán xã Thanh Thủy (nay là xã Tiến Hóa, Tuyên Hóa) từng đỗ tiến sỹ võ làm quan đến chức Đề đốc dưới triều vua Tự Đức. Hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ Lê Trực mộ quân, xây dựng lực lượng, chọn đất Trung Thuần làm căn cứ địa.
Sâm Bố Chính mọc tự nhiên trên núi Chóp Chài.
Trong khoảng thời gian 1885-1888, nghĩa quân Lê Trực liên tiếp tổ chức nhiều trận tập kích, công đồn làm cho quân Pháp và triều đình Huế kinh hồn bạt vía, hoang mang, lo sợ.
Ngày nay, tại chiến khu Trung Thuần vẫn còn những dấu tích và địa danh gắn liền với tên tuổi, chiến công của nghĩa quân Lê Trực: Bạch Thạch, Linh Thần, Tiền Miếu, Xuân Vương, "Sáng Trăng, Trưa Má, Ao Cá, Bãi Tập"...
Về danh nhân Nguyễn Hàm Ninh, cụ tự Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Kinh (nay là xã Phù Hóa) sau đến ở với một bà cô tại làng Trung Ái (nay là Trung Thuần) thuộc phủ Bình Chánh (huyện Quảng Trạch ngày nay). Cụ Nguyễn Hàm Ninh đậu giải nguyên kỳ thi hương năm 23 tuổi (năm Tân Mão 1831).
Đời làm quan của cụ lắm thăng trầm. Ban đầu, cụ được bổ dạy học tại Quốc Tử Giám. Năm Quý Tỵ (1833), cụ làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gặp lúc thân phụ qua đời, cụ về chịu tang cha, đến năm Bính Thân (1836), được mời ra giữ chức Quốc học độc thư và dạy học cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Năm Mậu Tuất (1838), cụ giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự, nhưng vì phạm lỗi, bị vua Minh Mạng bãi chức cho về quê.
Về quê ít lâu, năm Tân Sửu (1841), học trò cụ là Nguyễn Phúc Miên Tông lên nối ngôi (tức vua Thiệu Trị), cụ được mời lại chốn quan trường giữ chức Hành tẩu ở Nội các. Năm Bính Ngọ (1846), cụ sang làm Lang trung bộ Lễ, rồi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa.
Ở Khánh Hòa cụ bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc, khi về nước, bị triều đình cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân. Ít lâu sau, được cho về làm Trước tác ở Viện Hàn Lâm. Lại bị khiển trách, lần này thì cụ bị cách chức luôn. Cụ Nguyễn Hàm Ninh về quê vợ vui thú điền viên nơi thôn Vân Tiền (nay thuộc xã Quảng Lưu) cho đến lúc mất, thọ 59 tuổi. Lăng mộ hiện nay ở tại xã Quảng Lưu.
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến cụ Nguyễn Hàm Ninh khá kỹ là vì tuổi thơ của cụ hay trong quá trình làm quan bị cách chức và thời gian cuối đời, cụ đều sinh sống nơi vùng đất Trung Thuần.
Về sâm Bố Chính, loài sâm tiến vua, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Châu Bắc Bố Chính có 75 xã, thôn, phường, sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong... Nhân sâm sản xuất ở các xã Phù Lưu, Tiên Lễ, châu Bắc Bố Chính, hoa màu tía, trồng trong chậu cát cũng sống, chưng phơi đúng phép thì tình trạng chẳng khác gì sâm bắc, mùi thanh ngọt, uống vào cơ thể tăng thêm khí lực, người ta dùng nhiều".
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Bình sâm tức nhân sâm Nam, sản xuất ở núi Thành Thang huyện Minh Chính, có lệ tiến vua". Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục cũng nhắc đến sâm Bố Chính hàng năm được cung tiến vua cùng với các loại sản vật khác nơi vùng đất miền Trung nắng gió.
Trở lại với chuyến "thượng sơn" lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm Bố Chính, theo con đường độc đạo, hoang sơ giữa rừng, khi lên khoảng lưng chừng núi Nguyễn Văn Phương ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, anh tỉ mẫn xem kỹ những dấu ký hiệu để lại của những lần khám phá trước.
Một lúc sau, Nguyễn Văn Phương thở phào nhẹ nhõm: "Đến khu vực có sâm rồi anh!". Nguyễn Văn Phương chỉ cho chúng tôi thấy ẩn khuất sau tán rừng xanh dày khá sạch thoáng là một khóm sâm Bố Chính mọc, nhẹ nhàng trổ từng cánh hoa phơn phớt hồng.
Bắt đầu từ khóm sâm đầu tiên được đánh dấu, chúng tôi xuyên rừng tỏa về các bên sườn núi Chóp Chài, thấy sâm mọc ngày càng nhiều, tuy nhiên mật độ không đều so với diện tích rừng tự nhiên.
"Qua 5 lần lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm, mình khẳng định ban đầu rằng trong khoảng bán kính 10km có sự phân bố của sâm Bố Chính. Như vậy, loại sâm Bố Chính mọc tự nhiên ở vùng đất Trung Thuần chưa bị biến mất hoàn toàn mà vẫn tồn tại trên núi Chóp Chài", Nguyễn Văn Phương chia sẻ lúc đoàn tìm sâm ngồi nghỉ ở một con dốc thoải.
Hành trình tìm sâm Bố Chính trên núi Chóp Chài không phải chỉ để dừng lại việc khẳng định rằng loại sâm tiến vua tự nhiên vẫn đang hiện hữu trên mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Bình. Bởi sau chuyến đi, mẫu sâm Bố Chính núi Chóp Chài được gửi giám định tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế) với kết quả khả quan, tạo ấn tượng và sự quan tâm trong giới nghiên cứu khoa học.
Một công ty chuyên về bảo tồn, phát triển, khoanh nuôi, quảng bá thương hiệu sâm Bố Chính tự nhiên núi Chóp Chài cũng được thành lập với tên gọi Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính.
Hy vọng tương lai không xa, sâm Bố Chính tự nhiên-loại sân tiến vua của vùng đất gió Lào, cát trắng Quảng Bình sẽ được bảo tồn, gìn giữ, phát triển.
Theo Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)
Hỗ trợ, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách tại A Lưới Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty TNHH Đầu tư Đại Phú Lộc vừa phối hợp tổ chức thăm, tặng quà cho người nghèo và gia đình chính sách tại xã Hồng Quảng, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Trao quà, học bổng tặng học sinh nghèo xã Hồng Quảng, huyện A Lưới. Đoàn đã hỗ trợ kinh...