Chuyện lạ: Phải trả xe vi phạm vì… không kịp xử phạt
Hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm mà tỉnh chưa ban hành quyết định xử phạt và tịch thu các tang vật, phương tiện vi phạm thì huyện phải giao trả cho chủ sở hữu.
Chiều 9-7, Huyện ủy, UBND huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đều có báo cáo khẩn tiếp tục gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Free Land.
Chưa ra quyết định xử phạt thì phải trả xe
Công ty này được cho là có hành vi khai thác khoáng sản trái phép trong dự án khu nghỉ dưỡng Free Land tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Theo huyện Xuyên Mộc, tính từ thời điểm tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (ngày 11-5) đến nay (hết ngày 9-7) là 60 ngày, hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định tại Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012.
Văn bản của huyện Xuyên Mộc nêu: “Trường hợp đến hết ngày 9-7, chủ tịch UBND tỉnh chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu các tang vật vi phạm thì UBND huyện phải lập các thủ tục để giao trả các tang vật, phương tiện đang tạm giữ cho chủ sở hữu theo quy định của pháp luật”.
Được biết, huyện Xuyên Mộc đang tạm giữ gồm 10 xe tải, bốn xe múc và một máy bơm hút cát của doanh nghiệp.
Chiều 9-7, trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định đến nay công an tỉnh vẫn xác minh chưa xong, chưa trình lên tỉnh hướng xử phạt. UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo vụ việc với Tỉnh ủy.
Video đang HOT
Theo ông Quốc, lý do đến nay công an tỉnh chưa thể xác minh xong là hồ sơ vụ việc ban đầu huyện Xuyên Mộc lập chưa rõ khối lượng khoáng sản chuyển ra khỏi dự án. Cụ thể, 10 xe tạm giữ không phải xe nào cũng đang chở cát. Ngày 6-7, huyện mới có báo cáo lại, khối lượng cát là gần 300 m3 (không phải hơn 4.000 m3 như xác định ban đầu – PV). Do đó, tỉnh yêu cầu công an phải làm rõ để tránh việc doanh nghiệp khởi kiện lại…
Các xe chở cát cho Công ty Cổ phần Free Land bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: TK
“Vẫn phải chờ công an tỉnh báo cáo”
PV hỏi hướng xử lý vụ việc ra sao nếu UBND tỉnh không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Free Land dẫn đến việc huyện sẽ phải trả xe, một việc chưa từng có đối với một vụ khai thác khoáng sản trái phép rõ ràng như vậy. Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay vẫn phải chờ công an tỉnh báo cáo kết quả.
Còn theo một lãnh đạo huyện Xuyên Mộc thì các ngành chức năng của huyện đã lập biên bản, ghi lại quá trình làm việc với từng tài xế và cả chủ doanh nghiệp nhận vận chuyển cát ra khỏi dự án cho Công ty CP Free Land.
“Huyện cũng tiến hành xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm thu giữ là gần 4 tỉ đồng. Khối lượng cát nếu xử phạt là 275 m3 cũng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Ở đây cần công an tỉnh điều tra thêm có hay không việc các tài xế khai thực tế đã chở đi hơn 4.000 m3 cát, đủ yếu tố xử lý hình sự hay không…” – lãnh đạo huyện Xuyên Mộc cho biết.
Liên quan đến việc xử lý Công ty Free Land, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí sáu tháng đầu năm do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức rằng sở đang dự thảo việc xử phạt trình UBND tỉnh ký ban hành.
Hai tháng vẫn chưa xác minh xong
Ngày 11-5, ngành chức năng huyện Xuyên Mộc kiểm tra và phát hiện Công ty Free Land lợi dụng chủ trương tỉnh cho phép doanh nghiệp này dọn dẹp thực bì để khai thác cát trái phép tại khu đất dự án.
Cùng ngày, huyện Xuyên Mộc đã ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm 10 xe tải, bốn xe múc và một máy bơm hút cát. Sau đó, huyện đã có báo cáo vụ việc và chuyển đề nghị chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 2-6, khi nhận được văn bản của huyện Xuyên Mộc đề xuất, UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT tham mưu tỉnh xử phạt việc này. Đến ngày 5-6, Sở TN&MT đã có báo cáo và dự thảo quyết định xử phạt trình ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.
Tuy nhiên, sau đó ông Quốc chưa ký, cho rằng hồ sơ ban đầu lập còn chưa chặt chẽ. Ngày 8-6, tỉnh đã họp các ngành lại và quyết định giao cho công an tỉnh xác minh lại.
Cho đến nay, căn cứ các hồ sơ huyện Xuyên Mộc đã lập, công an tỉnh vẫn chưa thể đưa ra kết luận đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý vụ việc. Còn UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì vẫn kiên nhẫn chờ đợi dù cho hết thời hiệu tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Dư luận đang đặt câu hỏi việc khó khăn trong xử phạt hành chính vụ khai thác cát trái phép trong khu nghỉ dưỡng Free Land này có gì bất thường hay không.
Quán cà phê "mọc" trong khuôn viên VTV8: Phạt 40 triệu đồng
UBND quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng với chủ công trình quán cà phê trong khuôn viên VTV8 tại Đà Nẵng, buộc khắc phục hậu quả trong 60 ngày.
Ngày 8/7, UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết đơn vị vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (gọi tắt là Công ty Cao Nguyên) liên quan đến công trình quán cà phê trong khuôn viên VTV8 (số 258 đường Bạch Đằng, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cao Nguyên là ông Lê Thái Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Theo quyết định xử phạt, Công ty Cao Nguyên đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính khi tổ chức thi công xây dựng công trình dịch vụ quảng cáo truyền hình và căng tin tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.Đà Nẵng (VTV8) không có giấy phép xây dựng, mà theo quy định, phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Hiện trạng thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, công trình đã hoàn thành việc hạ độ cao thấp khung trụ ăng ten, đã hoàn thành phần thô, đang trong giai đoạn lắp đặt các thiết bị phục vụ kinh doanh căng tin.
Đà Nẵng phạt 40 triệu đồng quán cà phê trong khuôn viên VTV8.
Hình thức xử phạt là 40 triệu đồng và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty Cao Nguyên phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty Cao Nguyên không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.
Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, Công ty Cao Nguyên phải tháo dỡ phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp.
Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do Công ty Cao Nguyên chi trả và Công ty Cao Nguyên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn, Công ty Cao Nguyên không tự nguyện chấp hành, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Bộ sách "Bí kíp kiếm tiền" của "Huấn hoa hồng" bị phạt hơn 17 triệu đồng Cục An ninh Chính trị Nội bộ, bộ Công an đã phối hợp với thanh tra sở Thông tin & Truyền thông TP. Hà Nội xử phạt Bùi Xuân Huấn (tức Huấn hoa hồng) 17,5 triệu đồng do xuất bản sách vi phạm pháp luật. Trước đó, ngày 16/6, cục An ninh Chính trị Nội bộ, bộ Công an đã tiến hành làm...