Chuyện lạ Đồng Nai: Vào rừng nuôi…ba ba, cả làng khá giả
Những năm gần đây, cuộc sống của nhiều nông dân tại ấp 4, xã Mã Đà ( huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) được cải thiện so với trước, thu nhập ổn định hơn từ nghề nuôi ba ba.
Từ một vài hộ “khởi xướng” ban đầu, đến nay ấp 4 đã trở thành điểm nuôi ba ba có tiếng trong vùng.
Cách thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) hơn 30km, nằm lọt thỏm giữa những tán rừng già của Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, khu dân cư ấp 4 có khoảng 500 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, đánh bắt và nuôi cá bè trên hồ Trị An.
Phát triển vùng nuôi ba ba
Ấp 4, xã Mã Đà hiện có khoảng 40 hộ nuôi ba ba. Trong đó, khu Suối Tượng là nơi tập trung nhiều gia đình nuôi ba ba nhất vì nơi đây khá gần với hồ Trị An và khu làng cá bè, người dân có thể tìm nguồn thức ăn từ cá con cho ba ba khá dễ dàng.
Kiểm tra ba ba tại bể của ông Huỳnh Văn Toàn (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh:N.Liên.
Để tạo môi trường sống phù hợp cho ba ba, các hộ dân xây bể nuôi theo từng ô, mỗi ô rộng khoảng 50m2, vách tường của bể nuôi ba ba thường cao trên 1m và phải có bè thả nổi trên bể để ba ba có thể lên phơi nắng.
Toàn bộ nước và thức ăn cho ba ba chủ yếu lấy từ hồ Trị An nên môi trường sống của ba ba gần như không khác môi trường tự nhiên.
Là một trong những người đầu tiên đưa ba ba về khu Suối Tượng nuôi vào năm 2010, ông Nguyễn Văn Phiên hiện đang nuôi khoảng 10.000 con ba ba. Ông Phiên cho biết, mỗi năm ông có 2 đợt bán ba ba, mỗi đợt bán khoảng 3.000 con.
Sau khi trừ các chi phí, ông Phiên lãi khoảng 400 triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi ba ba. Vốn là một ngư dân từng gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản và sau đó là nuôi cá bè, nhưng do cả hai nghề đều khá bấp bênh về giá cả sản phẩm nên sau vụ nuôi ba ba đầu tiên, ông Phiên nhận thấy thu nhập từ nuôi ba ba cao hơn nên đã quyết định tập trung phát triển nghề nuôi ba ba.
Video đang HOT
Ông Huỳnh Văn Thanh (cùng ngụ ấp 4) chia sẻ, mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường khoảng 4.000 con ba ba. Ba ba đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường thường có cân nặng từ 700g đến 1kg, giá trung bình từ 80.000-300.000 đồng/kg.
Đối với ba ba lớn hơn thì giá bán sẽ cao hơn, lên đến 500.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vùng này chỉ có 1-2 hộ nuôi ba ba có giá trị cao, phần lớn vẫn là ba ba thịt có giá rẻ hơn.
“Từ khi nuôi ba ba đến nay, thu nhập của gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều, trung bình 1.000 con ba ba sẽ có lời khoảng từ 60-90 triệu đồng. Với ba ba chỉ cần chăm thay nước mỗi ngày và không để bị chấn động mạnh thì chúng sẽ lớn nhanh, chất lượng thịt cũng tốt hơn” – ông Thanh nói.
Tăng dần sản lượng
Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó trưởng ấp 4 (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, ba ba tuy là loài có sức đề kháng tốt nhưng vẫn cần được chăm sóc chu đáo. Những công việc như thay nước, cho ăn phải thực hiện thường xuyên. Ba ba thỉnh thoảng có tình trạng bị nổi đốm trắng trên lưng nếu không kịp thời xử lý sẽ bị lây lan ra cả bể, ba ba bị nặng hơn sẽ chết.
Theo ông Toàn, ba ba từ khi bắt đầu nuôi đến khi bán được sẽ bị hao hụt khoảng 20% số lượng thả ban đầu, dù dễ nuôi nhưng đã có người thất bại vì không biết cách nuôi và chăm sóc chu đáo.
Theo những hộ nông dân nuôi ba ba, trung bình 200m2 bể có thể nuôi được 1.000 con ba ba. Thời gian bắt đầu nuôi cho đến khi bán là 13-14 tháng. Do có sức đề kháng mạnh nên con ba ba khá dễ nuôi. Bên cạnh đó, lợi thế gần hồ Trị An đã giúp người nuôi ba ba bớt được phần nào gánh nặng chi phí đầu tư, bởi họ có thể tự làm thức ăn cho ba ba từ cá bắt trên hồ hoặc mua lại từ người dân đánh bắt cá với giá rẻ.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Phó trưởng ấp 4, cũng là một trong những hộ nuôi ba ba đầu tiên ở ấp chia sẻ, nghề này do cha ông truyền lại cho. Trong ấp còn nhiều hộ muốn chuyển sang nuôi ba ba nhưng hiện vẫn còn khó khăn về vốn đầu tư ban đầu.
Ông Toàn chia sẻ: “Ba ba hiện nay không đủ để cung cấp cho thị trường, sau mấy năm tiếp quản các hồ nuôi ba ba từ cha, tôi chưa từng thấy ba ba rớt giá hay “dội” hàng. Nếu tăng thêm hộ nuôi thì tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng gì đến đầu ra và giá cả. Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều hộ nuôi ba ba để cải thiện kinh tế gia đình vì trong ấp vẫn còn nhiều hộ khó khăn, đất sản xuất không nhiều”.
Chia sẻ về nghề nuôi ba ba tại ấp 4 những năm gần đây, ông Nguyễn Trung Năng, Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết, qua khảo sát thực tế, số ba ba trên địa bàn ấp 4 và một số hộ của ấp 3 khoảng trên 64.000 con, 157 bể nuôi. Do điều kiện nuôi thuận lợi và giá bán ổn định nên khoảng 2 năm nay, nghề nuôi ba ba phát triển khá mạnh.
“Tuy nhiên, hiện nay ba ba vẫn được bán tự do cho các thương lái, chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nên không đủ điều kiện để hỗ trợ bà con nuôi theo mô hình VietGAP. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cùng bà con phát triển mô hình nuôi ba ba theo hướng VietGAP” – ông Năng cho hay.
Theo Ngọc Liên (Báo Đồng Nai)
Không phải miền Tây nhưng dân ở đây cũng ăn theo mùa nước lớn
Mùa mưa đến, nước tràn đồng cũng là lúc các làng nghề đan, vá lưới, sửa ghe thuyền... ở các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Định Quán (Đồng Nai) nhộn nhịp ngày đêm để kịp làm ra những loại dụng cụ, phương tiện đáp ứng nhu cầu của các ngư dân đánh bắt cá trong mùa nước lớn tràn về.
Những ngày này, khắp các vùng làm nghề chài lưới, đánh bắt thủy sản trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh đều chộn rộn khi bước vào đợt hoạt động, khai thác lớn nhất trong năm. Nhiều nghề phụ "ăn theo" con nước cũng bước vào vụ làm ăn. Trong đó, nhiều nghề như: đan, vá lưới, sửa ghe, thuyền... cũng thu hút nhiều người tham gia bởi cả năm chỉ có một đợt cá xuất hiện nhiều.
Xóm vá lưới vào mùa
Ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) bao năm nay vốn nổi tiếng với nghề đan lưới. Nghề này tập trung chủ yếu ở 2 ấp Bà Trường, Bàu Bông với hàng chục gia đình gắn bó lâu dài và ở mỗi ấp lại phân thành nhiều nhóm đan từng loại lưới khác nhau. Có những tấm lớn chiều dài đến hơn chục mét, nhưng cũng có lưới dạng nhỏ, thích hợp với nghề giăng bắt ở các kênh, rạch.
Bà Tám Vui (ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đang vá lưới thuê cho các ngư dân.
Bà Nguyễn Thị Hoài (ngụ ấp Bàu Bông) với hơn chục năm đan lưới cá cho hay, bà nhận gia công lưới cho các công ty lớn ở TP.Hồ Chí Minh. Vào mùa nước lớn, hàng công ty đưa về rất nhiều khiến nghề này làm ăn thuận lợi hơn. Từ dịp này trở đi cho đến Tết, hàng sẽ về nhiều vì nhu cầu thị trường rất cần.
"So với làm công nhân thì đan lưới tiền kiếm được không cao nhưng người dân ở đây vẫn duy trì, bởi có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi. Hầu hết bà con đều biết đan lưới, người già, trẻ em đều có thể làm được. Nghề này làm không mấy khó khăn, nhưng phải chịu khó vì gần như ngồi một chỗ làm cả ngày" - bà Hoài cho biết.
Tại xóm chài ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), không khí đan, vá lưới cũng nhộn nhịp không kém. Trên các bãi đất ngay mé nước, bãi đất trống thậm chí trên ghe, thuyền đều có người tham gia. Bàn tay người nào người nấy thoăn thoắt đưa cây kim luồn qua các lớp lưới bị rách để vá một cách thuần thục và gọn lẹ.
Bà Tám Vui (ngụ ấp 2, xã Mã Đà) cho biết, các ngư dân đánh bắt cá lần lượt vào bờ sau một đêm lênh đênh trên hồ Trị An. Trong lúc đánh bắt, lưới mắc phải ngầm đá nên rách không nhiều thì ít. Vì vậy, để kịp cho chuyến sau họ phải thuê người đến vá lưới.
Nghề vá lưới làm việc liên tục, kéo dài từ sáng sớm tới tối mịt đến khi nào mảnh lưới hoàn chỉnh mới thôi. Công việc vốn chỉ dành cho những người lành nghề, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm bảo chính xác để mắc lưới đúng cỡ cần vá. Khi vá phải nhanh tay nhưng cũng cần chặt để các mối gút chắc, khi đánh cá không bị bung xổ các mối nối.
"Mỗi chuyến đi đánh cá về lưới nhà nào bị rách là họ thuê tôi đi vá. Làm cho người này xong thì chuyển qua người khác, hầu như ngày nào cũng có việc để làm. Tiền công kiếm được trung bình khoảng 150 ngàn đồng/ngày so với công sức bỏ ra thì không nhiều, nhưng có việc thường xuyên. Chứ ngồi từ sáng đến nhiều mình mẩy ai nấy đều ê ẩm" - bà Tám bộc bạch.
Gắn bó với nghề sửa thuyền
Tại các làng chài, làng bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán), trước khi dòng sông đầy ắp nước là lúc các ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản chuẩn bị tu bổ, sửa sang lại ghe, thuyền của mình. Vì thế, nghề sửa chữa ghe đánh bắt cá cũng bận rộn không kém khi được chủ thuê liên tục.
Thợ sửa chữa ghe, thuyền tại khu vực ấp 2, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).
Hơn chục năm gắn bó với công việc này, ông Nguyễn Ngọc Vỹ (ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) bày tỏ, ghe, thuyền đánh cá được ngư dân coi trọng không khác gì căn nhà của họ. Chúng vừa là phương tiện chính đi lại trên sông nước vừa là "cần câu cơm" nên càng được "chăm sóc" kỹ càng.
Không qua trường lớp, không có bằng cấp, nhưng những người thợ sửa chữa ghe cá như ông Vỹ luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của ngư dân. Với ghe, thuyền còn mới ông chỉ cần sơn phết, dặm vá lại các vị trí phai màu và chỉ mất chưa tới một ngày là hoàn chỉnh. Nhưng có những chiếc lâu năm, lớp vỏ bên ngoài bong tróc có khi mất cả tuần cũng chưa xong.
"Người làm nghề sông nước khi đến sửa chữa quan trọng nhất là thuê cho được thợ vẽ mắt ghe, thuyền. Họ coi đây là linh hồn, bảo vệ tính mạng khi đi lại trên sông. Mà những người làm được việc này chỉ đếm trên đầu ngón tay nên tôi lúc nào cũng đắt khách thuê" - ông Vỹ nói.
Với những người thợ làm nghề sửa máy ghe thì cũng vất vả không kém khi suốt ngày chìm ngập trong mùi dầu, mỡ hôi hám. Ông Huỳnh Văn Bảo (ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc) cho biết, xưởng cơ khí sửa máy ghe, thuyền của gia đình ông những ngày này bước vào giai đoạn bận rộn nhất năm. Hầu như chủ ghe nào cũng đến để "bảo dưỡng" lại máy móc trước khi bước vào mùa khai thác, đánh bắt cá trên lòng hồ Trị An.
"Tôi gắn bó với nghề này đã lâu nên máy ghe loại nào hỏng hóc cũng có thể bắt bệnh, sửa được. Làm dần dần, có uy tín, nhiều ngư dân tìm đến sửa máy, tin tưởng giao cho mình phương tiện gắn liền với sinh mạng của họ. Xung quanh đây, số người mở xưởng sửa chữa cũng không nhiều nên bao năm qua tôi vẫn có thể sống khỏe, gắn bó với nghề" - ông Bảo tâm sự.
Theo Dương Ngọc (Báo Đồng Nai)
Ký túc xá dành cho học sinh vùng sâu Trước tình hình có nhiều học sinh ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đi học khá vất vả vì nhà ở sâu trong rừng và cách xa trường học hàng chục cây số, Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã xây dựng ký túc xá (KTX) Mã Đà nhằm giúp các em đến trường thuận tiện hơn....