Chuyện lạ Đà Nẵng: Người chịu nóng, lắp điều hòa cho lợn
Có máy lạnh ở nhiều vùng quê còn là điều xa xỉ, vậy mà Nguyễn Duy Tuấn (sinh năm 1982) – một nông dân ở Đà Nẵng, đã vay hơn 1,5 tỷ đồng lắp cả hệ thống máy lạnh để nuôi lợn.
Tốt nghiệp đại học về nuôi lợn
Khi nghe Nguyễn Duy Tuấn trình bày ý tưởng mô hình xây chuồng trại khép kín, lắp điều hòa để nuôi lợn, ai cũng can ngăn và bảo: Chuyện không tưởng! Bất chấp, Tuấn vẫn quyết tâm làm, bởi anh cho rằng cách nuôi lợn truyền thống cho năng suất không cao và rủi ro khá lớn, dễ thất bại.
Tuấn kể, anh về nhận công tác Đoàn xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng năm 2005. Tuy nhiên, do mức lương quá bèo bọt, Tuấn quyết định mở trang trại nuôi lợn để tăng nguồn thu nhập.
Năm 2006, anh dốc toàn bộ số tiền tích góp được, vay mượn thêm bạn bè được khoản tiền hơn 170 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 100 con lợn giống. Thức ăn chính để nuôi lợn là cơm thừa, canh cặn và rau củ xin lại từ các hộ gia đình trong thôn.
Anh Tuấn và trang trại muôi lợn bằng máy lạnh khép kín mang lại thu nhập hơn 400 triệu mỗi năm.
“Suốt mấy năm đầu mình lâm vào cảnh thua lỗ vì lợn chết hàng loạt do dịch bệnh, thức ăn không đảm bảo. Chẳng mấy chốc, đàn lợn hơn 100 con của mình chỉ còn lại vài chục con, bán ra không đủ thu hồi vốn. Trắng tay”, Tuấn chua chát.
Năm 2012, Tuấn một mình khăn gói vào các tỉnh phía Nam tìm kiếm các mô hình nuôi lợn tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm. Song, hầu hết mô hình đều không phù hợp với khả năng hiện có của anh do vốn đầu tư quá lớn, lên tới cả triệu đô.
Video đang HOT
Không thể học theo mô hình nuôi công nghiệp từ các tỉnh phía Nam, Tuấn khăn gói về quê. Anh may mắn được một người bạn từ thời phổ thông – hiện đang làm kỹ sư thiết kế xây dựng tại Thái Lan – giới thiệu mô hình nuôi lợn bằng phòng lạnh khép kín đang được áp dụng rất hiệu quả tại Thái.
Nghe bạn tư vấn, Tuấn như bắt được vàng và bắt đầu xây dựng riêng mô hình cho mình. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là vốn đầu tư quá lớn trong khi anh vừa thua lỗ khi rót tiền vào mô hình nuôi cũ. Trăn trở suốt vài tháng trời, cuối cùng Tuấn cũng quyết định vay tiền của người thân để xây dựng mô hình nuôi lợn mới này.
“Mình thông báo ý tưởng mới cho người thân sau đó đặt vấn đề mượn sổ đỏ thế chấp vay vốn. Lúc đầu, mọi người sợ thất bại như lần trước nên còn dè dặt lắm, nhưng thấy mình trình bày ý tưởng và quyết tâm quá nên gia đình và bà con hàng xóm tin nên đồng ý đưa cả gia sản cho mình mượn” – anh nhớ lại
Để huy động nguồn vốn, Tuấn mượn 10 sổ đỏ nhà đất từ người thân đem thế chấp ngân hàng được 2 tỷ đồng. Đầu năm 2013, anh bắt tay vào xây trang trại khép kín và lắp dàn máy lạnh công nghiệp hết 1,5 tỷ đồng, mua 20 con lợn giống từ Mỹ với giá 200 triệu đồng, số tiền còn lại làm vốn mua thức ăn.
Hệ thống trai trại là một mô hình khép kín, lợn được sống ở nhiệt độ thường trực là 29 độ C.
Người có thể chịu nóng, nhưng lợn phải ở máy lạnh
Bước vào trang trại nuôi lợn khá quy mô của Tuấn, điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là chuồng trại rất sạch sẽ, lợn được nuôi trên các sàn bằng bê tông, nhiệt độ luôn được duy trì ở mức 29 độ C.
Tuấn bảo, muốn thành công phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Người có thể chịu nóng, nhưng lợn thì phải ở máy lạnh, nếu không thì sẽ thất bại.
“Giống lợn Mỹ sống ở nhiệt độ cao thường dễ sinh dịch bệnh nên mình phải xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, sử dụng hệ thống máy lạnh công nghiệp. Đối với giống lợn này, nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 25-29 độ C. Khi duy trì nhiệt độ thích hợp, lợn phát triển rất nhanh, tốn ít chi phí và thời gian nuôi hơn” – Tuấn lý giải.
Từ 20 con lợn giống ban đầu, đến nay mô hình chăn nuôi của anh mỗi năm xuất ra từ 300-400 con lợn thịt có trọng lượng từ 1,2 tạ đến 1,4 tạ. Trừ tất cả chi phí, năm 2014 và 2015 thu nhập của Tuấn hơn 400 triệu đồng/năm.
Hiện trong trang trại Tuấn thường trực có hơn 100 con lợn, trong đó gần 20 con giống, số còn lại đủ trọng lượng sẽ xuất chuồng. Lợn xuất chuồng được nhập cho các lò mổ tại Đà Nẵng, các lò mổ này nhiều lần đề nghị anh ký hợp đồng cung cấp song do lượng thịt xuất chuồng chưa nhiều nên các hợp đồng ký kết vẫn còn bỏ ngỏ.
Với mô hình nuôi lợn hiệu quả và mang lại lợi nhuận kinh tế cao, ổn định đã có rất nhiều người dân đến từ các tỉnh thành đến học hỏi. Tháng 6/2015 vừa qua, Tuấn vinh dự được Trung ương Đoàn thanh niên trao tặng bằng khen “Nhà nông trẻ xuất sắc” năm 2014.
Tuấn cho biết đang vay vốn, làm hồ sơ xin cấp đất để xây dựng thêm trang trại nuôi lợn theo mô hình Mỹ. Dự tính, trang trại này sẽ được xây dựng trên diện tích 5ha tại xã Hòa Khương, với số vốn đầu tư lên đến 20 tỷ đồng. “Việc mở thêm trang trại nuôi quy mô lớn sẽ cung cấp thịt lợn sạch ra thị trường. Đây cũng là địa chỉ cung cấp giống, kiến thức nuôi cho người dân. Tôi hy vọng mỗi năm lãi ít nhất cũng hơn 6 tỷ”, Tuấn chia sẻ.
Theo_VietNamNet
Từ bỏ lương 30 triệu về quê thầu đồng hoang nuôi lợn
Đang làm việc cho một doanh nghiệp ở TP.HCM với mức thu nhập ổn định 25 - 30 triệu đồng/tháng, kỹ sư Võ Ngọc Sơn (SN 1978), quê Duy Tân, Duy Xuyên (Quảng Nam) lại bỏ ngang để về quê làm trang trại, chăn nuôi trên mảnh đất bỏ hoang...
Kỹ sư Báchkhoa về làm nông dân
Trang trại chăn nuôi của Võ Ngọc Sơn ở thôn Phú Nhuận, xã Duy Tân. Khi chúng tôi đến, Sơn vừa từ trại nuôi gà vào đón khách, quần áo lấm lem, đi chân đất. Sơn kể, tháng 6.2001, anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM.
10 năm sau đó, Sơn bám trụ lại thành phố, cuộc sống không giàu nhưng chi tiêu khá thoải mái với mức lương kỹ sư xây dựng 25-30 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2013, Sơn về quê xã Duy Tân. Khi đi ngang qua cánh đồng hoang vắng thuộc thôn Phú Nhuận, thấy đất đai rộng lớn nhưng lại bỏ hoang, Sơn nghĩ "với diện tích đất bỏ hoang rộng như vậy (chừng gần 10 ha), chỉ có đầu tư chăn nuôi là thích hợp".
Võ Ngọc Sơn "bén duyên" với nghề chăn nuôi và cũng nhờ nghề này mà mỗi năm trang trại của Sơn thu lãi gần 2 tỷ đồng.
Trong thời gian ở quê nhà, Sơn mạnh dạn lên gặp lãnh đạo huyện Duy Xuyên trình bày ý tưởng xây dựng trang trại chăn nuôi trên diện tích đất bỏ hoang của xã Duy Tân. Nghe Sơn nói xong, lãnh đạo huyện đồng ý ngay và tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh có được mặt bằng. Sau khi nhận được đất, Sơn kêu gọi thêm một số anh em trong nhà góp vốn thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Duy Đại Sơn và anh trực tiếp làm giám đốc.
Sơn bỏ vốn đầu tư cải tạo đất hoang và xây dựng trang trại nuôi gà đẻ trứng. "Mọi việc không dễ dàng, nhất là với một người vừa chân ướt, chân ráo bước vào nghề nông như mình. Tôi đầu tư nuôi 2.000 gà đẻ trứng. Nhưng ban đầu, trứng gà tiêu thụ khó, giá lại thấp nên thu không bù chi, lỗ liên tục. Đó cũng là bài học đầu tiên khi mình làm nông dân..."- Sơn tâm sự.
Không nản chí, Sơn bàn với anh em trong HTX tiếp tục vay thêm tiền tiếp tục nuôi gà và đầu tư nuôi thêm heo. Sơn xây chuồng trại nuôi 300 heo thịt. Kết quả thật mỹ mãn, lứa heo đầu tiên có lãi. Chăn nuôi gà cũng phát triển theo hướng đi lên.
Hiện nay, quy mô đàn gà đẻ trứng của HTX Nông nghiệp Duy Đại Sơn tăng lên hơn 12.000 con. Ngoài ra, thời điểm nào trong năm, Sơn cũng duy trì trên 100 heo nái đẻ và đàn heo thịt hơn 2.000 con gối lứa. Với 12.000 gà đẻ, mỗi ngày Sơn thu được 11.000 quả trứng. Bình quân, mỗi năm HTX bán ra thị trường 250 tấn trứng.
Với giá trứng bán sỉ bình quân từ 30 - 32 ngàn đồng/kg như hiện nay, mỗi năm Sơn thu về trên 7 tỷ đồng. Về chăn nuôi heo, bình quân mỗi năm HTX của Sơn xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa 100 tấn heo thịt, với giá heo hơi dao động 43-45 ngàn đồng/kg, thu về trên 9 tỷ đồng.
"HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động người địa phương. Lao động được bố trí cơm ăn ngày 3 bữa, lương 4-5 triệu người/tháng. Trong 2 năm gần đây, mỗi năm doanh thu của HTX đạt hơn 16 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng. Các khoản nợ vay đầu tư HTX trả sắp xong"- Sơn chia sẻ.
Ngoài đàn gà đẻ, heo nái, heo thịt, HTX còn đầu tư nuôi 30 con trâu, đào ao thả 200. 000 cá trê. Sơn cũng đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng 1 trại chăn nuôi heo hiện đại quy mô 6.000 con tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc. Dự định trong tương lai của Sơn sẽ là xây dựng xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ. Khi chia tay, Sơn nói vui: "Nghề xây dựng coi như đã quên rồi, giờ em là nông dân và là một kỹ sư chăn nuôi thực thụ".
Theo Dân Việt
Nhà vệ sinh chợ Bến Thành sẽ gắn máy lạnh, máy nghe nhạc Nhà vệ sinh chợ Bến Thành sẽ được lắp máy lạnh và thiết bị nghe nhạc; các bảng thông tin, nội quy... đều sử dụng song ngữ, trước ngày 1/10. Nhằm phục vụ tốt hơn cho tiểu thương và du khách đến tham quan chợ Bến Thành, UBND quận 1 (TPHCM) vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty Dịch vụ Công ích...